Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thị thành ký

Người “cưu mang” bồ câu

Hồng Lĩnh: Thứ ba 19/03/2024, 19:42 (GMT+7)

Ở TP. Hồ Chí Minh, bồ câu hiện diện trong công viên, quảng trường, giữa các hàng cây, khu vực xung quanh các công trình kiến trúc nổi tiếng như Nhà thờ Đức Bà, Hội trường Thống Nhất, Nhà hát Thành phố. Những cánh chim yên bình như một phần linh hồn của TP này.

Bên hông Nhà thờ Đức Bà, hình ảnh lũ trẻ nhỏ tít tít quanh những chú chim bồ câu đang sà xuống mổ thóc đã trở nên quen thuộc.

Chị Nguyễn Quang Thanh tay cầm chiếc hộp thiếc, gõ gõ, vui tai. Chim cứ thế bay về, dạn dĩ chơi với trẻ em và cả người ngồi uống cà phê bệt kế bên: 

“Tôi chăm sóc đàn bồ câu ở Nhà thờ Đức Bà được hơn 15 năm rồi. Nuôi riết thành quen rồi. Nhìn mặt nó là biết có bệnh hay không rồi. Bệnh thì bồ câu nhìn buồn lắm, lúc đó mình phải mua thuốc cho nó uống”.

Chị Thanh đã “cưu mang” bồ câu từ năm 1996

Chị Thanh đã “cưu mang” bồ câu từ năm 1996

Chị lo bồ câu bệnh nên 365 ngày trong năm, rất hiếm hoi chị vắng mặt. Chị Thanh mở quán bán nước ở đây từ năm 1996, thấy bồ câu về thấp thoáng, chị mang thóc, hạt cho chim ăn. Làm vậy riết, mỗi ngày chim tề tựu về càng nhiều.

Một năm, hai năm, rồi thấm thoắt nay cũng 16 năm rồi. Nhưng không chỉ cho chim ăn, chị còn như một “bác sĩ”. Mỗi lần thấy chú chim nào gãy cánh, chị băng bó, cho chúng ăn, chăm sóc chúng như con.

Tùy theo mùa, hoặc phát hiện chúng bị bệnh mà chị pha sẵn thuốc vào trong nước để kịp thời chữa trị cho chúng: 

“Chăm sóc nó cực hơn chăm con đó. Lúc đầu nó có ít, rồi tự nhiên không có ai cho ăn thấy tội nghiệp rồi ở đây tôi mới cho ăn. Đàn bồ câu này giờ khoảng 700 con. Giống thì có bồ câu sư tử này, bồ câu Nhật này, bồ câu hoả tiễn, bồ câu thơ… Nó thích ăn đậu xanh, lúa, gạo. Mình cho nó ăn riết thành quen. Không có ngày nào nó không xuống hết, trừ bữa mưa. Mưa thì mình tranh thủ. Ví dụ như trong vòng 10-15p hoặc 20p trời tạnh mưa thì mình cho nó ăn”.

Chị Thanh coi những chú bồ câu này như con của mình

Chị Thanh coi những chú bồ câu này như con của mình

Chị Thanh chia sẻ, những hôm mưa gió, hoặc gặp mấy người hay đuổi phá, bắt chơi, bồ câu rụng lông rụng cánh từa lưa, chị phải ngó chừng. Nhiều khi bỏ cả quầy nước. Chăm cực là vậy, nhưng thương không bỏ được.

“Chăm sóc nó cực hơn chăm con đó. Nhất là trời mưa gió này nọ rồi gặp mấy người hay đuổi phá, mình phải lại mình nói người ta. Có người người ta bắt chơi, rụng lông rụng cánh này nọ, từa lưa hết trơn. Thành ra phải ngó chừng nó. Nó không xuống thì thôi chứ xuống thì phải ngó chừng nó liên tục. Sợ mình không ngó nó thì người ta bắt mất. Thành ra chăm nó cực”.

10 giờ 30 phút, đàn bồ câu ùa xuống theo âm thanh của tiếng hộp đựng thóc, rộn ràng cả một góc phố. Nhiều khi chưa cần gọi, bồ câu đã quen giờ đợi sẵn.

Chị nói, chỉ cần ít đi vài con, là chị đã thấy buồn: Nhiều khi có công chuyện, chị cũng không dám gửi nhờ ai trông giúp. Vì cũng chẳng ai bỏ nguyên cả ngày ra ngó giùm.

“Mình ngó nó mỗi ngày, mình biết nó như thế nào. Nó sinh sản rồi nó dẫn con nó ra đây. Con nào nó bắt cặp rồi đến mùa nó đẻ thì mình bẻ mấy cái cây rồi mình cho nó để nó tha đi. Trộm bắt thì mình la mình không cho bắt. Mình phải thương nó dữ lắm mới có thời gian chăm nó như vậy.

Cái này là mình chăm hoài, mình cũng không nỡ lòng nào mà mình bỏ nó. Có khi nó bị xe đụng, mình cũng phải ẵm nó đi chăm sóc nó. Không cho nó ăn cơm nguội, cho nó ăn rồi nó bệnh mình chăm nó còn cực hơn”, chị Thanh tâm sự.

Đàn bồ câu rộn ràng cả một góc phố

Đàn bồ câu rộn ràng cả một góc phố

Mỗi ngày chị Thanh đều bỏ tiền túi ra hơn 100 ngàn để mua lúa và đậu xanh cho bồ câu ăn. Nhiều người bảo chị “rảnh” quá, người thì nói chị “khùng”, cơm nhà ăn không đủ, còn nuôi cả đàn bồ câu.

Nhưng chị mỉm cười đầy tự hào: “Không có buồn, ngó người ta nói thì mình sống sao cho vừa miệng người ta. Thành ra ai nói gì thì nói, mình cảm thấy mình làm việc đó được là được rồi. Mình chỉ cảm thấy mình gầy được bầy này là mình cũng vui thôi. Mình chỉ là một cái gì đó nhỏ nhoi trong xã hội thôi chứ không có gì lớn lao hết, có điều mình chăm đàn bồ câu này được vậy là mình vui rồi…”

Hồng Lĩnh/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn