Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Hà Nội sống và yêu: Ngôi làng "giữ hồn" Cờ Tổ quốc

Thùy Linh - Ngọc Tiến: Thứ bảy 31/08/2024, 15:33 (GMT+7)

Hơn 70 năm qua, người dân làng Từ Vân, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội vẫn gìn giữ truyền thống may cờ Tổ quốc, tạo nên một nét đẹp độc đáo, tràn đầy niềm tự hào, tự tôn dân tộc.

Đi cùng năm tháng, nghề thêu và may cờ Tổ quốc ở làng Từ Vân (huyện Thường Tín) vẫn được duy trì. Qua biến thiên thời gian, những người thợ vẫn từng ngày “thổi hồn” vào từng sản phẩm với lòng yêu nghề và niềm tự hào…

BÊN DÒNG THỜI GIAN

79 năm trước, trong rừng cờ hoa tại quảng trường Ba Đình – nơi Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập có những lá cờ do người dân làng Từ Vân, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội may. Từ đó đến nay, hàng triệu lá cờ được may từ ngôi làng này đã đến với mọi miền tổ quốc…

Làng Từ Vân, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội lâu nay đã rất nổi tiếng với nghề dệt và thêu. Sau cuộc khởi nghĩa lịch sử tháng Tám năm 1945, các nghệ nhân trong làng đã mang về nghề thêu và may cờ truyền lại cho con cháu. Từ đó làng Từ Vân trở nên quen thuộc với cái tên “làng nghề may cờ tổ quốc” như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Kỳ - thôn Từ Vân, xã Lê Lợi:

"Chúng tôi là lớp trẻ được nghe các cụ làm cờ và để lại. Làng Từ Vân làm cờ từ những năm chưa giải phóng. Các cụ nói là khi có việc cấp trên nhờ đến thì làm lá cờ thì màu đỏ có vải rồi, còn màu vàng thì các cụ giã củ nghệ ra rồi vắt nhuộm, chắp ghép lại với nhau thành ngôi sao vàng. Thế cho nên khi sản xuất lá cờ hồi đó hoàn toàn là thêu tay, to bé là do các cụ định. Có một nguyên tắc rất cơ bản là ngôi sao vàng phải ở giữa".

Ảnh: Tổ Quốc

Ảnh: Tổ Quốc

Duy trì nghề truyền thống của cha ông để lại, anh Đặng Hồng Hưởng đã gắn bó với nghề làm cờ Tổ quốc hơn 30 năm. Hiện nay nhiều người đã sử dụng máy để thêu sao vàng năm cánh trên cờ nhưn gia đình anh vẫn cần mẫn thêu thủ công đáp ứng những đơn hàng yêu cầu cao, đòi hỏi độ tinh xảo của lá cờ:

"Tôi được truyền lại từ ông ngoại tôi. Ông ngoại tôi ngày trước ở hợp tác xã của TP Hà Nội. Sau ông về quê làm nên ông truyền cho nghề. Ngày trước làm thủ công không có công nghệ gì là phải cắt bằng giấy vàng xong cho thợ thêu. Trước đó phải bôi hồ thì có lúc nó rách hết giấy. Rách giấy thì thợ thêu lại dán lại thì sẽ lệch lạc. Bây giờ chuyển sang công nghệ in ấn rồi mới thêu thì độ chính xác gần như 100%".

Để làm ra một lá cờ Tổ quốc phải trải qua khoảng 10 công đoạn. Anh Hưởng chia sẻ: Từ yêu cầu về kích thước lá cờ, người thợ tiến hành làm khung có hình sao phù hợp với lá cờ để in lên nền vải đỏ. Vải dùng để làm cờ phải chọn loại vải bóng có độ dai, không nhăn. Cờ Tổ quốc dù to hay nhỏ thì giữa chiều dài chiều rộng, giữa kích thước của ngôi sao so với kích thước của lá cờ đều phải tuân thủ theo một tỷ lệ quy ước:

"Vải quan trọng nhất là màu phải tươi, độ dày. Vải dày thì thêu nên nó vừa bóng vừa đẹp. Cái chỉ phải mua ở các cơ sở nhuộm phải đạt tiêu chuẩn của mình, vừa bóng vừa mềm cho thợ dễ làm. Chỉ mà không bóng thêu lên hay lỗi, xơ chỉ, nhìn mặt sao tổ quốc là sẽ không được đẹp.

Bất kể cờ thêu hay may đều theo một tỉ lệ. Ví dụ như một chiều là 1 mét, chiều kia là 1 mét rưỡi; chiều kia là 1 mét 2 thì chiều còn lại là 1 mét 8. Để tính ra tỉ lệ 1 ngôi sao thì chiều dài chia làm 5, VD chiều 1 mét rưỡi chia làm 5 thì sẽ tính ra được 1 cánh sao là 30 phân. 30 phân thì mình tính là từ tâm của sao ra đầu cánh sao là 30 phân".

Ảnh: VTCNews

Ảnh: VTCNews

Khó nhất khi làm cờ Tổ quốc là xác định vị trí khi đặt ngôi sao. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải đo đạc chính xác kỹ lưỡng trước khi đặt in ngôi sao lên hình của vải đỏ. Khi sơn in ngôi sao khô là có thể chuyển sang công đoạn thêu – công đoạn mất nhiều thời gian nhất để làm ra lá cờ Tổ quốc.

Khung thêu phải lắp chắc chắn. Căng vải phải đảm bảo đủ độ không bị trùng. Thêu cờ tuy không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng người thợ thêu phải thực sự khéo léo tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ như chia sẻ của những người thợ thêu trong làng:

"Chúng tôi học là phải chống tay kim cho nó vững, không thì nó liêu xiêu lẹo kẹo nó lệch đường chỉ. Phải chống đúng thì mới dễ làm".

"Tôi thêu được 30 năm rồi. truyền lại từ bố tôi để lại là phải thêu cho đẹp ngắn mũi cẩn thận, cân đối 5 cánh. Cờ Tổ quốc đấy".

"Để đạt được tiêu chuẩn thì chỉ không được xơ, thêu xong thì chỉ phải giữ nguyên được độ mới khi thêu trên mặt sao. Có những người có thể có mồ hôi ra tay, hoặc thêu lên người ta căng khung quá thì rút sợi chỉ lên sẽ xơ chỉ. Người ta căng khung vừa phải thôi. Thợ phải có con mắt có kỹ thuật để thêu lên lá cờ cho đẹp".

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, tình yêu tổ quốc lòng tự hào dân tộc vẫn ngày càng được nhân lên, hoà vào từng đường kim mũi chỉ của người dân làng Từ Vân. Động lực cho họ tiếp tục gìn giữ nghề truyền thống đơn giản chính là niềm tự hào khi đã dệt nên một phần linh hồn của dân tộc:

"Lá cờ của chính mình làm được treo ở các điểm ling thiêng đó thì mình cũng tự hào vì mình đã sản xuất ra những sản phẩm đó".

"Tôi cũng truyền lại cho con gái tôi để thêu những lá cờ này phục vụ cho đất nước các ngày lễ lớn".

"Màu cờ sắc áo, linh hồn của Tổ quốc là lá cờ tổ quốc, cờ đỏ sao vàng. Chúng tôi là người sản xuất ra nó. Khi đến ngày lễ thì chúng ta sử dụng. Đi trên một rừng cờ thì người làm ra lá cờ đó rất hạnh phúc".

Ảnh: NewSun

Ảnh: NewSun

SỐNG Ở HÀ NỘI

Từ lâu, phở đã trở thành thức quà phổ biến trong đời sống hàng ngày của người Việt từ Bắc vào Nam. Phở có hai loại là phở gà, và phở bò. Bài viết của Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến sẽ kể với chúng ta những câu chuyện ít ai biết về phở.

Phở bò phong phú hơn gồm: phở bò chín, tái, gân, nạm, gầu, xào lăn, sốt vang. Khoảng hai chục năm nay, phở xuất hiện ở một số  quốc gia trên thế giới. Phở còn hiện diện trong Từ điển Oxford giản lược của nước Anh. Mới đây, cùng với phở Nam Định, phở Hà Nội được Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch vinh danh “Văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Ở Hà Nội, phở là thức quà bình dân, ai cũng có thể ăn được và ăn bất cứ thời điểm nào trong ngày. Phở  đã trở thành đề tài của văn chương. Trong cuốn “Hà Nội 36 phố phường”, nhà văn Thạch Lam đã viết về món quà nay và ông kết luận “Phở là thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không chỉ riêng Hà Nội mới có nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon”.

Trong “Miếng ngon Hà Nội”, nhà văn Vũ Bằng có trang viết xuất sắc về phở. Nhà văn Nguyễn Tuân có “Tùy bút phỏ”, ông gọi phở là quốc  hồn quốc  túy. Nhưng người đầu tiên viết về  phở lại là nhà thơ Tú Mỡ, năm 1934 ông đã đăng bài thơ trên báo Phong Hóa có tên là “Phở đức tụng”. Lần đầu tiên một món ăn được ca ngợi bằng thơ. 

Cuối năm 1946. Thực dân Pháp tái chiếm Hà Nội, người dân  phải tản cư về vùng tự do để tránh chiến  sự. Để sinh sống nhiều gia đình  đã mở quán bán cà phê, nhất là phở. Giai đoạn này nhà thơ  Tú Mỡ đã tham gia kháng chiến, trong một chuyến công tác, nhà thơ và cộng sự đến một  thị trấn, ông  ngửi thấy  mùi thơm ngào ngạt của phở.

Ảnh: Báo Nhân dân

Ảnh: Báo Nhân dân

Dù túi không có tiền nhưng hai người vẫn hiên ngang vào quán. Ông nói với chủ quán rằng  sẽ làm một  bài thơ về phở, nếu thấy hay thì chỉ cần đổi  hai bát phở tái. Chủ quán đồng ý. Lúc này ông chỉ việc lấy giấy bút chép ra bài thơ đã làm từ 13 năm trước.

Đọc xong, chủ quán thấy bái thơ rất hay liền cảm ơn tác giả và mời hai vị khách ăn bao nhiêu thì tùy bụng. Và ông và cộng sự mỗi người chén  hai bát. Chiến tranh lan rộng, các  chợ quê  không phải ngày nào cũng bán thịt bò  nên nhiều quán đã thay thịt bò bằng thịt gà.

Dĩ nhiên thực khách phải chấp nhận song họ cũng cảm nhận phở gà có vị ngon riêng của nó. Nước phở ngọt nhờ xương bò,  lợn ninh dừ nhưng có lúc  cũng thiếu vì thế các quán thay bằng mì  chính, vị ngọt của mì chính đã đánh lừa cái lưỡi của khách.

Từ đó cho một chút mì chính vào bát phở dần trở thành thói quen và  thói quen đó duy trì ở các quán phở miền Bắc cho đến hôm nay.

Trong thập niên 60 thế kỷ 20, việc giết bò bị cấm vì bò là  sức kéo quan trọng cho sản xuất nông nghiệp,  nhưng bằng cách nào đó các quán phở tư nhân vẫn có phở  bò. Thời gian này, ngoài phở tư nhân đâu đâu cũng có cửa hàng ăn uống quốc  doanh. Các cửa hàng này bán phở  gà, phở bò, có thời điểm không được cung cấp thịt họ bán phở suông người dân gọi là “phở không người lái”.

Suốt thời kỳ bao cấp, tiêu chuẩn thực phẩm, lương thực tùy  là cán bộ hay nhân dân chỉ được cung cấp theo định lượng nên cuộc sống  thiếu thốn, kham khổ. Các gia đình tích lũy tem phiếu để thỉnh thoảng cải thiện, và thường là làm bún chả hay phở. 

Bây giờ hiếm ai ăn được hai bát phở nhưng khi đó, trẻ con cũng xơi hai bát là bình thường.

Ảnh: Báo Thanh niên

Ảnh: Báo Thanh niên

TIN YÊU

- Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trong dịp lễ Quốc khánh 2-9 năm nay, có gần 20 sự kiện nổi bật được tổ chức trên địa bàn thành phố Hà Nội. Một số sự kiện nổi bật là: sự kiện "Áo dài kết nối du lịch với Di sản Hà Nội" năm 2024 diễn ra từ 5h30 - 9h ngày 1/9; triển lãm "Nghiên bút còn thơm" tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám từ ngày 31-8 đến ngày 25-9-2024; Chương trình "Vui tết độc lập" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, thị xã Sơn Tây,…

- Dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Festival Thu Hà Nội sẽ chính thức diễn ra từ ngày 12 -15/9 với chủ đề 'Thu Hà Nội - Mùa thu lịch sử'. Các không gian "Hà Nội 12 mùa hoa", "Hương sắc Hà Nội" và quảng bá sản phẩm làng nghề sẽ tạo nên bức tranh sinh động về văn hóa ẩm thực và nghệ thuật thủ công mỹ nghệ của Hà Nội.

- Khoảng 70 nhà thiết kế đến từ 3 miền Bắc - Trung - Nam quy tụ, trình diễn những bộ sưu tập áo dài mới, mang đậm dấu ấn dân tộc trong Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội năm 2024 từ ngày 4-6/10/2024. Sự kiện nằm trong chuỗi những hoạt động kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô.

- Hà Nội sẽ trình diễn ánh sáng bằng drone dịp 10 tháng 10. Chương trình được tổ chức vào 20 giờ ngày 10/10/2024 tại sân vận động Quốc gia Mỹ Đình với quy mô dự kiến khoảng 25.000 người, với chủ đề “Hà Nội - Thành phố Hòa bình - Thành phố Rồng bay”.

- Mới đây, UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã cho ra mắt ứng dụng Ẩm thực Hoàn Kiếm. Đây là địa phương đầu tiên của Hà Nội xây dựng một ứng dụng chuyên biệt để quảng bá tinh hoa văn hóa ẩm thực với kỳ vọng góp phần đưa ẩm thực Hà Nội nói chung và ẩm thực phố cổ nói riêng đến gần hơn với du khách.

Thùy Linh - Ngọc Tiến/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn