Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Ngập tại các đô thị, lỗi đâu chỉ biến đổi khí hậu

Trọng Nghĩa: Thứ sáu 20/09/2024, 11:11 (GMT+7)

Vấn đề ngập lụt tại các đô thị như TP.HCM, Hà Nội ngày càng có những diễn biến phức tạp. Tình trạng ngập không chỉ xảy ra trong mùa mưa mà còn kéo dài đến mùa khô, khiến cho việc đi lại và sinh hoạt của người dân trở nên cực kỳ khó khăn.

Vấn đề không chỉ do khánh quan, ảnh hưởng của môi trường khí hậu mà còn do chủ quan từ việc đô thị hóa nhanh chóng, việc xây dựng không theo quy hoạch và tình trạng lấn chiếm, san lấp sông, kênh, rạch.

Bên cạnh những dự án thực hiện dở dang như “công trình chống ngập 10 000 tỷ” vẫn chưa biết ngày hoàn thành thì TP.HCM có những giải pháp căn cơ nào trước thực trạng này? 

Người dân phải đối mặt với tình trạng ngập úng do mưa lớn và triều cường dâng cao.

Người dân phải đối mặt với tình trạng ngập úng do mưa lớn và triều cường dâng cao.

Có mặt tại quận Bình Tân, sau một trận mưa lớn cả một khu vực bao gồm các tuyến đường như Lê Cơ, Đường số 2, Đường số 2A (phường An Lạc) bị chìm sâu trong nước. "Bất lực" nhìn dòng nước dâng mỗi khi mùa mưa đến là nỗi lòng mà người dân ở khu vực này phải chịu đựng trong suốt nhiều năm qua.

"Tối hôm qua là mưa ngập hết khu này, nước tràn hết vào nhà bây giờ giày dép, đồ đạc trôi hết, đường xá ngập nước như vậy thì sao người ta đi làm được".

"Chỗ mình nước ngập lên tới sân trên đây, trời mưa thì xe hơi nó chạy ngang, nước nó ào vô nhà, rác với bụi nó đóng đen sàn hết trơn luôn".

“Bây giờ mỗi khi mưa là như một cái ao luôn, xung quanh họ xây hết rồi thành ra nơi này giờ trở thành cái vũng, mình nhà cao còn đỡ chứ nhiều nhà thấp nó cũng khổ.”

Trong khi đó, tại Tp Thủ Đức, các tuyến đường như Võ Văn Ngân, Tô Ngọc Vân, Dương Văn Cam,… bị xem như "rốn ngập" khi người dân liên tục chịu cảnh bì bõm sau những trận mưa. Có khi nước ngập gần nửa bánh xe ôtô, nhiều người dân phải dựng xe máy lên vỉa hè chờ nước rút bớt rồi mới di chuyển tiếp để bảo đảm an toàn.

Anh Phạm Hoàng Ân (ngụ tại Tp Thủ Đức) chia sẻ: “Hôm qua, mưa cũng đâu có lớn đâu, nhưng bây giờ cứ tới cơn mưa là đường phố nó ngập lắm. Rất mong các cấp chính quyền sửa sang lại đường phố cho tươm tất để mọi người di chuyển được an toàn.”

Ngoài những tuyến đường ngập do mưa, nhiều tuyến đường khác ở quận 4 và quận 7 cũng thường xuyên bị ngập do ảnh hưởng của triều cường như: Trần Xuân Soạn, Đào Sư Tích, Lê Văn Lương…

Theo ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng dự báo khí tượng thủy văn, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, thời điểm tháng 9 tháng 10 là cao điểm mùa mưa kết hợp với triều cường nên rất dễ xảy ra tình trạng ngập úng nếu không ứng phó kịp thời:

"Người dân hết sức lưu ý TP.HCM sẽ xuất hiện những trận mưa to trong thời gian ngắn, nhất vào thời điểm tháng 9 tháng 10 là thời điểm TP.HCM kết hợp những ngày triều cường cao thì rất dễ gây ra tình trạng ngập lụt", ông Quyết cho biết.

HIện TP.HCM vẫn còn tồn tại 26 điểm ngập do tác động của mưa lớn và triều cường trên tổng số 735 tuyến đường trục chính.

HIện TP.HCM vẫn còn tồn tại 26 điểm ngập do tác động của mưa lớn và triều cường trên tổng số 735 tuyến đường trục chính.

Theo Sở Xây Dựng TPHCM, trên địa bàn vẫn còn tồn tại 26 điểm ngập do tác động của mưa lớn và triều cường trên tổng số 735 tuyến đường trục chính. Trước thực trạng trên, thành phố đã và đang triển khai song song nhiều giải pháp đồng bộ để giải quyết tình trạng ngập như xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước, nạo vét, chỉnh trang khơi thông các trục tiêu thoát nước trên địa bàn. Thực tế một số giải pháp đã mang lại hiệu quả đặc biệt ở khu vực nội thành.

Ông Đỗ Tấn Long -  Phó giám đốc quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở xây dựng TP.HCM cho biết: "Công tác chống ngập của chúng ta đã thực hiện nhiều năm qua và đã có rất nhiều dự án đã hoàn thành. Khu vực trung tâm thành phố đã cơ bản hoàn thành. Các điểm ngập hiện nay chủ yếu tập trung tại quận Gò Vấp và chúng ta cũng đang thực hiện các dự án.

Theo kế hoạch, các dự án này triển khai và sẽ sớm hoàn thành trong năm 2025. Trong khi chờ các dự án hoàn thành, chúng ta sẽ thực hiện các giải pháp cấp bách như chống triều thì xây dựng đường tạm. lắp đặt bơm hoặc là đấu nối hệ thống thoát nước cho những vị trí khu dân cư mới".

Bên cạnh những công trình chống ngập đã được triển khai hiệu quả, góp phần giải quyết tình trạng ngập tại khu vực nội thành thì vẫn còn đó những công trình ì ạch trong suốt thời gian dài. Có thể điểm qua vài công trình như dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng được khởi công từ năm 2016 với mục tiêu giải quyết vấn đề ngập lụt cho thành phố, đã gặp phải nhiều trở ngại và dù đã hoàn thành hơn 90% công việc, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề pháp lý và tài chính cần được giải quyết.

Tương tự, dự án bờ tả sông Sài Gòn, vệ sinh môi trường nước giai đoạn 2 với mục tiêu xóa ngập cho "khu nhà giàu" Thảo Điền (TP.Thủ Đức) đã triển khai suốt nhiều năm qua chưa thể về đích.

Theo Luật sư Đoàn Văn Hậu cho rằng, một phần lỗi do việc không theo dõi, giám sát chặc chẽ tiến độ thi công của các dự án đã dẫn đến việc nhiều công trình vẫn chưa biết ngày hoàn thành: “Lỗi này một phần cũng do UBND TP.HCM trong việc quản lý, giám sát công trình này chúng ta cũng đã có những cái không theo sát đối với những công trình này”.

Dưới góc nhìn của PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Bảo vệ Môi trường Việt Nam cho rằng, việc quy hoạch đô thị, gồm các công trình như đường sá, nhà cửa, bê-tông hoá không kèm theo các tính toán ngăn ngập nước thì việc chống ngập luôn chạy theo các dự án trên. Và không khéo, ngập chỉ chạy từ điểm này sang điểm khác.

"Có những cái chúng ta đang đi đúng hướng nhưng có những cái chúng ta làm không theo quy hoạch ví dụ như TP.HCM đất không có nền nên không phải muốn nâng bao nhiêu thì nâng dẫn đến việc là chúng ta thấy chỗ nào ngập thì đắp cao lên dẫn đến việc nước dồn về chỗ trũng, chỗ này cao thì nước chảy đi chỗ khác".

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, bên cạnh việc đô thị hóa không đồng bộ với các giải pháp chống ngập thì việc nhiều sông ngòi kênh rạch tự nhiên bị lấn, lấp để xây nhà cửa, đô thị làm hẹp đi không gian thoát nước tự nhiên là nguyên nhân trực tiếp gây ngập. Để chống ngập bền vững, thành phố cần nhất quán trong việc quy hoạch cũng như cấp phép các dự án đô thị, nhất là đô thị ven sông, kênh, rạch bởi cuối cùng, việc thoát nước sẽ không đạt hiệu quả tốt nếu hệ thống sông ngòi, kênh rạch bị lấn, lấp.

“Mấy chục năm nay TP.HCM lấp kênh để làm cống hợp nhưng cống hợp không bao giờ thay thế được kênh. Kênh không những lượng nước chứa rất lớn mà nước còn có thể đưa xuống nước ngầm thì đó là một trữ lượng nước rất lớn", kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói.

Tuyến đường Chu Văn An (Quận Bình Thạnh) một trong những 'điểm đen' về tình trạng ngập úng.

Tuyến đường Chu Văn An (Quận Bình Thạnh) một trong những "điểm đen" về tình trạng ngập úng.

Có hơn 20 năm nghiên cứu, tham gia các dự án chống ngập ở TP.HCM, PGS-TS Hồ Long Phi, nguyên Viện trưởng Viện Nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, các công trình chống ngập đối với TpHCM cũng như các thành phố lớn khác trên cả nước là rất cần thiết thế nhưng theo ông không bao giờ là đủ trước những yếu tố biến đổi cực đoan của thời tiết hiện nay.

Ông cho rằng, về lâu dài thành phố cần có những giải pháp giảm thiểu thiệt hại do ngập bằng các giải pháp quy hoạch tích hợp: “Không bao giờ có thể chống ngập 100% trong điều kiện bất định rất cao, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Chúng ta đã thấy những nước rất giàu họ đầu tư rất nhiều và rất mạnh thế nhưng họ vẫn bị ngập và chúng ta phải rút kinh nghiệm từ chuyện đó. Và cũng không có nghĩa là chúng ta cực đoan với công trình chống ngập vì nó là cách rẻ nhất và nhanh nhất. Về lâu dài chúng ta cần có chiến lực bền vững về lâu dài là giảm thiểu thiệt hại do ngập bằng nhiều biện pháp chứ không phải là chỉ chống ngập”.

Với một đô thị như TP.HCM, việc giải quyết tình trạng ngập úng cần phải có chiến lược, tầm nhìn bền vững. Thành phố cũng cần đánh giá lại hiệu quả các dự án chống ngập đã thực hiện thời gian qua với mặt được và chưa được, vừa rút kinh nghiệm cho các dự án sau, vừa kiểm soát kết quả thực hiện. Đồng thời tăng cường sự hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các đô thị khác trên thế giới. Chỉ có như vậy, thành phố mới có thể giảm thiểu tác động của ngập lụt và hướng tới một tương lai bền vững hơn cho người dân và cộng đồng.

Liên quan đến chủ đề này, góc nhìn của VOV Giao thông qua bài bình luận: “Lời giải nào cho bài toán ngập lụt đô thị?”.

TP.HCM nói riêng và các đô thị khác nói chung đã và đang phải đối mặt với một thách thức không hề nhỏ: Bài toán ngập lụt đô thị. Thực trạng ngập úng tại các tuyến đường trên địa bàn thành phố không chỉ làm đảo lộn cuộc sống hàng ngày của người dân mà còn là một thách thức lớn cho cả hệ thống hạ tầng và quản lý đô thị. Vậy, giải pháp căn cơ và lâu dài cho vấn đề này là gì?

Thực tế TP.HCM đã bắt đầu “tuyên chiến” với tình trạng ngập lụt hơn 10 năm qua. Nhiều giải pháp đã được triển khai từ việc đầu tư vào các nhà máy xử lý nước thải, cải tạo hệ thống thoát nước, đến việc vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch.

Mới đây nhất, dự án như Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng đã đi vào hoạt động giai đoạn 2 hay Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát, và Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa đã và đang được triển khai để tăng cường khả năng xử lý nước thải của thành phố. Tuy nhiên, sau ngần ấy thời gian đầu tư tiền của và công sức, tình trạng ngập lụt ở TP.HCM nhìn chung vẫn chưa có chuyển biến gì đáng kể khi vẫn còn 26 điểm ngập do tác động của mưa lớn và triều cường.

Rõ ràng việc chấm dứt tình trạng “cứ mưa lớn là ngập úng” không thể giải quyết ngày một ngày hai mà cần có thời gian, lộ trình thực hiện và thể chế hóa với sự vào cuộc của cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh các giải pháp trước mắt như cải tạo hệ thống thoát nước, sớm gỡ vướng và hoàn thành các công trình chống ngập còn đang dang dở thì thành phố cần có những giải pháp đồng bộ và lâu dài hơn. Từ việc nâng cao chất lượng tổ chức lập quy hoạch đô thị trong đó nội dung cao độ nền và thoát nước cần được chú trọng, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong dự báo ngập.

Đồng thời, việc nạo vét, xây dựng và cải tạo hệ thống thoát nước, cũng như việc nghiên cứu thay đổi quy trình vận hành các trạm bơm và cống kiểm soát triều cũng là những biện pháp quan trọng.

Ngoài ra việc "dành chỗ cho nước" cũng nên được chú trọng trong việc phát triển đô thị trong thời gian tới. Theo kinh nghiệm của Hà Lan, xây dựng đô thị có chủ động “dành chỗ cho nước” là giải pháp chống ngập có hiệu quả nhất.

Thay vì xây dựng các rào cản kỹ thuật để chống chọi với nước thì có giải pháp tạo nhiều không gian cho nước thoát, để nước xâm nhập vào các đô thị theo cách có thể kiểm soát được. Qua đó, giúp cải thiện khí hậu, cảnh quan, chất lượng nước và đặc biệt là giảm được chi phí xây dựng các công trình ngăn lũ và thoát nước.

Hiện nay, tác động của biến đổi khí hậu đến nước ta nói chung và TP.HCM nói riêng đang đi theo chiều hướng cực đoan dẫn đến mưa nhiều hơn, triều cường ngày càng lên cao và ngập lụt ngày càng nghiêm trọng. Dẫu rằng TP.HCM là một trong những đô thị lớn và phát triển nhanh chóng của Việt Nam thế nhưng đừng mải mê với việc xây dựng, phát triển kinh tế mà quên mất rằng, một thành phố không thể gọi là phát triển nếu cứ mỗi lần trời mưa là "bơi" trong biển nước.

Trọng Nghĩa/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Tìm nhân chứng vụ TNGT khiến người đàn ông tử vong

Hà Nội: Tìm nhân chứng vụ TNGT khiến người đàn ông tử vong

Tai nạn xảy ra vào khoảng 23h30 ngày 12/8, trên đường Trường Chinh, quận Đống Đa, Hà Nội.

Tàu Cát Linh - Hà Đông dừng bất ngờ, mức độ nghiêm trọng ra sao?

Tàu Cát Linh - Hà Đông dừng bất ngờ, mức độ nghiêm trọng ra sao?

Khoảng 19h00 ngày 17/9, một đoàn tàu đang chạy từ Cát Linh về Hà Đông, khi đến ga Phùng Khoang bất ngờ dừng lại, khi còn 5 ga nữa mới đến ga Yên Nghĩa. Vậy, mức độ nghiêm trọng của sự cố này ra sao? Làm thế nào để đảm bảo đảm an toàn cho hành khách đi tàu?

Thoát nước cho cao tốc, trách nhiệm của ai?

Thoát nước cho cao tốc, trách nhiệm của ai?

Như VOV Giao thôn đã thông tin, sau 10 ngày cơn bão số 3 đi qua, tình trạng ngập úng vẫn diễn ra trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, dù mực nước trên các sông liên tục giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của người dân và chất lượng kết cấu công trình.

Hành khách sốc vì tàu điện Cát Linh - Hà Đông dừng đột ngột

Hành khách sốc vì tàu điện Cát Linh - Hà Đông dừng đột ngột

Sự cố dừng tàu Cát Linh tối 17/9 mặc dù được chuyên gia đánh giá là không tới mức nghiêm trọng, không ảnh hưởng an toàn vận hành, nhưng đối với hành khách, sự cố này vẫn khiến nhiều người cảm thấy... hơi sốc.

Đường sắt mở bán vé tàu Tết 2025

Đường sắt mở bán vé tàu Tết 2025

Ngành đường sắt nhận đăng ký mua vé tàu tập thể dịp Tết Ất Tỵ 2025 kể từ hôm nay (19/9) đến 15 giờ ngày 30/9.

Hà Nội: Nguy cơ mất đào, quất sau bão

Hà Nội: Nguy cơ mất đào, quất sau bão

Sau bão Yagi là trận lụt lịch sử khiến nước trên tại sông Hồng lên cao mức báo động 3. Những ngày này, nước đã rút, người dân cũng dần trở lại cuộc sống thường nhật, thế nhưng các vườn đào, vườn quất của Tây Hồ lại gần như hỏng hoàn toàn sau nhiều ngày bị vùi dưới lớp bùn dày đặc…

Đại lộ Thăng Long: Làn khẩn cấp trở thành 'phao cứu sinh' cho xe máy

Đại lộ Thăng Long: Làn khẩn cấp trở thành "phao cứu sinh" cho xe máy

Do đường gom hai bên Đại lộ Thăng Long (Hà Nội) vẫn còn vị trí bị ngập, Sở GTVT Hà Nội có phương án phân luồng cho phép xe máy được đi lên làn đường cao tốc để tránh ngập.