Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đối thoại

“Nể một ly” đi… nhiều triệu

Chu Đức: Thứ tư 05/07/2023, 06:28 (GMT+7)

Sự việc một tài xế ở Bắc Giang vi phạm nồng độ cồn, vừa bị xử phạt kịch khung trên cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn để lại những bài học điển hình về quy tắc an toàn giao thông và an toàn sức khỏe của mỗi người.

Lý do người vi phạm đưa ra là ngại từ chối lời mời rượu, liệu có đáng thông cảm? Hành vi xúi giục, ép rượu người khác đã được luật hóa nhưng có dễ xử phạt?

PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với TS. Khương Kim Tạo, Nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia về vấn đề này:

PV: Thưa ông, một người lái xe vào cao tốc trong tình trạng nồng độ cồn vi phạm kịch khung, vậy lời bào chữa bị ép uống rượu có đáng cảm thông?

TS.Khương Kim Tạo: Chúng ta cần nhận thức rằng, cái uống rượu bia hay không, thì việc ép chỉ là yếu tố phụ, còn người chủ thể phải là người quyết định. Họ ép mình không uống thì thôi, có vấn đề gì đâu. Có ai đè mình ra đổ rượu vào cổ đâu.

Chẳng qua người ta ép, kích vào lòng sĩ diện thì người này ra uống. Kể cả bên ngoại, bên nội hay cấp nào chăng nữa thì chúng ta bảo, không tôi không uống vì tôi lái xe, xin phép ngay từ đầu, không ngồi mâm rượu nữa, ngồi sang mâm khác. Cần phải xin phép ngay từ đầu, cháu không uống một giọt nào, mong các bác thông cảm.

Chứ còn bây giờ, người đấy cũng hồ hơi vào uống thì lỗi ở họ. Không nên đổ lỗi nhiều cho người ép buộc mình.

Thời điểm kiểm tra lái xe vi phạm ở mức 0,999 mg/lít khí thở

Thời điểm kiểm tra lái xe vi phạm ở mức 0,999 mg/lít khí thở

PV: Hành vi số 1 trong những hành vi bị nghiêm cấm trong Luật phòng chống tác hại của rượu bia là: “Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia”. Hành vi này cũng đã có nghị định xử phạt từ 500.000 đến 1.000.000 đồng. Theo ông, nội dung này đã có tiến triển ra sao sau khi được luật hóa?

TS.Khương Kim Tạo: Bây giờ thế nào là ép buộc uống rượu bia cũng là một khái niệm rất mơ hồ, trừu tượng. Để quy về một hành vi ép người khác uống rượu bia để xử phạt thì không đơn giản như nhiều người nghĩ để có tang chứng, vật chứng xử lý.

Vì thế, công tác giáo dục con người vẫn là số 1 để người ta phòng tránh, không nói lời kích động, thúc ép người khác uống rượu bia.

Tính lan tỏa của Luật Phòng chống tác hại rượu bia tôi thấy rất tốt. Người ta mời, mình không uống thì thôi. Nó khác trước đây, khi mà không uống thì người ta nói kháy, nói chọc, nó gây mệt mỏi và ức chế. Giờ vấn đề này đã hạn chế rồi.

Vấn đề là chúng ta cần tiếp tục giáo dục nhân dân hiểu rõ các khái niệm, hiểu rõ sự nguy hại của vấn đề kích động này, hạn chế những nguy cơ khi lái xe mất an toàn giao thông.

PV: Qua sự vụ này, các bên uống rượu và ép uống rượu nhận được bài học nào, thưa ông?

TS.Khương Kim Tạo: Chúng ta xử lý được một sự vụ rất điển hình thế này, cần tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng rất quan trọng, để mọi người trên toàn quốc nhận thấy sự nguy hại của việc lái xe sau khi sử dụng rượu bia.

Trước hết, người lái xe bị xử lý, giam giữ giấy phép lái xe, mất cần câu cơm, gia đình sẽ khó khăn, gia đình có thể đẫn đến lục đục, không hòa thuận. Còn những người xúi giục, ép uống thì chắc chắn cũng nhận thấy một phần trách nhiệm trong đó.

Nếu chúng ta làm tốt việc tuyên truyền thông qua một hiện tượng này, chúng ta sẽ làm tốt việc hạn chế lái xe sau khi uống rượu bia

PV: Xin cảm ơn ông!

Chu Đức/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn