Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dự thảo trên tay

Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi): Quy định chặt chẽ hơn về khu vực bảo vệ di tích

Nguyễn Yên: Thứ hai 27/11/2023, 15:22 (GMT+7)

Không chỉ tới khi vùng đệm Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long bị quây làm “hòn non bộ” mà trước đó, hàng loạt vụ xâm phạm di sản, thắng cảnh quốc gia tại Mã Pì Lèng (Hà Giang), Tràng An (Ninh Bình), hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt)... đã gióng lên hồi chuông cảnh báo vấn nạn xâm hại di sản.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) bố cục gồm 10 chương, 154 điều, tăng 3 chương, 81 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành.

Nội dung cơ bản của dự thảo Luật tập trung vào nội dung chính trong 3 chính sách đã được Quốc hội thông qua, gồm: Chính sách về hoàn thiện các quy định về nguyên tắc, đối tượng, trình tự, thủ tục kiểm kê, nhận diện, ghi danh, biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu và hoạt động bảo tàng; Chính sách về nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của các cơ quan trực tiếp quản lý di sản, tăng cường nội dung, trách nhiệm, cơ chế thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ trung ương đến địa phương; Chính sách về tăng cường nội dung, cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa và thu hút, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Một quy định đáng chú ý trong dự thảo luật sửa đổi lần này là quy định về điều chỉnh khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới. Tại Điều 48 trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã cập nhật thêm về quy định điều chỉnh các khu vực bảo vệ di tích.

Theo đó, các khu vực bảo vệ của di tích chỉ được điều chỉnh khi phương án điều chỉnh khu vực bảo vệ I của di tích bảo đảm bảo tồn nguyên vẹn các yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích. Khu vực bảo vệ II đáp ứng yêu cầu ngăn chặn các yếu tố có thể tác động, làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích và bảo đảm bảo vệ được cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích.

Điều 48 cũng nêu rõ: việc điều chỉnh các khu vực bảo vệ di tích quy định tại điểm a khoản 4 điều này phải được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định trên bản đồ địa chính, trong biên bản điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích và phải được cắm mốc giới trên thực địa. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh khu vực di sản thế giới, vùng đệm của di sản thế giới được thực hiện theo quy định của Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản Thế giới.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cho biết, thời gian dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 năm 2024 và thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8 năm 2024./.

Di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long (ảnh: vov.vn)

Di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long (ảnh: vov.vn)

GIÚP CHỦ ĐỘNG PHÒNG NGỪA, NGĂN CHẶN XÂM HẠI DI SẢN

Thực tiễn đang diễn ra trong lĩnh vực di sản đòi hỏi cấp thiết có những sửa đổi, bổ sung vào Luật Di sản văn hóa để bắt kịp sự vận động, biến chuyển của xã hội, điều chỉnh những vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản của văn hóa dân tộc.

Vậy, nội dung này đã được thể hiện ra sao trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)? PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi cùng ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

PV: Trước tiên, xin ông cho biết những điểm mới nổi bật của dự án Luật Di sản văn hóa sửa đổi?

Ông Phạm Định Phong: Những điểm mới trong Dự thảo Luật Di sản văn hóa lần này được thể hiện rõ qua 3 chính sách: sửa đổi, bổ sung quy định mới hoặc hủy bỏ những quy định liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực như di tích, di sản văn hóa phi vật thể, bảo tàng, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia - những nội dung mà Luật Di sản văn hóa hiện hành quy định còn chung chung và chưa phù hợp với thực tiễn hoặc là không khả thi.

Thứ 2 là sửa đổi, bổ sung quy định trách nhiệm của Chính phủ, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của các bộ ngành trực tiếp quản lý và UBND các cấp trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Thứ 3 là sửa đổi, bổ sung để làm rõ các quy định về nội dung hoạt động xã hội hóa, chính sách ưu đãi nhằm thu hút nguồn lực xã hội, khuyến khích đầu tư tư nhân hoặc theo hình thức đối tác công tư.

PV: Dự thảo này đã bổ sung quy định về điều chỉnh khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới. Quy định này sẽ giúp chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các dự án xâm hại di sản ra sao, thưa ông?

Ông Phạm Định Phong: Để phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội ở giai đoạn mới thì Dự thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi đã đề xuất thay đổi quy định vùng bảo vệ I và II của di tích theo hướng mở.

Trong đó, với vùng bảo vệ I sẽ sửa đổi theo hướng vùng bảo vệ I phải bảo vệ nguyên trạng yếu tố gốc cấu thành di tích, chỉ được xây dựng công trình bảo vệ phát huy giá trị di tích.

Quy định này nhằm tăng cường hơn các yêu cầu về bảo vệ di tích so với các quyết định trước đây, giảm thiểu các nguy cơ tác động xấu đến di tích. Với vùng bảo vệ II của di tích sẽ sửa đổi theo hướng, ngoài việc xây dựng công trình bảo vệ, phát huy giá trị di tích sẽ được cải tạo, xây dựng công trình phát triển kinh tế, xã hội mà không làm ảnh hưởng hoặc tác động đến bảo tồn giá trị di tích, cảnh quan môi trường sinh thái của di tích.

Quy định này chặt chẽ nhưng có hướng mở để chúng ta có thể giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (trái)

Ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (trái)

PV: Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) khi được thông qua, theo ông sẽ có tác động như thế nào đến công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa?

Ông Phạm Định Phong: Nếu Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ có những tác động tích cực. Với những thay đổi triệt để và thay thế 2 Luật cũ, chúng tôi hy vọng những quy định mới sẽ khắc phục những bất cập đang đặt ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước và hoạt động bảo vệ, phát triển giá trị di sản văn hóa trên thực tế.

Với lần sửa đổi này, chúng ta sẽ có sự bảo đảm về tính thống nhất của Luật Di sản văn hóa trong hệ thống pháp luật, tránh được những chồng chéo, xung đột với các quy định pháp luật có liên quan.

Đồng thời bảo đảm phù hợp với những cam kết trong các điều ước Quốc tế mà Việt Nam đã ký kết tham gia. Với dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), chúng tôi kỳ vọng di sản văn hóa của dân tộc sẽ được bảo vệ và phát huy giá trị trong điều kiện thuận lợi nhất, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!

DỰ BÁO HOẠT ĐỘNG KINH TẾ - XÃ HỘI ĐỂ NGĂN NGỪA XÂM HẠI

Các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội đã và đang tác động đến sự ổn định lâu dài của di sản văn hóa. Trong khi các yếu tố, các khu vực bảo vệ di sản có thể sẽ có thay đổi theo thời gian.

Vậy, các quy định trong Luật Di sản văn hóa sửa đổi cần cập nhật và điều chỉnh về vấn đề này như thế nào? PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

PV: Thưa ông, thực tế, hành vi xâm phạm di sản, di tích diễn biến phức tạp trong nhiều năm qua, cho thấy tính cấp thiết phải sửa đổi quy định về vấn đề này trong Luật Di sản văn hóa ra sao?

GS. Đặng Hùng Võ: Di sản văn hóa là thứ chúng ta cần phải bảo vệ, không thể vì hoạt động kinh tế mà có thể làm ảnh hưởng tới di sản, làm nó xuống cấp thậm chí làm nó mất đi. Vì vậy chúng ta cần có quy định chặt chẽ hơn, phù hợp hơn với mức độ phát triển của nước ta hiện nay.

Khi hoạt động kinh tế mạnh mẽ, yêu cầu về đất và các hoạt động du lịch dựa vào di sản, đặc biệt là di sản được quốc tế thừa nhận, nếu chúng ta không bảo vệ tốt sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các di sản văn hóa.

Tôi cho rằng chúng ta cần thường xuyên phát hiện những hành vi mới trên thực tế có thể làm ảnh hưởng tới di sản để chúng ta có các quy định pháp luật phù hợp hơn đối với từng loại di sản.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

PV: Điều 48 trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã thay đổi quy định về điều chỉnh khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới. Ông có đóng góp gì với các quy định này?

GS. Đặng Hùng Võ: Các di sản văn hóa đều có quy định về vùng lõi là vùng không được tác động vào và vùng rìa là vùng có thể chấp nhận hoạt động kinh tế và sinh hoạt ở mức độ nhất định, nhưng đến một lúc nào đó những quan niệm có thể khác đi khi ngay cả vùng rìa cũng có thể trở thành vùng lõi.

Trên thực tế, chúng ta đã thấy có những di sản văn hóa bị ảnh hưởng, do đó, khi xây dựng cần những quy định rất rõ ràng là được xây dựng đến đâu, cách thức xây dựng phải phù hợp với quang cảnh thiên nhiên như thế nào.

Chúng ta cần nhìn vào những dự báo hoạt động kinh tế xã hội trong tương lai có thể có những hành vi khác mà xâm hại vào di sản. Đây là một yêu cầu của pháp luật cho những người làm dự thảo để có khung pháp luật bảo vệ những gì đang tồn tại với những hành vi có thể xâm hại tới nó trong thực tế, đồng thời thực hiện nó trong cả tương lai.

Khung pháp luật phải chỉ ra cách thức trên thực tế bảo vệ được di sản, trách nhiệm bảo vệ di sản theo phân cấp hành chính và trách nhiệm của mỗi người dân không được làm điều gì ảnh hưởng đến di sản.

PV: Theo ông, Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) khi được thông qua sẽ giúp thực hiện hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội như thế nào?

GS. Đặng Hùng Võ: Chúng ta đang phấn đấu từ một nước có thu nhập trung bình thành nước có thu nhập cao thì chắc chắn hoạt động kinh tế sẽ mạnh mẽ, trong đó kinh tế du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn nên các hoạt động này nếu tổ chức không khéo sẽ có tác động trực tiếp tới di sản.

Thế nên chúng ta sửa đổi để có Luật Di sản văn hóa mới phù hợp với giai đoạn chúng ta chuyển đổi giai đoạn phát triển kinh tế này.

Mặt khác, trong giai đoạn phát triển này, chúng ta dự báo những hoạt động kinh tế nào có thể gây hại cho di sản nên tôi hy vọng việc sửa đổi Luật Di sản sẽ phù hợp với các mục tiêu được đặt ra trong quá trình đưa nước Việt Nam từ nước có thu nhập trung bình thành nước có thu nhập cao trong khoảng 25 năm tới.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!

Việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa nhằm bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, đồng thời điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Bạn kỳ vọng gì vào Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)? Nếu được ban hành, các quy định mới sẽ giúp bảo tồn di sản, đảm bảo giữ gìn được yếu tố gốc, cảnh quan môi trường sinh thái của di sản ra sao?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

---

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” lúc 14h50 thứ Hai hàng tuần trên FM91, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng Podcast dành cho di động: Spotify, Apple Podcast và Google Podcast.

 

Nguyễn Yên/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Cao tốc chưa bàn giao xong, trách nhiệm thuộc về ai?

Cao tốc chưa bàn giao xong, trách nhiệm thuộc về ai?

Vụ việc cắt điện tối 12/4 tại một số nút giao lớn trên cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đã khiến cho tầm nhìn bị sụt giảm nghiêm trọng, nguy cơ mất toàn cho người và phương tiện. Nguyên nhân được cho là đơn vị mua điện đã chậm thanh toán tiền điện.

Liên tiếp tai nạn lao động: Ngăn chặn cách nào?

Liên tiếp tai nạn lao động: Ngăn chặn cách nào?

Liên tiếp các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đã xảy ra tại Đồng Nai, Yên Bái, Hà Nội ngay khi cả nước đồng loạt triển khai Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động năm 2024 cho thấy những khoảng trống rất lớn về an toàn lao động.

Đồng phục che áo lỗi

Đồng phục che áo lỗi

Những tín hiệu về khả năng thất bại nếu làm đường sắt đô thị trên làn BRT hiện nay đã được chỉ rõ. Vậy có cần thiết và lãng phí không khi chúng ta tiếp tục nghiên cứu để triển khai vấn đề này.

Có nên tiếp tục giảm lệ phí trước bạ ô tô lắp ráp trong nước

Có nên tiếp tục giảm lệ phí trước bạ ô tô lắp ráp trong nước

Trong Chỉ thị 12 ngày 21/4/2024, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng trong tháng 5 về gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước. Chính sách này đã từng phát huy tác dụng.

TP.HCM: Cần hành động quyết liệt trước những vụ ngộ độc thực phẩm vừa xảy ra

TP.HCM: Cần hành động quyết liệt trước những vụ ngộ độc thực phẩm vừa xảy ra

Như thường lệ hàng năm, TP.HCM luôn lấy thời điểm giao mùa từ 15/4 -15/5 làm tháng hành động vì an toàn thực phẩm nhằm tuyên truyền người dân cảnh giác trước nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây ngộ độc thực phẩm hàng loạt.

Sài Gòn sống và yêu: Phố Lương Hữu Khánh, nơi lưu giữ nghề làm biển hiệu

Sài Gòn sống và yêu: Phố Lương Hữu Khánh, nơi lưu giữ nghề làm biển hiệu

Đường Lương Hữu Khánh (quận 1, TP.HCM) được mệnh danh là “cái nôi” biển hiệu ở Sài Gòn - TP.HCM. Trải qua hơn 3 thập kỷ, những người thợ đã “chế tác” hàng nghìn biển hiệu, lưu giữ lại 1 phần ký‎ ức của Sài Gòn xưa và giữ gìn cái nghề một thời, từng được xem là biểu tượng của đất Sài thành.

Nhớ đĩa hoa cúng của ngoại

Nhớ đĩa hoa cúng của ngoại

Những bông hoa được đặt ngay ngắn lên một chiếc đĩa men với những bông hoa xanh nhàn nhạt, bà hai tay đặt lên ban thờ, sau đó là đến phần việc của ông, với một nén hương trầm thơm thoang thoảng mà đến bây giờ vẫn rõ ràng trong ký ức khứu giác của tôi.