Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Tài chính - Thị trường

Liệu tăng trưởng kinh tế Việt Nam có đạt mục tiêu đề ra?

Như Ngọc - Anh Thư: Thứ ba 11/07/2023, 22:41 (GMT+7)

Sau những số liệu kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm được công bố, trong bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn, mức tăng trưởng GDP 3,72% trong nửa đầu năm của Việt Nam cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực. Liệu Việt Nam có đạt mục tiêu tăng trưởng của cả năm 2023 như đã đề ra?

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương, dù còn khoảng cách so với mục tiêu đề ra, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã có sự cải thiện giữa các quý, đạt 3,28% trong quý 1 năm nay và 4,14% trong quý 2. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng đạt 3,72%, chỉ số CPI bình quân tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2022, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4,5% đã đề ra cho cả năm 2023. Đây là thành công quan trọng trong điều hành chính sách kinh tế - xã hội trong các tháng đầu năm.

Ảnh: Lê Tân/Báo Thanh Niên

Ảnh: Lê Tân/Báo Thanh Niên

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nhận định, với GDP 6 tháng đầu năm tăng 3,72%, thì 6 tháng cuối năm phải phấn đấu tăng hơn 7% mới có thể đạt kế hoạch tăng GDP cả năm là 6,5%. Ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận:

"Theo tôi tăng trưởng năm nay là mục tiêu rất là khó đạt, bởi vì chúng ta đang trong bối cảnh rất khó đoán định của nền kinh tế thế giới, những xu hướng phục hồi không chắc chắn, chỉ số nhà quản trị đặt hàng giảm liên tục 4 tháng liền và nhu cầu về các sản phẩm nhập khẩu, trong đó có sản phẩm từ Việt Nam đang giảm sút. Vì vậy, trụ cột dựa vào xuất khẩu của chúng ta sẽ không còn như trước nữa và khả năng phục hồi tăng trưởng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng."

Dựa trên nghiên cứu về xu hướng tăng trưởng thế giới và năng lực của nền kinh tế Việt Nam, Báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cập nhật dự báo tăng trưởng kinh tế cho năm 2023 theo 3 kịch bản, với tốc độ tăng GDP là 5,34%, 5,72% và 6,46%, tương ứng mức tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân cả năm là 3,43%, 3,87% và 4,39%. Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định:

"Với kịch bản 3 là kịch bản tích cực nhất , nhưng với kịch bản này không chỉ nỗ lực không chỉ ở VIệt nam mà cũng trông chờ từ kinh tế thế giới như điều kiện làm kinh tế ấm hơn như lãi suất, hay suy giảm kinh tế thế giới có phần giảm."

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế thế giới nửa cuối năm còn khó lường thì việc bắt buộc phải làm ngay lúc này là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó có nới lỏng chính sách tiền tệ, thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp. Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình nêu quan điểm:

"Chúng ta cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi doanh nghiệp và nhà đầu tư và cảm thấy yên tâm khi bỏ đồng vốn vào đầu tư tại VN. Điều đó là động lực và động viên của các doanh nghiệp từ sự sát cánh từ trung ương đến địa phương."

Các chuyên gia nhấn mạnh cần thực thi các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước. Đơn cử như việc giảm 2% thuế VAT vừa được Quốc hội thông qua. Ông Bùi Quang Tuấn cho biết:

"Chúng ta phải tăng tiêu dùng nội địa. Năm nay, 6 tháng đầu như năm ngoái nhưng dư địa vẫn còn nhưng vấn đề là có niềm tin không? Có ổn định không? Nếu thấy các công cụ tiếp cận với nguồn tài chính cũng sẽ sẵn sàng tiêu."

Ảnh: VOV

Ảnh: VOV

Cũng theo ông Nguyễn Anh Dương, điều kiện kinh tế thế giới hồi phục tích cực và nỗ lực trong nước là yêu cầu quan trọng để đạt mức tăng trưởng khả quan trong năm 2023 này:

"Tôi nghĩ công thức đề ra về chính sách của Việt Nam là gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, cải thiện môi trường kinh doanh được đề ra trong thời gian qua là rất đúng và trúng, nhưng vấn đề là tổ chức thực hiện. Làm thế nào tổ chức thực hiện được và thực hiện quyết liệt, thực hiện sớm để bảo đảm niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp được cải thiện, giải ngân đầu tư công thực hiện ở mức cao nhất và giải ngân tín dụng cũng là mức cao nhất, có thể lên tới 15% so với năm ngoái, thì kết quả tăng trưởng của Việt Nam sẽ tăng lên."

Làm thế nào để có thể giải ngân hết được 711.000 tỷ đồng vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm? Đây là bài toán khó cần có các giải pháp quyết liệt hơn nữa từ Trung Ương đến các bộ ngành và địa phương. Có như vậy, mới tạo được một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tiệm cận mục tiêu đã đề ra.

Chính phủ yêu cầu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay từ 1,5 - 2%

Chính phủ yêu cầu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay từ 1,5 - 2%

Tin tức kinh tế

# Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay, phấn đấu giảm ít nhất khoảng từ 1,5 - 2%.

# Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư FDI đăng ký ước đạt trên 13 tỷ USD, có giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vốn đăng ký giảm nhẹ nhưng vốn giải ngân lại tăng.

# Còn đối với thị trường bất động sản, theo báo cáo quý II của Cushman & Wakefield, thị trường căn hộ Hà Nội có tới 2.100 căn giao dịch thành công, tăng 50% so với quý trước nhưng vẫn giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, báo cáo của DKRA cho biết, sau khi lượng cung liên tục sụt giảm trong 3 quý liên tiếp, thị trường đất nền TP.HCM và vùng phụ cận đã ghi nhận xu hướng bật tăng trở lại.

# Người Việt Nam bỏ ra hơn 500 tỷ đồng mỗi tháng để mua smartphone trên các sàn thương mại điện tử, theo số liệu của công ty phân tích dữ liệu Thương mại điện tử Younet ECI.

# Và chỉ trong hai tháng 5, 6 và đầu tháng 7/2023, sản lượng vải quả vận chuyển đi quốc tế của Vietnam Airlines tăng trưởng tới 200% so với cùng kỳ năm 2022.

# Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB đang phải đau đầu với việc đánh giá thời điểm thích hợp để dừng tăng lãi suất. Đây là nhận định mới đây từ nhà kinh tế trưởng của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD.

# Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc thông báo, chỉ số giá lương thực thế giới trong tháng 6 đã tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm qua.

Nhân viên làm việc bên trong nhà máy Realme ở Greater Noida, Ấn Độ. Ảnh: CNBC

Nhân viên làm việc bên trong nhà máy Realme ở Greater Noida, Ấn Độ. Ảnh: CNBC

#  Goldman Sachs cho biết Ấn Độ đã sẵn sàng trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2075, vượt qua không chỉ Nhật Bản và Đức, mà cả Mỹ.

# Lạm phát tiêu dùng tại Trung Quốc đã về mức 0% trong tháng 6, trong khi lạm phát giá sản xuất tiếp tục giảm, thể hiện sự sụp đổ về nhu cầu và làm gia tăng nỗi lo giảm phát.

# Chỉ số VN-Index tăng 2,75 điểm, tương đương 0,24%, lên 1.151,77 điểm. Nội bộ hầu hết các ngành đều có diễn biến phân hóa.

Cổ phiếu ngân hàng nghiêng nhiều về sắc xanh. Trong đó nổi bật có CTG, MBB, HDB… Cổ phiếu chứng khoán phân hóa khá rõ rệt. Nhóm bất động sản cũng phân hóa, tuy nhiên nhìn chung mức độ dao động không lớn.

Theo SSI Reseach, toàn sàn HoSE có 236 mã tăng giá, 53 mã đứng giá tham chiếu và 197 mã giảm giá. Thanh khoản khớp lệnh ở mức khá, đạt 16.835 tỷ đồng.

Như Ngọc - Anh Thư/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn