Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thời Sự

Liên kết chuỗi đô thị biển đảo, tạo sự đột phá trong phát triển

Hải Hà: Thứ hai 18/11/2024, 14:14 (GMT+7)

Trong cơ cấu của ngành du lịch Việt Nam, du lịch biển chiếm 60-70% hoạt động du lịch cũng như thu nhập từ du lịch.

Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định “đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển” và “phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển’’. Vậy để thực hiện được mục tiêu này, vấn đề liên kết trong phát triển du lịch của các đô thị ven biển là một nội dung trọng tâm, cần giải quyết.

VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Phạm Trung Lương, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch xung quanh nội dung này:

PV: Ông đánh giá như thế nào về tính liên kết giữa các chuỗi đô thị biển đảo của Việt Nam hiện nay?

PGS. TS Phạm Trung Lương: Hiện nay, phần lớn các đô thị ven biển đang là các trung tâm du lịch. Vấn đề liên kết phát triển du lịch không chỉ là một chủ trương đâu mà là một yêu cầu rất là cấp thiết trong phát triển du lịch. Việc liên kết giữa các đô thị vùng ven biển trong phát triển du lịch nói riêng và giữa các địa phương nói chung đang đặt ra như một yêu cầu để phát triển.

Tuy nhiên, tính liên kết giữa các đô thịven biển ở Việt Nam đang gặp một số vấn đề:

Thứ nhất, hiện nay chưa có một thể chế hay nói một cách cụ thể là chưa có một chính sách  cho câu chuyện liên kết này.

Thứ hai, những mô hình liên kết hiện nay chưa được cụ thể hóa. Vì liên kết trong phát triển du lịch có rất nhiều lĩnh vực khác nhau, ví dụ liên kết trong đầu tư phát triển hạ tầng, liên kết trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, liên kết để phát triển sản phẩm. Mỗi một mô hình có một cái đặc thù riêng.

Hang Rái, Vĩnh Hy, Ninh Thuận.

Hang Rái, Vĩnh Hy, Ninh Thuận.

Quan trọng nhất trong câu chuyện liên kết nói chung và liên kết với các đô thị hiện nay là không có một nhạc trưởng. Đây được coi là điểm nghẽn trong liên kết phát triển du lịch nói chung và phát triển đô thị nói riêng.

Câu chuyện này không phải là mới đâu, có từ mấy chục năm nay rồi. Nó xuất phát từ ý tưởng liên kết giữa Thừa Thiên Huế- Đà Nẵng- Quảng Nam trong sản phẩm Con đường di sản miền Trung. Tuy nhiên, từ đó đến nay, có rất nhiều hội nghị hội thảo về liên kết nhưng chúng ta chưa có cái tổng kết, đánh giá một cách nghiên túc về vấn đề này.

PV: Vậy theo ông, cần làm thế nào để chúng ta có thể tháo gỡ cái điểm nghẽn này ?

PGS. TS Phạm Trung Lương: Liên kết phải bắt đầu từ chính sách, thể chế trong phát triển. Hiện nay, chúng ta không có thể chế vùng. Việc xác định ai là chủ thể người đứng đầu trong liên kết giữa các địa phương nói chung và đô thị nói riêng, nguồn lực cho liên kết lấy từ đâu hiện vẫn chưa có.

Do vậy, chúng tôi cho rằng phải bắt đầu tháo gỡ từ những vấn đề cụ thể như thế, từ thể chế, từ chính sách cho liên kết phát triển du lịch riêng và các đô thị nói chung.

Có thể phải bắt đầu từ thể chế, từ chính sách để xác định rõ ai sẽ là người nhạc trưởng ở trong câu chuyện liên kết này, nguồn lực có phải đóng góp từ các địa phương hay là từ các đô thị hay không?  Mô hình luân chuyển người đứng đầu trước đây đã từng thực hiện nhưng đã thất bại, vì các địa phương nhỏ không thể “chỉ đạo” được các địa phương lớn hơn. Bởi vậy, tôi nghĩ rằng, điều đầu tiên cần phải làm, là thực hiện đánh giá nghiêm túc về thực trạng liên kết hiện nay, lãnh đạo các địa phương có biển phải cùng ngồi lại với nhau, mới ra được lời giải cụ thể.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!

Các địa phương có biển cần có cơ chế phối hợp để phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có

Các địa phương có biển cần có cơ chế phối hợp để phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có

Hiện nay có hơn 60% số đô thị lớn với hơn 50% dân số của cả nước tập trung ở vùng ven biển và có những đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, những kết quả này có thể đạt hiệu quả cao hơn nữa, tạo động lực cho sự phát triển của đất nước, nếu những đô thị có biển hợp tác với nhau để cùng phát triển. 

9 tháng đầu năm nay, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang ước đón hơn gần 724 nghìn lượt du khách quốc tế đến tham quan, du lịch, tăng 56,5% so với cùng kỳ năm 2023, vượt 8,6% kế hoạch năm 2024. Đặc biệt, từ sau tháng 10, lượng khách quốc tế đến thành phố này có xu hướng tăng cao. Bên cạnh các thị trường khách truyền thống như  Đài Loan, Ấn Độ, châu Âu,… Phú Quốc còn thu hút thêm nhiều du khách ở nhiều thị trường mới.

Để thu hút lượng khách du lịch đến với Phú Quốc, địa phương này chú trọng đến việc phát triển thêm một số phương thức vận tải mới kết nối với các địa phương lân cận, nhằm tạo sự thuận tiện cho du khách trong nước và quốc tế mỗi khi ra đảo. Đại diện Hiệp hội du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết:

"Ngoài đường hàng không, địa phương triển khai tăng cường thêm nhiều tuyến đường thủy để tăng cường khách nội địa và nước ngoài đi đường bộ ra Phú Quốc. Khách có thể lựa chọn đi từ Rạch Giá hoặc đi từ Hà Tiên ra Phú Quốc với 2 phương tiện tàu cao tốc và phà cao tốc. Tuyến Rạch Giá cũng đã khai trương thêm 2 tàu lớn và đây là phương tiện cũng rất tiềm năng."

Ảnh: Báo Trà Vinh

Ảnh: Báo Trà Vinh

Theo PGS.TS Đậu Thị Hòa, Trưởng khoa Khoa Du lịch, trường Đại học Đông Á, Đà Nẵng, Việt Nam có hơn 3.200 km bờ biển, với nguồn tài nguyên biển phong phú, đặc sắc, bất cứ địa phương nào có biển đều có những thế mạnh riêng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, nếu các đô thị ven biển gần nhau, cùng nhau xây dựng những sản phẩm du lịch liên địa phương, có thể sẽ thu hút thêm nhiều du khách: 

"Nếu mà liên kết giữa các chuỗi đô thị biển với nhau và liên kết trong phát triển du lịch biển sẽ đem lại thế mạnh rất lớn cho Việt Nam. Vì liên kết có thể tạo nên những tour du lịch điển hình."

PGS.TS Nguyễn Ngọc Khánh, Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện khoa học xã hội vùng trung bộ, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, việc liên kết giữa các địa phương có biển không chỉ thúc đẩy ngành du lịch mà còn là động lực để các địa phương phát triển các ngành kinh tế khác.

"Các đô thị ven biển trong những năm gần đây có sự phát triển mạnh mẽ tạo thành chuỗi đô thị ven biển trong quá trình thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, đô thị hóa. Phần lớn các khu kinh tế mạnh nằm ở ven biển. Các đô thị ven biển chính là hậu cứ của các ngành kinh tế ven biển, là cơ sở cho phát triển cả về hạ tầng xã hội, cả về hạ tầng sản xuất để phát triển kinh tế biển."

Những năm qua, trên cơ sở phát huy những tiềm năng, thế mạnh của từng vùng và có sự liên kết với nhau qua tuyến quốc lộ 1A, kết nối hầu hết các đô thị ven biển, 5 tỉnh thuộc tiểu vùng Bắc Trung Bộ (bao gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị) đã xây dựng nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp tạo ra sự tăng trưởng khá tốt về kinh tế. 

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có lợi thế rất lớn về kinh tế biển. Ảnh: NLĐ

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có lợi thế rất lớn về kinh tế biển. Ảnh: NLĐ

Còn đối với TP Quy Nhơn, thời gian qua thành phố đã thực hiện tái cấu trúc mạng lưới đô thị theo hướng mở rộng đô thị về phía Đông Bắc, lấy đầm Thị Nại là trung tâm. Thành phố không phát triển theo mô hình đô thị nén và phát triển theo cấu trúc mở, những đô thị vệ tinh xung quanh thành phố Quy Nhơn sẽ liên kết với nhau bằng hệ thống giao thông vùng

PGS.TS Nguyễn An Thịnh, Trưởng khoa Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc xây dựng chuỗi đô thị biển đảo liên kết chặt chẽ sẽ không chỉ thúc đẩy kinh tế địa phương mà còn góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Để tạo sự đột phá trong phát triển của các đô thị biển đảo, cần dựa trên liên kết vùng, hạ tầng đồng bộ, hợp tác kinh tế và quốc tế, cùng với quy hoạch và quản lý đô thị bền vững. Ông Thịnh đề xuất:

"Thứ nhất là cần phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, liên tỉnh để các đô thị ven biển trở thành trung tâm điều phối, hỗ trợ phát triển cho các đô thị đảo. Xây dựng các tuyến giao thông đường thủy nội địa, tàu cao tốc và cảng biển đồng bộ để kết nối linh hoạt các đô thị đảo với đất liền. Thứ hai là quy hoạch đô thị biển đảo cần theo hướng phát triển bền vững, kết hợp chức năng phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, quản trị biển và an ninh quốc phòng."

Bên cạnh đó, ông Thịnh cũng cho rằng, Việt Nam cần phát triển các cụm đô thị biển đảo thành cực tăng trưởng kinh tế, tập trung vào ba vùng kinh tế trọng điểm: Tại Đồng bằng sông Hồng (Hải Phòng, Hạ Long, Móng Cái), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (Đà Nẵng, Quy Nhơn, Chu Lai), Đông Nam Bộ (TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Phú Quốc). Tạo các hành lang kinh tế biển, kết nối các đô thị ven biển thông qua hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại.

Ảnh: VGP

Ảnh: VGP

Ngoài ra, chính phủ cần có những chính sách khuyến khích hợp tác giữa các đô thị biển đảo trong các ngành kinh tế chủ đạo như logistics, du lịch biển, nuôi trồng và khai thác thủy sản, năng lượng tái tạo (điện gió ngoài khơi), và dịch vụ cảng biển. Xây dựng các khu kinh tế liên kết, ví dụ, giữa Phú Quốc - Rạch Giá - Cà Mau ở miền Nam hoặc Chu Lai - Quy Nhơn - Vũng Tàu ở miền Trung.

Một số chuyên gia cho rằng,  đô thị ven biển có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển kinh tế đa dạng, nên để phát huy được tiềm năng, quy hoạch đô thị cần xem xét trên quy mô cả hệ thống, để tạo ra sức ảnh hưởng lan tỏa và liên kết vùng. Lãnh đạo các địa phương có biển cũng cần cùng nhau họp bàn để tìm ra giải pháp, chính sách phát triển chung, phát huy những lợi thế sẵn có của từng địa phương, làm sao để kết nối, tạo động lực phát triển chung cho nhiều địa phương ven biển trong thời gian tới

Hải Hà/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Thấp thỏm sống trong nhà tái định cư Nam Trung Yên xuống cấp

Hà Nội: Thấp thỏm sống trong nhà tái định cư Nam Trung Yên xuống cấp

Khu tái định cư dành cho người dân phải tốt hơn hoặc không được kém nơi ở cũ. Đây là mục tiêu và chủ trương của TP. Hà Nội khi xây dựng các khu nhà tái định cư dành cho người dân thuộc diện bị giải phóng mặt bằng.

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ kỉ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc tại Cà Mau

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ kỉ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc tại Cà Mau

Tối ngày 16/11, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện chương trình cầu truyền hình “Tập kết ra Bắc - Tình sâu nghĩa nặng” tại 3 điểm Cà Mau, Hải Phòng và Thanh Hóa.

Đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội có thiếu nhân lực vận hành?

Đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội có thiếu nhân lực vận hành?

Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, việc tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội buộc phải dừng tàu sau khi xảy ra sự cố tại ga Cầu Giấy hôm 24/10, tại thời điểm xảy ra sự cố, Hanoi Metro - đơn vị vận hành không có nhân sự trực.

Cấm xe trên 16 chỗ vào phố cổ, phố cũ: Phương án thay thế ra sao?

Cấm xe trên 16 chỗ vào phố cổ, phố cũ: Phương án thay thế ra sao?

UBND quận Hoàn Kiếm đang đề xuất hạn chế xe hợp đồng trên 16 chỗ sử dụng nhiên liệu diesel vào khu vực nội đô, nhất là khu vực phố cổ để góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc và ô nhiễm khí thải.

Vốn đầu tư công 'nằm im', điểm nghẽn phát triển kinh tế

Vốn đầu tư công "nằm im", điểm nghẽn phát triển kinh tế

Giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, góp phần tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng giao thông, đô thị, nâng cao chất lượng giáo dục, văn hóa, y tế, xã hội.

Về Bến Tre nghe kể chuyện ông già Ba Tri

Về Bến Tre nghe kể chuyện ông già Ba Tri

Huyện Ba Tri, nằm ở phía Đông tỉnh Bến Tre, là nơi hội tụ vẻ đẹp đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Với những con sông uốn lượn quanh quanh, những rặng dừa xanh man mát, Ba Tri là vùng đất không chỉ giàu tài nguyên thiên nhiên mà còn là chiếc nôi của nhiều giá trị văn hóa, lịch sử.

Thương màu gạch đỏ

Thương màu gạch đỏ

Mang Thít là vùng đất được bao bọc bởi hai con sông Cổ Chiên và Mang Thít. Hàng năm, theo dòng Cửu Long đổ về hạ lưu, những hạt phù sa mịn đã vượt hàng ngàn cây số tập kết về đây, hình thành những mỏ đất sét quý giá.