Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Giao thông

Khốn khổ “đường ao”

Kim Loan: Thứ tư 07/08/2024, 14:09 (GMT+7)

Trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 5 tuyến Quốc lộ đi qua và nhiều con đường dẫn về đất mũi có vai trò quan trọng trong kết nối giao thương. Thế nhưng, nhiều đoạn đường đã lâu chưa được sửa chữa, nâng cấp nên khi vào mùa mưa thường xuyên phát sinh hư hỏng nặng, gây mất an toàn giao thông.

Nằm ngay trung tâm thành phố Cà Mau, nơi đóng chân của nhiều cơ quan, đơn vị, vậy mà bao năm nay, Tôn Đức Thắng đoạn qua phường 5 lại khiến người ta phải lắc đầu ngao ngán mỗi lần đi qua. Anh Võ Văn Còn có nhà ven con đường này cho biết, lâu nay, người ta quen gọi con đường này là “đường ao” bởi tồn tại nhiều ổ voi sâu hẳm như một ao tù mỗi lần mưa lớn.

Một chiếc xe ô tô khi đã lọt bánh xuống đây thì hì hục mãi mới “trồi” bánh lên được. Đường Tôn Đức Thắng dài 3km, đã xuống cấp vào 6 năm trước. Đoạn hư hỏng nặng nhất nằm giữa phường 5 và phường 6. Hiện đang vào mùa mưa, các đoạn này thường xuyên ngập sâu, nhựa bê tông bị hỏng hoàn toàn, đất lún nặng.

Anh Võ Văn Còn – ngụ phường 5, TP. Cà Mau cho biết: “Bể nát hết trơn rồi, bây giờ phải gọi là ổ voi chứ không còn là ổ gà nữa. Thấy người này, người kia chạy xe hay bị té xe. Người làm ăn đi tới đi lui gì cũng không được”.

Đường xuống cấp một phần do kinh phí dành cho các dự án nâng cấp đường giao thông của Cà Mau quá ít. (Ảnh: VOV)

Đường xuống cấp một phần do kinh phí dành cho các dự án nâng cấp đường giao thông của Cà Mau quá ít. (Ảnh: VOV)

Nhắc đến những con đường “đau khổ” tại Cà Mau không thể không kể đến đường về trung tâm xã Đầm Dơi – Thanh Tùng đi qua 2 xã Tân Duyệt và Ngọc Chánh (huyện Đầm Dơi). Đã hơn 10 năm kể từ khi được đầu tư đưa vào sử dụng, tuyến đường này chưa được nâng cấp lại, thêm tác động của thiên tai thời tiết, nhất là mưa lớn đã khiến con đường này chi chít ổ voi. Thương lái hằng ngày phải vận chuyển cua bằng xe máy qua đoạn đường này đều phải “đi sớm về sớm”, tránh trời tối, vì có những đoạn đường gần như hư hoàn toàn, có những hố rất sâu, vô cùng nguy hiểm.

Anh Phan Chí Thuận, một người dân cho biết: “Đường có nhiều ổ gà, bánh xe rơi xuống rất khó đẩy lên. Bây giờ rút nước thì còn đỡ, chứ còn trời mưa là xe không thể chạy được”.

Toàn tỉnh Cà Mau hiện có 4.693 tuyến đường các loại với tổng chiều dài khoảng 15.093 km. Các tuyến đường này được kết nối với nhau từ tỉnh đến huyện, xã và đấu nối với 5 tuyến Quốc lộ, tạo thành mạch giao thông liên hoàn phục vụ sản xuất, vận tải hàng hoá và nhu cầu đi lại của người dân.

Tuy nhiên, hiện nay, không những nhiều tuyến đường nằm trong trung tâm thành phố mà nhiều tuyến đường ô tô về trung tâm xã đều xuống cấp nghiêm trọng. Ngoài 2 tuyến Tôn Đức Thắng và Tân Duyệt – Thanh Tùng thì các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân cũng đối mặt với tình trạng đường bị xuống cấp nghiêm trọng.

Nguyên nhân được chỉ ra là do những tuyến đường này đã được đầu tư lâu năm nhưng chưa được nâng cấp, sửa chữa. Với đặc thù tự nhiên của vùng đất này, hầu hết các tuyến đường ô tô về trung tâm xã đều phải đi qua hàng loạt cống xổ tôm của người dân (mỗi hộ dân một cống) và bị ảnh hưởng bởi triều cường, nước biển dâng gây ra tình trạng ngập cục bộ... Từ đó, không chỉ đường bị bong tróc hình thành nên ổ gà, mà còn có hiện tượng sụp lún tạo nên tình trạng uốn lượn như sóng.

Người dân ở Cà Mau chỉ ước mong những con đường hư hỏng sớm được nâng cấp. (Ảnh: VOV)

Người dân ở Cà Mau chỉ ước mong những con đường hư hỏng sớm được nâng cấp. (Ảnh: VOV)

Nhu cầu sửa chữa rất lớn, tuy nhiên ngân sách không đảm bảo và còn rất thấp so với thực tế. Tại Cà Mau, tỷ lệ bê tông và nhựa hoá ở các tuyến Quốc lộ còn rất thấp, chiếm khoảng 21,8%. Cụ thể, Quốc lộ 1 có chiều dài 68,76 km nhưng kết cấu láng nhựa 30,69 km, tỷ lệ bê tông hoá chiếm 55,4%; Quốc lộ 63 dài 40,43 km, kết cấu láng nhựa 36,01 km, tỷ lệ bê tông hoá chiếm 10,9%. Với thực tế này, người dân chỉ biết ước mong sớm cho nguồn ngân sách đầu tư để sửa đường, thuận tiện cho đi lại, giao thương.

Ông Ngô Văn Vạn, ngụ tại tỉnh Cà Mau tỏ bày: “Mong muốn chung của bà con ở đây là làm sao được nhà nước nâng cấp đường cho khô ráo. Con cháu đi học thuận tiện, sinh hoạt trong gia đình thoải mái. Đường hỏng thế này đi lại rất khó khăn”.

Trong kế hoạch dự toán vốn đầu tư trung hạn giai đoạn tiếp theo mà UBND tỉnh Cà Mau đã tham mưu để trình các cấp có thẩm quyền, có nhiều lĩnh vực được tập trung đầu tư trong thời gian tới. Trong số đó, ưu tiên số một là đột phá về hạ tầng giao thông.

Định hướng phát triển giao thông thời gian tới không chỉ đáp ứng việc đi lại thông thường mà là vận chuyển hàng hoá. Trong đó, nâng cả quy mô, tải trọng và năng lực vận tải tất cả các tuyến giao thông đấu nối các huyện, các vùng, các trung tâm kinh tế và cả hạ tầng đô thị, khu công nghiệp. Và để thực hiện nhiệm vụ này, các địa phương cần phải chủ động hơn nữa trong việc huy động, bố trí mọi nguồn lực để khơi thông mạch máu giao thông trên địa bàn tỉnh.

Kim Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn