Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dân sinh

Hành trình "cá chép hoá rồng" cùng bàn tay vàng nghề thêu tay truyền thống

Hà Hương: Thứ hai 12/02/2024, 06:44 (GMT+7)

Cùng gặp gỡ một cơ gái 9X đã có hành trình đầy nỗ lực khi đã vượt qua những biến cố trong cuộc đời để kiên trì chinh phục niềm đam mê của mình.

Đó là chị Lê Thị Kim Thoa - Nghệ nhân Bàn tay vàng ngành thêu tay truyền thống.

PV: Xin cảm ơn chị Kim Thoa đã dành thời gian cho cuộc kết nối hôm nay. Trước tiên, mình rất tò mò không biết Chị Thoa đã phát hiện ra niềm đam mê của mình với nghề thêu tay như thế nào ạ?

Chị Kim Thoa: Thật ra thì ngay từ khi còn bé, mình đã thích làm các đồ thủ công, như đan móc, may đồ búp bê. Khi lớn lên thì mình rất là thích các sản phẩm thêu tay, nhưng mình chưa có cơ hội được tiếp xúc, cho đến năm 2018, mình có xem mấy video của nước ngoài có thêu các bức tranh bé bé khoảng lòng bàn tay thôi, nhưng mà đó là những bức tranh phong cảnh rất đẹp.

Thế là mình mới bắt đầu tìm hiểu và thử sức với nghề thêu tay từ từ khi đó.

PV: Dạ, vậy là ban đầu, chị đến với việc thêu thùa vì sở thích, vì sự tò mò, nhưng sau đó chị lại quyết định gắn bó lâu dài. Vì sao lại có quyết định này?

Chị Kim Thoa: Trước đó thì mình có làm một số công việc nhưng mà không hề liên quan gì đến người thêu tay cả. Mình tốt nghiệp ngành kế toán ngày xưa là theo cái gợi ý của bố mẹ mình, nhưng mà sau khi ra trường thì mình cảm thấy là nó không phù hợp với mình nên mình đã không làm cái nghề đấy và làm một số công việc khác.

Mình có mở quán cafe rồi, mình có đi làm thu ngân rồi có một khoảng thời gian mình làm bánh mứt. Mình quyết định làm mình làm thêu tay là một cái khoảng thời gian mà mình nghỉ việc để mình sinh em bé.

Thời điểm đó gia đình mình rất là neo người, chỉ có hai vợ chồng mình và em bé. Nếu mà mình mà không nghỉ việc thì sẽ không có ai để trông em bé ở nhà cả nên là mình mới quyết định đi làm đơn xin nghỉ việc và mình tìm kiếm một công việc khác. Mình luôn tâm niệm là mọi việc đều luôn có hướng giải quyết. Chỉ cần mình quyết tâm thôi.

Chị Kim Thoa giới thiệu về tranh thêu tay trên lá bồ đề

Chị Kim Thoa giới thiệu về tranh thêu tay trên lá bồ đề

PV: Vậy với riêng chị Thoa, chị đã vượt qua những khó khăn để chinh phục đam mê, đồng thời góp phần giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống như thế nào ạ?

Chị Kim Thoa: Lúc đầu, lý do mà mình đến với nghề là vì muốn tìm kiếm một công việc vừa là đam mê, vừa có thể kiếm tiền. Nhưng mà sau đó, khi mình làm thì càng ngày mình càng cảm giác yêu thích cái nghề này hơn. Tại vì mình nhìn những cái sản phẩm mình làm ra mình rất là yêu thích luôn ấy. Mình càng làm nghề lâu thì mình càng cảm thấy là mình muốn lan tỏa cái cái nghề thêu tay phát triển hơn.

Tại vì bây giờ mình cảm thấy là cái nghề thêu tay nó càng ngày càng mai một đi. Giới trẻ không hứng thú nhiều và không nhiều người biết về các sản phẩm thiêu tay và giá trị của sản phẩm thủ công nhiều như ngày xưa nữa.

Trong quá trình mình làm nghề thì mình phát hiện ra là có rất nhiều người không thể phân biệt được thêu tay và thêu máy, không phân biệt được cái sự khác nhau luôn ấy ạ. Thêm một điều nữa là vì nghề thêu tay ngày một mai một do cái công làm nó rất là lâu và cái giá trị sản phẩm không nhiều người đánh giá đúng được. Mình rất muốn lan tỏa cho mọi người biết và hiểu về ngành nghề thêu tay để cái ngành nghề này nó ngày càng phát triển.

PV: Sau quá trình nỗ lực và không ngừng học hỏi thì đến nay chị Thoa đã thực hiện thành công những sản phẩm gì và khách hàng đón nhận ra sao ạ?

Chị Kim Thoa: Thực ra, sau khoảng thời gian 5 năm mình theo nghề thì mình đã làm qua khá là nhiều sản phẩm thêu ứng dụng khác nhau. Khi bắt đầu làm nghề thì mình có làm gương, làm cài tóc rồi mình làm túi, may tay thủ công hoàn toàn, sau đó đến giai đoạn dịch thì mình làm khẩu trang thêu tay; và sau mấy năm, mình cảm giác tay nghề mình vững thì mình có thử thức sang làm hoa 3D.

Đến thời điểm hiện tại thì sản phẩm mà mình đang làm và được rất nhiều người yêu thích, đó là cái sản phẩm thêu tay trên lá bồ đề.

PV: Được biết chị Thoa cũng nỗ lực rất nhiều để mọi người có thể hiểu thêm về nghề này, thỉnh thoảng chị còn mở workshop nữa đúng không ạ?

Chị Kim Thoa: Khoảng 1 tháng 1 lần em có tổ chức workshop. Trước khi tham gia thì mọi người cũng là những người rất là yêu người thủ công hoặc là tò mò.

Có một điều đặc biệt là mọi người luôn nghĩ là thêu tay rất là khó, nhưng mà thực tế sau khi tham gia thì mọi người đều cảm thấy là nó đơn giản thôi, chỉ cần được hướng dẫn đúng, mọi người có thể hoàn thành một sản phẩm thêu tay chỉ sau khoảng 3-4 tiếng.

Một góc niềm vui của Nghệ nhân bàn tay vàng Kim Thoa với nghề thêu tay. Ảnh: Báo Thanh Hoá

Một góc niềm vui của Nghệ nhân bàn tay vàng Kim Thoa với nghề thêu tay. Ảnh: Báo Thanh Hoá

PV: Tháng 9/2023, chị Thoa đã được Hội Nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam trao chứng nhận “Nghệ nhân bàn tay vàng ngành thêu tay truyền thống”. Là một người trẻ thế hệ 9x, và cũng là người rất quyết tâm chinh phục mục tiêu của mình, chị cảm nhận như thế nào khi đạt được danh hiệu này?

Chị Kim Thoa: Khi mình nhận được quyết định là mình đã đạt danh hiệu Nghệ nhân Bàn tay vàng thì mình thực sự rất vui. Đó cũng là một cái mục tiêu để mình thực hiện mong muốn phát triển ngành thêu tay.

Bản thân mình là một người trẻ và mình muốn lan tỏa cái này đến nhiều người trẻ hơn rằng là dù mình đang rất là trẻ, chỉ cần cần mình đam mê với nghề thì mọi việc đều có thể làm được.

PV: Trong năm mới này, chị Thoa ấp ủ những kế hoạch và dự định ra sao ạ?

Chị Kim Thoa: Trong năm 2024 thì mình sẽ cố gắng là dạy nghề được cho nhiều người hơn, rất muốn nhiều người biết đến nghề thêu tay truyền thống và có thể kiếm được thu nhập từ nghề và có thể để sống được với nghề.

PV: Một lần nữa, cảm ơn chị Kim Thoa đã dành thời gian chia sẻ cùng chương trình. Chúc chị năm mới luôn được nhiều sức khỏe và ngày càng thành công hơn với đam mê của mình.

Hà Hương/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn