Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Hàng không Nga cố gắng nội địa hóa trong bối cảnh chịu cấm vận

Huy Văn: Chủ nhật 16/10/2022, 07:50 (GMT+7)

Trong khi ngành hàng không thế giới đang tăng tốc hồi phục sau đại dịch COVID-19, thì tại Nga, nước này đang đối mặt với rất nhiều thử thách. Các lệnh cấm vận liên quan tới xung đột Nga – Ukraine được đánh giá là đang có tác động nặng nề tới ngành hàng không nước này.

Theo hãng tin Reuters, mới đây ngành hàng không Nga đặt mục tiêu nội địa hóa, hoạt động độc lập, không phụ thuộc vào phương Tây. Cụ thể, đại diện tập đoàn công nghệ nhà nước Rostec cho biết, quốc gia này kỳ vọng sẽ sản xuất được 1.000 máy bay vào năm 2030, không cần phụ tùng và bảo dưỡng từ 2 hãng sản xuất lớn nhất thế giới là Airbus và Boeing.

Hàng loạt các lệnh cấm vận từ Mỹ và phương Tây kể từ khi xảy ra xung đột Nga – Ukraine tới nay đã đẩy ngành hàng không Nga vào thế cô lập. Nhiều năm nay, ngành hàng không Nga vốn đã phụ thuộc nhiều vào phương tây khi lượng máy bay nước ngoài, cụ thể từ Airbus và Boeing, chiếm 95%.

Và khi các lệnh cấm vận có tác dụng, bên cạnh việc cấm bay vào không phận Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây, Nga sẽ không có được dịch vụ bảo dưỡng máy bay định kỳ, cũng như ngưng được cung cấp các phụ tùng thay thế cho đội bay của quốc gia này. Các quốc gia khác cũng không dám bán phụ tùng cho Nga bởi lo sợ các lệnh cấm vận tương tự

Hàng không Nga đang gặp nhiều khó khăn khi đối mặt với nhiều lệnh cấm vận. Ảnh: Reuters

Hàng không Nga đang gặp nhiều khó khăn khi đối mặt với nhiều lệnh cấm vận. Ảnh: Reuters

Ông Stephen Wright, giáo sư ngành hàng không tại đại học Tampere (Phần Lan) cho biết: “Mọi máy bay đều cần được bảo dưỡng để đáp ứng hàng loạt những tiêu chuẩn. Chúng ta đều biết, máy bay không được bảo dưỡng, thay thế phụ tùng định kỳ sẽ ảnh hưởng lớn tới độ an toàn.”

Theo Reuters, từ vài tháng trở lại đây, Nga đã phải đối phó với khủng hoảng ngành hàng không bằng cách “ve chai” phụ tùng từ những chiếc máy bay nước ngoài bị kẹt hoặc bỏ lại tại Nga trong thời kỳ dịch COVID-19 bùng phát. Theo đó, các hãng hàng không của Nga như Aeroflot hay S7 Airlines tháo dỡ một số máy bay A350 và Boeing 737s dưới chỉ đạo của chính phủ Nga trong nỗ lực đảm bảo đội bay của nước này có thể hoạt động qua năm 2025.

Thậm chí, theo một số nguồn tin, cả một số máy bay nội địa như Sukhoi Superjet 100 cũng đang được tháo dỡ để lấy phụ tùng. Bởi dù máy bay nội địa của Nga chỉ chiếm một lượng nhỏ, nhưng rất nhiều phụ tùng của máy bay này là hàng ngoại nhập.

Theo nhiều chuyên gia ngành hàng không, chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi hàng không cạn sạch phụ tùng có thể thay thế. Chưa kể các máy bay đời mới hiện nay A320neo, A350 hay Boeing 737 Max và Boeing 787 đòi hỏi phải được bảo dưỡng thường xuyên để có thể hoạt động hiệu quả, an toàn.

Còn theo Giáo sư ngành hàng không Stephen Wright của đại học Tampere (Phần Lan), dù cho có tìm được phụ tùng thay thế, việc hoạt động quốc tế của hàng không Nga vẫn sẽ gặp khó: “Vấn đề đang xảy ra với hàng không Nga hiện tại là họ không thể mua phụ tùng ở bất cứ đâu một cách hợp pháp. Kể cả họ có tìm được phụ tùng và tự mình bảo dưỡng máy bay thì trên giấy tờ, những hành động này vẫn sẽ không được công nhận”.

Hiện mới chỉ gần một năm kể từ khi các lệnh cấm vận được đưa ra, nhưng theo dữ liệu từ FlightRadar24, khoảng 50 máy bay, tương đương với 15% đội bay, của hãng hàng không Aeroflot đã không cất cánh kể từ tháng 7 tới nay. Vốn là một trong những hàng không hàng đầu thế giới, nhưng kể từ khi xảy ra xung đột, lưu lượng bay của hãng này đã giảm tới 22% chỉ tính riêng trong quý II năm nay.

Nếu không có giải pháp trong thời gian sắp tới, ngành hàng không Nga chắc chắc sẽ không chỉ mất điểm trong mắt hành khách quốc tế, mà thậm chí là cả nội địa.

Một máy bay của hãng hàng không Nga Aeroflot tại sân bay quốc tế Sheremetyevo, Nga. Ảnh: Reuters

Một máy bay của hãng hàng không Nga Aeroflot tại sân bay quốc tế Sheremetyevo, Nga. Ảnh: Reuters

Ông Kirill Yankov, người đứng đầu Hội liên hiệp hành khách hàng không Nga cho biết: “Hiện nay giá cả đang tăng, thời gian di chuyển cũng tăng, vấn đề an toàn lại chưa có giải pháp. Chúng tôi hy vọng các kĩ sư cũng nhưng ngành hàng không Nga sẽ có giải pháp để khắc phục vấn đề an toàn.”.

Trước ảnh hưởng của các lệnh cấm vấn lên Nga, thị trường hàng không Việt Nam - Nga đã bị ảnh hưởng khi hoạt động khai thác trực tiếp của các hãng hàng không trên các đường bay giữa hai nước gặp nhiều khó khăn. Vietnam Airlines đã phải thông báo dừng hoạt động khai thác từ 25/3/2022 trên đường bay Hà Nội-Moscow và việc khai thác trở lại trên các đường bay giữa hai nước của các hãng hàng không vẫn còn bỏ ngỏ.

Việc này gây ảnh hưởng trực tiếp lên hành khách, các hãng hàng không và làm tăng chi phí bay, thậm chí của cả các hãng hàng không không tham gia cấm vận do máy bay phải thay đổi lộ trình khai thác, phát sinh các vấn đề bảo hiểm, thanh toán, dự phòng rủi ro...

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết sẽ luôn theo sát các diễn biến về tình hình xung đột, sẵn sàng hỗ trợ các hãng hàng không Việt Nam trong quá trình khai thác trở lại các chuyến bay quốc tế nói chung cũng như tới thị trường Nga nói riêng khi điều kiện cho phép.

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn