Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thứ Sáu, 4/4/2025
Thành phố tôi yêu

Hạn chế kè kiên cố để bờ sông xanh hơn

Nguyễn Yên : Thứ ba 01/04/2025, 08:41 (GMT+7)

Quá trình đô thị hóa và tăng trưởng dân số nhanh chóng đang tạo ra những tác động tiêu cực lên hệ thống sông, hồ ở các đô thị lớn.

Trong bối cảnh đó, các công trình kè sông, hồ kiên cố xuất hiện ngày càng nhiều càng khiến môi trường, cảnh quan của những không gian mặt nước này bị ảnh hưởng. Đã đến lúc, chúng ta cần những giải pháp mềm cho bờ sông xanh hơn, thân thiện với mặt nước hơn.

Chị Nguyễn Anh Thư ở quận Hai Bà Trưng là người yêu hồ Hà Nội. Nhiều năm qua, chứng kiến cảnh diện tích sông, hồ ở Thủ đô bị bê tông hóa quá mức khiến chị không khỏi lo lắng:

"Những dòng sông nội đô hiện được kè bê tông hóa, không chỉ là nhìn không thân thiện mà nó còn ảnh hưởng đến khả năng tự làm sạch của dòng sông, các dòng sông nội đô không khác gì những con kênh, con mương bê tông khi không có nguồn nước để tạo nên dòng chảy cho dòng sông."

Xây kè kiên cố là giải pháp hữu hiệu để phòng chống sạt lở bờ sông, nhưng kè nhiều sẽ làm thay đổi bản chất tự nhiên của dòng chảy (Ảnh minh họa - Lao Động)

Xây kè kiên cố là giải pháp hữu hiệu để phòng chống sạt lở bờ sông, nhưng kè nhiều sẽ làm thay đổi bản chất tự nhiên của dòng chảy (Ảnh minh họa - Lao Động)

PGS TS. Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường ĐH Cần Thơ nêu quan điểm, xây kè kiên cố là giải pháp hữu hiệu để phòng chống sạt lở bờ sông. Đây cũng là một trong những lý do khiến các tuyến kè “phủ sóng” dày đặc ở các đô thị vùng sông nước. Tuy nhiên, kè hết bờ sông thì không tốt, vì nước mưa thấm xuống đất đi ra sông, kè nhiều sẽ làm thay đổi bản chất tự nhiên của dòng chảy.

"Tác động đến dòng chảy rồi dòng sông có những kết nối với hai bên bờ, kè bờ sông khiến con người hay sinh vật tiếp cận với dòng sông khó khăn. Khi làm kè bê tông giống như một lòng chảo nhân tạo khiến sinh vật không phát triển được. Chi phí để duy trì kè đập cũng rất lớn trong khi chúng ta có thể lựa chọn các giải pháp thân thiện với môi trường hơn", PGS. TS. Lê Anh Tuấn cho biết.

Ông Lê Anh Tuấn nhấn mạnh, trong quy hoạch đô thị thời gian tới, những giải pháp mềm cho bờ sông xanh hơn cần được ưu tiên; nếu sử dụng giải pháp xây kè kiên cố hóa bờ sông lâu dài thì cần được tính toán thấu đáo.

Cần hướng đến các giải pháp sinh thái, hạn chế kè bê tông hóa ở các sông, hồ để cải thiện môi trường (Ảnh minh họa - Thanh Niên)

Cần hướng đến các giải pháp sinh thái, hạn chế kè bê tông hóa ở các sông, hồ để cải thiện môi trường (Ảnh minh họa - Thanh Niên)

Trong khi nhiều khu vực tại Hà Nội cứ mưa là ngập, theo các chuyên gia quy hoạch đô thị, việc sử dụng phương án taluy quá thoải để kè bờ sông, hồ đã làm giảm thể tích lòng hồ. Các sông, hồ sau khi kè giống như hình tam giác ngược, lòng sông, hồ bị thu hẹp quá mức, giảm sức chứa và khả năng thẩm thấu. Do đó, khi mưa lớn, sông hồ trở thành những chiếc ao tù chứa nước, không thoát được, gây tích úng cục bộ.

KTS. Ngô Doãn Đức, Nguyên Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nêu quan điểm, cần hướng đến các giải pháp sinh thái, hạn chế kè bê tông hóa ở các sông, hồ để cải thiện môi trường:

"Cái bờ ý nó phải xanh, còn có ý nghĩa về môi trường, sinh thái, cảnh quan chứ không thuần túy kè là kỹ thuật. Chúng ta hoàn toàn có giải pháp, hãy xanh hóa nó một cách tích cực, kết hợp kỹ thuật và nghệ thuật cảnh quan, để có tác động tích cực đến môi trường".

Đối với quy hoạch bãi hai bên sông Hồng tới đây, các chuyên gia cũng cho rằng, phát triển thành phố ven sông phải là những công trình hiện đại, hài hòa, để ra các khoảng hở cho thiên nhiên đi sâu vào bên trong, tránh bê tông phản cảm./.

Nguyễn Yên /vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn