Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Hà Nội: Triệt để làm sạch dòng sông để cải thiện môi trường

Vũ Loan: Thứ hai 11/03/2024, 11:46 (GMT+7)

Lần đầu tiên, 4 chữ: “An ninh nguồn nước” được chính thức xuất hiện và nhấn mạnh trong các dự thảo Luật tài nguyên nước, Luật quy hoạch thủ đô…cho thấy tầm quan trọng và cấp bách của vấn đề gìn giữ, bảo vệ nguồn tài nguyên này, đặc biệt trong sự phát triển bền vững của các đô thị lớn.

Với Hà Nội, việc bảo vệ an ninh nguồn nước sông Hồng chính là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện để cải thiện ô nhiễm môi trường đô thị.

Trước các vấn đề ô nhiễm đô thị ngày càng gia tăng như hiện này thì việc xác định lại trọng tâm từ vấn đề an ninh nguồn nước là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, thực tế, đã có nhiều dự án làm sạch các dòng sông tại Hà Nội chưa thu được kết quả như mong muốn.

Th.s Vũ Thị Liễu, Trưởng bộ môn công nghệ, khoa môi trường, trường ĐH kinh doanh và Công nghệ HN đưa ra ví dụ:"Đã có những quy định liên quan đến việc anh thải ra thì phải đảm bảo QCVN nào rồi, quy định là một chuyện, nhưng việc kiểm soát các quy định, đầu cống xả ra sông thì kiểm soát như thế nào, hệ thống đo và theo dõi như thế nào thì thực sự đó là bài toán. Kể cả sông Tô Lịch có những dự án làm sạch nước trong vòng 5 ngày hoặc 1 tháng nhưng ngày nào cũng có điểm xả ra như thế thì làm sao nó triệt để được."

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

“Anh không thể rửa trôi được gì khi anh không có đủ nước cả” – đó là khẳng định chắc nịch từ KTS Trần Huy Ánh khi điểm lại một năm nhiều khủng hoảng môi trường đã diễn ra tại HN trong năm 2023 như: quá tải bãi rác Nam Sơn, tình trạng khô hạn vào tháng 6, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt vào tháng 9, tháng 10...

KTS Trần Huy Ánh cho biết thêm: "Toàn bộ ô nhiễm không khí, ô nhiễm rác thải và nước thải đều cùng 1 nguyên nhân là do con người thải ra nhưng không có một môi trường tuần hoàn để hấp thụ và chuyển hóa nó. Và không có gì chuyển hóa khác bằng nông nghiệp, khi nguồn nước sạch đủ để sinh vật sinh sống và tái sinh nguồn nước, đó là vòng tuần hoàn sinh học. anh không thể rửa trôi được gì khi không có đủ nước cả. May mắn của điều 19 của Luật quy hoạch thủ đô có thêm 4 chữ là lấy sông Hồng làm trục phát triển trung tâm và lấy “an ninh nguồn nước” làm nhiệm vụ, còn làm thế nào để đảm bảo an ninh nguồn nước thì chưa có giải pháp."

Thực tế nhiều con sông nổi tiếng trên Thế giới đã từng ô nhiễm và đã được phục hưng thành công, đưa màu xanh trở thành biểu tượng cho những thành phố đáng sống đó, như sông Thames ở London- Anh, sông Hàn ở Seoul Hàn Quốc, sông Sein tại Paris Pháp.

Đặc biệt, với kế hoạch hồi sinh dòng sông Hàn của Hàn Quốc đã từng bị ô nhiễm nặng bởi hóa chất, được đánh giá rất cao thời gian gần đây, TS.KTS Nguyễn Văn Tuyên – Giảng viên khoa Kiến trúc -Quy hoạch , trường ĐH Xây dựng HN, lấy làm ví dụ để đối chiếu với khả năng thay đổi chiến lược phát triển xanh cho thủ đô Hà Nội trên cơ sở làm sạch dòng sông Hồng cùng các chi lưu:

"Nếu chúng ta không bảo vệ được hệ thống S mặt nước thì chúng ta không thể bảo vệ được nguồn nước, lượng nước và chất lượng nước cung cấp cho toàn đô thị. Ví dụ vừa rồi ở Hàn Quốc có 1 chương trình liên quan tới cải tạo sông Hàn, kế hoạch của người ta rất tốt, biến 1 chương trình thành 1 đạo luật. Mấu chốt là phải luật hóa tất cả câu chuyện liên quan đến nước, vì đã là an ninh thì phải được luật hóa, phải được thành 1 chương trình mang tính pháp lý và thực hiện nó một cách nghiêm túc thì chúng ta mới có thể thực hiện được."

Bài học, kinh nghiệm và cả những kết quả của nhiều kế hoạch cải tạo các dòng sông trên thế giới đã được ghi nhận, hy vọng sẽ trở thành động lực để Hà Nội nói riêng và các đô thị khác trên cả nước nói chung vững vàng và quyết tâm hơn trong lộ trình thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là bảo vệ an ninh nguồn nước cho đô thị.

Vũ Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn