Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Hà Nội, TP.HCM siết tiêu chuẩn khí thải cao hơn, có lo ngại hàng loạt xe bị loại?

Quách Đồng: Thứ năm 15/05/2025, 13:37 (GMT+7)

Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa công bố dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiêu chuẩn khí thải ô tô. Theo đó, xe ô tô sản xuất từ năm 2017 sẽ phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 3. Riêng tại Hà Nội và TP.HCM sẽ đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4.

Áp dụng theo quy chuẩn này, liệu có xảy ra tình trạng hàng loạt xe bị loại?

Sử dụng chiếc xe từ năm 2012, anh Nguyễn Văn Dũng (ở Đống Đa, Hà Nội) khá băn khoăn khi tới đây có thể sẽ không đạt yêu cầu đăng kiểm. Bởi so với đề xuất mới, được quy định tại Điều 4, dự thảo Quyết định quy định lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải xe ô tô lưu hành ở Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Môi trường soạn thảo, tiêu chuẩn khí thải chiếc xe anh đang sử dụng đã nâng lên 1 bậc, còn nếu lưu hành tại Hà Nội và TP.HCM sẽ nâng lên 2 bậc:

"Nếu những xe trước năm 2017 mà không được lưu thông tại Hà Nội và TP.HCM thì không phù hợp lắm, bởi vì có phải ai cũng có điều kiện mua xe mới đâu, mà bây giờ lượng xe cũ lưu thông rất nhiều. Chỉ có những loại xe nó quá cũ, quá nát thì còn cấm được, chứ quy định như thế nó không phù hợp", anh Dũng nói.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Một số chủ xe đang chờ đăng kiểm tại trung tâm đăng kiểm 2803V (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng bày tỏ sự lo lắng về đề xuất mới này:

"Tất nhiên là không đáp ứng được, bởi vì xe khá lâu rồi. Nếu không cho đi thì phải bán thôi chứ làm sao được. Cái đấy là cả một vấn đề".

"Cũng lo đấy ạ. Nhưng tôi nghĩ mình cũng phải cải thiện cái xe của mình cho nó đáp ứng được thôi".

"Xe mình sản xuất năm 2016. Cũng phải nên áp dụng thôi, không đạt thì là thông tư của Nhà nước thì phải chấp nhận thôi, làm thế nào được".

Những lo lắng của người dân, của chủ xe không phải không có lý, bởi thực tế, với tiêu chuẩn cũ, áp dụng theo Quyết định số 16/2019 của Thủ tướng Chính phủ, xe ô tô sản xuất từ năm 1999 đến nay đều áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 2. Với mức tiêu chuẩn này, số xe không đạt đăng kiểm cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ.

Cụ thể, năm 2023 và nửa đầu năm 2024, tỷ lệ xe trượt đăng kiểm lên đến 1,17 triệu xe, chiếm 21,9%. So với năm 2022, tỷ lệ phương tiện trượt kiểm định trong lần đăng kiểm đầu nói trên cao hơn gấp đôi. Mặc dù năm 2024, tỷ lệ xe trượt đăng kiểm có giảm, song vẫn chiếm 18,11%. Bởi vậy, việc nâng mức tiêu chuẩn khí thải sẽ khiến số xe không đạt tiêu chuẩn tăng lên đáng kể.

Ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, đơn vị vừa họp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đồng thời đóng góp ý kiến cho dự thảo này. Theo đó, phía Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ Xây dựng cho rằng, việc nâng mức tiêu chuẩn khí thải với ô tô đang lưu hành là cần thiết, song cần cân nhắc các yếu tố và lộ trình phù hợp, tránh gây tác động lớn đến đời sống xã hội:

"Phía Cục Đăng kiểm cũng có phương án góp ý, nhưng phương án của Cục Đăng kiểm khác rất nhiều so với phương án bên Bộ Nông nghiệp và Môi trường đưa ra. Phương án của Cục Đăng kiểm cũng như Bộ Xây dựng đưa ra làm sao hài hòa và đảm bảo đáp ứng tiêu chí về bảo vệ môi trường. Thứ nhất là ở các Thành phố như Hà Nội và TP. HCM sẽ phải yêu cầu tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt; sẽ đưa ra các điều kiện đối với phương tiện, điều kiện, lộ trình đối với khu vực hoạt động".

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

TS Chu Mạnh Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ GTVT cũng cho rằng, xu hướng cải thiện ô nhiễm không khí tại các đô thị, đặc biệt như Hà Nội và TP. HCM và một số khu vực lõi đô thị là xu hướng tất yếu. Tuy vậy, việc áp dụng tiêu chuẩn mức 4 từ năm 2026 với các xe sản xuất từ năm 2017 cần được đánh giá thấu đáo, bởi nếu áp dụng tiêu chuẩn này, rất nhiều xe ô tô sẽ không thể sử dụng:

"Cơ quan chức năng khi xây dựng thì phải đánh giá tác động của văn bản và đánh giá tác động kinh tế - xã hội. Để làm được điều đó phải có số liệu thống kê. Nếu không dựa vào số liệu phương tiện, không có số liệu thống kê chính xác về mật độ phương tiện, số lượng phương tiện, chủng loại phương tiện… để có thể khoanh vùng, cải thiện điều kiện đi lại và cải thiện chất lượng không khí của đô thị, thì quy định mang tính cảm tính".

TS Nguyễn Thiết Lập, giảng viên Bộ môn Cơ khí ô tô, Trường Đại học GTVT cũng cho rằng, nhu cầu cải thiện chất lượng không khí tại khu vực đô thị, khu vực đông dân cư thông qua việc kiểm soát chặt chất lượng không khí đã được nhiều nước áp dụng. Tuy vậy, việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải từ mức 2 lên mức 4 tại các đô thị đặc biệt như Hà Nội và TP.HCM thì cần có khảo sát cụ thể, nhất là số lượng phương tiện không đạt, hạn chế những tác động xã hội không mong muốn nếu áp dụng:

"Cần có những khảo sát liên quan đến đời sống dân sinh, ví dụ số lượng những loại xe không đạt tiêu chuẩn khí thải nó chiếm tỷ lệ như thế nào, nếu như nó nhiều thì có thể nó sẽ ảnh hưởng lớn đến cộng đồng thì nó cũng khó khả thi", TS Nguyễn Thiết Lập cho biết.

11-1112

Việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải ô tô tại các đô thị là xu thế tất yếu để góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy vậy, cần đặt ra lộ trình áp dụng phù hợp để giảm thiểu tác động xã hội không mong muốn, nhất là việc đặt ra lộ trình quá gấp, giật cục, sẽ khiến việc áp dụng trở nên khó khăn, vướng mắc.

Đây cũng là góc nhìn của VOV Giao thông qua bài bình luận: "Lộ trình đừng quá đường đột".

 

Những ngày qua, thông tin Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất dự kiến áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 đối với ô tô sản xuất trong nước từ 1/1/2026 lưu hành tại Hà Nội và TP.HCM, thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Bởi lẽ, đề xuất này, trước hết là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm không khí và hướng tới giao thông bền vững.

Đây là chính sách được nhiều đô thị trên thế giới áp dụng, nhất là những khu vực đông dân cư, cần giảm thiểu tỷ lệ phát thải từ phương tiện cơ giới, đặc biệt là ô tô.

Bên cạnh đó, chính sách này ngoài việc góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí tại hai đô thị có mật độ phương tiện cao nhất cả nước, đồng thời thúc đẩy việc chuyển đổi sang các phương tiện xanh, thân thiện với môi trường.

Tuy vậy, cũng có nhiều ý kiến băn khoăn về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đặt ra tại đề xuất này. So với quy định hiện hành được quy định tại Quyết định 16/2019/QĐ-TTg, mức tiêu chuẩn khí thải tăng lên đáng kể. Cụ thể, theo Quyết định số 16 năm 2019, xe ô tô sản xuất trước năm 1999 đều áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 1; xe ô tô sản xuất từ năm 1999 đến nay áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 2.

Mặc dù vậy, số xe trượt đăng kiểm vẫn chiếm tỷ lệ không nhỏ. Chẳng hạn, năm 2024, dù số lượng xe trượt đăng kiểm đã giảm, song vẫn chiếm hơn 18%. Bởi vậy, nếu nâng tiêu chuẩn khí thải đối với xe sản xuất từ năm 2017 lên mức 3 trên toàn quốc và mức 4 đối với Hà Nội và TP. HCM từ 1/1/2026 theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, chắc chắn số lượng xe trượt đăng kiểm sẽ tăng lên đáng kể, nếu không muốn nói là rất nhiều.

Nhiều người sở hữu ô tô sản xuất từ năm 2017, dù vẫn trong tình trạng tốt, có thể không đáp ứng được tiêu chuẩn khí thải mới. Điều này có thể dẫn đến việc họ phải nâng cấp hoặc thay thế phương tiện, gây áp lực tài chính đáng kể, không phải gia đình nào cũng có thể đáp ứng được.

Thêm nữa, việc siết chặt tiêu chuẩn khí thải có thể ảnh hưởng đến thị trường xe cũ, dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa ô tô. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần thích ứng với nhu cầu mới, chẳng hạn như cung cấp dịch vụ nâng cấp hệ thống khí thải hoặc hỗ trợ khách hàng chuyển đổi sang xe thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, chính sách này có thể tạo ra sự bất bình đẳng nếu không đi kèm với các biện pháp hỗ trợ phù hợp. Người dân ở các khu vực khác nhau, với mức thu nhập và khả năng tiếp cận dịch vụ khác nhau, sẽ chịu ảnh hưởng không đồng đều.

Bởi vậy, để áp dụng tiêu chuẩn khí thải xe ô tô cao hơn, đặc biệt là tại Hà Nội và TP. HCM, cần công bố lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải một cách dài hơi, với các mốc thời gian cụ thể, để người dân và doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, chứ không phải đưa ra lộ trình đường đột, vừa đưa ra đã áp dụng, người dân không kịp trở tay. Bởi vậy, để đảm bảo hiệu quả của chính sách, cần nâng cao năng lực của các trung tâm kiểm định khí thải, đảm bảo tính chính xác và minh bạch trong quá trình kiểm tra. Ngoài ra, cần triển khai các biện pháp giám sát và xử lý vi phạm một cách nghiêm minh.

Chính phủ nên xem xét các chính sách hỗ trợ tài chính, chẳng hạn như trợ cấp mua xe mới, ưu đãi thuế cho xe thân thiện với môi trường, hoặc hỗ trợ nâng cấp hệ thống khí thải cho xe cũ, để đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội tuân thủ quy định mới. Đồng thời, cần tổ chức các chương trình truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 tại Hà Nội và TP.HCM từ năm 2026 là một bước đi quan trọng trong nỗ lực bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, để chính sách này đạt được hiệu quả mong muốn và không gây ra những tác động tiêu cực về mặt xã hội, cần có một lộ trình triển khai hợp lý, đi kèm với các biện pháp hỗ trợ và giám sát chặt chẽ. Việc đánh giá tác động xã hội một cách toàn diện sẽ giúp đảm bảo rằng chính sách không chỉ hiệu quả về mặt môi trường mà còn công bằng và khả thi về mặt xã hội.

Quách Đồng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Hàng loạt xe bị chặn đăng kiểm do lỗi từ nhiều năm trước, xử lý ra sao?

Hàng loạt xe bị chặn đăng kiểm do lỗi từ nhiều năm trước, xử lý ra sao?

Như VOV Giao thông đã thông tin, thời gian qua, nhiều tài xế phản ánh, họ bị chặn đăng kiểm do bị lỗi phạt nguội từ nhiều năm trước. Đáng chú ý, các lỗi này không hề được phát hiện và phương tiện cũng đã nhiều lần đăng kiểm thành công. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Hà Nội chính thức khởi công cầu Tứ Liên nối Tây Hồ với Đông Anh

Hà Nội chính thức khởi công cầu Tứ Liên nối Tây Hồ với Đông Anh

Sáng nay (19/5), UBND TP Hà Nội chính thức khởi công Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa).

Chở sắt quá dài, đi vào đường cấm: Tài xế và chủ xe bị phạt hơn 40 triệu đồng

Chở sắt quá dài, đi vào đường cấm: Tài xế và chủ xe bị phạt hơn 40 triệu đồng

Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ số 1 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) vừa xử lý, lập biên bản vi phạm đối với lái xe và chủ phương tiện chở sắt làm rơi hàng xuống đường, gây mất an toàn giao thông.

Việc khó bỏ… cho dân?

Việc khó bỏ… cho dân?

Việc tiếp tục đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông của một đại biểu Quốc hội những ngày qua lại dấy lên những ý kiến trái chiều. Nhưng khác với những lần tăng trước, lần này, chúng ta phải nghiêm túc nhìn lại vấn đề này…

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cầu Tứ Liên phải thi công trong vòng 24 tháng

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cầu Tứ Liên phải thi công trong vòng 24 tháng

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các nhà thầu thi công dự án cầu Tứ Liên phải thi công trong vòng 24 tháng, mặt bằng thi công dự án không nhiều chỉ hơn 5km, cần tăng ca tăng kíp, vận dụng tất cả những gì hiện đại nhất trong ngành xây dựng để rút ngắn thời gian thi công...

Kiến thức học chậm không sao, nhưng kỹ năng sinh tồn không thể chậm

Kiến thức học chậm không sao, nhưng kỹ năng sinh tồn không thể chậm

Chỉ vài tuần nữa là học sinh bước vào kỳ nghỉ hè nhưng đã liên tiếp xảy ra một số vụ đuối nước thương tâm, tai nạn giao thông liên quan đến học sinh. Bởi vậy, cần chú trọng đến dạy các kỹ năng đảm bảo an toàn cho trẻ:

Bó sắt di động, “hung thần” trên đường phố

Bó sắt di động, “hung thần” trên đường phố

Sáng 19/5, tại vòng xoay cầu Chương Dương, một bó sắt dài 12 mét, nặng khoảng ba tấn đã bất ngờ đổ xuống mặt đường khiến giao thông ùn ứ và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao.