Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Hà Nội sống và yêu: Mùa hạ trong ký ức của ba

Thùy Linh - Ngọc Tiến: Thứ bảy 06/07/2024, 15:36 (GMT+7)

Ký ức mỗi người về mùa hè ở Hà Nội qua biến thiên thời gian có nhiều thứ để nói. Hà Nội bây giờ cũng khác xưa. Trải nghiệm một mùa hè nóng bức hơn cũng có nhiều đổi thay

 

BÊN DÒNG THỜI GIAN

"Nhôm ơi, Nhôm, hôm nay mát trời ra ngoài chơi đi con. 

Thôi, giờ có ai ra ngoài chơi đâu ba, con ở nhà chơi Ipad cơ".

“Cứ đi học về là con xin chơi Ipad, học xong lại xin chơi tới tận lúc ngủ. Lúc nào bố không cho thì phụng phịu này kia. Nó bảo bây giờ các bạn đều chơi mấy trò điện tử với chát chít trên đó cả. Giờ chúng nó khác lắm, chẳng mong hè như bọn tôi ngày xưa".

Ánh mắt anh Hoàng Linh, ba bé Nhôm đượm một màu lưu luyến. Nói chuyện với con, người ba chạc bốn mươi lại nhớ về những ngày xưa, thuở ba còn tầm tuổi con bây giờ: 

“Hồi đó, chúng tôi mong đến hè lắm, để được nghỉ. Ngày xưa ở Hà Nội thì bọn trẻ con cũng lắm thứ để chơi hơn bây giờ. Ngày đấy nhà nào cũng có cái gánh hàng rong của các bà các mẹ ra chợ ngồi. Bọn trẻ con chúng tôi đứa nào cũng cứ rình để lấy, để mang đi chơi đồ hàng.

Ở xóm có chú Quý bán tò he, bọn tôi thích lắm, không có tiền mua mà cứ ra sạp hàng nhìn mãi. Có lần chú thách bảy đứa trẻ con bọn tôi xếp được 100 cái thuyền giấy thì đổi được hai con tò he. Thế mà bọn tôi xếp được thật, xếp cả chiều mới đủ".

Ảnh minh họa: PLXH

Ảnh minh họa: PLXH

Giữa trưa, ngồi bên bếp lửa liu riu, củi đã cháy phân nửa, nồi cá kho sôi sục toả mùi khói. Đám con nít tụ lại ngồi nghe bà kể chuyện, câu chuyện về quả thị thơm, cô Tấm hiền, về cỗ xe ngựa hoá ra từ bí ngô hay chàng hiệp sĩ can trường đánh bại mụ phù thuỷ già tàn ác.

Đám trẻ ngày xưa đều lớn lên từ đó, rồi từ đó mà biết được ở hiền sẽ gặp lành và dù có đói nghèo cũng nhất định phải làm người tử tế. 

“À, ngày xưa thì nhiệt độ nó không nóng như giờ đâu. Nắng cũng có nắng nhưng không khó chịu như thế này. Bây giờ ra đường trẻ con hay người lớn đều bịt kín mít, chẳng nhìn ra ai với ai".

Nắng vàng tươi thắm trên màu lá sấu, cái mùi dìu dịu thoang thoảng lướt qua cánh mũi hồng. Giữa ban trưa, trời có nắng như đổ lửa, thì chỉ cần một cái quạt nan cũng thấy đủ mát. Trời không lúc mưa lúc nắng như bây giờ.

“Hồi đó, bọn tôi nhìn chuồn chuồn để đoán thời tiết. Kiểu cứ ba, bốn ngày nắng gắt lại đến một ngày mưa to".

Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm. Câu tục ngữ, bài đồng dao đã đi theo cả cái tuổi thơ của đám trẻ nọ. 

Lớn hơn một chút, biết nhớ biết thương, biết tương tư hình bóng người con gái nọ, lại có cậu học trò ôm cây đàn ghi-ta ngân nga mấy bài tình ca. Ngày đó nghèo lắm, không có mấy nhà có điện thoại như bây giờ.

Nên mỗi mùa phượng sang, đỏ rực góc sân trường, lòng chàng trai nọ lại bồi hồi biết bao. Bọn học trò thuở ấy gọi đó là mùa chia ly, bởi sau hè, chuyển cấp, mỗi đứa một nơi, không biết bao giờ mới lại được hội ngộ.

Hà Nội cũng không ồn ã như bây giờ. Hà Nội trong ba là một buổi chiều yên bình, ba chở mẹ con trên chiếc xe đạp tàn rong ruổi ngắm cảnh hoàng hôn nơi Hồ Tây lộng gió. 

"Xưa thì Hà Nội cũng chỉ toàn là đồng ruộng thôi. Không có đường bê tông, nhà tầng, như bây giờ. Con đường quanh hồ Tây hồi đó vẫn còn là đường đất ấy. Nhưng tôi vẫn chở bạn gái, cũng là vợ tôi bây giờ đạp 2 vòng quanh đó, rồi ăn kem chanh túi 500 đồng".

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mùa hè trong ký ức của ba là cánh đồng vàng ươm màu nắng, là tiếng ve kêu inh ỏi tới nỗi không ngủ được, là cánh phượng tàn nơi góc sân trường, là dòng lút bút nhoè đi vì nước mắt, là lời thích thầm còn chưa kịp tỏ bày.

“Hà Nội bây giờ phát triển nhiều rồi, đôi khi chính tôi còn quên béng mất khung cảnh Hà Nội hồi xưa, hồi tôi còn nhỏ ấy".

Nhà tầng thay thế nhà gạch xưa, di động gọi trực tiếp được từ Việt Nam sang Mỹ. Trong nội đô hiếm mà ngửi được mùi cốm chín thơm,mùi khói từ bếp than đang ửng đỏ. Cái râm mát của những cây cổ thụ cũng dần không còn vì mấy gốc nhãn, gốc dâu da xoan, cây trứng dần bị đốn đổ để nhường chỗ cho các công trình lớn nhỏ của Thủ đô.

Khác với ngày ấy, mùa hè của trẻ con bây giờ không có mấy thằng bạn cùng xóm chạy qua nhà rủ đi đá cầu, bắt bọ gậy, mà chỉ có tiếng gào thét qua màn hình điện thoại khi chơi mấy trò chơi điện tử.

“Thường thì em sẽ lướt tiktok, em còn nhờ bạn Khôi ở lớp lập hộ nick để đu trend cơ".

“Em thích chơi Liên quân, hoặc là Liên minh huyền thoại ý. Em chơi hơi bị đỉnh, em lên rank vàng rồi".

“Mình là học sinh lớp 12, sau những giờ ôn thi đầy áp lực thì mình chọn cách đi cà phê với bạn bè, hoặc đơn giản là nằm nhà ngủ và nghe nhạc thôi. Mình cũng không thích ra ngoài lắm".

Công nghệ phát triển, cả hè trẻ con cứ nằm lì ở nhà không biết chán. Giờ này chắc chẳng còn mấy đứa trẻ tin vào một cô Tấm bước ra từ trong quả thị, rằng công chúa và hoàng tử sẽ hạnh phúc bên nhau mãi mãi. 

Nghe ba kể về chuyện ngày xưa, bé Nhôm kinh ngạc lắm, toàn là những chuyện kỳ lạ bé chưa nghe bao giờ.

“Ô ăn quan là cái gì hả ba? Hồi đó ba với mấy chú lại ngồi được trong bếp nghe bà kể chuyện không thấy nóng ạ?”

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Có lẽ gió trời, quạt nan không mát bằng gió điều hoà. Mùa hè trong đám trẻ có lẽ là những ngày nóng như đổ lửa, khó thở vì bụi mịn và ùn tắc, bịt kín mịt cũng chẳng dám ra ngoài đường. 

Hè sang rồi, nhưng tiếng xe cộ ồn tới mức át đi cả tiếng ve.

“Tôi để ý thấy các trường bây giờ cũng không nhất định phải có cây bàng, cây  phượng trồng trong sân trường như của bọn tôi ngày xưa. Trước là bọn tôi cứ thấy phượng nở đỏ là háo hức, bồi hồi lắm, có mấy bạn nữ còn kẹp vào trong trang vở làm hoa khô. Giờ thì chắc bọn trẻ con cũng ít làm vậy rồi".

Có lẽ vì thế mà cái mùa chia ly nay đã không còn bồi hồi như vài chục năm trước.

“Con vẫn hay nhắn tin với bạn Tú A và bạn Đăng Khôi hồi cấp 1 trên Zalo. Các bạn ý cùng trước cấp 2, nhưng khác trường con, bọn con vẫn hay chơi Liên quân chung".

Những sân chơi cứ vắng dần, rồi cuối cùng ít đi và trở thành một kỷ niệm cũ kỹ của đám người lớn. Thời tiết quá đỗi khắc nghiệt do là cái giá phải trả để biến Hà Nội trở thành một đô thị lớn. Các con chẳng còn chỗ để thả sức vui đùa.

Trẻ con lại tiếp tục dành cả mùa hè của mình trong những căn phòng, những lớp học. Mùa hè thời hiện đại bỗng dưng hiu hắt hẳn. 

Hà Nội bây giờ khác quá, phát triển hơn, nhưng đâu đó cũng lại đang thu hẹp lại không gian vui chơi và rút ngắn đi một phần ký ức tuổi thơ của trẻ con tân thời.

Ảnh: Dân Trí

Ảnh: Dân Trí

SỐNG Ở HÀ NỘI

Sơn Tây ngày nay là thị xã nhưng xưa bao gồm cả huyện Bà Vi, Thạch Thất, Quốc Oai. Vào mùa hè, Sơn Tây nắng gắt rất khó chịu, không chỉ nóng do nhiệt độ cao mà không khí còn oi bức nên vùng này có câu “Nắng Sơn Tây, mây Ba Vi”. Vì núi chỉ cao hơn 1100m nhưng quanh năm có mây bao phủ.

So với các tỉnh từ Nghệ An vào đến Đà Nẵng, nhiệt độ mùa hè những ngày cao điểm tại  Sơn Tây vẫn còn thấp  hơn. Tuy nhiên so với mấy huyện xung quanh  như Phúc Thọ, Hoài Đức thì  Sơn Tây luôn cao hơn từ 0,3-0,4 độ.  Những ngày  nắng nóng nhiệt độ Sơn Tây có thể lên tới 39-40 độ. 

Nguyên nhân là phía tây của khu vực Sơn Tây bị che chắn bởi các dày núi đá vôi Hòa Bình nên gió bị quẩn  không thoát ra được đã tạo ra vùng tiểu khí hậu khác với  khu vực  xung quanh. Một  nguyên nhân nữa  khiến nhiệt độ khu vực Sơn Tây  cao là do  có  vùng thềm phù sa cổ với các đồi đá ong rộng lớn.

Các nhà  khí tượng học đã công bố số liệu nghiên cứu tháng 7 là  tháng có số giờ nắng cao nhất ở Sơn Tây  với 211 giờ  và thấp nhất là  tháng 3 với 52 giờ. Nhiệt độ cao nhất ở Sơn Tây kéo dài  từ tháng 6 đến tháng 8. 

Nhiệt độ cao lại cộng thêm  gió Lào khô nóng từ phía Tây thổi qua khiến không khí  như thiêu đốt. Trung bình, mỗi năm Sơn Tây có khoảng 10 ngày bị  gió Lào. Người Mường sóng ở  khu vực này gọi là  gió Chảng. 

Những ngày có gió Lào,  trời Sơn Tây trong vắt, thỉnh thoảng có đám mây trắng như bông lững lờ. Câu “Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm” trong bài thơ “Đôi mắt người Sơn Tây” là Quang Dũng nhớ về cái nắng màu hè ở  Sơn Tây quê ông.

Lượng mưa vào mùa hè ở Sơn Tây cũng nhiều hơn các vùng xung quanh. Sau mỗi trận mưa, dù nhiệt độ  có giảm song vì độ ẩm cao khiến không khí oi  bức, ngột ngạt.

Ảnh: Dân Trí

Ảnh: Dân Trí

Theo số  liệu  thống  kê của cơ quan  khí tượng, tổng số giờ nắng ở Sơn Tây trung bình trong một năm là 1881 giờ, trong khi đo ở trạm khí tượng Láng  chỉ là 1651 giờ. Nếu so sánh nhiệt độ các tháng hè ở Sơn Tây  thì tương ứng với nhiệt độ đo ở trạm khí tượng Láng, Láng thuộc  là khu vực nội đô,  có  nhiều nhà bê tông cao tầng, mà nhiệt độ ở hai nơi tương ứng có nghĩa là Sơn Tây  nóng hơn.  

Năm 1884, khi thực dân Pháp đưa quân đến khu vực Sơn Tây,  bác sỹ Hocquard đi theo đoàn quân viễn chinh đã mô tả khí hậu  ở đây trong cuốn “Một chiến  dịch ở Bắc Kỳ”: “Trời nóng nực. Mặt trời không bao giờ ló ra trên nền trời xám lúc nào cũng  đầy mây nhưng không khí nặng nề tích điện. Suốt ngày binh lính cũng cảm thấy bức bối oi ả gống như khi sắp có giông lớn ở Pháp.

Những người lính Algérie dẫu đã quen với cái nắng Bắc Phi cũng không thoát khỏi cảm giác nặng nề bức nồng cũng vã mồ hôi đầy mình và  quạt luôn tay. Nhiều binh lính say nắng ngất đi phải nằm dưới  bóng cây và quân y phải chà sát cho họ tỉnh lại. Mầu da hồng hào đã biến mất và chứng thiếu máu bắt đầu làm giảm quân số”.

Ngày nay, sinh viên các trường đại học, cao đẳng ở hai địa danh này phải tập quân sự dưới trởi nằng đã chế ra câu “Nắng Sơn Tây thiêu đốt đời trai trẻ/Mây Ba Vì che lấp cả tương lai”. Nhưng nắng Sơn Tây lại làm cho hoa quả vùng này kết đường ngọt hơn các vùng khác. Độ ngọt của mía và mít, xưa là quả vải không có nơi nào sánh được.

Ảnh minh họa: Tổ Quốc

Ảnh minh họa: Tổ Quốc

TIN YÊU

- TP Hà Nội sẽ tổ chức bắn pháo hoa 15 phút, từ 21 giờ 30 ngày 9/10 với điểm nhấn là trận địa pháo tầm cao kết hợp tầm thấp tại sân vận động Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm) chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

- Cung Thiếu nhi Hà Nội là một dự án trọng điểm của thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2020 - 2025. Dự kiến đi vào hoạt động từ đầu tháng 7, chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

- Lần đầu tiên tổ chức, Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024 và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc diễn ra từ ngày 12 đến 16-7, với nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc sắc để tôn vinh và khẳng định giá trị của cây sen trong phát triển kinh tế - xã hội.

- “Mùa hè - Trải nghiệm và khám phá” là chủ đề hoạt động tháng 7 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), với các hoạt động thiết thực, ý nghĩa.

- Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò sẽ tổ chức trưng bày chuyên đề “Một thoáng di sản” từ ngày 1/7-15/9. Đến tham quan triển lãm chuyên đề, công chúng sẽ được chiêm ngưỡng 25 di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến và địa điểm lưu niệm của Thủ đô Hà Nội. Mỗi điểm đến gợi nhắc về một sự kiện quan trọng trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam.

- Thời gian qua, lượng khách tham quan đến với các bảo tàng thông qua những video/clip của các TikToker, Facebooker… lan truyền trên mạng xã hội có xu hướng tăng. Đây là tín hiệu để các bảo tàng chuyển mình và định hướng rõ ràng trong cách tiếp cận du khách, đặc biệt là giới trẻ.

Thùy Linh - Ngọc Tiến/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn