Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Hà Nội sống và yêu: Ăn sáng từ nhà ra phố

Thùy Linh - Ngọc Tiến: Thứ bảy 20/04/2024, 17:10 (GMT+7)

Không khó để bắt gặp đủ các hàng quán bán đồ ăn sáng ở Hà Nội ngày nay. Lật giở về quá khứ, thói quen ăn sáng của người Hà Nội phải chăng là lê la quán xá hay đã biến thiên theo thời gian?

Trong ký ức ngày bé, quà sáng của tôi là những món được chính tay mẹ làm. Dù phố cổ nhiều thức quà ngon, mẹ vẫn thích nấu nướng để chồng con thưởng thức. Sau này, công việc bận rộn, việc ăn quà sáng cùng nhau đã thưa dần. Thay thế là các bữa sáng ở quán xá.

Tục ngữ có câu “Ăn Bắc mặc Nam”, ắt hẳn thói quen ăn sáng của người Hà Nội cũng thú vị. Thật vậy, chuyện ăn sáng của người Hà Nội cũng có lịch sử của riêng nó, như chia sẻ của nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến:

"Xưa nhất là trong chế độ phong kiến người Việt nói chung và người Hà Nội nói riêng một ngày ăn hai bữa: tức là ăn cơm vào bữa sáng và bữa chiều. Bởi vì sáng ngày xưa không có quà sáng thì người ta ăn cơm sáng rồi đi làm các công việc thường nhật, khi mà trưa đến và đói thì người ta ăn thêm bát cơm nguội, còn các gia đình trung lưu khá giả thì họ ăn quà như ăn chè, củ khoai hay bánh".

Ảnh: Quang Hùng

Ảnh: Quang Hùng

Điều này nghe chừng cũng hợp lý với một đất nước có nền văn minh lúa nước lâu đời. Chỉ đến khi Pháp xâm chiếm nước ta, xã hội phong kiến được thay thế bằng xã hội phương Tây, thói quen ăn sáng của người Hà Nội nói riêng và người Việt nói chung bắt đầu thay đổi.

Trong cuốn sách “Quảng tập viêm văn: An Nam văn tập” xuất bản năm 1894, nhà nghiên cứu người Pháp Edmond Nordemann thống kê được 30 tiếng rao, trong đó có rao quà như : “Ai bánh bao ra mua”; “Ai bánh cuốn Thanh Trì ra mua nào...”; “Ai bánh giò ra mua nào”…

Chứng tỏ hàng quà đã có từ trước khi ông viết sách. Có người bán quà ắt có người ăn quà. Và như vậy thì ngoài ăn sáng bằng cơm, trong nửa cuối thế kỷ XIX, ở Hà Nội đã có người ăn sáng bằng quà.

Có điều, theo nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, phần lớn người ăn quà sáng là dân lao động:

"Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 thì người ăn quà ngoài đường, ví dụ như ăn phở gánh, bánh cuốn, xôi thì chủ yếu là người lao động. Chứ còn những gia đình gia giáo có học thì người ta không ăn sáng ngoài đường, không ngồi ngoài đường bởi họ cho rằng như thế là không có lòng tự trọng. Nếu gia đình nào có ăn sáng thì người ta mua về nhà ăn ở trong nhà, chứ không ngồi ở ngoài đường".

Khi các trường tiểu học Pháp Việt, sở Tây được mở, nhiều người không còn thong thả để thưởng thức bữa sáng tại nhà nữa. Đấy cũng là lúc nhiều hàng bán quà sáng xuất hiện bởi nắm bắt tốt nhu cầu thị dân. Không chỉ bán ở hè phố, quà sáng được bán trong nhà với đủ thứ như phở, bún hay cả đồ ăn tây. Thị yếu của người Hà Nội cũng dần thay đổi.

Thế nhưng, việc ăn sáng lại có sự thay đổi lớn sau năm 1954. Khoảng những năm 1960, xuất hiện các cửa hàng ăn uống quốc doanh do nhà nước quản lý. Thời bao cấp, Hà Nội xuất hiện các cửa hàng ăn uống quốc doanh. Các cửa hàng này bán phở, mì, bánh mì ngọt... dẫn đến các cửa hàng phở, bún của tư nhân ít dần và cũng hạn chế người bán quà rong buổi sáng.

Vậy là, các cửa hàng mậu dịch quốc doanh trở thành nơi bán quà sáng cho người dân Hà Nội. Các quán bán quà trong nhà của tư nhân ít dần đi. Cán bộ lương cao vẫn có thể ăn phở buổi sáng nhưng viên chức, công nhân lương thấp thì chỉ dám làm gói xôi. Lại có một giai đoạn ăn sáng bằng cơm. Lý do là:

"Khi miền bắc xảy ra chiến tranh Mỹ ném bom, cuộc sống của người dân cũng khó khăn thiếu thốn, chế độ bao cấp cũng làm cho cuộc sống của người dân không đầy đủ, vì thế nhiều gia đình quay trở lại việc ăn sáng bằng ăn cơm. Như vậy trong giai đọan nửa cuối tập niên 60 kéo dài cho đến sau này thì ăn sáng lại quay trở lại như hàng trăm năm trước do điều kiện kinh tế do sự thiếu thốn".

Ảnh: Quang Hùng

Ảnh: Quang Hùng

Thời kỳ đất nước thống nhất và đổi mới, các điểm bán quà sáng xuất hiện trở lại và phong phú hơn. Người Hà Nội lại ra phố ăn quà. Theo chia sẻ của bà Nguyên, sinh sống ở phố Hàng Bông, nhà nào khó thì sẽ có cách ăn quà sáng đặc biệt hơn:

"Ngày xưa ăn sáng ở Hà Nội thì cũng là cửa hàng Mậu dịch quốc doanh phở Bắc Kinh hay phở Nguyên Sinh, một vài cửa hàng. Nhiều nhà thời bao cấp người ta cũng khó khăn thì cứ ra mua một bát phở về, xin nhiều nước để về trộn với cơm nguội ăn. Tại vì khó khăn. Thời đấy vẫn là cơm với mì trộn với nhau với bo bo, chứ không như bây giờ bây giờ thì nhiều. Sau bao cấp thì rất nhiều hàng quán mở ra".

Cũng từ ngày đổi mới, bà Nguyên là “tín đồ” ăn hàng. Quán nào ngon ở phố cổ bà đều thuộc lòng trong lòng bàn tay. Vừa tiện cho công việc, mà còn được thưởng thức món ngon từ sự khéo léo của các đầu bếp.

Ảnh: Quang Hùng

Ảnh: Quang Hùng

Ngày nay, quan niệm ăn sáng của người Hà Nội đã bớt nặng nề. Trước đây họ cho rằng ăn sáng ngoài đường là nhếch nhác thì nay họ coi chuyện đó là bình thường, chỉ đơn giản là ăn để có sức làm việc cả ngày. Không khó để bắt gặp đủ loại hàng quà sáng ở Hà Nội hấp dẫn chiếc bụng đói của thực khách.

Tuy nhiên, vẫn có những gia đình lựa chọn ăn sáng ở nhà bởi thói quen đó đã ăn sâu vào nếp nhà như gia đình TS Nguyễn Hoàng Điệp – chuyên gia nghiên cứu về văn hoá:

"Gia đình tôi có truyền thống không thích ăn các quán vỉa hè hay ở ngoài. Bởi vì một là rất là lo về chất lượng. Thứ hai là vệ sinh. Đồng thời đảm bảo chi tiêu kinh tế, thuận tiện hơn trong một kế hoạch chi tiêu của gia đình mình. Nhất là ăn sáng tôi thích cái gì nó tịch mịch, vừa kết hợp xem thời sự buổi sáng hay tin tức gì đó. Chứ đi ra ngoài không có những điều kiện đấy".

Dù hàng quán bây giờ rất phát triển, thoả mãn được cả phần nhìn lẫn phần thưởng thức. Thế nhưng, theo TS Nguyễn Hoàng Điệp, nếu ai cũng ra tiệm ăn sáng liệu có mất đi cái nếp xưa của phụ nữ Hà Nội “công dung ngôn hạnh” hay không?

"Cái ăn sáng nhà tôi cũng giữ truyền thống bởi con cái trong nhà có khả năng nấu nướng. Mà tôi rất thích cái người xưa quan niệm “công dung ngôn hạnh”. Người phụ nữ không thể cái gì cũng ra tiệm được, như thế mất đi cái nữ công gia chánh của mình. Chúng tôi muốn rèn luyện cho con cho cháu mình kỹ năng về nấu ăn, như thế nó tiện hơn và cũng là giữ được cái nếp gia phong truyền thống dân tộc".

Quà sáng ngày nay của người Hà Nội vô cùng phong phú. Thói quen ăn sáng vì thế cũng đổi thay rất nhiều so với trước đây: từ nhà ra phố. Sự thay đổi cũng là điều dễ hiểu bởi cách ăn và lối sống của lớp người hôm nay cũng khác xưa.

Nhưng với những người có thời gian và cầu kỳ trong ăn uống, ắt hẳn họ vẫn chọn cách dùng quà sáng truyền thống bởi sẽ hiếm người bán hàng đạt đến độ tinh tế để chinh phục những người biết ăn.

Một bức ảnh chụp địa danh Ô Cầu Dền những năm đầu thế kỷ 19 (Ảnh: TL)

Một bức ảnh chụp địa danh Ô Cầu Dền những năm đầu thế kỷ 19 (Ảnh: TL)

SỐNG Ở HÀ NỘI

Theo phương án  sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2025, dự kiến Hà Nội giảm 70 đơn vị cấp xã, phường. Lần sắp xếp này là một trong nhiều lần sắp xếp cấp phường xã của Thăng Long-Hà Nội  hơn 1000 năm qua. “Chuyện tách nhập xã, phường trong lịch sử thế nào?

Thời Lý, Trần, kinh đô Thăng Long có 61 phường nhưng đến nhà Hậu Lê giảm xuống còn 36 phường trong khi diện tích kinh đô được mở rộng  hơn. Tại sao lại như vậy? Lý do chỉ là nhà Hậu Lê bổ nhiệm quan về tận cấp phường xã, những viên quan này ăn lương của triều đình nên ít phường sẽ tiết kiệm  ngân khố.

Nhưng đến nhà Nguyễn, cụ thể là vua Gia Long, ông lại tăng lên 249  phường, xã, thôn. Thời kỳ này kinh đô đã chuyển vào Huế, Thăng Long hạ cấp xuống  Bắc thành và triều đình cũng không bổ chức  xã trưởng, phường trưởng hay trưởng thôn, các chức do dân bầu, không có lương, chỉ được  phụ cấp lấy từ các khoản thu trong phường, xã.

Tuy nhiên tên phường, xã ở Thăng Long triều vua Gia Long khá lộn xộn, tỷ lệ  tên phường, thôn, xã có 4 âm tiết đến 6 âm tiết khá cao, cá biệt có tên phường  tới 8 âm tiết.

Năm 1824, vua Minh Mạng chủ trương xem xét lại tên gọi các đơn vị hành chính ở các địa phương và ra chỉ dụ “Những tên Nôm và mặt chữ không nhã thì bàn định đổi đi”. Năm 1831, ông thực hiện cái cách hành chính trên cả nước, đổi tên Việt Nam thành Đại Nam, xóa bỏ Bắc thành, lập tỉnh Hà Nội gồm  4 phủ, 15 huyện.

Phủ Hoài Đức vẫn gồm 2 huyện nhưng Thọ Xương rút xuống còn 116 phường, thôn, xã huyện Vĩnh Thuận còn 40. Như vậy 93 tên xã, phường, thôn ở phủ Hoài Đức trong triều vua Gia Long bị xóa bỏ.  Quan điểm việc giảm số cấp hành chính của vua Minh Mạng là tinh gọn bộ  máy quản lý.

Bản đồ Hà Nội thời thuộc Pháp (Ảnh: CAND)

Bản đồ Hà Nội thời thuộc Pháp (Ảnh: CAND)

Sau năm 1831, địa dư và  địa danh hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận thay tên theo hướng “Hán hóa”. Các tên phải diễn giải, mô tả  kiểu nôm na bị xóa bỏ thay vào là sử dụng  mỹ từ mang ý nghĩa hay, đẹp. Việc đặt tên các đơn vị hành chính được áp dụng  theo 3 cách, một là  đặt tên hoàn toàn mới; hai là nếu nhiều thôn, xã, phường nhập làm một thì  lấy tên của tổng.

Còn hai thôn, phường, xã sáp nhập thì có thể lấy 2 chữ đầu của hai địa danh ghép với nhau hoặc chữ đầu của địa danh này ghép với chữ cuối  của địa danh kia. Cách ghép này sẽ giữ lại được một số tên cũ trong 93 địa danh bị xóa. Ngoài đổi tên do tách nhập thì trong triều Nguyễn từ năm 1802-1907 có 73 tên xã phường Hà Nội phải đổi tên vì trùng với 15 húy, 4 xã trùng với từ tôn kinh là Thiên và Nguyễn nên phải đổi.

Cuối thế kỷ 19, khi thực dân Pháp chiếm tỉnh Hà Nội, ngày 19-7-1888, họ lấy  huyện Thọ Xương và  một phần Vĩnh Thuận  lập thành phố Hà Nội thuộc Pháp. Lúc này cấp hành chính không còn phường, thôn, trại, xã nữa mà họ chia Hà Nội thành 8 hộ (quartier), dưới hộ là phố, đứng đầu phố là trưởng phố có vai trò giúp cho tòa đốc lý thu thuế. Sau ngày Thủ đô giải phóng, tháng 9-1955, nội thành Hà Nội chia làm 4 quận với  36 khu phố. Sau đó lại nhiều lần  đổi tên địa dư, địa danh, thay  danh từ chung.

Hà Nội sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, phường theo nghị định của Quốc Hội năm 2022. Với người dân, họ quan tâm sẽ đổi giấy tờ liên quan có thuận tiện không và tên xã phường thế nào. Nếu chính quyền làm tốt hai việc đó thì sẽ được người dân đồng tình ủng hộ. 

Trường đoạn 4 “Chiến thắng” trong bức tranh Panorama tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ (Ảnh: Người Hà Nội Online)

Trường đoạn 4 “Chiến thắng” trong bức tranh Panorama tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ (Ảnh: Người Hà Nội Online)

TIN YÊU

- Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 26/4, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ diễn ra triển lãm "Đường lên Điện Biên". Với 70 tác phẩm hội hội, đồ họa, điêu khắc, ký họa, áp phích… được lựa chọn từ bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, triển lãm "Đường lên Điện Biên" tái hiện không khí chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

- Còn Bảo tàng Hà Nội đang trưng bày chuyên đề 'Tiếng vọng', giới thiệu đến công chúng gần 100 hiện vật, hình ảnh, tài liệu quý của dân tộc ta từ thời các vua Hùng, với nền Văn hóa Đông Sơn phát triển rực rỡ.

- Chuỗi sự kiện 'Ươm mầm tri thức – Kiến tạo tương lai' là hoạt động ý nghĩa hưởng ứng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba, chào mừng kỷ niệm 7 năm ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024). Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện, độc giả sẽ tham gia trải nghiệm workshop làm tranh Đông Hồ, thưởng thức đêm nhạc nghệ thuật “Quà tặng tháng 4”.

- Lễ hội diều truyền thống làng Bá Dương Nội (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng) năm 2024 diễn ra từ 18 - 24/4 (tức 10 - 16/3 âm lịch) với nhiều hoạt động đặc sắc. Đây là lễ hội vừa được xếp vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. 

Thùy Linh - Ngọc Tiến/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Phố quen ngày nghỉ lễ

Phố quen ngày nghỉ lễ

Phố quen mà lạ - điều mà không ít người ở Hà Nội đã nhận ra trong những ngày nghỉ lễ dài. Phố phường có thể có một chút mới lạ, đôi chút xáo trộn khác với thường nhật, cùng nhiều cảm xúc khác nhau trong cảm nhận của mỗi người, nhưng đúng là bước chân qua phố những ngày này thấy thật khác.

Chuyện nhà cổ trăm năm Huỳnh Phủ

Chuyện nhà cổ trăm năm Huỳnh Phủ

Có dịp về xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre không khó để du khách tìm đến nhà cổ Huỳnh Phủ với tuổi đời hơn một thế kỷ.

Người trẻ và câu chuyện bảo vệ môi trường

Người trẻ và câu chuyện bảo vệ môi trường

Trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong những năm vừa qua, các dự án, nhóm cộng đồng, câu lạc bộ của những người trẻ yêu môi trường ngày càng xuất hiện nhiều hơn.

Thành công cứu nạn thuyền viên tàu chở xi măng mắc cạn tại khu vực biển Nam Định

Thành công cứu nạn thuyền viên tàu chở xi măng mắc cạn tại khu vực biển Nam Định

Đến 15h30 phút ngày 30/4/2024, tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng SAR 411 thuộc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã tiếp cận, cứu nạn thuyền viên tàu SUNRISE 268 bị nạn tại vùng biển cửa Ba Lạt, Xuân Thủy, Nam Định.

Xe điện tạo ‘cơn sốt vàng’ cho các nhà sản xuất lốp ô tô

Xe điện tạo ‘cơn sốt vàng’ cho các nhà sản xuất lốp ô tô

Thị trường lốp ô tô lâu nay luôn được xem là ‘đấu trường’ cạnh tranh gay gắt, tăng trưởng chậm, tỷ suất lợi nhuận thấp. Tuy nhiên, sự phát triển của ô tô điện đang mang đến nhiều cơ hội mới.

5 ngày nghỉ lễ: TNGT giảm, nhưng vi phạm nồng độ cồn vẫn ở mức cao

5 ngày nghỉ lễ: TNGT giảm, nhưng vi phạm nồng độ cồn vẫn ở mức cao

Kết thúc 5 ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5, theo đánh giá của Ủy ban ATGT Quốc gia, mặc dù tình hình TNGT giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, song có những thời điểm, TNGT tăng cao so với bình thường.

Thẻ ngân hàng rất xanh

Thẻ ngân hàng rất xanh

Không chỉ tích cực hình thành thói quen phân loại rác để bảo vệ môi trường, nhiều người dân hướng đến chi tiêu không dùng tiền mặt, sử dụng chiếc thẻ có tên là Hi green góp phần rất hữu ích, tiện lợi vào xu hướng sống xanh, tiêu dùng xanh.