Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Chuyện trò trên phố

Giao xe cho con hay thương con sai cách?

Nguyễn Yên: Thứ năm 05/09/2024, 16:22 (GMT+7)

Bất chấp những khuyến cáo từ cơ quan chức năng và trường học, khi vào năm học lại xuất hiện tình trạng học sinh mặc đồng phục điều khiển xe máy phân khối lớn đến trường.

Vì sao nhiều phụ huynh cố tình giao xe máy cho con em mình sử dụng khi chưa đủ tuổi? VOV Giao thông đã trò chuyện cùng chị Đoàn Lan Hương, ở Cầu Giấy, Hà Nội, một phụ huynh đang rất lo lắng trước nguy cơ tai nạn rình rập với học sinh tự đi xe máy.

Xin chào chị, được biết chị có con đang học THPT, có khi nào chị giao xe máy cho con tham gia giao thông không?

Nhà mình thì chưa bao giờ giao xe máy cho con tham gia giao thông.

Còn những phụ huynh khác, chị có thấy ai để con tự lái xe máy tới trường không?

Có, mình thấy một số trường hợp, khá là phổ biến, bạn của con chị được bố mẹ cho đi xe phân khối lớn đến trường.

Khi đi trên đường cũng không khó để thấy cảnh học sinh trung học phổ thông điều khiển xe máy trên 50 phân khối. Chị thấy việc đó tiềm ẩn các nguy cơ gây nguy hiểm ra sao?

Các con tuổi còn trẻ, kinh nghiệm xử lý các tình huống còn ít, rồi tuổi còn bốc đồng, thích thể hiện mình trong khi giao thông Thành phố thì phức tạp, xô bồ nên nguy cơ nên nguy cơ gây tai nạn cho mình và người khác khá là nhiều.

Các con được giao những chiếc xe trên 50 phân khối nhưng chưa được trang bị kiến thức về Luật và kỹ năng xử lý trên đường nên thường không đội mũ bảo hiểm, đèo 3,4, sau giờ học còn đèo nhau đi chơi, lạng lách ngoài đường.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Không những tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, đây còn là hành vi vi phạm Luật Giao thông, theo chị vì sao, biết là vi phạm nhưng nhiều phụ huynh vẫn giao xe trên 50 phân khối cho con?

Trước tiên là do bố mẹ cũng chiều con khi con muốn đi xe máy cho nhanh, cho thuận tiện hơn, đỡ mệt nhọc hơn. Thứ hai là nhiều nhà thì con đi học khá xa, nếu đi xe đạp mà gặp tắc đường thì mất rất nhiều thời gian; đi xe đạp điện thì cũng có nhược điểm khi đường xa, phải sạc điện mà con đi học liên tục.

Độ tuổi cấp 3 là học chính trên trường có 1 buổi thôi xong đi học thêm rất nhiều, nếu để đưa đón con cũng hết cả ngày và không phải gia đình nào cũng có điều kiện đưa đón, phương tiện công cộng thì chưa có nhiều, chưa thuận tiện nên đúng là giải pháp bất đắc dĩ là phụ huynh vẫn chọn giải pháp xe máy cho con.

PV: Lực lượng chức năng và nhà trường đã có những biện pháp để ngăn chặn tình trạng này nhưng theo chị hiệu quả đến đâu?

Tình trạng này khá phổ biến, nhiều gia đình biết là vi phạm rồi họ cũng biết những nguy cơ , những rủi ro có thể xảy ra khi con chưa đủ tuổi mà lưu thông xe máy trên đường.

Nhà trường gần như không kiểm soát được vì khi nhà trường đề ra quy định cấm học sinh đi xe máy đến trường thì họ cũng không cho học sinh gửi xe máy nhưng học sinh gửi cách trường khá xa, 5-10 phút đi bộ nên nhà trường biết nhưng khó mà phạt.

Theo chị, làm sao để các con có phương tiện đi học thuận tiện mà không vi phạm các quy định pháp luật?

Trước mắt là tuyên truyền cho các phụ huynh và các con tích cực sử dụng phương tiện giao thông công cộng, dưới 1 km thì nên khuyến khích các con đi bộ, dưới 5 km thì khuyến khích các con đi xe đạp hoặc xe đạp điện vì dẫu sao nó cũng có hạn chế tốc độ.

Cần phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng chức năng địa phương, nhà trường và phụ huynh để giáo dục tuyên truyền hiệu quả, thứ hai là phạt giữ xe học sinh đi xe phân khối lớn vài lần để sợ. Ở nhà thì các bố mẹ dạy Luật cho các con rồi cũng phải giám sát các con đi lại nhiều hơn.

Vâng, xin cảm ơn chị với cuộc trò chuyện cùng VOV Giao thông.

Bước vào năm học mới, phía các nhà trường đề nghị phụ huynh kiên quyết không giao xe máy, không cho con chạy xe máy trên 50 cm3 khi con chưa đủ 18 tuổi, chưa có giấy phép lái xe. Vì nếu cứ chiều con, giao xe cho con, các con “lách” bằng việc gửi xe bên ngoài thì mọi nỗ lực trong việc giáo dục các em tuân thủ luật an toàn giao thông rất khó thành.

Bên cạnh sự cố gắng của các bên thì việc gia đình cùng giáo dục con em vẫn là yếu tố quan trọng, góp phần giải quyết dứt điểm thực trạng vừa nêu.

Nguyễn Yên/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn