Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Giải pháp nào kéo giảm giá nhiên liệu sinh học trong ngành hàng không?

Huy Văn: Thứ sáu 19/05/2023, 14:11 (GMT+7)

Những năm trở lại đây, phát triển giao thông xanh, giao thông thông minh đang là hướng đi đúng đắn để tạo ra sự bền vững. Ngành hàng không thế giới hiện đang theo đuổi giải pháp sử dụng nhiên liệu sinh học, nhưng giá thành của loại nhiên liệu này lại đang là cản trở lớn.

Theo hãng tin CNN, ngành hàng không chiếm 2,1% lượng khí thải carbon nhân tạo trên toàn thế giới và 3,5% tổng lượng khí thải làm nóng hành tinh. Nhiều nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra rằng, nếu không có những nỗ lực kéo giảm, lượng khí thải carbon mà ngành hàng không đóng góp vào khí thải toàn cầu sẽ tăng từ 2% lên tới 20% vào năm 2050.

Trước bối cảnh cấp thiết như vậy, những năm trở lại đây, ngành hàng không không ngừng tìm kiếm các giải pháp. Với đường bộ, chúng ta đã có xe điện. Nhưng trong ngành hàng không, dù đã có một vài mẫu máy bay điện, nhưng đó lại không phải là lựa chọn tối ưu bởi máy bay điện sẽ không thể sử dụng cho các tuyến bay đường dài.

Do đó, theo các chuyên gia, lựa chọn chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu sinh học sẽ là tốt nhất cho hàng không thế giới.

Ảnh minh hoạ: Dallas Morning News

Ảnh minh hoạ: Dallas Morning News

Nhiên liệu hàng không bền vững, hay nhiên liệu sinh học, có nguồn gốc từ thực vật và dầu ăn đã qua sử dụng. Sử dụng loại nhiên liệu này thể giúp giảm 80% lượng khí thải CO2 so với các loại nhiên liệu thông thường. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, hiện nhiên liệu sinh học đã được sử dụng trong khoảng 250 nghìn chuyến bay khắp thế giới.

Tuy nhiên, ngành hàng không thương mại vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn nếu muốn chuyển đổi sang việc sử dụng 100% nhiên liệu sinh học trong tương lai gần; bởi giá thành của chúng đắt gấp từ 3 đến 5 lần nhiên liệu thường, đi kèm với số lượng nguồn cung vẫn còn hạn chế. Lựa chọn của hầu hết các hãng hàng không hiện nay là trộn lẫn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu thường. Thống kê từ năm 2019 tới nay thì nhiên liệu sinh học chỉ chiếm có 0,1% lượng nhiên liệu được sử dụng trong ngành hàng không.

Theo ông Jacinto Monges, Giám đốc bộ phận Châu Á – Thái Bình Dương của công ty hàng không Bell Textron,trở ngại lớn nhất hiện nay với nhiên liệu sinh học đó là làm thế nào để tăng quy mô sản xuất. Làm thế nào để sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững với số lượng lớn, ở mức chi phí hợp lý và theo phương thức “xanh” nhất đang là bài toán khó cho ngành hàng không toàn cầu:

“Trở ngại lớn nhất với nhiên liệu sinh học trong ngành hàng không bây giờ đó chính là quy mô sản xuất. Hạn chế về quy mô sản xuất cùng giá xăng sinh học quá cao và người phải chịu mức phí cao này chính là các khách hàng.

Hiện chúng tôi đã thử nghiệm và chỉ ra rằng dù máy bay có nhiên liệu pha trộn với nồng độ trên 50% hay thậm chí là sử dụng 100% xăng sinh học cũng không ảnh hưởng gì tới hoạt động của máy bay. Hy vọng đây là bước đệm tốt để đạt được những đột phá lớn với xăng sinh học trong tương lai”.

Theo ông Robert Boyd, người đứng đầu bộ phận Quan hệ đối tác và chính sách bền vững toàn cầu của Boeing, để giá nhiên liệu sinh học giảm xuống, có rất nhiều công việc cần được thực hiện như phát triển công nghệ, như cải tiến công nghệ xử lý nguyên liệu thô, hay làm thế nào để các quốc gia phát triển cũng có thể tiếp cận nhiên liệu sinh học thay vì chỉ các khu vực hàng không lớn như hiện tại.

Bên cạnh đó, không thể không kể đến sự vào cuộc của Chính phủ các nước trong việc ban hành các chính sách hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và sản xuất nhiên liệu sinh học. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, nếu có chính sách phù hợp, nhiên liệu sinh học hoàn toàn có thể chiếm 2% tổng lượng nhiên liệu hàng không toàn cầu trong thập kỷ này. Con số này dù ít nhưng rõ ràng vẫn tốt hơn là 0,1% như hiện tại.

Ông Robert Boyd, chuyên gia của Boeing chia sẻ: “Về lâu dài, tôi nghĩ là chúng ta đã thấy rằng đã có những chính sách hỗ trợ được áp dụng ở một vài quốc gia. Chính phủ các nước hiện đã nhận ra rằng không nên chỉ dựa vào nhiên liệu nhập khẩu. Do đó họ đang tạo ra các chính sách khích lệ việc sản xuất nội địa và chúng đang có hiệu quả. Mỹ có thể xem như ví dụ điển hình với Đạo luật Giảm lạm phát vào cuối năm 2022 với nhiều động thái hỗ trợ đầu tư vào an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu”.

Ảnh minh hoạ: Flight Global

Ảnh minh hoạ: Flight Global

Trong vòng 10 năm gần đây, ngành hàng không Việt Nam có sự tăng trưởng vượt trội so với các ngành khác và xuất hiện thêm nhiều hãng bay mới. Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phục hồi thị trường hàng không nội địa nhanh nhất thế giới.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), 150 quốc gia, trong đó có Việt Nam đã cam kết mục tiêu giảm khí thải carbon để đạt mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Chung tầm nhìn và hướng đi bền vững của ngành Hàng không thế giới, Hàng không Việt Nam cũng không ngoại lệ. Các hãng hàng không nội địa như Bamboo Airways, Vietjet, Vietnam Airlines, Pacific Airlines cũng đang theo đuổi hướng đi này.

Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều nước đầu tư vào nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai với mục tiêu “giá rẻ nhưng hiệu quả sử dụng cao”. Trong khi đó, Việt Nam là một nước nông nghiệp được đánh giá có điều kiện thuận lợi để sản xuất nhiên liệu sinh học. Nếu có sự đầu tư cùng chính sách phù hợp, tiềm năng phát triển sản xuất nhiên liệu sinh học ở Việt Nam sẽ là rất lớn.

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn