Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

“Vua pin xe điện” đối mặt nguy cơ giám sát vì thống trị thị trường

Huy Văn: Thứ hai 01/05/2023, 16:24 (GMT+7)

Công ty TNHH Công nghệ Amperex Đương đại (CATL), hiện là nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới. Hiện công ty này cung cấp pin cho hầu hết các nhà sản xuất ô tô trên thế giới. Tuy nhiên, vị thế này cũng khiến công ty đối mặt với nguy cơ bị giám sát vì thống trị thị trường.

 

Báo cáo năm 2022 từ công ty nghiên cứu thị trường năng lượng SNE Research của Hàn Quốc cho thấy Công ty TNHH Công nghệ Amperex Đương đại (CATL) của Trung Quốc một lần nữa giữ danh hiệu nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới tính theo dung lượng pin lắp đặt. Đây là năm thứ sáu liên tiếp công ty này dẫn đầu thị trường pin xe điện toàn cầu.

CATL hiện là nhà cung cấp pin cho hàng loạt ông lớn trong ngành sản xuất ô tô thế giới, ban đầu là BMW, sau đó là GM, Volkswagen và đặc biệt là Tesla từ năm 2020. Trên phạm vi toàn cầu, CATL chiếm gần 35% thị trường pin xe điện trong tháng 10/2021, vượt xa đối thủ xếp thứ hai là LG (Hàn Quốc) với 15,6%, theo SNE Research.

CATL chiếm gần 35% thị trường pin xe điện trong tháng 10/2021. Ảnh: Yicai Global

CATL chiếm gần 35% thị trường pin xe điện trong tháng 10/2021. Ảnh: Yicai Global

Để có được thành công đó, đằng sau cái tên CATL là một nhân vật đầy tham vọng và rất giỏi tận dụng cơ hội. Giám đốc điều hành của CATL, ông Robin Zeng, đã biết tận dụng thời cơ rất tốt khi sớm đi đầu trong lĩnh vực pin sạc lithium-ion cho xe điện và các mục đích sử dụng khác. Với những thành công đạt được, tính đến tháng 2 năm 2023, giá trị tài sản ròng của Robin Zeng được ước tính là 45 tỷ USD. Với vị thế hiện tại, không quá khó hiểu khi ông Robin Zeng cùng CATL đã bị đưa vào tầm ngắm của không chỉ các nhà lãnh đạo chính trị ở Mỹ mà cả tại chính quê nhà của mình vì lo ngại vị thế “độc tôn” trong lĩnh vực pin xe điện.

Tại Mỹ, trong khi quốc gia này đang cố gắng khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đóng góp thêm cho lĩnh vực xe điện thì thực tế phũ phàng cho thấy ngày một nhiều các công ty đang cố gắng tìm kiếm một thỏa thuận hợp tác với CATL.

Amrith Ramkumar, nhà báo về chuyên ngành năng lượng của tờ Thời báo phố Wall nhận xét: “Làm pin xe điện, đối với Trung Quốc thì họ đã có nhiều năm kinh nghiệm với chuyên ngành này; do đó, họ hiểu rõ mình cần phải làm gì, họ có thể điều chỉnh, sáng tạo thêm các công nghệ mới. Điều này khiến Mỹ gần như không thể theo kịp Trung Quốc khi nói về việc làm pin xe điện”.

Những bất đồng này đang ngày càng được đẩy cao khi vào tháng 2 vừa qua, Ford Motor công bố thỏa thuận trị giá 3,5 tỷ USD nhằm xây dựng một nhà máy sản xuất pin ô tô điện ở Michigan sử dụng công nghệ Trung Quốc. Trong khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng, đã có ý kiến cho rằng việc thỏa thuận với CATL để xây nhà máy tại Mỹ có thể làm suy yếu các nỗ lực nhằm củng cố ngành công nghiệp ô tô của quốc gia này.

Trước những bất đồng leo thang, ông Jim Farley, giám đốc điều hành của Ford cho biết, thỏa thuận của hãng với CATL đã được xem xét và đàm phán một cách cẩn thận, chưa kể tới việc CATL là lựa chọn tốt nhất để hợp tác tại thời điểm hiện tại để giúp họ có thể tận dụng tốt Đạo luật giảm lạm phát được Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng 8 năm ngoái:

“Chúng tôi sẽ sở hữu và vận hành nhà máy như một công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn, đồng thời cấp phép công nghệ từ CATL, do đó tôi không thấy bất cứ vấn đề gì ở thỏa thuận này. Thực sự hiện tại không có một lựa chọn thay thế nào tốt hơn ở một quy mô lớn như thế này. Và theo tôi, Đạo luật giảm lạm phát mới ban hành là nhằm mục đích hỗ trợ cho những dự án như thế này”.

Còn ngay tại “sân nhà”, mới đây đã có sự can thiệp trực tiếp từ chính quyền, dẫn đến việc các cơ quan quản lý của Bắc Kinh đưa ra cảnh báo CATL phải kiềm chế tốc độ mở rộng.

Vào đầu tháng 3, ông Tập Cận Bình nói với Giám đốc điều hành của CATL, ông Robin Zeng tại một cuộc họp của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở Bắc Kinh rằng ông vừa “vừa vui mừng vừa lo ngại” trước sự thống trị của CATL.

CATL thống trị cả thị trường trong nước và ngoài nước. Ảnh: Evmagz

CATL thống trị cả thị trường trong nước và ngoài nước. Ảnh: Evmagz

Nhà lãnh đạo Trung Quốc chỉ ra nguy cơ mở rộng quá mức và khả năng xảy ra chu kỳ bùng nổ và phá sản, vốn đã xảy ra với một số ngành công nghiệp đang phát triển nhanh của Trung Quốc, bao gồm cả bất động sản và năng lượng mặt trời.

Vài ngày sau cuộc họp, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC), cơ quan giám sát thị trường hàng đầu của đất nước tỷ dân, đã ban hành hướng dẫn để CATL giảm quy mô xuống còn 1 tỷ USD hoặc ít hơn kế hoạch huy động 5 tỷ USD thông qua một công ty thứ cấp của Thụy Sĩ niêm yết. Hướng dẫn đã khiến CATL tạm dừng niêm yết.

Các chuyên gia cho biết, chiến lược của ông Robin Zeng cùng CATL cũng phản ánh sự linh hoạt hướng đến nhu cầu của các nhóm khách hàng, vốn là cốt lõi dẫn đến thành công của CATL, nhưng chiến lược này cũng tồn tại những rủi ro. CATL đang phải đối mặt với việc nếu căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng và các quan chức Mỹ coi công ty là mối đe dọa chiến lược, như đã từng xảy ra với công ty viễn thông Trung Quốc Huawei.

Còn tại Việt Nam, theo số liệu của Cục Đăng kiểm, đến tháng 8/2022 cả nước đã có gần 3.000 ô tô điện được sản xuất lắp ráp, nhập khẩu, tăng gấp hơn 20 lần so với năm 2019. Tuy nhiên giá pin đắt đỏ là rào cản đầu tiên khiến không ít người dùng chùn tay khi muốn mua một chiếc ô tô điện. Hiện một bộ pin VinFast VF8 có giá 384 triệu đồng, pin Vinfast VF9 giá từ 479 - 493 triệu đồng, chiếm 24-26% tổng giá trị xe.

Trong bối cảnh hạ tầng trạm sạc tại không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia còn đang trong quá trình hình thành và chưa đủ đáp ứng nhu cầu, chúng ta cần một mô hình mới nhằm khỏa lấp nỗi lo hết pin và giảm giá thành xe điện. Cho thuê pin là giải pháp đang được nhiều hãng xe sử dụng. Nghĩa là, khách hàng vẫn chi trả phần lớn giá trị của chiếc xe. Riêng pin vẫn là tài sản của hãng xe và khách hàng phải chi trả một khoản tiền cố định hàng tháng để thuê nó.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, vẫn cần có sự ra đời của những thế hệ pin mới có mức giá phù hợp với khả năng chi trả của người dân cùng một hệ thống trạm sạc bài bản, đạt tiêu chuẩn và phủ rộng trên phạm vi lớn để giúp người dùng yên tâm hơn khi chuyển đổi phương tiện.

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn