Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thời Sự

“Giải độc” một dòng sông (Kỳ 1): Chẩn bệnh

Chu Đức - Hải Bằng: Thứ hai 29/08/2022, 10:10 (GMT+7)

Nếu phải chỉ ra một dòng sông điển hình cho tình trạng bị “nhiễm độc”, không thể không nhắc tới dòng Bắc Hưng Hải, đại thủy lợi lớn nhất miền Bắc, đi qua 4 địa phương Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương.

Tại thôn Xuân Tràng (xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) đa số người dân vẫn làm ruộng. Theo lời của chị Lê Thị Hoài, cách đây vài chục năm, cư dân trong thôn đều ăn uống, canh tác, tưới tiêu từ hệ thống sông Bắc Hưng Hải.

Tuy nhiên, từ những năm 2000, khi một loạt các khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động, dòng chảy xanh ngát, không gian lộng gió đôi bờ, nơi bà con sinh hoạt, vui chơi đã biến mất.

Người dân ven sông Bắc Hưng Hải thất thần trước thực tại ô nhiễm, bệnh tật, trái ngược với dĩ vãng đôi bờ trong lành, xanh mát

Người dân ven sông Bắc Hưng Hải thất thần trước thực tại ô nhiễm, bệnh tật, trái ngược với dĩ vãng đôi bờ trong lành, xanh mát

Nhìn dòng chảy đen ngòm, bốc mùi thối hiện tại, chị Lê Thị Hoài chỉ biết tặc lưỡi hoài niệm. Cả nhà chị đều phải đeo khẩu trang, đóng kín cửa sổ nhà, quay lưng lại với dòng sông quê hương:

"Các cháu chúng tôi không dám cho bờ sông. Đâu như ngày xưa, chúng tôi cứ gánh nước bì bõm, mang nước về ăn, tắm, rửa, giặt giũ.

Làng nhà tôi vẫn đồng ruộng nhiều, tôi vẫn cấy mấy sào. Người ta bơm nước lên đồng có mùi, đầu bơm chảy vào ruộng sục như xà phòng đánh bọt.

Ao cá người ta bơm vào cá chết, lúa kém phát triển, cây cối không dám bơm nước sông lên tưới như ngày xưa."

Nước sinh hoạt, nước tưới tiêu, làm ruộng đều không thể lấy từ đại thủy lợi nữa vì nước quá ô nhiễm, bốc mùi hôi thối

Nước sinh hoạt, nước tưới tiêu, làm ruộng đều không thể lấy từ đại thủy lợi nữa vì nước quá ô nhiễm, bốc mùi hôi thối

Cũng sinh sống ở rìa sông Bắc Hưng Hải, ông Tràng Văn Xá bày tỏ một nỗi sợ lớn hơn cả mùi hôi thối, đó là bệnh tật. Xóm trại của ông ở thôn Xuân Tràng còn được gọi với biệt danh là “Xóm ung thư”, nơi 40 trên 60 nóc nhà đều có ít nhất 1 thành viên liên quan tới căn bệnh này.

 “Ngay như xóm chúng tôi, nhà nào cũng có người chết vì ung thư. Anh tôi cũng chết vì ung thư, em tôi cũng vậy. Có người ngoài 20 tuổi, sống thọ nhất là 50 tuổi. Cả xóm này còn mấy người tuổi như tôi đâu”, ông Tràng Văn Xá nói.

Ngược về thượng nguồn của dòng Bắc Hưng Hải, gần Cống Xuân Thụy (địa phận xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Tp.Hà Nội, nơi sông Cầu Bây, một nhánh chính ô nhiễm trầm trọng đổ vào hệ thống), nhóm phóng viên cũng ghi nhận bầu không khí hôi thối đặc quánh từ dòng chảy đen sệt như dầu luyn.

Hai bên bờ, cây cối cháy vàng gốc, còn dấu ấn của con người rất thưa vắng, có trường hợp “bỏ nhà chạy lấy người”, không ở nổi vì độc hại.

Cống Xuân Thụy (xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội) có nhiều thời điểm đen ngòm sủi bọt trắng

Cống Xuân Thụy (xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội) có nhiều thời điểm đen ngòm sủi bọt trắng

Ông Nguyễn Tiến Oanh, một “cựu dân chài” kể rằng, những lần đánh bắt được những lưới cá rất to trên sông Cầu Bây giờ chỉ còn là dĩ vãng khó tin. Sau những năm 1990, khi các khu công nghiệp ở huyện Gia Lâm được xây dựng, gia đình ông là những người ít ỏi còn lại, bám víu tại khu vực “nước độc” này:

"Nhà bên kia người ta không dám ở, bỏ nhà đi. Bố mẹ ông ấy ở đây bị bệnh. Nước bể nhà tôi rất đen, phải lọc tới 3 lần mới dùng được."

Trao đổi với VOV Giao thông, nhiều lãnh đạo các xã, phường dọc Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương cho rằng, các địa phương này đều là “nạn nhân” vì nơi khác đổ nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp về.

Có người bàn rất sâu về nguyên nhân, người chia sẻ mạnh mẽ về các giải pháp, nhưng đều có chung nhận định: Để giải cứu dòng chảy này, cần sự vào cuộc của các cấp thành phố, thậm chí quốc gia.

Những ngôi nhà bị bỏ hoang ở thượng nguồn Bắc Hưng Hải ngày càng nhiều, do người dân 'bỏ nhà chạy lấy của'

Những ngôi nhà bị bỏ hoang ở thượng nguồn Bắc Hưng Hải ngày càng nhiều, do người dân 'bỏ nhà chạy lấy của'

Để tìm hiểu nguyên nhân khiến dòng thủy lợi đảm bảo tưới tiêu cho 110 nghìn héc-ta đất canh tác, cấp nước sinh hoạt cho 3,5 triệu dân nhưng đang trở thành một “dòng chảy chết”, phóng viên tìm gặp ông Nguyễn Gia Thành, Phó Giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Theo số liệu ông Thành cung cấp, toàn hệ thống có 83 kênh chính và kênh nhánh bị ô nhiễm, trong đó gần một nửa bị ô nhiêm rất nghiêm trọng vượt nhiều lần quy chuẩn cho phép về chất hữu cơ, nitrit, amoni và vi sinh vật, dẫn đến nước kênh đen đặc, hôi thối, không sinh vật nào có thể sinh sống được. Chỉ còn 28% đủ khả năng phục vụ tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp. Nói cách khác, chức năng thủy lợi đã bị thay thế bằng chức năng dẫn nước thải:

"70% là lượng nước xả thải hệ thống Bắc Hưng Hải là của khu vực dân cư, còn lại công nghiệp chiếm khoảng 30%. Đối với các khu công nghiệp mà đổ trực tiếp vào kênh do công ty Bắc Hưng Hải quản lý thì đều đã được cấp giấy phép, tức là quản lý được chất lượng nước ở đầu ra. Còn lại các khu dân cư theo luật thì cứ dưới 5m3/ ngày đêm là không phải xử lý mà đều đổ trực tiếp ra môi trường", ông Thành cho biết.

Ông Nguyễn Gia Thành, PGĐ Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải cho rằng, biện pháp tình thế để giải độc dòng sông chỉ là “pha loãng” ô nhiễm

Ông Nguyễn Gia Thành, PGĐ Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải cho rằng, biện pháp tình thế để giải độc dòng sông chỉ là “pha loãng” ô nhiễm

Được biết, một số địa phương đã xây dựng quy hoạch xử lý nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, làng nghề trước khi đổ ra các dòng sông. Nhưng đến nay, vẫn chưa có chuyển biến lớn.

Trong khi đó, mặc dù các khu công nghiệp đã có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, nhưng còn rất nhiều cụm công nghiệp mà việc xả thải vẫn còn tình trạng lén lút, phụ thuộc lớn vào tính tuân thủ của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Gia Thành cho biết, trước tình trạng nguồn cấp nước ngày càng cạn, mực nước sông Hồng xuống thấp, trong khi đa số điểm xả thải vẫn chưa được nắm bắt về quy mô, lưu lượng xả, giải pháp tình thế vẫn chỉ là đầu tư trạm bơm “pha loãng” ô nhiễm.

Ông Thành cho biết thêm: "Công ty Bắc Hưng Hải cũng đề ra rất nhiều biện pháp, mà chủ yếu là dựa vào vận hành, tranh thủ lúc nào có thể mà lấy nước vào để pha loãng, tạo được dòng chảy môi trường thì cũng sẽ điều hành.

Vừa rồi chúng tôi đề xuất làm trạm bơm ở đầu nguồn, bơm ở kênh ngoài Xuân Quan, bổ sung nguồn nước tạo dòng chảy môi trường để giúp cho bà con hệ thống Bắc Hưng Hải đỡ bị ô nhiễm, bệnh tật. Bệnh ung thư ở người dân bây giờ là rất lớn, không thống kê được".

Thực trạng và nguyên nhân ô nhiễm dòng Bắc Hưng Hải đã được các địa phương và chính đơn vị quản lý vận hành hệ thống thủy lợi này nêu ra. Việc “chẩn bệnh” đã được tiến hành. Vậy cần làm gì để “Giải độc” dòng sông này?

Đón xem kỳ 2: “Bốc thuốc” sẽ phát sóng lúc 10h10' ngày 30/8/2022 trên VOV Giao thông FM 91 Mhz; nghe và xem lại trên vovgiaothong.vn.

Chu Đức - Hải Bằng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn