Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Giải “cơn khát” vaccine: Cần kế hoạch dài hơi, chủ động đặt hàng, mua sắm

Trọng Điển - Diễm Thúy - Phan Nhơn: Thứ sáu 26/05/2023, 10:54 (GMT+7)

Tiêm chủng Mở rộng là chương trình tiêm chủng quốc gia, miễn phí, giúp bảo vệ trẻ tránh khỏi những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tạo miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, hiện các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn TPHCM và các địa phương đã hết nhiều loại vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Thiếu vaccine, gián đoạn lịch tiêm sẽ ảnh hưởng như thế nào đến trẻ em? Đâu là nguyên nhân dẫn đến câu chuyện “đói” vaccine liên tục và thường xuyên? Ngành Y tế có giải pháp gì để tránh đứt gãy nguồn cung vaccine trong chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR)?

 

Có lịch hẹn tiêm ngừa mũi 2, vaccine 5 trong 1 cho con trai 3 tháng tuổi tại trạm y tế phường Linh Trung, TP. Thủ Đức (TP.HCM) vào sáng thứ 6 (26/5), chị L (35 tuổi) lo lắng cho biết: “Bé mình đến lịch tiêm mũi 2 nhưng hỏi trạm y tế thì người ta thông báo hết và chưa biết khi nào có lại. Hết vaccine nên mình thấy rất lo lắng. Nếu tiêm dịch vụ là 6 trong 1 thì các loại vaccine không đồng nhất với nhau thì không biết có sao không? Ngoài ra, mình cũng mất chi phí khá cao khoảng hơn 1 triệu lận”.

Trước đó vài ngày, chị H (ngụ tại phường Thảo Điền, TP. Thủ Đức) cũng tốn hơn 700.000 đồng tiêm dịch vụ vaccine DPT4 cho con gái 18 tháng tuổi. Chị H chia sẻ:

"Mình đến trạm y tế phương Thảo Điền tiêm thì hết vaccine, nên người ta hướng dẫn đi tiêm dịch vụ, ở đó còn thuốc. Nên mình quyết định tiêm dịch vụ tại vì mình sợ trễ lịch ảnh hưởng đến con, bé nó cũng dễ bị bệnh".

Do thiếu vaccine, nên trong 4 tháng đầu năm nay, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm (Ảnh: VGP)

Do thiếu vaccine, nên trong 4 tháng đầu năm nay, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm (Ảnh: VGP)

Theo Sở Y Tế TPHCM, hiện các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn TP đã hết hoàn toàn vaccine DPT-VGB-HIB (vaccine 5 trong 1, phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib) và vaccine DPT (phòng 3 bệnh bạch hầu, ho gà và uốn ván) trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Các loại vaccine khác trong Chương trình như vaccine viêm não Nhật Bản, lao, bại liệt, sởi và rubella... cũng còn số lượng rất hạn chế, dự kiến hết trong vài tháng tới. Do thiếu vaccine, nên trong 4 tháng đầu năm nay, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi tại TP.HCM đạt 77,3% (so với chuẩn quốc gia là 95%).

Với những mũi tiêm nhắc sởi 2 và DPT4 cho trẻ 18 tháng đến 1,5 tuổi lần lượt là 78,6% (so với chuẩn quốc gia là 95%) và 70,5% (so với chỉ tiêu quốc gia là 85%).

Trước thực tế này, ông Nguyễn Hồng Tâm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM cho biết: thiếu vaccine, trẻ em sẽ không được bảo vệ tốt, nguy cơ ảnh hưởng đến miễn dịch cộng đồng. Sở đã gửi văn bản dự trù vaccine tiêm chủng mở rộng và đang chờ “chi viện” từ Bộ Y Tế

“Ngày 12-5 vừa qua, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có công văn hỏa tốc yêu cầu các địa phương gửi dự trù vaccine cho những tháng còn lại năm 2023 và  6 tháng đầu năm 2024 thì HCDC dưới sự chỉ đạo của Sở Y Tế TPHCM cũng đã làm động tác này rồi”.

Lý giải về tình trạng thiếu vaccine trong chương trình TCMR diễn ra liên tục và thường xuyên, Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Chủ tịch Hội dược học TP.HCM cho biết: việc thiếu vaccine diễn ra từ giữa năm 2022 và kéo dài cho đến nay là do nguồn cung ứng chậm chạp.

Trong năm 2023, do phương thức mua sắm, có sự thay đổi về đối tượng chi. Trước đây, vaccine trong chương trình TCMR được Bộ Y tế mua bằng ngân sách. Sau đó, theo nhu cầu đăng ký, vaccine được cấp phát đến các địa phương để tổ chức tiêm miễn phí cho trẻ.

Tuy nhiên, từ năm 2023, Bộ Tài chính không bố trí ngân sách cho Bộ Y tế mua, đề nghị thực hiện theo quy định về phân cấp ngân sách. Tức là địa phương sẽ tự đấu thầu, mua sắm vaccine tiêm chủng mở rộng, dẫn đến tình trạng thiếu vaccine trầm trọng.

Bà Lan cho biết thêm: “Bản chất của đấu thầu rất mất thời gian cho nên nếu từng địa phương làm lẻ tẻ, mỗi địa phương sẽ có sự chênh lệch. Hiện nay, chính phủ cũng đã thấy những bất cập cho nên là đã ra lệnh cho Bộ Y Tế phải thể hiện trách nhiệm trong việc này. Và bây giờ chuyển về Bộ Y Tế. Chúng ta phải thấy trách nhiệm của mình là cần phải làm chứ không phải chỉ có 1 nguyên nhân nhỏ ngân sách điều chuyển”.

Ngành y tế cần chủ động có kế hoạch dài hơi trong việc xác định nhu cầu, công tác đặt hàng, mua sắm vaccine (Ảnh: VnExpress)

Ngành y tế cần chủ động có kế hoạch dài hơi trong việc xác định nhu cầu, công tác đặt hàng, mua sắm vaccine (Ảnh: VnExpress)

Trước tình hình mới này, bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế), Trưởng Văn phòng Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết: Hiện, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã tổng hợp tất cả các nhu cầu về vaccine của các địa phương gửi lên Bộ Y tế:

“Bộ Y tế sẽ xây dựng một khung giá chung với vaccine nhập khẩu 5 trong 1, sau khi thực hiện mua sắm, đầu thầu, đàm phán giá theo quy định hiện hành thì các địa phương nhanh chóng ký hợp đồng để nhận vaccine.

Đối với vaccine đặt hàng trong nước, Bộ Y tế đang cố gắng để đặt hàng và có giá cụ thể, địa phương sẽ dựa vào đó để ký hợp đồng với nhà sản xuất trong nước và nhận vaccine.

Trong tháng 6, Bộ Y tế sẽ có văn bản chính thức đề nghị số lượng đặt hàng vaccine và thời gian địa phương nhận vaccine. Các địa phương phải nắm được con số chính xác cố gắng triển khai tiêm chủng, tránh tình trạng quá thừa hoặc thiếu".

Về lâu dài, để giải quyết triệt để “cơn khát” vaccine, Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Chủ tịch Hội dược học TP.HCM cho rằng: các bộ ngành cần chung tay tháo gỡ, trong đó ngành y tế cần chủ động có kế hoạch dài hơi trong việc xác định nhu cầu, công tác đặt hàng, mua sắm vaccine:

“Vaccine là phải đặt hàng, phải có thời gian nghiên cứu. Nó phải căn cứ trên nhu cầu. Năm nào chúng ta cũng có chừng đó trẻ em và tỷ suất sinh có thể dự đoán.

Cho nên, Bộ Y tế, phải xem lại về sự chuẩn bị về số liệu và chúng ta không thể ăn đong hàng năm, mà phải chuẩn bị dài hơi cho 3-5 năm và thậm chí hơn thế nữa, để không xảy ra đứt gãy.

Tôi mong chờ Bộ Kế hoạch, Bộ Tài chính phối hợp cùng Bộ Y tế, bởi vì đây là những vấn đề tài chính y tế. Làm sao các bộ cùng nhau tháo gỡ để dễ dàng hơn trong đấu thầu mua thuốc, trang thiết bị và vaccine”.

Cùng chung quan điểm, ở góc độ nhà sản xuất vaccine, Tiến sĩ Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế - đơn vị cung cấp 4 vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng cũng nêu ý kiến:

“Nếu muốn cung ứng vaccine ổn định, bền vững, theo tôi việc cần thiết là phải có kế hoạch dài hơi, ít nhất là 2 năm để nhà sản xuất có thể chủ động".

Sự thiếu hụt trong mua sắm vaccine tiêm chủng cho trẻ em hiện nay đang tạo ra sự hoang mang đến hàng triệu gia đình (Ảnh: Bộ Y tế)

Sự thiếu hụt trong mua sắm vaccine tiêm chủng cho trẻ em hiện nay đang tạo ra sự hoang mang đến hàng triệu gia đình (Ảnh: Bộ Y tế)

Hoang mang vì trẻ trong độ tuổi nhưng không có vaccine để tiêm

 

Có ở vai làm cha mẹ mới thấu hiểu nỗi lo lắng đến cùng cực khi con em mình đang ở độ tuổi phải tiêm chủng mà lại thiếu các loại vaccine hiện nay. Về nguyên tắc, tiêm vaccine từ lâu là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi trẻ em khi vừa được sinh ra đến khi trưởng thành.

Chỉ khi được tiêm đầy đủ các liều vaccine bắt buộc, các em mới mong được bảo vệ trước các dịch bệnh liên tục tấn công từ khi chào đời đến những giai đoạn về sau.

Ở nước ta, chương trình tiêm chủng mở rộng hàng chục năm qua đã phát huy tốt vai trò của  mình, giúp cho hàng triệu thế hệ trẻ em Việt Nam lớn lên thoát khỏi các dịch bệnh như bại liệt, uốn ván, sởi, quai bị vv…

Nhờ vậy chúng ta đã có các thế hệ thanh niên  mạnh khỏe, đủ sức lực và trí lực tham gia tích cực vào quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc nhiều năm qua.

Cũng vì ý nghĩa lớn lao của chương trình tiêm chủng mở rộng nên hầu hết các vaccine đều được tiêm miễn phí; ngày y tế và các địa phương hàng năm đều rầm rộ tổ chức các đợt tuyên truyền, cổ động, kêu gọi các gia đình có con em ở độ tuổi đưa các em đến tiêm chủng đúng lịch, đúng thời điểm.

Điều đáng tiếc là gần 1 năm qua, việc làm thiết thực ý nghĩa này đã bị “đứt gãy” khi ở khắp các địa phương trong cả nước đều rơi vào trình trạng thiếu vaccine trầm trọng. Nhiều bậc phụ huynh có con em đến lịch hẹn tiêm nhưng đến cơ sở y tế đành ngậm ngùi ôm con về vì hết vaccine.

Trong đó chủ yếu là các loại vaccine thiết yếu “5 trong 1”, “3 trong 1”. Nguyên nhân của tình trạng này là chương trình mục tiêu y tế- dân số chuyển thành nhiệm vụ thường xuyên từ năm 2023. Từ căn cứ này, Bộ Tài chính không bố trí ngân sách trung ương để Bộ Y tế mua vaccine rồi cấp phát cho các địa phương như trước đây mà giao cho các địa phương.

Các địa phương trên cơ sở cân đối ngân sách và đề xuất của Sở Y tế sẽ chủ động đấu thầu, mua sắm và cấp phát.

Chính sự chuyển giao, không có kế thừa này đã dẫn đến việc mua vaccine bị gián đoạn do các địa phương lập thủ tục đấu thầu mua sắm không rành về khung giá và nhiều thủ tục nhiêu khê khác. vaccine vì thế rơi vào khủng hoảng thiếu; các cơ sở y tế không sao xoay chuyển được để có nguồn vaccine tiêm cho trẻ em.

Trong khi, nhiều loại vaccine phải tiêm đúng ngày, đúng tháng, đúng độ tuổi mới phát huy tác dụng. Nếu để trễ sẽ không còn giá trị nhiều trong việc bảo vệ sức khỏe cho trẻ em.

Một nghịch lý nữa là, trong khi các loại vaccine của chương trình tiêm chủng mở rộng khan hiếm thì ở các cơ sở tiêm dịch vụ lại rất dồi dào; thậm chí loại đặc hiệu, khan hiếm khi cần là có. Điều này cho thấy, các cơ sở dịch vụ đã có sự chuẩn bị,đón đầu chu đáo để phục vụ nhu cầu của các bậc cha mẹ; trong khi cơ sở y tế công lập thì ngược lại.

Chúng ta phải thừa nhận rằng, đa số đời sống của các gia đình trẻ ở nhiều địa phương hiện nay đời sống còn khó khăn, không phải ai cũng đủ điều kiện để có tiềm tiêm vaccine dịch vụ cho con cái mà chỉ biết trông cậy vào sự hỗ trợ tiêm miễn phí từ y tế nhà nước.

Trước thực trạng vaccine của chương trình tiêm chủng mở rộng đang thiếu trầm trọng hiện nay, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Y tế trên cơ sở cân đối nguồn vaccine viện trợ, tìm phương án đặt hàng hoặc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đàm phán về giá. Các địa phương căn cứ vào đó để mua sắm; chấm dứt tình trạng thiếu vaccine đang diễn ra.

Rõ ràng sự thiếu hụt trong mua sắm vaccine tiêm chủng cho trẻ em hiện nay đang tạo ra sự hoang mang đến hàng triệu gia đình. Việc tiêm vaccine không chỉ thể hiện trách nhiệm mà còn là tình thương vì một thế hệ người Việt Nam khỏe mạnh trong tương lai.

Do vậy, ngay lúc này, Bộ Y tế,các Bộ, ngành liên quan và địa phương cần thực hiện ngay các biện pháp để chấm dứt tình trạng thiếu vaccine tiêm ngừa cho trẻ em đang diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước hiện nay.

Trọng Điển - Diễm Thúy - Phan Nhơn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Bữa cơm bán trú ‘bất ổn’ ở trường chuẩn Lương Định Của giờ ra sao?

Bữa cơm bán trú ‘bất ổn’ ở trường chuẩn Lương Định Của giờ ra sao?

Sau loạt bài về câu chuyện “Quá nhiều bất ổn ở ngôi trường chuẩn” của VOV Giao thông cách đây nửa tháng, nhiều phụ huynh bày tỏ tán thành với những phản ánh là đúng sự thật, và bữa cơm bán trú của các em có chút chút cải thiện.

Chuyện về chiếc máy bay huấn luyện và tuần tra lần đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam

Chuyện về chiếc máy bay huấn luyện và tuần tra lần đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam

Ở tuổi 50, ông Trần Hải Đăng đã có một quyết định táo bạo: cùng các đồng sáng lập khởi nghiệp bằng việc sản xuất chiếc máy bay huấn luyện tuần tra TP-150.

Hà Nội cấm phương tiện gây ô nhiễm bằng cách nào?

Hà Nội cấm phương tiện gây ô nhiễm bằng cách nào?

Chỉ còn hơn một tuần nữa, Hà Nội sẽ hạn chế phương tiện gây ô nhiễm ở một số khu vực. Tuy nhiên, quyết tâm này không dễ thực hiện khi công tác chuẩn bị chưa sẵn sàng.

Bếp chay 0 đồng cho bệnh nhân nghèo

Bếp chay 0 đồng cho bệnh nhân nghèo

Với tất cả tâm huyết và lòng nhân ái, suốt 2 năm qua, vợ chồng ông Mạch Phú Cường và bà Nguyễn Thị Kim Lan ở quận Cái Răng, TP. Cần Thơ cần mẫn chuẩn bị những phần cơm chay ấm nóng, mang đến cho những bệnh nhân nghèo và người nuôi bệnh tại các bệnh viện ở TP. Cần Thơ...

Nhớ thời cà phê vợt

Nhớ thời cà phê vợt

Với những ai thích cà phê thì cà phê vợt luôn có sức hấp dẫn riêng. Không chỉ đơn thuần là một loại thức uống, mỗi ly cà phê vợt còn chứa đựng những câu chuyện và kỷ niệm khó quên của một thời đã qua.

Xe điện trẻ em vẫn 'tung hoành' ở phố đi bộ Hồ Gươm

Xe điện trẻ em vẫn "tung hoành" ở phố đi bộ Hồ Gươm

Dù đã có lệnh cấm, nhưng dịch vụ cho thuê ô tô điện, xe cân bằng và đặc biệt là xe drift, dòng xe biến tướng từ xe điện vẫn ngang nhiên hoạt động ở phố đi bộ Hồ Gươm.

Hàng me thì thầm

Hàng me thì thầm

Không chỉ mang trong mình những ký ức lãng mạn với lá me bay, mà những cây me trăm tuổi còn tồn tại ở Hà Nội, còn mang trong mình nhiều câu chuyện lịch sử - xã hội đáng nhớ, đáng ngẫm.