Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Giá vé máy bay tăng chóng mặt trước xu thế "du lịch trả đũa"

Huy Văn: Thứ bảy 08/04/2023, 09:40 (GMT+7)

Sắp tới kỳ nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương đi liền với nghỉ lễ 30/4 – 1/5, hiện nhiều người đã có kế hoạch cho chuyến đi du lịch của mình. Tuy nhiên, năm nay có một trở ngại lớn đó là giá vé máy bay đang tăng cao. Thực trạng này đang diễn ra không chỉ tại Việt Nam khắp cả Châu Á.

Thời gian gần đây, nhiều người hẳn đã nghe tới khái niệm “du lịch trả đũa”. Đây là cụm từ ám chỉ việc mọi người đi du lịch ngày càng nhiều để bù lại cho những ngày bị “chôn chân” bởi COVID-19.

Ông Clint Henderson, Quản lý cấp cao của trang blog du lịch The Point Guys cho biết, “du lịch trả đũa” hiện đang là xu thế toàn cầu, ảnh hưởng rất lớn tới tiến trình hồi phục của ngành hàng không và du lịch hiện nay: 

“2022 là năm của du lịch trả đũa, nhưng mới chỉ dừng ở du lịch nội địa. Nhưng năm 2023 này, xu thế du lịch trả đũa sẽ lan rộng ra toàn cầu bởi không còn nơi nào hạn chế đi lại nữa. Do đó, tôi cho rằng chi phí cho việc đi du lịch sẽ tăng cao. Mọi người nên đặt vé, đặt tour ngay từ bây giờ trước khi giá cả tăng cao hơn nữa”, Clint Henderson nói.

Sân bay Haneda, Tokyo. Ảnh: AFP

Sân bay Haneda, Tokyo. Ảnh: AFP

Thật vậy, khi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 gần như đã không còn, ngành hàng không và du lịch toàn cầu đang hồi phục nhanh hơn bao giờ hết, kéo theo đó là nhu cầu đi lại cũng tăng nhanh. Cộng thêm tình trạng thiếu nhân lực của ngành hàng không, giá vé máy bay toàn cầu hiện đã tăng so với thời kỳ trước đại dịch. Nhưng người dân cũng như các du khách tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nhiều khả năng sẽ phải chi trả tiền vé máy bay cao hơn nhiều so với các khu vực khác.

Theo dữ liệu từ Skyscanner Travel Insight, giá vé máy bay tại khu vực Châu Á trong tháng 2 vừa qua đã tăng hơn 33% so với cùng kỳ năm 2019 so với mức tăng lần lượt là 12% và 17% tại Châu Âu và Bắc Mỹ. Thậm chí đã có một số trường hợp du khách phải chi số tiền gấp đôi cho vé máy bay cùng tuyến so với 4 năm trước.

Theo công ty du lịch Amex GBT, hiện giá vé hạng thương gia đi từ Paris tới Thượng Hải vốn có giá 5.650 đô-la Mỹ vào năm 2019, hiện đã tăng gần gấp đôi, lên tới hơn 11.500 đô-la. Giá trung bình cho vé hạng thương gia từ Singapore tới Thượng Hải cũng có mức tăng tương tự.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này không chỉ từ những vấn đề trong ngành hàng không mà còn do nhiều yếu tố khác. Thứ nhất có thể kể đến việc nước Nga vẫn đang đóng cửa không phận, dẫn tới việc các đường bay phải định hướng lại làm tăng chi phí, nhất là các tuyến bay đường dài giữa Châu Âu, Châu Mỹ với Châu Á. Hiện công suất các tuyến này chỉ đạt 17% so với thời điểm trước đại dịch.

Việc phải đi đường vòng đã khiến chi phí nhiên liệu tăng vọt. Ông Alan Joyce, Giám đốc điều hành của hãng hàng không Úc Qantas cho biết hóa đơn nhiên liệu của hãng đã tăng 65% so với năm 2019.

Yếu tố thứ hai mà theo nhiều chuyên gia đây là yếu tố chính, đó là việc Châu Á mới đang trong giai đoạn đầu của việc mở cửa trở lại sau đại dịch. Không giống như Châu Âu hay Châu Mỹ, nhiều điểm du lịch nổi tiếng của Châu Á như Nhật Bản hay Hàn Quốc chỉ mới mở cửa trở lại vào năm 2022, hay như Trung Quốc là vào tháng 1 vừa qua.

Bà Jane Sun, giám đốc điều hành của nền tảng du lịch Trip.com tới từ Trung Quốc chia sẻ: “Nhu cầu đi lại đang vượt quá khả năng phục vụ của ngành, do đó, chúng tôi dự đoán ư trong vòng 2 quý đầu năm, các hãng hàng không, cũng như ngành du lịch sẽ phải tích cực bổ sung nhân lực và xây dựng lại cơ sở hạ tầng. Hy vọng rằng mọi thứ sẽ ổn định vào nửa cuối năm nay”.

Ngay cả khi nhu cầu đi lại nhanh chóng hồi phục thì ngành hàng không cũng thể lập tức bổ sung dịch vụ để lập tức thỏa mãn các nhu cầu đó. Theo ông Jeremy Quek, trưởng nhóm hoạt động hàng không của Amex GBT, các hãng hàng không cần một thời gian dài để thiết lập kế hoạch bay bao gồm nhiều yếu tố như nhân lực, chí phí, máy bay v.v…

Hành khách xếp hàng tại Sân bay quốc tế Mỹ Lan Hải Khẩu, Hải Nam, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Hành khách xếp hàng tại Sân bay quốc tế Mỹ Lan Hải Khẩu, Hải Nam, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Dù giá vé tăng cao, nhưng theo nhiều chuyên gia, vấn đề này sẽ không thể ngăn cản nhu cầu đi lại của người dân hay ảnh hưởng tới sự phục hồi chung của toàn ngành hàng không. Bà Sayaka Usui, giám đốc Tổ chức Du lịch quốc gia Nhật Bản cho biết: “Tôi thấy rằng nhiều người đang rất tích cực đi du lịch. Nhật Bản chúng tôi đã phải đóng cửa trong vòng 2 năm rưỡi do đại dịch và chỉ mới mở cửa vào tháng 10 vừa qua. Nhưng tốc độ hồi phục đang ngày một tăng nhanh.”

Không tránh khỏi xu thế toàn cầu, du lịch trả đũa tại Việt Nam cũng đang rất “nóng”. Giá vé máy bay tới các thành phố du lịch như Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang đang “nóng” từng ngày do nhu cầu lớn và khả năng cung ứng có hạn. Do đó, các hãng hàng không trong nước đều khuyến cáo hành khách nên chủ động đặt vé sớm để có mức giá tốt.

Hiện các hãng hàng không trong nước đều đã có kế hoạch tăng tải, tăng chuyến để phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao của hành khách. Nhưng theo ông Đinh Việt Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Cục Hàng không vừa có cuộc họp với các hãng hàng không về kế hoạch khai thác tăng cường dịp lễ 30/4-1/5 và cao điểm Hè sắp tới. Tuy nhiên, hiện chưa có phương án nào được thông qua do tình trạng quá tải hạ tầng sân bay, số khung giờ còn trống để bay không nhiều.

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn