Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Cuộc chiến “đốt tiền” làm xe điện, chưa thấy điểm hòa vốn

Huy Văn: Thứ hai 03/04/2023, 07:31 (GMT+7)

Xe điện là tương lai của ngành công nghiệp ô tô, điều đó là không thể bàn cãi. Nhưng chặng đường vươn tới tương lai này không hề đơn giản khi nhiều doanh nghiệp phát triển xe điện vẫn đang ghi nhận lợi nhuận âm cho dù phải đầu tư hàng tỷ đô-la.

Tesla – người tiên phong và nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới đã phải trải qua một chặng đường dài kể từ khi thành lập hồi năm 2003. Sự ra đời của Tesla Model 3 vào năm 2016 đã đưa Tesla lên đỉnh cao, đồng thời kích thích một cuộc chạy đua nghiên cứu và phát triển xe điện trên toàn cầu.

Hiện nay, không chỉ các nhà sản xuất ô tô truyền thống đang đổ hàng đống tiền nhằm chiếm lĩnh một miếng bánh của thị trường ô tô điện, mà các startup mới lập cũng ôm tham vọng hạ bệ được “ông lớn” Tesla. Nhưng theo tờ Bloomberg, các doanh nghiệp này đã quên đi quy tắc đầu tiên trong kinh doanh, đó là phải bán sản phẩm ở mức cao hơn giá thành.

Tờ Bloomberg đưa ra một vài dẫn chứng điển hình, trong đó có startup Rivian Automotive, kẻ từng được coi là đối thủ đáng gờm của Tesla. Trong quý IV năm 2022, Rivian đã thua lỗ 1,7 tỷ USD. Tổng cộng trong năm 2022, công ty này đã thua lỗ 6,8 tỷ đô-la. Trước đó năm 2021 công ty này cũng đã thua lỗ 4,7 tỷ đô-la. Đại diện Rivian cho biết dự báo họ sẽ tiếp tục lỗ khoảng 4,5 tỷ đô-la trong năm 2023.

Rivian, công ty được coi là đối thủ sừng sỏ của Tesla, nay đang gặp không ít khó khăn. Ảnh: CNN

Rivian, công ty được coi là đối thủ sừng sỏ của Tesla, nay đang gặp không ít khó khăn. Ảnh: CNN

Đánh giá về tình trạng của Rivian, ông Pras Subramanian, chuyên gia về ngành công nghiệp ô tô của Yahoo Finance chia sẻ: “Theo tôi, tình trạng này giống như việc chúng ta tỉnh giấc và quay trở về với thực tại. Khi Rivian mới ra mắt, mọi người đều tỏ ra phấn khích với công ty này. Họ có những kế hoạch tuyệt vời, thiết kế xe bắt mắt. Nhưng những rắc rối chỉ thực sự đến khi bắt tay vào sản xuất và không thể giao xe đúng thời hạn”.

Điều này đã được tỷ phú Elon Musk, giám đốc điều hành của Tesla đã cảnh báo về tình trạng lợi nhuận gộp âm đối với các công ty đối thủ. Những tuyên bố của Elon Musk không phải lúc nào cũng đúng, nhưng trong trường hợp này, có vẻ như ông đã chính xác.

Năm 2022 được đánh giá là không hề dễ dàng đối với ngành công nghiệp ô tô nói chung khi những thách thức về chuỗi cung ứng vẫn còn tồn tại. Tình trạng thiếu phụ tùng, giá nguyên liệu tăng cao đã khiến dây chuyền sản xuất bị đình trệ và chi phí sản xuất bị đẩy lên.

Theo Bloomberg, với mỗi chiếc xe điện bán ra, Rivian tiêu tốn 235 nghìn đô-la nhưng chỉ thu lại 81 nghìn đô-la. Một công ty khác là Lucid Group còn “thê thảm” hơn khi thu được 140 nghìn đô-la nhưng chi phí sản xuất lên tới 376 nghìn đô-la mỗi xe. Tesla cũng từng trải qua giai đoạn này vào năm 2015 nhưng số tiền lỗ ít hơn nhiều so với Rivian hay Lucid. Khi đó, Tesla chỉ mất khoảng 4 nghìn đô-la Mỹ cho mỗi chiếc xe Model S bán ra.

Theo ông Tim Fallon, Phó giám đốc điều hành nhà máy sản xuất của Rivian, người mới được tuyển vào đầu năm nay cho biết, công ty đang nỗ lực để hoàn thành các đơn hàng: “Hiện chúng tôi đang tập trung vào sự ổn định. Nghĩa là tôi muốn tôi và tất cả nhân viên, kỹ sư làm việc mỗi ngày khi tới nhà máy đều thấy mọi thứ vẫn ổn và không có sự cố nào xảy ra. Từ đó việc vận hành nhà máy mới có thể trơn tru được”.

Theo các chuyên gia, tình hình tuy tệ nhưng đây chưa phải là dấu chấm hết cho Rivian. Công ty này vẫn còn sự hậu thuẫn từ 2 ông lớn là Amazon và Ford. Nhờ đó Rivian vẫn có thể huy động thêm hàng tỷ USD từ các quỹ đầu tư. Hiện Rivian có kế hoạch phát triển mạng lưới trạm sạc công cộng vào năm 2023. Họ cũng cho biết sẽ kết hợp cung cấp giữa bộ sạc nhanh và bộ sạc chậm hơn theo điều kiện cụ thể, đồng thời cũng bán luôn bộ sạc tại nhà.

Tesla hiện vẫn là 'ông vua' của ngành xe ô tô điện. Ảnh: Mẫu xe Model 3 (Nguồn: Tesla)

Tesla hiện vẫn là "ông vua" của ngành xe ô tô điện. Ảnh: Mẫu xe Model 3 (Nguồn: Tesla)

Các chuyên gia cũng cho biết thêm, bên cạnh các đối thủ như Rivian hay Lucid Motor, Trung Quốc là nơi mà Tesla phải hết sức chú ý khi quốc gia này đang có nhiều lợi thế trong cuộc chạy đua làm xe điện.

Ông Bill Russo, chuyên gia của Automobility Limited, công ty tư vấn đầu tư ngành công nghiệp ô tô cho biết: “Thị trường xe điện tại Trung Quốc có tính cạnh tranh cực lớn. Bởi họ có công ty Công nghệ Amperex Đương đại, ông lớn với 30% sản lượng pin xe điện cho thị trường toàn cầu. Nhờ đó mà thị trường xe điện của Trung Quốc sẽ có ưu thế về giá cả trong thị trường nội địa và thị trường toàn cầu nếu họ muốn vươn tầm thế giới.”

Trong cuộc chiến “đốt tiền” để làm xe điện, doanh nghiệp Vinfast của Việt Nam cũng không thể tránh khỏi. Theo báo cáo tài chính được VinFast công bố, năm 2022 hãng xe điện này ghi nhận doanh thu gần 15.000 tỷ đồng, thu hẹp so với quy mô hơn 16.000 tỷ đồng năm ngoái. Doanh thu năm nay của VinFast chủ yếu từ bán xe với giá trị 12.391 tỷ đồng.

Tờ Bloomberg cho biết, VinFast đã lỗ 1,3 tỷ USD vào năm 2021 và gần 1,5 tỷ USD trong 9 tháng tính đến ngày 30 tháng 9/2022, theo một hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ trước đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng theo kế hoạch của VinFast. Hồ sơ tháng 12 cũng cho biết công ty dự kiến sẽ tiếp tục chịu lỗ hoạt động và lỗ ròng trong thời gian tới.

Theo bà Lê Thị Thu Thủy, CEO của Vinfast, cho biết nhà máy của hãng tại Bắc Carolina, Mỹ đã “cơ bản hoàn thành việc giải phóng mặt bằng” và VinFast đang “hoàn thiện các giấy phép để có thể bắt đầu xây dựng”. Việc xây dựng bị trì hoãn càng lâu, VinFast sẽ càng mất nhiều thời gian để bắt đầu sản xuất xe điện tại địa phương ở Bắc Mỹ và để các phương tiện của họ đủ điều kiện nhận khoản trợ cấp năng lượng sạch trị giá 7.500 USD/chiếc của chính quyền tổng thống Mỹ Biden.

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn