Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đối thoại

Gia tăng vi phạm nồng độ cồn cuối năm

Hải Bằng: Thứ tư 28/12/2022, 06:00 (GMT+7)

Khoảng thời gian cuối năm luôn là thời điểm gia tăng các trường hợp phương tiện vi phạm luật an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện.

Thực tế, đã có không ít các vụ tai nạn nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng xảy ra do tâm lý chủ quan và nhu cầu sử dụng rượu bia tăng cao. Để ngăn chặp kịp thời, Công an TP. Hà Nội đã đồng loạt ra quân, nhằm phát hiện kịp thời, kiêm quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

21h, tại tuyến đường Láng (Đống Đa, Hà Nội), tổ công tác của đội CSGT số 3, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội đã pát hiện và tiến hành dừng xe, kiểm tra xe ô tô con.

Kết quả kiểm tra, nam tài xế vi phạm nồng độ cồn 0,093 mg/lít khí thở. Làm việc với tổ công tác, tài xế cho biết trước khi lái xe có uống 1 lon bia, với lỗi vi phạm này, tài xế sẽ bị phạt 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 11 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày.

Điều đáng nói, trong khi tài xế phối hợp làm việc với lực lượng CSGT, người phụ nữ đi cùng xe lại có hành động cản trở, tiến vào nơi làm việc và dùng nhiều lời lẽ xúc phạm lực lượng làm nhiệm vụ: 

- Mời chị đi ra ngoài.

 - Tôi không ra ngoài, các anh cởi quần áo ra cũng chỉ là nông dân thôi, đừng có mặc mấy bộ quần áo này ra bắt nạt người dân…

Cuối năm là khoảng thời gian gia tăng các trường hợp vi phạm TTATGT, trong đó bao gồm cả vi phạm nồng độ cồn

Cuối năm là khoảng thời gian gia tăng các trường hợp vi phạm TTATGT, trong đó bao gồm cả vi phạm nồng độ cồn

Còn tại một tổ công tác khác của Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội, ngay sau khi triển khai công tác, lực lượng CSGT đã phát hiện một người đàn ông có dấu hiệu không làm chủ được phương tiện khi điều khiển xe. Ngay lập tức, trường hợp này đã được tổ công tác dừng xe và yêu cầu kiểm tra bằng máy đo nồng độ cồn.

Trong khi mức vi phạm cao nhất cho hành vi sử dụng nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện là 0,4 mg/lít khí thở, thì kết quả kiểm tra nồng độ cồn của người đàn ông này là 1,125 mg/lít khí thở, gấp gần 3 lần mức vi phạm cao nhất.

Thế nhưng, trao đổi với lực lượng chức năng, người này vẫn khẳng định bản thân còn rất tỉnh táo và biết sức khỏe của mình đến đâu khi sử dụng rượu bia: “Tôi sinh năm 1974, sức của tôi thì tôi uống từ sáng nhưng giờ vẫn tỉnh, tí nữa tôi còn đi uống tiếp cơ. Tôi không sợ say vì biết mình là ai, 50 tuổi rồi không biết mình là ai thì tốt nhất nên ở nhà”.

Có thể nói, thực trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu bia vẫn chưa được chấp hành nghiêm, thậm chí phớt lờ những những cảnh báo hoặc sẵn sàng chống đối lại lực lượng chức năng khi bị xử lý vi phạm.

Đánh giá về những khó khăn của lực lượng chức năng trong khi kiểm tra nồng độ cồn của các lái xe, Trung tá Nguyễn Ngọc Thuyên, đội phó Đội CSGT số 1, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội chia sẻ: “Khi chúng tôi kiểm tra các trường hợp lái xe có nồng độ cồn, có 1 số trường hợp họ không kiểm soát được hành vi của mình. Chúng tôi phải dùng biện pháp thuyết phục, áp dụng các giải pháp để giải thích cho người vi phạm hiểu và chấp hành”.

Ảnh: Phúc Tài

Ảnh: Phúc Tài

Được biết, từ đấu tháng 12 đến nay, Công an TP. Hà Nội đã xử lý hơn 2000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tạm giữ nhiều phương tiện. Để giảm thiểu tình trạng người tham gia giao thông trong hơi thở có nồng độ cồn, thay vì chỉ lập chốt ở một địa điểm để kiểm tra nồng độ cồn, tổ công tác của lực lượng CSGT đã thay đổi bằng cách sử dụng mô tô đặc chủng tuần tra trên đường, kiểm tra nồng độ cồn lưu động.

Khi phát hiện tài xế có biểu hiện đã sử dụng rượu, bia mà vẫn điều khiển xe, lực lượng CSGT sẽ tiến hành dừng xe, kiểm tra nồng độ cồn.

Thiếu tá Đào Việt Long - Phó trưởng Phòng CSGT, CATP Hà Nội cho biết: “Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội chúng tôi sẽ lập các chốt kiểm tra tất cả các phương tiện khi tham gia giao thông để kịp thời phát hiện ra người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, đấu tranh làm giảm tai nạn.

Khi chúng tôi quan sát bằng mắt thường, nếu thấy người điều khiển phương tiện có dấu hiệu lạ thường thì sẽ dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện đó và nếu người điều khiển phương tiện đó có dấu hiệu vi phạm thì chúng tôi vẫn xử lý bình thường”.

Có thể thấy, việc xử lý vi phạm Luật Giao thông đường bộ vốn đã gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, đối với các trường hợp sử dụng rượu, bia, chất kích thích điều khiển phương tiện vi phạm lại càng khó khăn hơn bội phần, khi người vi phạm bất hợp tác, không làm theo những yêu cầu của lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.

Trong những ngày giáp Tết, dự báo tình hình trật tự an toàn giao thông sẽ trở nên phức tạp, người tham gia giao thông cần nêu cao tinh thần tự giác chấp hành, thực hiện đúng quy định về luật an toàn giao thông, nhất là không tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu bia để đảm bảo an toàn cho chính bản thân và những người xung quanh./.

Hải Bằng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn