Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Giá cước vận tải biển giảm mạnh

Huy Văn: Thứ ba 21/02/2023, 14:30 (GMT+7)

Nếu trong khoảng năm 2020 – 2021, giá cước vận tải biển tăng vọt do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thì hiện nay khi chuỗi cung ứng toàn cầu đã bớt căng thẳng. Giá cước vận tải đang liên tục giảm về mức trước đại dịch, dự báo nhiều khó khăn sẽ quay trở lại với các doanh nghiệp vận tải biển.

Cuối năm 2022, giá cước vận tải biển các tuyến quốc tế giảm khoảng 60% so với thời điểm đầu năm. Theo dữ liệu của Freightos, giá cước vận tải container đường biển từ châu Á sang Bờ Tây của Mỹ giảm 26% trong tuần đầu tháng 12/2022, còn 1.462 USD mỗi đơn vị container hàng hóa, thấp hơn 90% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá cước từ châu Á sang Bờ Đông của Mỹ giảm 19% trong tuần, thấp hơn 78% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cước từ châu Á sang Bắc Âu giảm 2% trong tuần, thấp hơn 73% so với cùng kỳ năm 2021.

Giá cước vận tải biển đang giảm nhanh chóng trong năm 2022 vừa qua. Ảnh: Shutterstock

Giá cước vận tải biển đang giảm nhanh chóng trong năm 2022 vừa qua. Ảnh: Shutterstock

Theo các nhà quản lý logistics, thị trường vận tải biển toàn cầu đang tự điều chỉnh nhanh hơn dự báo, thể hiện qua tốc độ giảm chóng mặt của giá cước. Điều này phản ánh sự sụt giảm của thương mại sau thời kỳ tăng trưởng bùng nổ trong đại dịch COVID-19. Giới chuyên gia dự đoán giá cước vận chuyển đường biển sẽ còn tiếp tục giảm trong năm 2023.

Ông Thomas Peter, chuyên gia của công ty Rhenus Logistic của Đức cho biết: “Giá cước vận tải biển vẫn sẽ tiếp tục giảm. Hiện sức mua sắm của người tiêu dùng đang giảm mạnh do lo ngại về suy thoái kinh tế. Chúng ta phải thừa nhận rằng, quãng thời gian nhu cầu mua sắm tăng cao do ảnh hưởng của đại dịch đã kết thúc. Một điểm nữa là hiện các đội tàu đã quay trở lại làm việc bình thường và ổn định, không còn những bất ổn do dịch bệnh nữa. Tốc độ giảm của giá cước đang chậm lại một chút những chắc chắn nó sẽ không dừng lại”.

Trong đại dịch COVID-19, nhu cầu hàng hoá trên toàn cầu tăng mạnh chưa từng thấy, khiến chuỗi cung ứng không thể đáp ứng. Giờ đây, câu chuyện đã thay đổi chóng mặt, với nhu cầu suy giảm nhanh, khiến thị trường vận tải biển rơi vào tình trạng dư cung cả về số tàu và số container chứa hàng. Điều này phản ánh nguy cơ nền kinh tế toàn cầu có thể đang rơi vào một cuộc suy thoái kéo dài.

Dữ liệu của công ty theo dõi thị trường vận tải biển Xeneta cho thấy, 85% khách hàng của công ty này có kế hoạch cắt giảm chi tiêu cho cước vận tải biển trong năm 2023. Chuyên gia Peter Sand của công ty tư vấn vận tải biển Xeneta cho biết, khối lượng vận tải hàng hóa sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới do những mối lo về một cuộc khủng hoảng kinh tế:

“Làm việc trong ngành vận tải biển hàng thập kỷ, những gì đang xảy ra là chưa từng có trong lịch sử. Chúng ta đã chứng kiến cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu vào năm 2008 và hồi phục vào năm 2010. Chưa rõ chúng ta sẽ có phải trải qua thêm một cuộc khủng hoảng nữa hay không, nhưng các doanh nghiệp vận tải biển thì đã đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn”.

Dù các hãng tàu biển lớn vẫn lãi gần 122 tỷ USD trong 3 quý đầu năm 2022 bất chấp giá cước giảm, tuy nhiên thời gian tới, nhiều chuyên gia dự đoán sẽ có nhiều hãng thua lỗ. Thị trường vận tải biển trong tương lai gần được các chuyên gia đánh giá không mấy tích cực theo hướng diễn biến xấu về kinh tế toàn cầu và những bất ổn về địa chính trị, chiến tranh, dịch bệnh vẫn ở nhiều khu vực.

Theo tờ Business Standard, những người trong ngành cho biết trong nửa cuối năm 2022, vận chuyển hàng hóa bằng container, tàu chở hàng rời và tàu nhẹ đã giảm từ 20% đến 50%. Lượng hàng hóa giảm, nhiều tàu vận chuyển dưới tải trọng cho phép, một số tàu buộc phải nằm bờ vì không có hàng.

Chưa kể, một lượng tàu container mới được đặt mua trong thời điểm đại dịch sẽ tiếp tục được bàn giao trong thời gian tới có thể dẫn tới tình trạng dư thừa công suất vận tải biển quy mô lớn. Khi đó, sự cạnh tranh về giá cả vận chuyển có thể khiến giá cước vận tải giảm sâu hơn nữa.

Ông Thomas Peter của công ty Rhenus Logistic cho biết: “Thực sự giờ có quá nhiều biến số đang tồn tại, rất khó để có thể đưa ra một dự báo chính xác chuyện gì sẽ xảy ra với ngành vận tải biển sắp tới. Vì vậy, chúng ta vẫn theo dõi tình hình một cách sát sao, chuẩn bị tinh thần cho những điều bất ngờ có thể xảy ra”.

Thời gian tới, sự cạnh tranh về giá có thể khiến giá cước vận tải biển tiếp tục sụt giảm. Ảnh: Getty Images

Thời gian tới, sự cạnh tranh về giá có thể khiến giá cước vận tải biển tiếp tục sụt giảm. Ảnh: Getty Images

Còn tại Việt Nam, sau 2 năm thắng lớn nhờ giá cước vận tải, 2 năm tới đây, nhóm doanh nghiệp vận tải biển được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trở lại. Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam cho biết, trong thời gian cao điểm của đại dịch COVID-19, giá cước tàu đã tăng lên ngưỡng cao chưa từng có nhưng hiện đã giảm 80% so với đỉnh tháng 9/2021 và đang tiếp tục giảm xuống. Tuy nhiên mức ghi nhận hiện tại vẫn cao hơn 49% so với trung bình của năm 2019.

Theo ông Khoa, ngành dịch vụ logistics vốn đã gặp nhiều khó khăn trong quý 3 và 4/2022. Tuy nhiên năm 2023 vẫn có nhiều yếu tố tích cực đối với ngành logistics khi tăng trưởng GDP được dự báo khoảng 6%. Ngoài ra, nếu xuất nhập khẩu tăng cao sẽ tạo thúc đẩy hoạt động logistics. Hay như các hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới sẽ tạo đà cho xuất nhập khẩu phát triển, tạo tiền đề cho hoạt động vận tải biển và các dịch vụ liên quan.

Kết quả kinh doanh của hãng tàu có độ trễ nhất định với biến động của giá cước vận tải biển nên tác động của việc giảm giá cước vận tải biển sẽ ảnh hưởng rõ rệt đến kết quả hoạt động của các hãng vận tải biển Việt Nam trong 2 năm tới. Bù lại, ngành cảng biển Việt Nam sẽ tích cực hơn nhờ dòng vốn FDI trở lại mạnh mẽ và một số hiệp định thương mại có hiệu lực.

Còn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, trước sự gia tăng nguồn cung tàu container và giá cước vận tải giảm, đây là cơ hội cho nhiều mặt hàng, nhất là nông sản và thực phẩm thiết yếu, để giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp cần phải giải được “bài toán” chi phí logistic để không bỏ lỡ cơ hội. Như hiện tại chi phí logistics cho xuất khẩu nông sản ở Việt Nam trung bình chiếm tỷ lệ 20 - 25%, trong khi ở Thái Lan chỉ chiếm 10 - 15%.

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn