Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Dùng drone phun thuốc trừ sâu để giảm giá thành sản xuất, bảo vệ môi trường

Hồng Lĩnh: Thứ bảy 17/09/2022, 20:39 (GMT+7)

Không thể thiếu, nhưng thuốc bảo vệ thực vật không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người nông dân, làm gia tăng chi phí sản xuất, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật còn gây hệ lụy cho môi trường, sức khỏe cộng đồng và đe dọa sự phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp.

Trước vấn đề đó, bằng ứng dụng khoa học công nghệ mới, trong nhiều năm qua, trên nhiều cánh đồng lúa miền Tây đã xuất hiện những chiếc drone (thiết bị bay điều khiển từ xa), bay phun thuốc bảo vệ thực vật, giúp nông dân giảm giá thành sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường và bảo vệ nhà nông trên chính thửa ruộng nhà mình. 

Từ tháng 3/2022, sâu đầu đen xuất hiện tại Vĩnh Long. Loại sâu bệnh này tấn công cả cây non và cây trưởng thành, làm tàu dừa cháy khô từ lá già bên dưới dần đến các tàu lá bên trên và phần lá non trên ngọn, gây thiệt hại nặng nề về năng suất.

Tại xã Tân Hạnh, Huyện Long Hồ, hàng chục hộ nông dân đã có mặt từ sáng sớm để được tận mắt chứng kiến chiếc máy bay không người lái chở thuốc phòng sừ sâu bệnh. 

Sử dụng drone để phun thuốc trừ sâu là điều vẫn còn mới lạ với nhiều hộ nông dân

Sử dụng drone để phun thuốc trừ sâu là điều vẫn còn mới lạ với nhiều hộ nông dân

Khởi đầu là một hộ kinh doanh chuyên kinh doanh thiết bị bay điều khiển từ xa và thiết bị bay không người lái, năm 2013, Quản nông xanh được thành lập, từ câu chuỵện đặc biệt của người sáng lập tâm huyết.

Ông Đoàn Trường Thịnh, Người sáng lập - Giám đốc Công ty Quản Nông Xanh cho biết:

"Tôi chở mẹ tôi vào khám bệnh trong bệnh viện, vô tình gặp một người nông dân, có tiền sử ung thư máu do phun thuốc bảo vệ thực vật. Sau khi trò chuyện, anh ấy dắt tôi vào khoa đó, hầu như những người đang điều trị trong đó đều là những người nông dân có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Lúc về nhà, tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản là mình có những thiết bị bay, mình sẽ gắn vào những bình thuốc để phun có thể giúp được người nông dân."

Từ năm 2013 - 2017, Công ty Quản nông xanh thuộc Tập đoàn Lộc Trời tự sản xuất những chiếc máy bay không người lái và phun hỗ trợ người nông dân, nhưng khó được nông dân chấp nhận. Bởi việc rút giảm từ 300-400l nước khi phun xuống còn 10-20l nước khiến họ nghi ngại.

May mắn lúc đó, một số địa phương như Đồng Tháp Mười và huyện Hồng Ngự của tỉnh Đồng Tháp cũng đã “can đảm” chấp nhận để Quản Nông Xanh thử nghiệm.

Công nghệ phun bay tự động không tác động trực tiếp đến cây lúa như cách phun truyền thống

Công nghệ phun bay tự động không tác động trực tiếp đến cây lúa như cách phun truyền thống

Ông Trần Văn Câu - người nông dân đã ngoài 70 tuổi ứng dụng công nghệ trong nhiều vụ qua. Điều này không chỉ tiết kiệm nhân công mà còn giúp cho ruộng lúa không ngã khi chuẩn bị thu hoạch, bởi công nghệ phun bay tự động không tác động trực tiếp đến cây lúa như cách phun truyền thống.

Với diện tích 40 ha, nếu nông dân tự phun thì sẽ có thể bỏ sót diện tích hoặc chồng lấn đường phun; một số sẽ bị cháy do nồng độ thuốc quá liều. Bên cạnh đó, việc lội trực tiếp còn làm cây trồng bị đạp ngã trong quá trình phun.

Nhà nông Trần Văn Câu, Thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An chia sẻ: "Nó rất là lẹ, chính xác, có lẽ là phải sử dụng. Nếu làm ruộng ít thì có thể không cần, nhưng làm ruộng nhiều nên dùng. Nhưng còn mới mẻ, nên nông dân còn hơi dè dặt chút."

Từ 2020, Quản nông Xanh bắt đầu thử nghiệm sạ giống sạ phân bằng drone, giúp nông dân tiết kiệm 50% giống.

Đến cuối năm 2021 đã có hàng ngàn ha mô hình “Mặt ruộng không dấu chân” ở miền Tây và miền Trung.

Với việc tích hợp DJI Terra – một giải pháp công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) trên flycam để bay khảo sát và “vẽ” bản đồ 3D cho khu vực phun, các thiết bị drone được điều khiển để phun đúng liều lượng và chính xác vào từng cây trong bản đồ.

Công nghệ DJI Terra giúp rút ngắn thời gian vẽ bản đồ khu vực xử lý, đảm bảo độ chính xác tới từng cây trồng, giúp việc kiểm soát lượng thuốc bảo vệ thực vật để giảm thiểu dư lượng ra môi trường, tiết kiệm nước, tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều so với việc phun xịt bình thường bằng tay và vượt trội so với các thế hệ drone trước đây.

Anh Huỳnh Phú Sỹ, Phó GĐ Phụ trách kỹ thuật Công ty Quản Nông Xanh nói về sự ưu việt của thiết bị: "Sử dụng hệ thống này sẽ scan trong 10 phút và tơi được 6ha. Khi xử lý xong, máy bay vận hành bình thường. Nếu dịch phát triển nhanh, có thể dập tắt kịp thời."

Băn khoăn lớn nhất của người làm công nghệ đó chính là nông dân hiện có điều kiện mua máy phun nhưng không nắm rõ quy trình sử dụng, phun làm sao cho hiệu quả với các loại cây trồng, về lâu dài có thể dẫn đến các vấn đề gây gại như kháng thuốc, không những không tiết kiệm mà còn ô nhiễm môi trường.

Hiện tại tập đoàn Lộc Trời đã và đang tổ chức khảo nghiệm thường xuyên cho Công ty Quản Nông Xanh phun thuốc bằng drone để ra được quy trình chuẩn, áp dụng rộng rãi cho bà con nông dân.

Hồng Lĩnh/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn