Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dân sinh

Dự thảo sửa đổi kinh doanh xăng dầu: Thương nhân vẫn chịu cảnh “con ghẻ?

Quách Đồng: Thứ ba 14/02/2023, 20:33 (GMT+7)

Về dự thảo sửa đổi nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, đa số ý kiến đều kiến nghị bỏ quy định hạn chế đầu mối nhập khẩu xăng dầu của các thương nhân phân phố, bởi quy định này tạo sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp bán lẻ với cửa hàng của doanh nghiệp đầu mối.

Là một trong những doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nhiều năm gắn bó với khu vực vùng cao, ông Hà Thanh Tùng, Công ty TNHH Thương mại vận tải xăng dầu Hà Giang cho rằng, hiện cả nước có khoảng 950 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, với 9.000 cửa hàng bán lẻ, chiếm 53% cửa hàng bán lẻ trên cả nước.

Mặc dù chiếm số lượng không nhỏ, song theo quy định, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu hiện nay chỉ được lấy từ 3 nguồn phân phối. Trong khi các doanh nghiệp bán buôn lại vẫn có cửa hàng bán lẻ và cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp bán lẻ.

"Đề nghị Ban soạn thảo khi xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung, cần coi doanh nghiệp bán lẻ đều có các quyền và nghĩa vụ như các doanh nghiệp đầu mối để đảm bảo sự công bằng trước pháp luật trong bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn của doanh nghiệp đã bỏ ra đầu tư xây dựng", ông Hà Thanh Tùng nói.

5346-1029

Cũng trên cương vị doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Bội Ngọc, tỉnh Trà Vinh cho rằng, nguyên nhân của những bất ổn của thị trường xăng dầu thời gian qua, ngoài yếu tố chiết khấu còn liên quan đến quy định đầu mối nhập khẩu của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.

Do vậy, ông Giang Chấn Tây kiến nghị, nếu thương nhân bán lẻ chỉ lấy hàng từ một đầu mối, mà đầu mối đó chẳng may bị đứt gãy nguồn cung thì sẽ ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu, nên nếu linh hoạt mở rộng địa bàn nhập hàng cho đại lý bán lẻ thì vừa có sự cạnh tranh về giá và hoạt động của thị trường xăng dầu sẽ có sự bình ổn.

"Muốn có được phần này thì doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải được lấy ít nhất ở 3 nơi mới có sự cạnh tranh. Như vậy nó đảm bảo theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, quản lý xăng dầu phát triển theo kinh tế thị trường nhưng có sự quản lý ổn định của Nhà nước", ông Giang Chấn Tây nói.

Ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Nai cũng cho rằng, trước đây, tất cả các thương nhân phân phối được quyền mua với nhau, nhưng thời điểm hiện tại các thương nhân phân phối cũng chỉ được mua từ 3 đầu mối. Trong khi đó, thương nhân phân phối đóng vai trò quan trọng đối với duy trì thị trường xăng dầu, đôi khi là “bà đỡ” cho doanh nghiệp bán lẻ.

Từ đó, ông Văn Tấn Phụng kiến nghị, để thương nhân phân phối được mua từ nhiều đầu mối và mua của nhau: "Vai trò của thương nhân phân phối để mua với nhiều thương nhân phân phối khác là phải có để điều hòa hàng hóa. Chứ tôi chỉ được mua của 3 ông, 3 ông bị sụp hoặc 1 ông sụp, 2 ông chưa nhập hàng này kia, rồi nhu cầu của thương nhân phân phối của chúng tôi hoặc các địa lý, nhượng quyền, mình đâu có hàng cung ứng cho họ.

Vì thế tôi đề nghị để thương nhân phân phối được mua với nhiều đầu mối và được mua với nhau như trước đây thì tình hình sẽ ổn định thôi".

Cây xăng Petrolimex Nguyễn Lương Bằng lúc 8h15 sáng ngày 15/2

Cây xăng Petrolimex Nguyễn Lương Bằng lúc 8h15 sáng ngày 15/2

Liên quan đến các quyền của doanh nhân, thương nhân, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, cốt lõi ở đây là đảm bảo cung cấp liên tục. TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, đây là trách nhiệm của Nhà nước, không thể đùn đẩy cho doanh nghiệp:

"Nhà nước muốn đảm bảo ổn định, lâu dài thì Nhà nước phải thành lập một quỹ dự trữ, khi nào thấy bất ổn quá thì bơm ra. Có thể thôi, đơn giản thế mà cũng không làm. Nếu như thế thì những cái như trong Nghị định quy định là mua của một ông, rồi thì mua nhiều ông, rồi thì bắt dự trữ này dự trữ kia, bỏ. Nếu như thế thì thành lập một thị trường tương đối cạnh tranh. Có nên là rà soát lại điều kiện kinh doanh, tất cả, những thứ gì mà hạn chế cạnh tranh, hạn chế quyền tự do kinh doanh thì bỏ".

Cũng liên quan đến nội dung dự thảo sửa đổi nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, nhiều ý kiến cũng đề xuất việc sửa đổi nghị định lần này phải đảm bảo tính thị trường hơn; việc tách bạch các yếu tố thuế, phí ra khỏi giá cơ cở sẽ giúp cho cả nhà điều hành dễ dàng hơn trong quản lý, đồng thời đưa giá xăng dầu tiệm gần hơn với giá thế giới./.

 

Quách Đồng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn