Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Giá bán lẻ xăng dầu: Áp đặt hay để doanh nghiệp tự chủ? Giá bán lẻ xăng dầu: Áp đặt hay để doanh nghiệp tự chủ?

Giá bán lẻ xăng dầu: Áp đặt hay để doanh nghiệp tự chủ?

Nguyễn Yên   •   3:04 13/02/2023

Bộ Công thương đang lấy ý kiến rộng rãi để đóng góp cho Dự thảo lần 2, sửa đổi Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu.

Trong đó, việc cần có mức chiết khấu cố định cho doanh nghiệp tham gia kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là doanh nghiệp bán lẻ, đang là chủ đề nóng...

Chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ có thể hiểu là khoản tiền mà doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối cắt lại cho các đại lý, cửa hàng bán lẻ tính trên mỗi lít xăng, lít dầu.

Trong Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 chưa có nội dung đề cập về chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. Tại Điều 38 về nguyên tắc điều hành giá xăng dầu chỉ quy định, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu được quyền quyết định giá bán buôn.

Căn cứ vào tình hình thực tế tại doanh nghiệp, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu quyết định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối của mình phù hợp với chi phí phát sinh thực tế tại doanh nghiệp và không cao hơn giá điều hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố.

Còn tại Dự thảo mới này, Bộ Công Thương đã đưa ra 2 phương án: Phương án 1 là không quy định cụ thể mức chiết khấu, để các doanh nghiệp chủ động đàm phán với nhau; Phương án 2 là quy định mức chiết khấu cố định hoặc tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu.

Tuy nhiên, hiện đang có nhiều quan điểm khác nhau trước đề xuất nên hay không quy định mức chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. Bộ Tài chính và VCCI đề xuất lựa chọn phương án thứ 2. Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, việc xác định mức chiết khấu cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu phụ thuộc vào mức chiết khấu của hệ thống, số lượng khâu trung gian trong phân phối kinh doanh xăng dầu, cung cầu thị trường….nên cần xem xét cơ chế quy định thù lao tối thiểu cho cửa hàng bán lẻ.

Trong khi đó, Bộ Công Thương lựa chọn Phương án 1 bởi theo Bộ này, Phương án 2 sẽ bảo đảm lợi ích và được sự ủng hộ của các đại lý bán lẻ xăng dầu, tuy nhiên, nếu phải đưa mức chiết khấu cho từng khâu của hệ thống phân phối sẽ tạo ra sự cứng nhắc trong quan hệ mua bán giữa các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khi đưa mức chiết khấu cố định vào chi phí kinh doanh trong cơ cấu giá cơ sở sẽ làm tăng giá xăng dầu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Mới đây nhất, Liên đoàn Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định theo hai hướng: Trong trường hợp Nhà nước không can thiệp vào giá, để cung cầu thị trường quyết định giá, thì không quy định mức chiết khấu bán lẻ tối thiểu. Trong trường hợp Nhà nước tiếp tục can thiệp vào giá bán lẻ thì cần đồng thời điều hành chiết khấu tối thiểu (hoặc giá bán buôn tối đa) để bảo đảm đồng bộ cơ chế quản lý.

ĐƯA CHIẾT KHẤU VÀO CÔNG THỨC TÍNH GIÁ CƠ SỞ

Trong đơn kêu cứu gửi Thủ tướng Chính phủ, đại diện các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị cơ quan điều hành ghi nhận mức chiết khấu vào công thức tính giá cơ sở như là một khoản chi phí lưu thông ở khâu bán lẻ một cách hợp lý, đảm bảo không có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp.

Phóng viên VOV Giao thông có trao đổi cùng ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH Bội Ngọc, đại diện nhóm doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu về nội dung này.

Ông Giang Chấn Tây

Ông Giang Chấn Tây

PV: Thưa ông, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang gặp khó bởi những quy định hiện hành của Nghị định 83 và 95 về kinh doanh xăng dầu ra sao?

Ông Giang Chấn Tây: Để thị trường hoạt động ổn định trong tình hình hiện nay thì công thức tính giá cơ sở phải phân định chi phí và lợi nhuận tối thiểu ở cả 3 khâu: đầu mối, thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ.

Chiết khấu hay một số người gọi là thù lao cần phải được đưa vào công thức tính giá cơ sở, xem như chi phí lưu thông của khâu bán lẻ một cách hợp lý và cần thiết.

Từ trước tới nay không phân định rõ vấn đề này nên giao quyền chung cho doanh nghiệp đầu mối phân chia chi phí của cả hệ thống dẫn tới các công ty đầu mối có quá nhiều quyền quyết định phần lợi nhuận và chi phí lưu thông, dẫn tới khâu của doanh nghiệp bán lẻ có chi phí rất thấp, thường là dưới điểm hòa vốn khiến các doanh nghiệp bán lẻ nằm trong tình trạng thua lỗ hơn 1 năm nay, gặp khó khăn và bất ổn, khiến thị trường có những thời điểm thiếu hàng, đứt hàng.

Đây là nguyên nhân dẫn tới phải sửa Nghị định, đưa chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp bán lẻ vào công thức tính giá cơ sở.

PV: Vậy, trong Nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu lần này, các doanh nghiệp bán lẻ đề xuất về mức chiết khấu như thế nào?

Ông Giang Chấn Tây: Chiết khấu tối thiểu bằng tỷ lệ % trên giá bán để doanh nghiệp bán lẻ giữ vững được hoạt động kinh doanh trong mọi tình huống, nhằm cung cấp sản phẩm xăng dầu tới tay người tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhất là ở những thời điểm thị trường xăng dầu thế giới bất ổn, giá cả biến động lớn.

Theo tôi nên quy định mức chiết khấu tối thiểu khoảng 5-6% trên mức giá bán lẻ. Mức chiết khấu tối thiểu có ý nghĩa, mang tính căn cơ, giữ vững quan điểm của Đảng và Nhà nước là vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, bởi chiết khấu tối thiểu là phần cứng và là công cụ quản lý Nhà nước hữu hiệu nhằm đảm bảo cho mọi hoạt động của cả hệ thống kinh doanh xăng dầu ổn định, phục vụ cho nhu cầu xã hội và nền kinh tế trong mọi tình huống.

Phần còn lại có thể là phần tăng thêm, là sự cơ động, linh hoạt của các nhà cung cấp để cạnh tranh giành thị phần theo nguyên tắc hoạt động kinh tế thị trường có sự điều hành của Nhà nước.

PV: Ông có kiến nghị gì tới cơ quan quản lý Nhà nước trong vấn đề này?

Ông Giang Chấn Tây: Trước mắt, cơ quan chức năng cần phải lắng nghe xem hệ thống phân phối xăng dầu đang gặp phải vấn đề gì để nghiên cứu, giải quyết kịp thời nhằm hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại của các chủ thể tham gia trên thị trường trong khuôn khổ quá ràng buộc của cơ quan Nhà nước. Muốn đảm bảo hoạt động kinh doanh cho người tiêu dùng cần phải đưa ra những chính sách phù hợp.

Cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là Bộ Công thương cần phản ứng nhanh hơn nữa so với hiện tại bởi hoạt động kinh doanh đã có những bất ổn kéo dài từ tháng 9/2022 tới nay, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã lỗ nặng nề.

Việc sửa Nghị định là quá chậm, đến thời điểm này doanh nghiệp vẫn đang thua lỗ, cần phải giải quyết kịp thời.

Bộ Công thương cần sửa đổi Nghị định nhằm ổn định tình hình, tình hình thị trường hoạt động lâu dài, bền vững chứ không quy định chung chung đến lúc áp dụng không phù hợp thực tiễn lại phải trình Chính phủ sửa đi sửa lại.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!

BỘ NÀO CHỊU TRÁCH NHIỆM CHÍNH?

Ảnh: VTC

Ảnh: VTC

Trong quá trình sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, vấn đề chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ đang được quan tâm, đưa ra bàn thảo để có những sửa đổi phù hợp.

Phóng viên VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn với TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách về vấn đề này.

TS Nguyễn Quốc Việt

TS Nguyễn Quốc Việt

PV: Thưa ông, hiện các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu có đề nghị trong lần sửa đổi Nghị định 83 và 95, cần có quy định mức chiết khấu trên giá bán lẻ. Theo ông nội dung này có phù hợp để đưa vào trong Nghị định sửa đổi lần này?

TS Nguyễn Quốc Việt: Hiện nay có 2 luồng quan điểm và tiếp cận về giá bán lẻ xăng dầu là cơ quan Nhà nước áp đặt giá bán lẻ, hoặc doanh nghiệp bán lẻ tự chủ giá bán trên khung giá điều hành.

Trước thực tế là các cơ quan Nhà nước vẫn theo hướng quy định cứng nhắc áp đặt giá bán lẻ xăng dầu (có thể rút ngắn thời gian công bố giá) nên doanh nghiệp bán lẻ mới theo đó đề xuất phương án phải quy định mức chiết khấu để giúp họ đảm bảo quyền lợi.

Bản chất đề xuất của họ là chia nhỏ các cấu phần định mức tính giá bán lẻ, trong đó có định mức chi phí kinh doanh và lợi nhuận và chia theo cả 3 khâu là nhập khẩu/sản xuất – phân phối – bán lẻ.

Về nguyên tắc thì có thể đưa ra các định mức này, nhưng về bản chất là sẽ làm cứng nhắc hơn trong hoạt động điều tiết thị trường xăng dầu, suy cho cùng đẩy mọi chi phí/rủi ro cho nhà nước và người tiêu dùng phải chịu.

Theo tôi, nên xây dựng cơ chế giá điều hành, dựa trên cơ sở vừa có tính toán tự động và tham khảo từ các đầu mối sản xuất/phân phối. Từ đó, cho phép giá bán lẻ dao động trong khoảng cộng trừ bao nhiêu % đó. Kết hợp với cơ chế cạnh tranh là cho chọn nhiều nhà cung cấp của cửa hàng bán lẻ thì sẽ có mức giá bán thực tế.

PV: Bộ Tài chính và Bộ Công Thương hiện có quan điểm khác nhau về quy định đối với doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. Theo ông, Bộ ngành nào chịu trách nhiệm chính trong vấn đề này?

TS Nguyễn Quốc Việt: Tôi cho rằng Bộ Công thương phải là đầu mối chịu trách nhiệm chính trong công tác điều hành thị trường nói chung và giá cả xăng dầu nói riêng. Lựa chọn phương án nào thì Bộ Công thương vẫn phải chịu trách nhiệm. Bộ Tài chính chỉ là cơ quan tham vấn thêm.

Quá trình điều hành đòi hỏi việc đưa ra các quyết định nhanh chóng, kịp thời, có đầu mối chỉ đạo thống nhất. Việc nắm bắt và kịp thời xử lý các tình huống phát sinh, tăng cường đối thoại giữa cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp, dư luận xã hội cần tăng cường hơn nữa.

Chỉ có Bộ Công thương nắm trong tay hệ thống doanh nghiệp, có bộ phận chuyên công tác thị trường mới có thể nắm được để đưa vào điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!

Có nên đưa vào chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu; nên duy trì việc áp đặt giá bán lẻ hay để doanh nghiệp bán lẻ tự chủ giá bán là những vấn đề "nóng" trong quá trình bàn thảo về sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Hiện, vẫn có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này.

Bạn kỳ vọng gì vào Dự thảo sửa đổi Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu. Nếu được ban hành, các quy định mới sẽ giúp tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cũng như đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn thị trường ra sao?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công thương.

---

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” 15h30 chiều thứ Hai, thứ Tư và thứ Bảy hàng tuần, trên vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng Podcast dành cho di động: Spotify, Aple podcast và Google podcast.