Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Đồng Nai: Hơn 10 năm người dân phải chịu đựng bụi than từ các cơ sở kinh doanh

Trọng Nhân: Thứ sáu 02/06/2023, 07:33 (GMT+7)

Hơn 10 năm qua, người dân sinh sống tại tổ 13, khu phố Tân Lập, phường Phước Tân, TP Biên Hoà (tỉnh Đồng Nai) phải sống trong tình trạng ô nhiễm không khí bởi các cơ sở kinh doanh than hoạt động phát tán bụi than ra môi trường.

Bên cạnh đó là các tuyến đường mà xe vận chuyển than lưu thông ngày một xuống cấp nghiêm trọng, tiểm ần nguy cơ mất an toàn giao thông. Người dân đã nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn ngày một nghiêm trọng.

Ghi nhận của phóng viên tại khu vực tổ 13, khu phố Tân Lập, phường Phước Tân, TP Biên Hoà, trên mặt đường, bảng hiệu quảng cáo và nhà dân xung quanh các cơ sở tập kết, chế biến than đều bám bụi đen kịt.

Qua tìm hiểu được biết, hiện nay trên địa bàn khu phố Tân Lập đang có 3 cơ sở kinh doanh than đang hoạt động gồm: Công ty TNHH TMDV Phú Cường Thịnh; Công ty TNHH Khoáng sản Bình Dung; Công ty Cổ phần đầu tư Khoáng sản – Than Đông.

Nhiều hộ dân khu phố Tân Lập, phường Phước Tân, TP Biên Hòa hàng chục năm qua sống chung với bụi than và ô nhiễm môi trường bởi các cơ sở kinh doanh than.

Nhiều hộ dân khu phố Tân Lập, phường Phước Tân, TP Biên Hòa hàng chục năm qua sống chung với bụi than và ô nhiễm môi trường bởi các cơ sở kinh doanh than.

Nhiều người dân cho rằng, tình trạng ô nhiễm đã kéo dài hàng chục năm và nguyên nhân là do các cơ sở kinh doanh than trong quá trình hoạt động phát tán ra môi trường khiến nguồn nước, không khí và cả đời sống người dân đảo lộn:

“Khu vực bán kính khoảng 3km – 4km là tất cả người dân mỗi ngày phải dọn dẹp nhà cửa, mùa mưa tới là nước chảy từ mái tôn xuống rất là đen, đen màu than. Còn đường ở đây từ xưa đến nay là đường đất đỏ nhưng từ lúc kho than về là biến thành màu đen hết.”

“Mỗi lần công ty và xe vận chuyển than hoạt động là nhà bụi đen mịt mù như sương chứ không phải bụi bình thường”

“Nói chung hoạt động kinh doanh của mình bị ảnh hưởng, hàng hoá thì quá dơ, có thể nói ảnh hưởng đến 70%.”

Chị C.T người dân sống tại đây cho biết, nhiều lần người dân đã phản ánh đến chính quyền địa phương về tình trạng ô nhiễm. Sau đó, các công ty than đã khắc phục bằng cách tưới nước xuống đường. Tuy nhiên, việc khắc phục chỉ được làm chống chế “một sớm, một chiều” rồi đâu cũng lại vào đấy.

“Lúc trước công ty than có cho xe ra tưới đường ngày một lần. Nhưng được một thời gian thì không thấy tưới nữa nên người dân có nhắc nhở rồi công ty lại bắt đầu thực hiện. Còn đến tính đến thời điểm hiện tại là 1 năm người dân không nhắc là không thấy tưới nước nữa”, chị C.T nói.

Theo ghi nhận của phóng viên, ngoài tình trạng bụi than bao phủ thì vấn đề mất an toàn giao thông cũng đang hiện hữu do mặt đường xung quanh khu vực xuống cấp, xuất hiện ổ gà, ổ voi chờ “bẫy” người đi đường.

Bụi than bủa vây khiến cuộc sống sinh hoạt, kinh doanh buôn bán của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh: Tạp chí Kinh tế môi trường

Bụi than bủa vây khiến cuộc sống sinh hoạt, kinh doanh buôn bán của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh: Tạp chí Kinh tế môi trường

Anh M.H người dân ngụ tại đây cho biết, nguyên nhân khiến mặt đường hư hỏng do lượng phương tiện container vận chuyển than lưu thông với tần suất cao và đã có không ít vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra, trong đó nạn nhân có cả các em học sinh.

“Đường hư ảnh hưởng nhiều lắm, tại vì ở đầu trên là trường Trung học còn đầu cuối là đường tiểu học. Đây là tuyến đường chính cho nên lượng xe đi rất đông dẫn đến việc học sinh bị tai nạn là thường xuyên xảy ra. Mưa thì trơn, nắng thì bụi. Đường nhỏ nên 2 xe mà chạy ngược chiều là lấn hết không còn đường đi, chỉ cần sơ suất chút thôi là có tai nạn xảy ra, mà tuyến đường này hư rất là lâu rồi”, anh M.H nói.

Trước hàng loạt những bất cập về ô nhiễm môi trường, an toàn giao thông xuất phát từ những cơ sở kinh doanh này, phóng viên đã tiếp xúc và đặt câu hỏi với nhiều người dân về việc quản lý của địa phương. Thế nhưng, phần lớn chỉ là tiếng thở dài và câu trả lời là đành chấp nhận “sống chung với lũ”:

“Phản ánh lên cũng chẳng thấy có tác dụng gì, thấy chẳng ai quan tâm.”

“Ý kiến riết không được thì thôi, riết rồi chán không muốn nói nữa.”

“Có nhiều hộ người ta nản đến mức phải bán nhà đi. Buôn bán mà bụi kiểu đó, sáng pha ly cà phê ra vừa đặt xuống bụi đen thui sao mà uống.”

“Nói chung chỉ mong sao chính quyền địa phương, tỉnh có biện pháp gì giải quyết cho gọn nhẹ. Mang tiếng một thành phố thì không thể để đặt kho, bãi than trong thành phố ảnh hưởng đến người dân.”

Việc sử dụng nhiều container để vận chuyển than cũng khiến mặt đường xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Tạp chí Kinh tế môi trường

Việc sử dụng nhiều container để vận chuyển than cũng khiến mặt đường xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Tạp chí Kinh tế môi trường

Hiện thực của những cơ sở kinh doanh than đã và đang có những dấu hiệu tác động trực tiếp đến đời sống của hàng trăm hộ dân. Vậy trong suốt nhiều năm qua, những phản ánh của người dân đã đi về đâu và trách nhiệm của cơ quan nhà nước như thế nào?

VOV Giao thông sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vấn đề này khi có thông tin mới nhất từ ngành chức năng tỉnh Đồng Nai.

Trọng Nhân/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn