Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đối thoại

Đồng bào Khmer Nam Bộ tưng bừng đón Tết Chol Chnam Thmay

Kim Loan: Thứ bảy 15/04/2023, 05:55 (GMT+7)

Tại Nam Bộ, đồng bào dân tộc Khmer đang tưng bừng đón tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây. Theo quan niệm của đồng bào Khmer, thời kỳ kết thúc mùa nắng chuẩn bị bước sang mùa mưa là lúc trời đất giao hòa, muôn cây xanh tốt, đâm chồi nảy lộc… đồng bào lấy đây là sự khởi đầu cho một năm mới.

Trong các ngôi chùa Nam Tông Khmer diễn ra nhiều hoạt động, trò chơi mang đậm bản sắc dân tộc. Trên hành trình chu du, Lễ hội Chôl Chnăm Thmây là điểm dừng chân hấp dẫn cho du khách bốn phương. 

Dưới chân núi Tà Pạ (Tri Tôn – An Giang) là nhiều phum sóc của đồng bào Khmer sinh sống. Đón tết cổ truyền của dân tộc, những ngôi nhà truyền thống được sơn phết bóng loáng, thành viên của mỗi gia đình đều ăn mặc đẹp, gian bếp đã chuẩn bị đồ ăn - thức uống - hoa quả đủ đầy. Có 3 loại bánh không thể thiếu trong mùa Chôl Chnăm Thmây hằng năm là: Num-Chrụt (bánh tét), Num-tean (bánh ít) và Num-Kha-Nhây (bánh gừng). Các loại bánh này tượng trưng cho sự no ấm, được mùa, dùng để cúng trên bàn thờ ông bà, dùng làm lễ vật đi chùa và mời khách.

Anh Thạch Chau Nương – sống tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang hào hứng đón tết của đồng bào cho biết: “Đồng bào mình đón Tết là chơi theo phum sóc hoặc chơi ở chùa. Ví dụ nhà nào thích vui vẻ, tập hợp con cháu bạn bè lại đông đúc thì đứng ngoài ngoài đường té nước, múa lâm - thon (điệu múa truyền thống của dân tộc Khmer). Thấy khách đi qua thì mời khách cùng nhảy múa và té nước cho khách”.

Tết Chôl Chnăm Thmây vừa là ngày mở đầu năm mới, mở đầu thời vụ, cũng là ngày hạnh phúc, tươi vui nhất trong năm của đồng bào Khmer ở Nam Bộ

Tết Chôl Chnăm Thmây vừa là ngày mở đầu năm mới, mở đầu thời vụ, cũng là ngày hạnh phúc, tươi vui nhất trong năm của đồng bào Khmer ở Nam Bộ

Chôl Chnăm Thmây còn gọi là tết “chịu tuổi”, là dịp để đồng bào dân tộc Khmer gửi gắm ước mơ hạnh phúc, ý thức hướng thiện và lòng báo ân với tổ tiên. Đây là Lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của cộng đồng dân tộc Khmer tại Việt Nam và các nước Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar, Sri Lanka. Năm 2023, Lễ hội diễn ra trong ba ngày 14 -15 -16 tháng 4 dương lịch. Đón Chôl Chnăm Thmây, người Khmer sẽ ăn mặc đẹp đi thăm hỏi, chúc tài lộc, sức khoẻ và cùng nhau tham gia các trò vui.

Thượng tọa Lý Hùng - Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Pitukhosarangsay, TP Cần Thơ cho biết nghi thức chính của Lễ hội: “Tổ chức ngày đầu thì mình tổ chức đắp núi cát, 0 ngọn núi tượng trưng cho ân Cha, công Cha như núi. Ngày thứ hai là ngày năm mới, đón mừng phật tử đi chùa, mang vật thực, nhang đèn, hoa quả dâng cúng dường cho quý sư và các chư tăng sẽ phát kinh chúc phúc an lành và cầu siêu cho những người đã mất. Sau đó là đến nghi thức tắm Phật, tắm nước thơm, mang hoa quả đến Chùa để nhờ chư tăng làm lễ sám hối với Phật”.

Bước vào mùa Lễ hội Chôl Chnăm Thmây, đại diện lãnh đạo Ban – Ngành từ Trung ương đến địa phương đã đến chúc tết các Hội đồng sư sãi và tặng quà cho đồng bào Khmer nhằm thắt chặt khối đại đoàn kết dân tộc.

Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2023 của đồng bào Khmer diễn ra từ ngày 14 đến 16/4/2023

Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2023 của đồng bào Khmer diễn ra từ ngày 14 đến 16/4/2023

ĐBSCL có hơn 1,1 triệu đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, tập trung nhiều tại các tỉnh: An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Hậu Giang. Tiếp sức cho những nỗ lực lao động, tăng gia sản xuất và phát huy tín ngưỡng văn hóa của đồng bào Khmer, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển vùng Dân tộc thiểu số. Đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực trong đồng bào để phục vụ công tác lãnh đạo, tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào Khmer. Quốc hội đã phê duyệt Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 với tổng lực trên 50 nghìn tỷ đồng.

Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội khẳng định: “Những năm qua Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách để góp phần thúc đẩy vùng dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào Khmer Nam bộ. Tôi đề nghị địa phương có sự quan tâm và thực tốt chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trên địa bàn. Đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Đảng, các quy định của phát luật, nhất là những quy định mới làm sao cho người dân, tôn giáo chấp hành và tuân thủ đúng pháp luật, đúng tinh thần Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.

Trong các ngày này mọi người đi thăm hỏi lẫn nhau, chúc nhau tài lộc, sức khoẻ, phát đạt và cùng nhau tham gia các trò vui.

Trong các ngày này mọi người đi thăm hỏi lẫn nhau, chúc nhau tài lộc, sức khoẻ, phát đạt và cùng nhau tham gia các trò vui.

Trở lại phum sóc từng bừng đón Chôl Chnăm Thmây, từ ngày 14 đến ngày 16/4, khắp các ngôi chùa phật giáo Nam Tông Khmer sẽ diễn ra nhiều hoạt động vui tươi, thu hút khách du lịch khám phá nét đẹp văn hóa của cộng đồng người Khmer tại Nam Bộ. 

Anh Thạch Chau Nương – sống tại An Giang cho rằng, đây là dịp để khách du lịch chu du đến những vùng đất mới: “Vào cuối tuần này, đúng ngay dịp Lễ Chôl Chnăm Thmây thì chúng ta có thể tham qua cánh đồng thơ mộng của Núi Tô trên cung đường “tơ lụa”. Thưởng ngoạn hồ Tà Pạ, nơi được ví là “tuyệt tình cốc” của An Giang. Bên cạnh đó mình sẽ được tham vào các hoạt động đón tết cổ truyền, hòa quyện vào không khí đón năm mới của dân tộc Khmer. Thưởng thức món ăn đặc sản: Gà đốt, cháo bò, đu đủ đâm. Đây là lựa chọn thích hợp để trải nghiệm văn hóa vùng bảy núi”.

Những ngày tết Chôl Chnăm Thmây diễn ra cũng là dịp để 3 dân tộc Kinh -  Khmer - Hoa tại ĐBSCL gắn chặt tình làng nghĩa xóm, phát huy khối đại đoàn kết dân tộc. Trai gái sẽ có dịp tìm hiểu, hò hẹn và phô bày tình cảm, nên duyên vợ chồng!

Kim Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn