Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Đìu hiu cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận ngày đầu thu phí

Kim Loan: Thứ năm 11/08/2022, 08:54 (GMT+7)

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chính thức thu phí không dừng từ 0h ngày 9/8, giúp rút ngắn khoảng cách di chuyển từ các tỉnh miền Tây đi TP. HCM và ngược lại. Tuy nhiên, trong ngày đầu tiên vận hành thu phí, có quá nhiều “bất ngờ” trên cao tốc này.

Đi từ hướng Cần Thơ – Vĩnh Long, có mặt tại điểm đầu tiên của cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đóng tại xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, điều mà ai nhìn thấy cũng bất ngờ rằng, lượng phương tiện đi vào cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận quá ít so với mọi ngày.

Tiếp tục di chuyển đến trạm thu phí thứ 2 đóng tại xã Mỹ Hội, huyện Cái Bè thì chỉ toàn thấy xe ô tô 4 chỗ và xe khách của doanh nghiệp Phương Trang ra vào cao tốc. Tuyệt nhiên không có bất kỳ container, xe tải hay xe dịch vụ nào chọn cao tốc này để di chuyển qua.

Bà Phạm Thị Bích Thủy – là người dân bán nước giải khát tại điểm thu phí xã Mỹ Hội, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho biết, hằng ngày bà chứng kiến lưu lượng phương tiện ra vào cao tốc đủ loại như: Container, xe khách, xe tải… và bà bán nước giải khát cũng rất đắt. Nhưng trước khi cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận áp dụng thu phí chính thức, rất nhiều bác tài, chủ xe đã đến giã từ quán nước này.

Đi từ hướng Cần Thơ - Vĩnh Long qua thì số lượng phương tiện đi vào cao tốc ít hơn hẳn so với mọi ngày. Ảnh: Vân Tịnh

Đi từ hướng Cần Thơ - Vĩnh Long qua thì số lượng phương tiện đi vào cao tốc ít hơn hẳn so với mọi ngày. Ảnh: Vân Tịnh

Bà Phạm Thị Bích Thủy bộc bạch: Ngày trước bán nước mối nhiều lắm, ghé vào đây uống nước nghỉ ngơi chút rồi đi. Trước khi mà tuyến này thu phí là họ đến chia tay, tình hình này thu phí cao quá, chạy không có lời nên chia tay, từ nay đi quốc lộ 1A.

Thông tin từ Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết, trong khoảng thời gian từ ngày 30/4 đến 8/8, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận được đưa vào vận hành không thu phí, mỗi ngày đêm tuyến đường này phục vụ khoảng hơn 30.000 xe. Bước vào ngày thu phí đầu tiên, theo quan sát của phóng viên từ 8h đến 13h thì lượng phương tiện ra vào cao tốc rất ít. Trong khi đó, quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh Tiền Giang lại có lưu lượng giao thông tăng đột biến, nối đuôi nhau là xe tải nặng, xe khách, xe hàng.

Lý giải vì sao chọn quốc lộ 1A mà không đi vào cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, anh Nguyễn Hoàng Trung – tài xế lái xe ô tô dịch vụ tuyến Vĩnh Long đi TP. HCM và các tỉnh miền Đông cho biết: Đi quốc lộ 1A cũng vậy mà đi cái tuyến cao tốc này có 51km mà tốn 103 ngàn. Trong khi đó 2 làn đường quá nhỏ, chạy tốc độ nhanh lắm cũng chỉ được 80km/h. Vậy để người ta đi đường ngoài quốc lộ rộng thênh thang hơn.

Dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận khai thác mức phí thấp nhất khi đi toàn tuyến là 103.000 đồng và cao nhất là 334.000 đồng. Theo công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận thì mức giá này là đã giảm từ 4 đến 45% so với mức giá gốc.

Cụ thể hiện tại, đơn vị khai thác áp dụng thu phí 5 mức giá với 5 nhóm phương tiện khác nhau. Nhóm 1, xe dưới 12 ghế ngồi giá vé là 2.000  đồng/km (giá tối đa theo quy định 2.100 đồng). Nhóm 2, xe từ 12 đến 30 ghế ngồi giá vé 3.000 đồng/km (nhóm này không giảm giá). Nhóm 3, xe từ 31 ghế ngồi trở lên, nặng dưới 10 tấn, giá vé 3.500 đồng/km (giá tối đa 4.400 đồng). Nhóm 4, xe có tải trọng từ 10 -18 tấn, giá vé 4.500 đồng/km (giá tối đa 8.000 đồng). Nhóm 5, xe có tải trong trên 18 tấn hoặc xe container 40 feet, giá vé 6.500 đồng/km (giá tối đá 12.000 đồng).

Theo các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách thì mức giá này tính sơ cũng đã “cỗm” mất trung bình 3 triệu đồng/ngày đối với các hãng xe khách. 

Số lượng xe đi trên cao tốc rất ít mà theo lý giải của chủ phương tiện là giá phí quá cao và hạ tầng không tương xứng với mức phí. Ảnh: Vân Tịnh

Số lượng xe đi trên cao tốc rất ít mà theo lý giải của chủ phương tiện là giá phí quá cao và hạ tầng không tương xứng với mức phí. Ảnh: Vân Tịnh

Anh Nguyễn Tấn Dương – tài xế hãng xe khách Đức Phát cho biết: Xe bên mình tới 10 chiếc chạy lên chạy về trong 1 ngày nên chủ xe không cho mình chạy vào cao tốc vì giá vé quá cao, tới 180 ngàn đồng/lượt. Chạy vòng quốc lộ 1A hay vào cao tốc vẫn bằng nhau, không xa, tính đi cao tốc chỉ nhanh hơn rút ngắn thời gian hơn thôi.

Hạ tầng của cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận cũng là vấn đề đang bàn cãi. Chủ phương tiện cho rằng, hạ tầng và mức giá không tương xứng. Nếu nói vào cao tốc để đi nhanh hơn thì khó khả thi vì làn đường quá nhỏ, xe khổ lớn khó mà xin vượt mặt. Nếu rơi vào thế kẹt xe thì bác tài cũng… đành bó tay.

Anh Phan Thanh Tùng – tài xế lái xe thuộc hợp tác xã vận tải Quyết Thắng ( Long Xuyên – An Giang) nói rõ: Xe này mà đi 2 chuyến là tốn hơn 200 ngàn, bây giờ giá xăng và chi phí lên cao, không có lợi nhuận nhiều nên không đi vào cao tốc có thu phí. Bây giờ giá ở khoảng tầm 60-70 ngàn là vừa. Cao tốc 2 làn xe thì hẹp mà thu phí thì hơi cao, hạ tầng này không tương xứng với cao tốc TP.HCM – Trung Lương.

Để phục vụ cho việc khai thác, đơn vị chủ đầu tư đã xây dựng 4 trạm thu phí, bao gồm: Thân Cửu Nghĩa, Cai Lậy, Cái Bè và An Thái Trung. Dự án có thời gian thu phí hoàn vốn là 14 năm 8 tháng, tuy nhiên, sẽ được điều chỉnh sau khi kiểm toán, nhưng không được quá 15 năm.

Đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đi qua 5 huyện của Tiền Giang, vận tốc thiết kế 80 km/giờ với 4 làn xe mà không có làn dừng khẩn cấp (có một số điểm dừng khẩn cấp). Đây là dự án trọng điểm giảm tải cho Quốc lộ 1A. Đoạn cao tốc này là một trong những tuyến đường huyết mạch, kết nối vùng Tây Nam Bộ với Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BOT).

Xe container, xe khách, xe hàng trọng tải nặng... đã quay lại chọn quốc lộ 1A để lưu thông thay cho cao tốc. Ảnh: Vân Tịnh

Xe container, xe khách, xe hàng trọng tải nặng... đã quay lại chọn quốc lộ 1A để lưu thông thay cho cao tốc. Ảnh: Vân Tịnh

Trong suốt 13 năm ròng, dự án nhiều lần đổi chủ, điều chỉnh vốn, tạm dừng thi công rồi tái khởi động trong sự mong chờ của hàng triệu người dân ĐBSCL. Tuyến đường được thông xe tạm thời vào 25/1/2022 để phục vụ tết nguyên đán. Từ ngày 27/4/2022, tuyến cao tốc đã chính thức được đưa vào hoạt động hình thức miễn phí. Đây là sự nỗ lực của chủ đầu tư, nhà nước, địa phương trong việc hoàn thành hạ tầng giao thông tiện lợi để thực hiện nhiệm vụ liên kết vùng và phục vụ nhu cầu đi lại, thụ hưởng của nhân dân.

Nhưng khi áp dụng thu phí thì thì lại khó đón nhận các lượt xe đổ vào. Giá vé cao và hạ tầng chưa tương xứng là 2 vấn đề đã khiến các doanh nghiệp và chủ phương tiện bỏ chọn cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận mà chạy vòng quốc lộ 1A. Điều này cần thiết phải xem xét, tính toán lại để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân.

Dịp lễ Quốc khánh 2/9 sắp đến, miền Tây chuẩn bị đón khách thập phương, người làm ăn xa quê quay về thăm gia đình. Hàng chục năm nay, vấn đề kẹt xe trên quốc lộ 1 ở miền Tây đã trở nên quen thuộc, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận hình thành với mục đích quan trọng là “chia lửa” với quốc lộ 1.

Nếu tình hình doanh nghiệp chọn quốc lộ 1 để lưu thông kéo dài thì đến ngày “đông ken” lại xuất hiện một miền Tây kẹt cứng, ùn tắt cục bộ, trong khi đó, cao tốc rộng “thênh thang” lại nằm không. Lúc này, tính hiệu quả về một công trình hàng chục nghìn tỉ đồng sẽ bị mang ra bàn cãi!

Kim Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn