Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Người cũ cảnh xưa

Điệu hò sông nước Cần Thơ

Trà My: Thứ năm 02/11/2023, 14:14 (GMT+7)

Những câu hò của chàng trai dành gửi cho người con gái mình yêu thương khiến người ta nghe mà thổn thức ruột gan. Từng lời, từng chữ chân phương, mộc mạc nhưng chứa đựng hết thảy những buồn vui, hờn giận.

Hò…ơi… Em ơi anh cầm chài

Anh dải năm bảy con cá lòng tong

Thương em nát gan nát ruột lại nát tấm lòng ờ…

Hò… ớ…ơ

Thấy em ở bạc mà trong lòng ờ… anh hết thương ờ ớ ơ…

Ai rành nghe sẽ nhận ra ngay đó là hò mái dài - một trong những thể điệu của Hò Cần Thơ. Từ cách đây hơn 100 năm, khi điệu hò sông nước vang vang trên khắp các nhánh sông Nam Bộ, người dân xứ “gạo trắng nước trong” đã tự hào coi Hò Cần Thơ là đại diện cho tâm tư tình cảm, cho nếp sống sinh hoạt, cho nét văn hóa đặc sắc của đất và người Cầm Thi Giang.  

Điệu hò sông nước Cần Thơ - Ảnh minh họa chonoicantho

Điệu hò sông nước Cần Thơ - Ảnh minh họa chonoicantho

Ai đã một lần đến thủ phủ miền Tây Nam Bộ, mảnh đất từng được xưng tụng bằng mỹ danh Tây Đô mới thấy được cái "thần" của câu ca:

“Cần Thơ gạo trắng nước trong

Ai đi đến đó, lòng không muốn về”

Không ai biết Hò Cần Thơ có mặt tại vùng đất này từ khi nào nhưng các chuyên gia nghiên cứu văn hóa cho rằng, điệu hò sông nước này có lẽ xuất hiện vào khoảng thế kỷ XVII, khi lưu dân người Việt từ vùng Ngũ Quảng (tức 5 vùng Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam và Quảng Ngãi) vào Nam khai khẩn, thì những câu hò, điệu hát là hành trang tinh thần cùng rong ruổi trên những chặng hành trình.

Quá trình định cư lâu dài trên vùng đất mới đã giúp họ biến cải những câu hò, điệu hát cho phù hợp hơn với vùng đồng nước mênh mông. Giọng hò miền Trung từ ấy, vì thay đổi địa lý và hoàn cảnh kinh tế, dần dà chuyển hóa, sai chạy, rồi hình thành nên điệu hò Nam Bộ, lan rộng từ “đất Tầm Bôn tới trấn Hà Tiên”. Tại mỗi vùng đất lại có những điệu hò riêng và Hò Cần Thơ cũng vì thế mà ra đời.

Dưới góc nhìn của người nghiên cứu văn hóa, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ - người đã có công đầu trong việc góp nhặt, ký âm hò Cần Thơ chia sẻ: "Giờ nói hò Cần Thơ giờ có nghĩa rộng là hò của tây Đô. Vùng đất Tây Đô là đại diện cho ĐBSCL, cho nên nói hò Cần Thơ, nếu mà minh họa thì chỉ có hai hoặc ba làn điệu thôi chứ không nhiều. Cần Thơ đại diện cho Tây Đô nên sự giao lưu, giao thoa là lấy trọng tâm, trung tâm là Cần Thơ cho nó rõ"

Theo các nhà nghiên cứu, trong hành trình khai hoang lập ấp, đời này sang đời khác, thế hệ này tiếp nối thế hệ kia, cư dân sông nước miệt đồng vẫn truyền khẩu những điệu hò đặc sắc, như những thể thơ lục bát quen thuộc, phản ánh đời sống sinh hoạt, chuyển tải nội dung trữ tình, tâm tư, tình cảm của người dân, cách đối nhân xử thế trong cuộc sống, có tác dụng cổ vũ tinh thần hăng say lao động, xua tan sự khó khăn, nặng nhọc của nghề nông, thương hồ, vạn đò. Chính các điệu hò như một mạch sống, tạo nên sự gắn kết cộng đồng trong sinh hoạt và trong sản xuất của miền sông Hậu.

Soạn giả Nhâm Hùng – Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, người đã có nhiều đóng góp trong việc lưu giữ những giá trị của điệu Hò Cần Thơ chia sẻ: "Hò Cần Thơ đặc biệt gắn liền với đời sống, nhất là phát triển của kinh tế. Khi chợ nổi ra đời, khi nghề thương hồ ra đời thì đầy hết những cái hò như:

“Chèo ghe đi bán cá dồ

Nước chảy ồ ồ chẳng thấy ai mua”

Hay

“Bớ chiếc ghe sau chèo mau anh đợi

Kẻo giông khói đèn, bờ bụi tối tăm”

Nó vừa có tính trêu ghẹo, vừa có tính tương thân, tương trợ của người đi trên sông dài. Mình thấy cái giai điệu hò đã thể hiện phóng khoáng rồi, khi âm thanh nó vang lên nó mở chứ không khép. Nếu những điệu hò ở miền Trung nó nặng, có vẻ khép thì hò Nam Bộ nói chung và hò Cần Thơ nói riêng nó mở.."

Theo hồ sơ di sản của UBND TP Cần Thơ đệ trình công nhận hò Cần Thơ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thì điệu hò này được phân bố trên địa bàn huyện Thới Lai, quận Ô Môn và quận Cái Răng của TP Cần Thơ. Đây là loại hình hò hát dân gian có từ hơn 100 năm qua, hình thành từ quá trình lao động, sản xuất và sinh hoạt đời thường của người dân. Các điệu hò này mang những đặc trưng tiêu biểu của hò Nam Bộ nhưng cũng có những nét riêng bộc lộ trong cách lấy hơi, ngân hơi, hoặc trong lời kể có ý tứ độc đáo, trữ tình, mang hơi hướng của con người Cần Thơ.

Chia sẻ thêm về cách phân biệt các kiểu hò này, ông Lê Thanh Hoàng, Hội viên Hội âm nhạc TP.HCM, cho biết: "Theo nghiên cứu của một số tác giả về bộ môn nghệ thuật này thì để phân biệt được loại nào thì thứ nhất là phải được nghe qua, khi mình nghe mình mới cảm nhận được trong không gian đó. Ví dụ như hò huê tình đi, có thể hò vào dịp giã gạo đêm trăng mà nếu gắn tiết tấu của kiểu đi cấy thì nó sẽ mất đi tính trữ tình lãng mạn.

Bên hò cấy nó sẽ mang tính theo động tác, theo kiểu xướng, xô và sẽ có người chỉ huy. Người chỉ huy hay còn gọi là trùm vạn, họ là thợ cấy giỏi, năng suất làm tốt hơn những thợ khác. Hò cấy thì dĩ nhiên tiết tấu nó sẽ khác với hò huê tình. Hò sông nước cũng vậy, trên sông nước tĩnh lặng, êm đềm nên cái hơi nhấn nhá cũng theo sự êm đềm của dòng sông.

Thêm vào đó, cái hơi nó cũng phải dài, để ví dụ hò bên đây mà bên bờ bên kia cũng nghe được. Nó đặc thù gắn liền với bối cảnh trong không gian. Đi cấy thì tiết tấu mang tính năng động hơn, gọn ghẽ và động tác nó nhanh hơn".

Ảnh minh họa chonoicantho

Ảnh minh họa chonoicantho

Chính vì gắn liền với các hoạt động sản xuất, đời sống của cư dân miệt sông nước, vạn đò mà Hò Cần Thơ cũng được chia thành ba làn điệu chính là hò huê tình, hò cấy và hò mái dài, phù hợp với từng loại hoạt động cụ thể. Hò huê tình thường dành cho các cặp đôi, không có dàn hò đệm (hò rước hơi phụ họa) mà chỉ có người lĩnh xướng.

Giọng hò huê tình mang tính trữ tình lãng mạn, sắc thái man mác, không vui lắm mà cũng không mang nỗi buồn não ruột, ủ ê. Bên hò cấy sẽ mang tính theo động tác, theo kiểu xướng, xô và sẽ có người chỉ huy. Các tay hò thường là những người đi cấy mướn, cấy vần đổi công thi nhau khoe làn hơi thanh sắc của mình. Họ cùng nhau thi tài đối đáp, thử tính nhanh nhẹn và đua trí với nhau qua các điệu hò. Do đó, hò đi cấy có tiết tấu năng động hơn, gọn ghẽ và động tác nó nhanh hơn.

Hò mái dài đòi hỏi nghệ thuật và kỷ luật phối hợp một cách đồng điệu. Người hò chính có điều kiện nghỉ lấy hơi, tìm lời, tìm ý cho câu hò, không tham gia phần phụ họa. Hò mái dài mang đặc tính của sông nước vì thường được hò trong lúc hoạt động chèo ghe, đánh cá. Trên sông nước tĩnh lặng, êm đềm nên cái hơi nhấn nhá cũng theo sự êm đềm của dòng sông. Cái hơi phải dài, để hò bên đây mà bên bờ bên kia cũng nghe được.

Nói về nghệ thuật của điệu hò sông nước, Nhà văn Sơn Nam, trong tác phẩm nghiên cứu Tìm hiểu đất Hậu Giang và Lịch sử đất An Giang đã từng nhận xét: “Cũng như các điệu hò khác ở Nam bộ, hò Cần Thơ vẫn sử dụng ca dao làm chất liệu để sáng tác hò nhưng để phù hợp với nết đất tính người, người Cần Thơ đã phá cách, sáng tạo nên những làn điệu mang tính đặc trưng.

Vì vậy mà các thầy dạy hò ở Cần Thơ là những người có uy tín nhất vùng Hậu Giang ngày trước. Các thầy áp dụng kỹ thuật bẻ câu hát. Bẻ tức là uốn nắn những câu hát sẵn có để thích ứng với hoàn cảnh mới. Thí dụ câu hát từ miệt Tân An: “Chiếu bông mà trải góc đền / Muốn vô làm bé biết bền hay không?”, thì bẻ lại là: “Nước xuôi chạy gió buồm mềm / Muốn vô làm bé biết bền hay không?” cho hợp với vùng kinh xáng”.

Hơn 100 năm ra đời và phát triển, Hò Cần Thơ ngày nay vẫn có một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của cư dân miền Hậu Giang. Dẫu không còn những buổi đi lấy dần công, những chuyến ghe thương hồ cũng ít ngược xuôi hơn bận trước, câu hát huê tình, câu hò mái dài, mái đoản cũng thưa vắng trên những khúc sông chòng chành con nước nhưng vẫn có những người trẻ yêu thiết tha điệu hò của xứ sở mình.

Trăn trở về sự mai một của Hò Cần Thơ, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ chia sẻ: "Cái di sản phi vật thể sưu tầm rồi không nên bỏ trong kho. Lưu trữ trong kho cũng là một hình thức lưu trữ nhưng phải cho nó sống lại, tái xuất trong quần chúng, trong các thế hệ nối tiếp bằng nhiều hình thức: in ấn, phổ biến, biểu diễn, dạy học trong các trường… Ở miền Trung người ta đã làm điều đó. Miền Trung đã dạy bài chòi ở Quảng Nam, dạy hát ví dặm ở Nghệ An, Hà Tĩnh.

Còn ở miền Nam thì chưa làm được. Cái thế hệ này muốn đi sưu tầm đâu phải dễ, tìm đâu ra. Cho nên nhiệm vụ muốn đi sưu tầm thì khó, mấy ông mấy bà quy tiên gần hết rồi. Giờ có nhiệm vụ là phải kế thừa và phát huy, vô đời sống đương đại. Một là các nhạc sĩ trẻ phải thâm nhập để ra các tác phẩm phục vụ quần chúng. Hai là các phong trào ca hát cũng phải đặt vấn đề tiếp nối, làm mới lại dân ca những không được làm mất gốc dân ca"

Cuộc sống của những người dân miệt đồng bằng châu thổ Cửu Long gắn với sông nước, con thuyền, mảnh lưới đã sản sinh ra nhiều âm điệu, lời ca gửi gắm tâm tư, tình cảm và sức lao động. Từ những giá trị tích lũy được, họ đã làm nên nét văn hóa truyền thống đặc sắc, riêng có của vùng đất Tây Đô, để hôm nay về bến Ninh Kiều, qua chợ nổi Cái Răng, thoảng nghe câu hò sông nước mà lòng chợt bâng khuâng thương nhớ:

Uống ngụm nước trong nhớ dòng sông Hậu

Ăn chén cơm đầy nhớ đất Cần Thơ

Cần Thơ gạo trắng nước trong

Ai đi đến đó lòng không muốn về

Trà My/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Tăng cường kết nối giúp người dân đi lại  bằng metro thuận tiện hơn

Tăng cường kết nối giúp người dân đi lại bằng metro thuận tiện hơn

Chiều 12/12, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM (HURC1) và Công ty TNHH Grab (Grab Việt Nam) chính thức ký kết biên bản ghi nhớ nhằm góp phần thúc đẩy giao thông thông minh tại TP.HCM trong bối cảnh tuyến metro số 1 sắp đi vào vận hành.

Vỉa hè 'đau khổ' bậc nhất Hà Nội được lát lại, sẽ không còn cảnh 'cõng' ô tô?

Vỉa hè "đau khổ" bậc nhất Hà Nội được lát lại, sẽ không còn cảnh "cõng" ô tô?

Sau nhiều năm đánh mất chức năng chính và bị tận dụng làm chỗ đỗ ô tô, vỉa hè xung quanh công viên Tuổi Trẻ Thủ đô (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang được chỉnh trang, lát lại gạch.

Từ 2025, cấp đổi GPLX sẽ thực hiện như thế nào?

Từ 2025, cấp đổi GPLX sẽ thực hiện như thế nào?

Kể từ năm 2025, việc cấp, đổi và thu hồi giấy phép lái xe tại Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.

Bệnh hiểm nghèo sẽ được lên thẳng tuyến trên, có gia tăng quá tải?

Bệnh hiểm nghèo sẽ được lên thẳng tuyến trên, có gia tăng quá tải?

Từ ngày 01/7/2025, người bệnh mắc các bệnh hiếm, hiểm nghèo, cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao... sẽ được lên thẳng tuyến khám chữa bệnh chuyên sâu (tuyến cuối) mà không cần phải thực hiện thủ tục chuyển tuyến như hiện hành, vẫn được hưởng 100% mức hưởng.

Vì sao tuyến cao tốc Hà Nội – Lào Cai chậm khắc phục hư hỏng?

Vì sao tuyến cao tốc Hà Nội – Lào Cai chậm khắc phục hư hỏng?

Gần đây VOV Giao thông nhận được phản ánh của nhiều bác tài thường xuyên lưu thông trên cao tốc Hà Nội – Lào Cai về tình trạng nhiều vị trí mặt đường hư hỏng, lồi lõm và hằn lún vệt bánh xe, lún võng đường dẫn các đầu cầu, nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao.

Ô tô đậu tràn lan dưới lòng đường ở trung tâm TP.HCM

Ô tô đậu tràn lan dưới lòng đường ở trung tâm TP.HCM

Thời gian qua, nhiều thính giả phán ánh và bày tỏ bức xúc trước tình trạng ô tô đậu tràn lan dưới lòng đường ở trung tâm TP.HCM gây cản trở giao thông, ùn ứ vào giờ cao điểm. Đáng nói tình trạng này đã diễn ra thời gian dài nhưng vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.

Đẩy lùi lãng phí trong giao thông, bắt đầu từ đâu? (Bài 3): Hàng chục tỉ đồng “đổ sông” theo thí điểm

Đẩy lùi lãng phí trong giao thông, bắt đầu từ đâu? (Bài 3): Hàng chục tỉ đồng “đổ sông” theo thí điểm

Việc thí điểm các phương án tổ chức giao thông hay thí điểm cách thức tổ chức điều hành môt số hoạt động giao thông đô thị là cần thiết, nhằm kiểm chứng mức độ phù hợp, hiệu quả trước khi tính toán nhân rộng.