Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Đánh giá học sinh trung học theo Thông tư 22: Danh hiệu có nói lên học lực?

Minh Hiếu: Thứ hai 15/01/2024, 06:10 (GMT+7)

Bước vào năm học thứ ba áp dụng quy định về đánh giá học sinh trung học theo Thông tư 22 năm 2021 của Bộ GD&ĐT, nhiều phụ huynh vẫn không khỏi ngỡ ngàng khi danh hiệu học sinh tiên tiến đã được bỏ, còn học sinh giỏi không phải là danh hiệu cao nhất.

Thay đổi này đã hướng đến việc đánh giá thực chất hơn chưa, hay vẫn gây ảo tưởng?

 

Thông tư 22 đã cung cấp ''thước đo'' mới trong việc đánh giá học sinh trung học, vấn đề là ''đo'' sao cho chuẩn phụ thuộc vào trách nhiệm, tâm huyết của các cô thầy (Ảnh minh họa)

Thông tư 22 đã cung cấp ''thước đo'' mới trong việc đánh giá học sinh trung học, vấn đề là ''đo'' sao cho chuẩn phụ thuộc vào trách nhiệm, tâm huyết của các cô thầy (Ảnh minh họa)

Khép lại học kỳ I, chị Hoàng Thị Thanh Vân, ở Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội, quyết định tìm thêm lớp học Văn, Toán, tiếng Anh cho con đang học lớp 7. Trò chuyện với bạn bè, chị Vân mới được biết cách đánh giá học sinh đã khác trước, khi có danh hiệu học sinh xuất sắc cao hơn học sinh giỏi, khiến chị thêm phần lo lắng bởi kỳ thi vào cấp III công lập ngày càng khốc liệt:

"Như lớp con tôi chẳng hạn, có 5 cháu được xuất sắc, đến tận hơn 20 cháu được học sinh giỏi, nghe là giỏi thì các cháu rất dễ bằng lòng với kết quả đã đạt được. Vì thế, tôi muốn có sự chặt chẽ hơn, để các cháu biết học lực của mình như thế nào, để các cháu cố gắng", chị Vân cho biết.

Thông tư 22 năm 2021 của Bộ GD&ĐT quy định về đánh giá học sinh THCS và THPT được áp dụng từ năm học 2021-2022, tương ứng với lộ trình thực hiện SGK mới. Kết quả học tập và rèn luyện của học sinh được đánh giá ở các mức: chưa đạt, đạt, khá và tốt. Về khen thưởng, hiệu trưởng sẽ tặng giấy khen cuối năm học cho học sinh giỏi (học tập và rèn luyện ở mức tốt, 6/8 môn có điểm trung bình trên 8), và học sinh xuất sắc (điểm trung bình trên 9).

Như vậy, điểm khác biệt so với trước là bỏ danh hiệu học sinh tiên tiến, và chia học sinh giỏi thành 2 mức. Dù đa số phụ huynh ủng hộ cách đánh giá mới này nhằm khắc phục “bệnh thành tích” trong giáo dục, nhưng vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn:

"Nếu con chưa đạt được giỏi, nhưng con tiến bộ so với chính con thì các con cũng cần có giấy khen. Cơ quan của bố mẹ cũng vậy, năm nào cũng khích lệ và có những phần quà dành cho các con có giấy khen".

"“Lạm phát” giấy khen khiến cho giá trị của sự cố gắng không được ghi nhận nữa, các bạn có thể xem thường kết quả đấy".

Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, việc đánh giá học sinh theo Thông tư 22 có nhiều tiến bộ so với trước, trong đó có việc đánh giá bằng nhận xét thay vì điểm ở một số môn học:

"Giáo dục thể chất, nghệ thuật (âm nhac, mỹ thuật), hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp,… giáo viên căn cứ vào năng lực của học sinh để đánh giá đạt hay chưa đạt, cách đánh giá như vậy không gây áp lực với học sinh. Thế còn những môn học văn hóa khác thì đánh giá bằng điểm số, tương tự với cách chúng ta đã làm nhiều năm nay. Với việc bỏ danh hiệu học sinh tiên tiến, các phụ huynh vẫn chưa quen nhưng theo tôi, như Thông tư 22 là phù hợp. Khi 100% các em từ học sinh tiên tiến trở lên được giấy khen thì khen thưởng ấy lại không trở thành một hình thức khích lệ các em vươn lên".

Tại trường THCS Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, số lượng giấy khen đã giảm nhiều so với các năm trước khi triển khai cách đánh giá mới. Theo bà Đỗ Thị Thu Thủy, Phó hiệu trưởng nhà trường, việc có thêm danh hiệu học sinh xuất sắc giúp các em có thêm động lực phấn đấu:

"Việc dạy và học của thầy trò theo chúng tôi đánh giá thực chất hơn. Học sinh sẽ không còn tình trạng học tủ, học lệch bởi vì tất cả các môn được đánh giá đồng đều như nhau. Trường chúng tôi hiện nay không có môn nào được coi là môn phụ cả, tạo cơ hội cho các em phát huy hết năng lực của mình".

Đánh giá thực chất là cách để nhà trường, ngành giáo dục chữa trị dứt điểm ''căn bệnh'' thành tích, không để thành tích ảo làm chệch hướng ''đoàn tàu'' đổi mới (Ảnh minh họa)

Đánh giá thực chất là cách để nhà trường, ngành giáo dục chữa trị dứt điểm ''căn bệnh'' thành tích, không để thành tích ảo làm chệch hướng ''đoàn tàu'' đổi mới (Ảnh minh họa)

Tại trường THPT Thành Nhân, quận Tân Phú, TP.HCM, ông Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, các giáo viên, đặc biệt là giáo viên bộ môn, khá vất vả trong thời gian đầu thực hiện Thông tư 22, nhưng sau đó thuận lợi hơn nhờ các phần mềm. Ông Độ cho rằng, cách đánh giá mới giúp thầy cô nhận biết năng lực của học sinh tốt hơn khi không nhất thiết phải ra bài tập cụ thể, mà có thể qua các nhiệm vụ để nhận xét mức độ vận dụng kiến thức của học sinh.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù chủ trương đúng nhưng nếu cách thức tổ chức thực hiện không nghiêm túc thì “căn bệnh” thành tích có thể quay trở lại, và lúc đó, danh hiệu sẽ không phản ánh đúng năng lực của học sinh.

PGS. TS. Trần Thành Nam, Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá, Thông tư 22 đã giảm bớt thành kiến của xã hội trong việc phân loại học sinh, hướng đến giáo dục các em một cách toàn diện hơn. Tuy vậy, việc triển khai có thể gặp trở ngại nếu phụ huynh, học sinh và giáo viên vẫn còn đặt nặng áp lực thành tích:

"Về giải pháp, chúng ta cần phải hiểu và kiên định với tư tưởng mới. Mục tiêu của việc đánh giá không phải là phân loại, “gắn nhán” một em là giỏi hay kém, mà ở đây định vị xem các em đang ở đâu và đang cách mục tiêu của mình như thế nào để các em có hướng đi cho phù hợp.  Giỏi không chỉ thể hiện qua điểm số, tương lai, những nhà sử dụng lao động tiến tới cũng sẽ không đặt nặng vấn đề bằng cấp, việc này phải đến từ nhận thức của cộng đồng. Chúng ta cũng cần tăng cường triển khai tập huấn về các kỹ thuật đánh giá cho thực chất và hiệu quả, để giáo viên có thể vận dụng linh hoạt".

Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, để Thông tư 22 thực sự phát huy hiệu quả, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền hơn nữa để tạo sự đồng thuận trong giáo viên, phụ huynh và học sinh, tránh tâm lý coi trọng điểm số, giấy khen. Ngành giáo dục cũng cần thay đổi cách đánh giá các cơ sở giáo dục - đào tạo để nhà trường không bị áp lực về thành tích, hướng đến dạy thực chất, học thực chất và điểm số thực chất.

 

Ngành giáo dục cũng cần thay đổi cách đánh giá các cơ sở giáo dục - đào tạo để nhà trường không bị áp lực về thành tích, hướng đến dạy thực chất, học thực chất và điểm số thực chất (Ảnh minh họa - Lao động)

Ngành giáo dục cũng cần thay đổi cách đánh giá các cơ sở giáo dục - đào tạo để nhà trường không bị áp lực về thành tích, hướng đến dạy thực chất, học thực chất và điểm số thực chất (Ảnh minh họa - Lao động)

Triển khai thực hiện chương trình GDPT mới 2018 thực sự là thử thách với toàn ngành giáo dục trong hơn 3 năm qua, khi các cán bộ quản lý, nhà trường và giáo viên phải “vừa làm, vừa quen” với SGK mới, phương pháp dạy học mới và cách đánh giá mới.

Thông tư 22 của Bộ GD&ĐT đã cung cấp “thước đo” cho các trường đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh, cũng như hiệu quả của quá trình dạy và học. Vấn đề là đo sao cho đúng, cho chuẩn để cả thầy và trò thực sự biết mình ở đâu, tránh “căn bệnh” thành tích lâu nay và thực sự tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cho tương lai.

Góc nhìn của VOV Giao thông: “Đánh giá chuẩn để dạy và học thực chất”.

Những tờ giấy khen học sinh tiên tiến, học sinh giỏi đã gắn bó với nhiều thế hệ học sinh trong hàng chục năm qua. Và nay, khi họ đã trở thành phụ huynh, việc con đạt học lực khá mà không có giấy khen thực sự khiến nhiều người bất ngờ, dù cách đánh giá mới đã bước sang năm thứ ba thực hiện.

Con trẻ tủi thân với bạn bè, cha mẹ hụt hẫng khi không có gì để “nộp” cho công ty, tổ dân phố trong các dịp khen thưởng thiếu nhi, câu chuyện để nói với đồng nghiệp, bạn bè cũng trầm hơn khi “bệnh thành tích” đã len lỏi vào xã hội, không chỉ là chuyện của riêng nhà trường hay các thầy cô giáo.

Thực tế, bệnh thành tích xuất hiện ở bất cứ đâu có thi đua, khen thưởng, nhưng nó nguy hiểm hơn trong lĩnh vực giáo dục, nơi tạo ra nguồn nhân lực cho tương lai đất nước. Chính vì vậy, điểm mới trong Thông tư 22 về việc bỏ giấy khen học sinh tiên tiến là cần thiết trong cuộc chiến với “căn bệnh” này, khi câu nói “100% học sinh khá và giỏi” đã trở thành câu tấu hài đầy châm biếm, và việc trao giấy khen “đại trà” sẽ chẳng còn mang giá trị khích lệ.

Tuy nhiên, đó là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Những câu chuyện về lớp học có trên 50% học sinh giỏi và xuất sắc thoạt nghe đã thấy không ổn, bởi theo quy luật, trong một số đông, số lượng người giỏi và kém bao giờ cũng là số ít, còn những người ở mức giữa mới là đa số. Là do các em thực sự giỏi, hay các thầy cô vì thương các em hoặc vì nguyên nhân nào khác mà “lỏng tay” trong việc chấm điểm, đánh giá? Những người trong cuộc hẳn đều đã có câu trả lời.

Đổi mới giáo dục là yêu cầu cấp thiết để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao - một trong ba khâu đột phá của chiến lược phát triển đất nước. Trong đó, học thực chất, đánh giá thực chất là một trong những điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công đổi mới.

Thông tư 22 đã cung cấp “thước đo” mới, phù hợp cho các trường thực hiện chương trình mới, trong bối cảnh mới, vấn đề là “đo” thế nào cho chuẩn phụ thuộc vào trách nhiệm, tâm huyết của các cô thầy.

Đánh giá thực chất là cách yêu thương học sinh đúng đắn nhất, để các em thực sự biết mình ở đâu, không tự mãn, biết nỗ lực hơn để đạt kết quả tốt hơn.

Đánh giá thực chất là cách giáo viên nhìn nhận đúng đắn nhất về quá trình dạy và học, hiệu quả ra sao, để kịp thời khắc phục bất cập, hoặc điều chỉnh ngày càng tốt hơn.

Và đánh giá thực chất cũng là cách để nhà trường, ngành giáo dục chữa trị dứt điểm căn bệnh thành tích, không để thành tích ảo làm chệch hướng “đoàn tàu” đổi mới, không để tờ giấy khen học sinh giỏi bây giờ có thể chỉ ngang tầm với học sinh tiên tiến trước đây.

Ngoài sự nhìn nhận thẳng thắn, ngành giáo dục cũng cần quan tâm, động viên kịp thời, tạo điều kiện nâng cao thu nhập, ổn định đời sống giáo viên, để các thầy cô giữ được ngọn lửa nhiệt huyết với nghề. Sự nỗ lực của các cán bộ, thầy cô trong việc thực hiện chương trình GDPT mới hơn 3 năm qua là rất đáng trân trọng, trong đó có việc đánh giá học sinh, bởi việc cho điểm số như trước đây là dễ dàng hơn nhiều so với từng dòng nhận xét tỉ mỉ như hiện tại.

Và không thể thiếu đi trách nhiệm của các bậc phụ huynh trong quá trình học tập của con em mình. Cha mẹ cần quen dần với việc con trẻ có thể không có giấy khen; quan tâm, nhắc nhở, động viên các cháu thay vì thúc ép, tạo áp lực, hay tìm những cách tiêu cực để có được thành tích.

Sự chung tay của toàn xã hội là “liều thuốc” hữu hiệu nhất cho căn bệnh thành tích bấy lâu nay và thúc đẩy quá trình dạy - học ngày càng hiệu quả, thực chất hơn./.

Minh Hiếu/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Bỏ xe chạy lấy người, cách nào ngăn chặn?

Bỏ xe chạy lấy người, cách nào ngăn chặn?

Theo Cục CSGT, khi người tham gia giao thông bị tạm giữ phương tiện vi phạm, nhưng không đến chấp hành quyết định xử phạt thì sẽ không được cấp/đổi giấy phép lái xe, người vi phạm sẽ đối diện nguy cơ thường trực là bị xử lý rất nặng.

Nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển: Sẽ được rẽ phải/ trái, được quay đầu

Nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển: Sẽ được rẽ phải/ trái, được quay đầu

Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội vừa thông báo điều chỉnh tổ chức giao thông qua nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển.

Tăng mức phạt giao thông: Một chế tài, nhiều tác động

Tăng mức phạt giao thông: Một chế tài, nhiều tác động

Vượt vượt đèn đỏ giảm hẳn. Xe cộ bớt leo lên vỉa hè. Ô tô bớt chạy vào làn khẩn cấp. Người lái bằng đầu theo dõi điểm trên bằng.

Hạ rào công viên, mong “bình mới, rượu cũng mới”

Hạ rào công viên, mong “bình mới, rượu cũng mới”

Những ngày giáp tết này, không khí chỉnh trang, cải tạo xung quanh công viên Tuổi trẻ Thủ đô (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang rất khẩn trương để hoàn thành những hạng mục cuối.

Cao tốc qua Quảng Bình, Quảng Trị: Nơi băng băng về đích, nơi vẫn vướng mặt bằng nguy cơ vỡ tiến độ

Cao tốc qua Quảng Bình, Quảng Trị: Nơi băng băng về đích, nơi vẫn vướng mặt bằng nguy cơ vỡ tiến độ

Đến nay nhiều đoạn tuyến tại 2 dự án cao tốc Bùng – Vạn Ninh, Vạn Ninh – Cam Lộ đã hoàn thành lớp bê tông nhựa trên cùng, đang lắp đặt rải phân cách và hệ thống an toàn giao thông.

Siêu xe Lamborghini dừng giữa đường vì tài xế bị nhồi máu cơ tim

Siêu xe Lamborghini dừng giữa đường vì tài xế bị nhồi máu cơ tim

Nam tài xế 70 tuổi điều khiển xe Lamborghini bất ngờ dừng phương tiện giữa đường vì bị nhồi máu cơ tim.

Đèn đỏ cho rẽ phải liên tục được không?

Đèn đỏ cho rẽ phải liên tục được không?

Trước tình trạng ùn tắc trước đèn tín hiệu, một số ý kiến đề xuất, nên ban hành quy định đèn đỏ mặc định được rẽ phải, không cần bố trí riêng pha đèn rẽ phải hay biển báo như hiện nay, vì tốn kém, phức tạp.