Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Giao thông

Đèn đỏ cho rẽ phải liên tục được không?

Quách Đồng: Thứ năm 16/01/2025, 20:11 (GMT+7)

Trước tình trạng ùn tắc trước đèn tín hiệu, một số ý kiến đề xuất, nên ban hành quy định đèn đỏ mặc định được rẽ phải, không cần bố trí riêng pha đèn rẽ phải hay biển báo như hiện nay, vì tốn kém, phức tạp.

Cùng với đó, có phương án phù hợp để đảm bảo an toàn cho người đi bộ sang đường. Biện pháp này liệu có khả thi? Triển vọng thế nào?

Thường xuyên lưu thông qua ngã tư Lê Duẩn - Khâm Thiên, chị Bùi Kim Thu (ở Hoài Đức, Hà Nội) cảm thấy khá hài lòng với việc tổ chức giao thông tại nút giao này, khi từ đường Lê Duẩn có một làn rẽ phải cho cả ô tô và xe máy:

"Khi đèn đỏ, mình rẽ phải thì cũng không ảnh hưởng gì đến làn bên kia. Mình đi thẳng thì mới sợ thôi chứ rẽ phải thì không ảnh hưởng lắm."

Theo khảo sát của PV VOV Giao thông, do làn đường rẽ phải từ Lê Duẩn sang Khâm Thiên rộng hơn 2m, có vạch mắt võng, nên không có phương tiện dừng trên làn rẽ phải. Nhờ vậy, lượng phương tiện có nhu cầu rẽ phải vào Khâm Thiên đều lưu thoát được.

Chỉ một nhịp đèn xanh cho dòng phương tiện đi thẳng cũng đủ giải tỏa hết phương tiện đang dừng chờ trước cột đèn tín hiệu. Nhờ vậy, nút giao này thường khá thông thoáng.

Dù làn rẽ phải tại nút giao Giải Phóng - Đại Cồ Việt khá rộng, song người tham gia giao thông vẫn phải dừng chờ đèn tín hiệu, khiến dòng xe ùn ứ kéo dài

Dù làn rẽ phải tại nút giao Giải Phóng - Đại Cồ Việt khá rộng, song người tham gia giao thông vẫn phải dừng chờ đèn tín hiệu, khiến dòng xe ùn ứ kéo dài

Cách đó không xa, làn đường rẽ phải hướng từ Lê Duẩn – Trần Nhân Tông rộng hơn 3m, giúp các phương tiện tại nút này lưu thông nhanh chóng, không có phương tiện nào đi thẳng bị ảnh hưởng bởi dòng phương tiện rẽ phải. Chị Nguyễn Thị Thủy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) bày tỏ:

"Nếu được rẽ phải liên tục qua các ngã tư thì em mong muốn ưu tiên cho giờ cao điểm, vì mỗi người đều bận rộn và những con đường cũng không phải chật hẹp và hay xảy ra tai nạn, nên vẫn nên ưu tiên cho lái xe được rẽ phải."

Thống kê của Sở GTVT Hà Nội cho thấy, đơn vị đang quản lý 531 nút đèn tín hiệu, trong đó có 188 nút có đèn mũi tên xanh hoặc biển báo cho phép rẽ phải, chiếm khoảng 35% tổng nút đèn.

Ông Trần Hữu Bảo, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, đơn vị đang khảo sát những nút đèn có đủ điều kiện về hạ tầng, cũng như không gần trường học, bệnh viện để cắm biển cho phương tiện rẽ phải:

"Điều kiện về hạ tầng thì nó phải có làn đường cho người rẽ phải. Về kích thước hình học nó phải đủ điều kiện. Nếu không đủ điều kiện về hạ tầng, mình có cho rẽ phải thì cũng không rẽ phải được. Vì nếu không đủ hạ tầng, thì các làn xe khi dừng chờ đèn đỏ thì họ đã dàn ra, chiếm hết chỗ lối rẽ phải rồi."

Nhiều nút giao đủ điều kiện nhưng vẫn không cho rẽ phải

Trong khi đó, khảo sát tại một số nút giao, dù đủ điều kiện bố trí làn rẽ phải, nhưng TP. Hà Nội vẫn không thực hiện. Chẳng hạn, tại nút giao Giải Phóng – Đại Cồ Việt, dù bề ngang mặt đường khá rộng, không có xung đột giữa các làn xe, không xung đột với người đi bộ, song tại nút giao này, các phương tiện rẽ phải vẫn phải dừng lại chờ tín hiệu đèn. Mặc dù chu kỳ đèn đỏ cho làn rẽ phải chỉ khoảng 10 giây, song do lưu lượng tại nút quá cao, khiến dòng phương tiện rẽ phải lấn hẳn sang làn đi thẳng và rẽ trái vào đường Xã Đàn. Khảo sát của phóng viên VOVGT cho thấy, dù không phải khung giờ cao điểm, nhưng dòng phương tiện dừng chờ tại nút giao Giải Phóng – Đại Cồn Việt kéo dài hơn 500m, tới cổng trường Đại học Xây dựng.

Ông Bùi Nguyên Bảo, tài xế xe ôm công nghệ ngao ngán:

"Nếu đi thẳng sang Lê Duẩn thì rất ùn tắc, thành ra rất ảnh hưởng đến đường mà người ta rẽ phải sang Đại Cồ Việt. Rất ùn tắc, mà có khi xe ở bên trái người ta được đi, người ta muốn rẽ sang Đại Cồ Việt, nhưng ùn tắc quá người ta không thể đi được."

Bởi vậy, một số người tham gia giao thông bày tỏ, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, ra thông báo cho phép phương tiện đến ngã tư có thể được phép rẽ phải, thay vì phải chờ kết quá rà soát hoặc bố trí riêng pha đèn rẽ phải hay biển báo như hiện nay, vì tốn kém, phức tạp:

"Nên để cho đèn xanh ở pha rẽ phải, vì hiện nay nhiều người muốn rẽ mà làn đường hạn hẹp quá, nên bật đèn xanh cho dân dễ đi hơn, đỡ ùn tắc."

"Chỗ nào đường to một chút thì cho rẽ phải thì hợp lý hơn."

Dù có hầm đi bộ, song người dân vẫn sang đường không đúng nơi quy định

Dù có hầm đi bộ, song người dân vẫn sang đường không đúng nơi quy định

Chuyên gia ủng hộ cho phép xe máy rẽ phải để giải toả áp lực giao thông

Trước đó, trao đổi với VOVGT, PGS. TS Phạm Xuân Mai, Nguyên Trưởng Khoa Kỹ thuật giao thông, Trường đại học Bách khoa  TP.HCM cho rằng, phải cho phép xe gắn máy được rẽ phải, thì một lượng lớn xe gắn máy sẽ được giải tỏa ngay tại nút giao đó:

"Không cần gắn biển, vì gắn biển rất mất thời gian và kinh phí. Chúng ta phải ra một quy định là tất cả các giao lộ đều được phép rẽ phải hết, chỉ trừ một vài giao lộ có thể có vị trí đặc biệt, như gần bệnh viện, có lượng người đi bộ qua đường nhiều thì chúng ta chỉ gắn vài biển thôi. Hiện nay chúng ta đang làm ngược là gắn biển cho rẽ phải thì cả Thành phố có đến 90% là phải cho rẽ phải."

Chuyên gia giao thông Doãn Minh Tâm cũng ủng hộ việc cho phương tiện rẽ phải liên tục, trừ một số trường hợp phương tiện từ đường lớn vào đường nhỏ hẹp, để đảm bảo an toàn cho người đi bộ và dòng xe trên đưởng nhỏ:

"Nút rẽ phải tôi hoàn toàn ủng hộ, khi rẽ phải là hướng chuyển động là cùng hướng, không tạo ra xung đột trái chiều hoặc cắt dòng xe. Chỉ trừ trường hợp những xe từ đường chính đi vào đường phụ thì phải có điều kiện. Cái này thì tùy trường hợp, nhưng từ đường nhỏ, từ đường cấp thấp vào đường chính thì theo tôi là hợp lý để tránh ùn tắc".

Ngã 3 Phương Mai- Lương Định Của

Ngã 3 Phương Mai- Lương Định Của

Chuyên gia giao thông Doãn Minh Tâm cho rằng, thay vì Sở GTVT thực hiện rà soát, nên giao cho các quận huyện thực hiện, của địa phương nào thì địa phương đó chịu trách nhiệm. Các quận, huyện đề xuất với Sở GTVT Hà Nội để thực hiện, vừa nhanh, vừa hợp lý, bởi các địa phương sẽ nắm rõ nút giao nào có điều kiện giao thông đặc thù, không thể tổ chức cho phương tiện rẽ phải hoặc để đảm bảo an toàn cho người đi bộ. Thậm chí có thể tổ chức làn đường cho người đi bộ xa nút giao để đảm bảo an toàn.

Trong trường hợp có bất cập trong việc tổ chức giao thông, địa phương cũng có thể điều chỉnh rất nhanh chóng, hiệu quả./.

 

Quách Đồng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn