Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Tài chính - Thị trường

Đằng sau những phiên livestream doanh thu “khủng” (Phần 2): Cần giải pháp chống thất thu thuế

Như Ngọc - Anh Thư: Thứ ba 11/06/2024, 20:21 (GMT+7)

VOVGT đã ghi nhận thời gian gần đây, trên một số nền tảng mua sắm trực tuyến lớn.. nở rộ livestream bán hàng với doanh số hàng "khủng". Vậy làm sao để khoản thu nhập này được kê khai đúng, đủ và hợp lý để tranh thất thu cho ngân sách cũng như đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của những người tham gia?

Có thể nói, việc thu thuế đối với hoạt động bán hàng trên sàn thương mại điện tử nói chung, và qua livestream nói riêng không phải chuyện đơn giản. Vì hoạt động này biến hóa khôn lường, nên các quy định pháp luật hiện tại phải tiếp tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, bởi đây là lĩnh vực mới không chỉ với Việt Nam mà với tất cả các quốc gia trên thế giới. Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch công ty luật SB Law nêu ý kiến:

"Hiện nay với hoạt động livestream bán hàng còn mới so với hoạt động TMĐT. Trong Nghị định về TMĐT cũng chưa đề cập cụ thể chi tiết đối với loại hình này. Tôi nghĩ trong những lần sửa đổi luật, Nghị định về TMĐT, bán hàng có thể bổ sung thêm hình thức livestream để đưa vào khuôn khổ để quản lý."

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Theo các chuyên gia, với các hoạt động hợp tác trực tiếp với sàn thương mại điện tử, về cơ bản đều có phương pháp tính thu nhập của từng người bán. Bà Đỗ Kim Dung, Đồng sáng lập ECOMOBI cho rằng, cần có biện pháp giám sát và quản lý thuế các hình thức TMĐT mới:

"Người bán có thể hoàn toàn đọc điều khoản của các sàn, họ viết và phân biệt rất rõ người bán là cá nhân hay hộ kinh doanh, từ đó hướng dẫn phải mức thuế tương ứng cho từng loại."

Đồng quan  điểm, luật sư Nguyễn Thanh Hà nêu quan điểm, cơ quan thuế cần đẩy mạnh  quản lý và thu thuế từ hoạt động này, trước hết là từ những livestream bán hàng với doanh số hàng "khủng":

"Cơ quan thuế nên thống kê, làm việc với người livestream, thu nhập cao đấy để thứ nhất là hướng dẫn họ khi ai mà chưa kê khai thuế thì cần lập tức đăng ký và kê khai. Nếu như khai không đúng, không đủ thì cần đề nghị làm đúng và đối với những lần livestream khác thì cũng cần khai đúng và đủ để nộp thuế cho cơ quan nhà nước."

Còn theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, để giải quyết vấn đề này, cần sự phối hợp từ nhiều bên: "Để thu được tiền trong kinh doanh online và trong livestream hiện nay, cần sự phối kết hợp giữa các nhà mạng trong việc theo dõi cá nhân có các hoạt động livestream hoặc các mạng khác. Và sự phối hợp của các sàn thương mại điện tử.

Nếu các cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT thì cần cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng để tính thuế. Đối với livestream thì cũng cần sự kết hợp của ngân hàng, hay bên Công thương để đảm bảo có đăng ký kinh doanh, quản lý kho hàng cũng như hàng hoá dịch chuyển trên địa bàn. Và kết hợp chính quyền địa phương nắm bắt cá nhân kinh doanh online, livestream bán hàng."

Đánh giá việc quản lý thuế, nhất là thu thuế với dịch vụ livestream bán hàng còn nhiều thất thoát, Thủ tướng yêu cầu sớm áp dụng hóa đơn điện tử đối với hình thức bán hàng này. 

Và Nhằm quản lý và chống thất thu thuế, Tổng cục Thuế đã ban hành Công điện số 01, yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Cục Thuế doanh nghiệp lớn quyết liệt triển khai hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.

Trong đó, Tổng cục Thuế yêu cầu triển khai rà soát, kiểm tra đồng bộ, toàn diện việc kê khai, nộp thuế và sử dụng hoá đơn điện tử của các tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, tiếp thị liên kết, cung cấp các sản phẩm nội dung thông tin số và nhận thu nhập từ hoạt động quảng cáo, cung cấp phần mềm, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân kinh doanh online, phát video trực tiếp (hay còn gọi là livestream) bán hàng hóa, dịch vụ.

 

Như Ngọc - Anh Thư/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn