Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Cứ mưa, phố hóa thành sông

Kim Loan: Thứ ba 01/08/2023, 14:58 (GMT+7)

Vào mùa mưa, nước mưa sẽ có đường “ thoát hiểm” cơ bản là chảy ra sông. Thế nhưng nhiều năm qua, trong nội ô trung tâm một số nơi như Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau… cứ mưa dầm là “phố hóa thành sông” nước không có “lối thoát”.

 

“Bất lực” là hai từ diễn tả “nỗi lòng” của người dân sống trong thành phố Cà Mau, Bạc Liêu và Cần Thơ. Nói là ở nhà phố, mặt tiền, view sông… nhưng mỗi khi có cơn mưa đổ xuống thì phố hóa thành sông, mưa kéo dài thì có nhà phải thay nhau tát nước.

Tại TP Bạc Liêu, hàng loạt tuyến phố như: Hòa Bình, Trần Phú, Hai Bà Trưng, Hùng Vương, Phan Đình Phùng nổi tiếng cứ mưa là ngập. Đô thị ở đây đã được sửa chữa và xây dựng lại hệ thống thoát nước nhưng công trình vẫn chưa phát huy hết hiệu quả. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu cho rằng, đô thị ở đây trải qua nhiều giai đoạn, tầm nhìn và vốn đầu tư khác nhau, nên hệ thống kết cấu hạ tầng không đồng bộ.

Bên cạnh đó, việc bê tông hóa diện tích đất mặt tại các khu vực đô thị làm gia tăng lượng nước mưa chảy trên bề mặt, không thể thấm xuống lòng đất, làm giảm lượng nước ngầm và tạo ra hiệu ứng ngập cục bộ.

Nhiều tuyến đường nội ô TP Cần Thơ cứ mưa xuống là ngập sâu

Nhiều tuyến đường nội ô TP Cần Thơ cứ mưa xuống là ngập sâu

Ông Nguyễn Văn An – người dân sống tại TP Bạc Liêu cho biết: "Mưa lớn là ngập, xe chết máy, xe đạp cũng dắt chứ đạp gì nỗi vì nước quá trời cao. Mưa lớn vào buổi sáng là tới 11h trưa mới rút hết được."

Kế đến là thành phố Cần Thơ. Những con đường “nổi tiếng” ngập triền miên khi mưa xuống phải kể đến như: Cách Mạng Tháng 8, Trần Hưng Đạo, Trần Văn Hoài, Mậu Thân. Mỗi lần ngập thì giao thông hoàn toàn ắch tắc. Chỉ tính riêng quận Ninh Kiều, trong 69 con đường nội đô thì đã có 29 tuyến bị ngập.

Chị Trần Thị Mỹ Hạnh, ngụ tại phường An Cư, quân Ninh Kiều thắc mắc: "Thấy ở đây cứ sửa ống cống hoài mà sao nước không có thoát được, càng sửa lại càng nước ngập nhiều hơn."

Còn Cà Mau thì có “nhất phường 5, nhì phường 8”. 02 hai khu vực này khi đón cơn mưa đổ xuống thì đường ngập sâu từ 30cm đến 50cm. Người dân khổ sở sống chung và “ví von” ngập lụt là “đặc sản đường phố” của Cà Mau. Lý giải về tình trạng này, hầu hết các địa phương đều khẳng định phần lớn xuất phát từ 2 nguyên nhân là: tốc độ sụt lún tự nhiên diễn ra nhanh và tình trạng xây nhà lấn chiếm kênh rạch khiến cho chức năng thoát nước của các cống rãnh hạn chế.

Để can thiệp bằng giải pháp công trình, từ nhiều nguồn vốn, các địa phương thi công nhiều dự án chống ngập, đơn cử như TP Cần Thơ đang triển khai gói thầu cải tạo hệ thống thoát nước 32 tuyến đường ở quận Ninh Kiều. Dự án này được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ giảm thiểu tình trạng ngập úng khi thủy triều, mưa lớn trên các tuyến đường trung tâm TP Cần Thơ. Nhưng khi triển khai thì một vài nơi vấp phải tình cảnh “bi hài” đường cao hơn nhà. Hộ dân lại “gánh” thêm nỗi lo mưa xuống, nước từ đường tràn vào nhà thì chống ngập cũng bằng 0.

Thực tế ngập lụt tại các đô thị thời gian qua đã chỉ rõ bất cập từ công tác quy hoạch xây dựng đô thị, ở đây phương án chống ngập lụt đã bị “bỏ quên”. Theo quan điểm của nhà khoa học, việc triển khai công trình chống ngập phải tuân thủ theo quy luật, nâng cấp các con hẻm, tuyến đường nhỏ rồi mới nâng cấp tuyến đường lớn để việc thoát nước thông suốt.

Cảnh ngập trong nội thành phố Bạc Liêu khi mưa xuống

Cảnh ngập trong nội thành phố Bạc Liêu khi mưa xuống

Bên cạnh đó, chống ngập đô thị cần được nhìn nhận “nghiêm túc” để khắc phục và ứng phó từ xa. Vĩnh Long là một trong những địa phương đang triển khai chiến lược này, ông Nguyễn Quốc Duy, Phó Giám đốc Sở Xây Dưng tỉnh Vĩnh Long cho biết:

"Thứ nhất là phải làm tốt công tác xây dựng cốt nền trong đô thị, tránh tình trạng chỗ cao thấp dẫn đến ngập úng. Thứ 2, tuyên truyền cho người dân không xây dựng lấn chiếm kênh rạch để tăng khả năng tiêu thoát nước. Thứ 3, tập trung cải tạo hệ thống cống rãnh, đầu tư đồng bộ. Đối với tuyến sông lớn thì làm kè. Hệ thống hạ tầng như vỉa hè thì sử dụng vật liệu môi trường thân thiện để tăng độ thấm nước, giúp ích cho việc tiêu thoát nước khi mưa lớn."

Đô thị là “trọng tâm” của chiến lược phát triển kinh tế nhưng "nay ngập, mai lụt" thì chất lượng cuộc sống và công việc không ổn định, kém thu hút đầu tư. Hiện các địa phương cũng đang rất nỗ lực ưu tiên vốn để cải tạo, sửa chữa hệ thống thoát nước cũ.

Mong rằng các dự án sẽ nhanh chóng được đưa vào vận hành, khai thác, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những điểm ngập khi ĐBSCL đang bước vào những tháng triều cường, mưa lớn.

Kim Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn