Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Công nghệ IoT – Giải pháp xử lý khói lò than

Thanh Phê: Thứ năm 22/02/2024, 14:17 (GMT+7)

Trong năm 2023, Sở KHCN tỉnh Hậu Giang đã phối hợp với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, triển khai thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu phát triển hệ thống xử lý ô nhiễm khói lò than tích hợp giám sát và điều khiển từ xa sử dụng công nghệ IoT cho làng nghề truyền thống sản xuất than củi”.

Để hiểu rõ hơn về nghiên cứu này, PV VOV giao thông có phỏng vấn PGS.TS. Đinh Văn Phúc, Phó Viện trưởng Thường trực Viện Khoa học xã hội liên ngành, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

PV: PGS.TS Đinh Văn Phúc có chia sẻ gì về nghiên cứu này?

PGS.TS Đinh Văn Phúc: Năm 2023, trong một lần làm việc tại Hậu Giang, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Nguyễn Tất Thành củng với Sở Khoa học và Công nghệ Hậu Giang có khảo sát tình hình sản xuất than củi tại một số hộ dân trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy khói từ các lò đốt củi sản xuất than đã và đang gây ra nhiều tác động tiêu cực tới sức khỏe của người dân và môi trường. Cảnh quan xung quanh các lò than chỉ có một màu duy nhất là màu đen.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Trước tình hình đó, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang đã đề nghị Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phối hợp với Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ triển khai thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu phát triển hệ thống xử lý ô nhiễm khói lò than tích hợp giám sát và điều khiển từ xa sử dụng công nghệ IoT cho làng nghề truyền thống sản xuất than củi”, ứng dụng trực tiếp tại lò sản xuất than củi ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành.

Nghiên cứu tập trung vào việc thiết kế hệ thống xử lý ô nhiễm khái thải từ các lò sản xuất than củi, đồng thời thông qua ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh, người dân có thể giám sát và điều khiển từ xa các thiết bị điện trong hệ thống lò, và giúp cho cán bộ quản lý địa phương có thể theo dõi, thống kê các thông số ô nhiễm khí thải theo thời gian thực một các dễ dàng, từ đó đưa ra các chính sách quản lý hợp lý.

PV: Quy trình công nghệ cụ thể như thế nào thưa ông?

PGS.TS Đinh Văn Phúc: Quy trình công nghệ xử lý của hệ thống áp dụng phương pháp hấp thụ kết hợp hấp phụ. Khi đốt lò, khói than sẽ được dẫn qua chụp hút để đi vào tháp xử lý khí thải. Hệ thống có gắn các nút cảm biến cho phép đo mức ô nhiễm khí thải và điều khiển tự động.

Thông qua ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh, người quản lý hệ thống có thể giám sát và điều khiển từ xa các thiết bị điện trong hệ thống lò. Các thông số về khí thải theo thời gian cũng có thể được theo dõi và thống kê một cách dễ dàng.

PV: Qua quá trình Nghiên cứu phát triển hệ thống xử lý ô nhiễm khói lò than tích hợp giám sát và điều khiển từ xa sử dụng công nghệ IoT cho làng nghề truyền thống sản xuất than củi”, kết quả cho ra như thế nào thưa ông?

PGS.TS Đinh Văn Phúc: Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy, chất lượng khí thải đã được xử lý và kiểm soát, đảm bảo theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 19: 2009/BTNMT cột B đối với bụi và chất vô cơ. Đây là điều đáng vui mừng và đạt được yêu cầu đặt ra.

Hiện tại, chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu để nâng cao độ bền và tuổi thọ của hệ thống phù hợp với điều kiện thực tế tại các lò than như nhiệt độ và các khí gây ăn mòn được sinh ra trong quá trình sản xuất.

PV: Được biết, Hậu Giang là địa phương đầu tiên mà trường áp dụng, thử nghiệm hệ thống này. Qua đây, ông có muốn chia sẻ thêm điều gì?

PGS.TS Đinh Văn Phúc: Chúng tôi luôn cố gắng để không làm thay đổi thói quen của người dân trong quá trình sản xuất, tạo ra sản phẩm than đảm bảo chất lượng và xử lý được vấn đề ô nhiễm môi trường để giúp người dân duy trì được làng nghề truyền thống. Ngoài ra, chúng tôi nỗ lực xây dựng hệ thống với mức chi phí thấp nhất, giúp cho người dân dễ tiếp cận và sử dụng lâu dài.

Tuy nhiên, để dự án có thể tiếp tục và đạt chất lượng cần có sự đầu tư ban đầu của các cấp Chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa người dân địa phương, cũng như những người làm khoa học. Chúng tôi thực sự mong muốn mamg đến cho người dân địa phương làm nghể sản xuất than củi nói riêng.

Và toàn thể người dân Hậu Giang nói chung, cũng như vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, nơi có những làng nghề sản xuất than củi không chỉ duy trì được “làng nghề truyền thống”, đảm bảo sinh kế cho người dân, mà còn bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường, hướng đến sự phát triển bền vững.

PV: Cảm ơn PGS.TS Đinh Văn Phúc với những chia sẻ vừa rồi.

Thanh Phê/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn