Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Hầm than củi: Cần giải pháp phát triển hài hòa, bền vững

Thanh Phê: Thứ năm 22/02/2024, 14:15 (GMT+7)

Hầm than củi là một nghề truyền thống của người dân ở khu vực ĐBSCL, trong đó có Hậu Giang. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các lò hầm than củi phát tán khói, bụi ra môi trường. Do vậy, rất cần có giải pháp xử lý bảo đảm sự phát triển hài hòa, bền vững.

Xã Phú Tân, huyện Châu Thành và xã Tân Thành, xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang là những địa phương tập trung nhiều lò than củi nhất tỉnh. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 1.300 lò than củi. Nghề sản xuất than củi đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân. Tuy nhiên, sự phát triển của nghề này cũng kèm theo nhiều hệ lụy.

Các lò than có từ lâu đời, cũng là kế sinh nhai của nhiều thế hệ làng nghề

Các lò than có từ lâu đời, cũng là kế sinh nhai của nhiều thế hệ làng nghề

Ai đã đi tuyến đường tỉnh lộ 927C, đoạn qua xóm làng nghề hầm than ở xã Phú Tân đều cảm nhận được mùi củi hầm rất đặc trưng, thêm vào đó là các biển hiệu, biển báo tên cầu, vườn cây, nhà cửa bị khói, bụi than bám đen…

Khi được hỏi về khói bụi, phát ra từ các lò than, một người dân sinh sống bằng nghề làm than lâu đời ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành cho biết: "Sống nghề lò thì quen hồi nào tới giờ. Nhiều khi khói chỉ làm mình khó chịu thôi chứ không có độc hại. Hồi xưa nó kêu cái gì ống khói thoát lên cao mà ở đây không có ai làm, xử lý mấy cái đó hết vì nó khó. Chi phí chưa ai làm chưa biết nói chung ra người ta quen, cũng như người ta quen với cái nết lò, người ta vậy vậy đó, người ta chụm cũng quen, xử lý cũng dễ, có tình huống gì xảy ra người ta xử lý cũng rất dễ."

Theo tìm hiểu của Phóng viên, các lò than ở đây đã có từ lâu đời, được ông cha để lại, đó cũng là kế sinh nhai của nhiều thế hệ làng nghề. Với khuôn mặt đen nhẻm, bàn tay lắm lem vì vừa phân loại than bỏ vào bịt nilon để cân cho lái, một người dân nói:

"Làm như cái này mần riết cũng quen. Bụi thì bụi dữ lắm đó. Bịch (khẩu trang) hút vô hích ra thở không nổi. Ra lò rồi vô trỏng he rồi lấy dòng ba cái than hốt bụi bay ngập trong lò hết. Ra người nào người nấy đen thui nhưng cũng không có bịch luôn nữa. Quen làm nổi, nói chung ai ở đây cũng quen cuộc sống này hết rồi. Nếu không có mần cái này không biết lấy gì sống."

Làng nghề hầm than ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành, Hậu Giang

Làng nghề hầm than ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành, Hậu Giang

Tại các làng nghề sản xuất than củi, nhà dân và lò hầm than thường được đặt sát vách nhau. Mỗi khi đốt lò, khói từ lò than thải ra nồng nặc trong không khí, bụi bẩn bám đen vách tường và các dụng cụ trong nhà.

Công đoạn đốt lò phải trải qua khoảng 15 đến 20 ngày và phải đốt củi để lửa cháy liên tục cả ngày lẫn đêm cho đến khi than chín, nên lượng khói, bụi than thoát ra từ lò rất lớn; làm cho xung quanh khu vực làng nghề, nhà cửa, vườn cây ăn trái của người dân bị phủ đen bởi bụi than. Bụi than bám vào lá, hoa của cây trồng còn làm ảnh hưởng đến quá trình quang hợp, năng suất và chất lượng sản phẩm. Một chủ lò than lâu đời khác ở xã Phú Tân, bày tỏ:

"Cuộc sống ở đây lò than, nhờ lò than sống chứ ở đây có gì sống nỗi. Vườn tiêu hết, bấp bênh quá đâu có sống nổi. Dân ở đây chắc không chịu chuyển rồi, bị gì cuộc sống người ta đâu có gì bằng lò than đâu…"

Bên cạnh ảnh hưởng cây trồng, sức khỏe của người dân ở những làng nghề sản xuất than củi cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Bởi trong quá trình nhiệt phân than củi, đặc biệt là với các công nghệ truyền thống, dễ sản sinh ra nhiều khói bụi và các khí độc hại như CO, CO2, SO2, SO3, NOx,... Các thành phần này khi phát tán ra ngoài môi trường có thể gây tổn thương mắt, gây ra các bệnh về đường hô hấp, về da và hệ tiêu hóa.

Thanh Phê/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn