Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Chuyện về rạp hát cải lương đầu tiên của xứ Nam Kỳ

Nhóm PV: Thứ bảy 01/10/2022, 14:31 (GMT+7)

Từ mảnh đất Mỹ Tho đã sản sinh ra những con người tài năng, hết lòng vì nghệ thuật, trong đó có nhiều thầy tuồng, đào hát, kép đẹp, bầu gánh lừng lẫy một thời. Và cũng từ đây, rạp hát cải lương đầu tiên của Nam Bộ ra đời: Rạp thầy Năm Tú.

 

Cải lương tự bao đời đã trở thành món ăn không thể thiếu của người dân Việt Nam, đặc biệt là đối với những người con của miền đất Tây Nam Bộ.

Mỹ Tho xưa là mảnh đất sinh sôi của phong trào đờn ca tài tử và là cái nôi của sân khấu cải lương ở Nam Bộ.

Từ mảnh đất này đã sản sinh ra những con người tài năng, hết lòng vì nghệ thuật, trong đó có nhiều thầy tuồng, đào hát, kép đẹp, bầu gánh lừng lẫy một thời.

Và cũng từ đây, rạp hát cải lương đầu tiên của Nam Bộ ra đời: Rạp thầy Năm Tú.

Rạp hát thầy Năm Tú. Ảnh: Đại đoàn kết

Rạp hát thầy Năm Tú. Ảnh: Đại đoàn kết

Rạp hát thầy Năm Tú tọa lạc trên đường Lý Công Uẩn, phường 1, thành phố Mỹ Tho, do ông Châu Văn Tú (tên thường gọi là thầy Năm Tú) – vốn là một nhà tư sản - quê quán ở xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành gầy dựng vào khoảng những năm đầu thế kỷ XX.

Theo các tài liệu ghi lại, trước khi có rạp thầy Năm Tú, ở Mỹ Tho đã có rạp Tư Lài nhưng cũng chỉ dành cho hát bội, chiếu bóng, bên trong bày trí sơ sài. Vì quá mê cổ nhạc nên năm 1917, ông Châu Văn Tú mới xuất tiền mua lại gánh “Xiếc và Ca ra bộ An Nam Trẻ” của André Thận, do ông này kinh doanh nghệ thuật bị thua lỗ; và thành lập gánh hát, lấy tên là thầy Năm Tú; đánh dấu sự ra đời của rạp hát cải lương đầu tiên của xứ Nam Kỳ.

Nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Nhựt Quang cho rằng: "Rạp thầy Năm Tú đã có một công chuẩn bị rất là kỹ lưỡng, rất nhiều năm chứ không phải là là đến năm 1918 là họ bộc phát để họ đưa lên biểu diễn đâu. Bởi vì trước đó thì tại Mỹ Tho đã có một cái ban nhạc của Nguyễn Tống Triều đưa đoàn đi qua bên Pháp để biểu diễn trong những Hội chợ Đấu xảo tại Paris. Ông Châu Văn Tú từ một người chủ của rạp mà chuyên để chiếu phim, chiếu phim của Ấn Độ mà thôi. Ông là người đã mua lại gánh hát, ông cho vẽ cảnh trí rồi cũng như là trang phục rồi nghệ sĩ được biểu diễn, được luyện tập kỹ lưỡng hơn để làm thành tuồng tích".

So với những rạp hát cùng thời hoặc trước đó, rạp hát thầy Năm Tú sở dĩ được xem là rạp hát cải lương đầu tiên của Nam Bộ là vì có sân khấu rộng và cao, được bố trí ròng rọc để thay đổi phông màn, hai bên có nhiều lớp cánh gà. Rạp có hai tầng ghế ngồi. Tầng dưới có hàng trăm ghế đủ 4 hạng: thượng hạng, hạng nhất, nhì và ba. Trên lầu là sàn gỗ chắc chắn, cũng bố trí ba hạng ghế: nhất, nhì, ba. Còn hai bên chia thành từng ngăn và bốn ghế đẹp dành cho khách đặc biệt.

Trong quyển “Tiền Giang với nghệ thuật sân khấu cải lương” xuất bản năm 2013, tác giả Lê Ái Xiêm ghi: “Đêm 15/3/1918 là đêm lễ hội tưng bừng của Mỹ Tho, vở cải lương “Lục Vân Tiên” được công diễn, ghe thuyền của dân lục tỉnh đậu kín sông Bảo Định, thiên hạ đen nghịt xô đẩy giành nhau mua vé”.

Giới nghiên cứu đều cho rằng, chính từ rạp hát thầy Năm Tú mà cải lương đã được thai nghén và có sức lan tỏa mạnh mẽ cho đến ngày nay. Điều này được tác giả Mặc Nhân Tân Văn Công và Võ Thành Dũng ghi lại trong quyển “Sử khảo Mỹ Tho xưa trong Nam Kỳ lục tỉnh 1861 đến 1945”.Chính Mỹ Tho với rạp thầy Năm Tú với hãng đĩa Pathé phono đã lăng xê bản vọng cổ sau khi hoàn thành từ nhịp 8 lên 16 rồi 32. Từ đây, Bạc Liêu qua Rạch Giá đến Sài Gòn, rồi nhờ các bậc tài danh sáng tạo để trở nên một bản nhạc thấm đậm màu sắc dân tộc”.

Ông Đặng Thanh Liêm, người đã có nhiều năm gắn bó với đoàn nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang mà tiền thân là rạp thầy Năm Tú chia sẻ: "Rạp này cũng gắn bó với bà con Tiền Giang rất là mạnh mẽ. Dân Tiền Giang nói chung và dân Mỹ Tho nói riêng rất là gắn bó. Có khi thời hoàng kim của cải lương là một ngày diễn ba suất. Từ đó, sau này thì Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang lại có thêm bộ phận cải lương. Hiện tại, bây giờ nói chung là lãnh đạo Sở cũng như ban lãnh đạo Đoàn cũng cố gắng để duy trì lại cái hoạt động cho rạp thầy Năm Tú".

Thầy Năm Tú - Ảnh tư liệu

Thầy Năm Tú - Ảnh tư liệu

Ông Liêm cho biết thêm, vào thời hoàng kim, rạp thầy Năm Tú được coi là kinh đô sân khấu cải lương Lục tỉnh Nam Kỳ, là nơi lui tới thường xuyên của giới thời thượng, tài tử giai nhân. Lúc này, ở Mỹ Tho có tuyến xe lửa lên Sài Gòn nên khi dừng chân chờ tàu mọi người hay tranh thủ đến rạp thầy Năm Tú xem cải lương, giải trí đến tận khuya. Điều đặc biệt, rạp hát thầy Năm Tú không chỉ có soạn giả giỏi, ban nhạc nổi tiếng mà còn quy tụ được những nghệ sĩ tài năng bấy giờ như: Năm Châu, Phùng Há, Tám Danh... Ông đã tạo điều kiện cho những đào kép, soạn giả giỏi có chỗ thể hiện tài nghệ và gây dựng tên tuổi.

Nói thêm rằng, vào đầu thế kỷ XX, thầy Năm Tú không chỉ nức tiếng với gánh hát của mình mà còn đóng góp quan trọng để quảng bá cải lương. Bằng chứng là ngoài việc xây rạp, lập đoàn, thầy Năm Tú còn nhập linh kiện về rồi tổ chức lắp ráp và phổ biến máy hát đĩa hiệu Pathé phono.

Để phân biệt với máy hát của Pháp, ông cho in nhãn hiệu con chó trên máy, còn trên đĩa hát thì in hình con gà trống đỏ. Dành cho người Hoa nghe thì ông làm đĩa nhạc Hoa hoặc hòa tấu, còn loại tiếng Việt ưu tiên cho cải lương. Do đĩa có dung lượng thấp nên mỗi tuồng cải lương phải in từ 6 đến 12 đĩa. Nghe thì phải canh hết đĩa rồi lại thay nên bà con nông dân thời đó trúng mùa vẫn thường nói vui khi hết đĩa: “Con gà trống hết gáy rồi!” hoặc “Thay con gà khác đi!”.

Cũng nhờ có máy hát đĩa của ông Năm Tú mà nhiều người bình dân thuộc vanh vách các điệu ca Tứ đại oán, Hành vân, Xàng xê, Dạ cổ hoài lang… Riêng ở thôn quê, mỗi khi có đám cưới, người có máy hát đĩa thường được gia chủ cho người bơi xuồng tới rước về ngồi trên bộ ván giữa để quay dây thiều và thay kim, thay đĩa phục vụ thính giả suốt đêm.

Gánh hát Thầy Năm Tú hoạt động miệt mài cho đến năm 1928 thì sa sút. Không còn khả năng hoạt động, thầy Năm phải cho giải tán gánh hát và bán rạp. Thời hoàng kim qua đi, rạp hát thầy Năm Tú nhiều lần thay tên như Hí Viện Vĩnh Lợi, rạp Tiền Giang, rồi cuối cùng quay về với cái tên nguyên thủy “Rạp thầy Năm Tú”.

Năm 2014, rạp thầy Năm Tú được khởi công tu bổ, làm mới với tổng diện tích là 542 m2. Rạp đi vào hoạt động tháng 7/2015 và chính thức đón nhận bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Nhưng tiếc thay, ánh đèn trên sân khấu của rạp thầy Năm Tú cũng chỉ le lói qua đêm. Tháng 11/2016, đêm nghệ thuật cải lương “Ngân mãi tiếng tơ đồng” do nghệ sĩ Võ Quỳnh Mơ, Đoàn Nghệ thuật tổng hợp tỉnh Tiền Giang đứng ra tổ chức như làm bừng tỉnh giấc ngủ vùi của cải lương.

Nghệ sĩ Quỳnh Mơ kể lại: "Điều mà luôn trăn trở: Ủa, tại sao rạp hát đó là một di tích lịch sử văn hóa của tỉnh thì tại sao mình lại cho nó ngủ một thời gian quá dài vậy và nó không có một sức sống gì ở đó hết. Nó hơi tâm linh, nó cũng là một cái gì đó trong lòng của mình, giống như mình phải làm một cái gì đó ở tại đây. Vì cái suy nghĩ này bây giờ mình phải làm cái gì? Mình phải làm sao để cho cái sức sống của cái rạp hát này sẽ trở lại như xưa, để không uổng công người đi trước người ta đã gây dựng lên?"

Hiện nay, người dân đã có quá nhiều lựa chọn hình thức giải trí, thưởng thức nghệ thuật nên việc đưa rạp thầy Năm Tú trở lại thời vàng son vang bóng là điều không phải dễ. Nhưng, cải lương khiến người ta đã mê thì khó dứt. Bởi nơi đó, họ tìm được tri âm, tri kỷ của chính mình.

Khi nào còn người mê cải lương thì chúng ta có quyền tin rằng rạp thầy Năm Tú vẫn có cơ hội sáng đèn. Để hò, xự, xang, xê, cống - năm cung điệu nỉ non sẽ tiếp tục hòa vào dòng chảy phương Nam như hơi thở và nhịp sống của đồng bằng.

Nhóm PV/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Sóng về khuya: Đồng hành với những chuyến đi an toàn

Sóng về khuya: Đồng hành với những chuyến đi an toàn

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mỗi năm có hơn 6.000 người chết từ những vụ tai nạn giao thông liên quan tới tài xế ngủ gật. Nguyên nhân do thiếu ngủ chiếm tới 30% trên tổng số các vụ tai nạn giao thông trong một năm.

Hà Nội sống và yêu: Ăn sáng từ nhà ra phố

Hà Nội sống và yêu: Ăn sáng từ nhà ra phố

Không khó để bắt gặp đủ các hàng quán bán đồ ăn sáng ở Hà Nội ngày nay. Lật giở về quá khứ, thói quen ăn sáng của người Hà Nội phải chăng là lê la quán xá hay đã biến thiên theo thời gian?

Truy đuổi trên đường

Truy đuổi trên đường

Việc quy định cụ thể hoạt động truy đuổi để ngăn chặn một số hành vi vi phạm TTATGT không chỉ gây áp lực cho lực lượng thực thi nhiệm vụ, mà còn trở thành lực cản trong việc ứng dụng công nghệ vào quản lý giao thông, an toàn xã hội.

Chuyển đổi số, cần “mở” cơ chế chia sẻ thông tin

Chuyển đổi số, cần “mở” cơ chế chia sẻ thông tin

Thiếu cơ chế chia sẻ thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia khiến nhiều ý kiến đang băn khoăn về tính hiệu quả của việc xây dựng chính phủ số.

Khi các doanh nghiệp “bắt tay” để đẩy lùi “bà hỏa”

Khi các doanh nghiệp “bắt tay” để đẩy lùi “bà hỏa”

Tại các khu – cụm công nghiệp, việc triển khai các mô hình “Cụm liên kết an toàn PCCC” như những cái “bắt tay” của các doanh nghiệp, để cùng chung sức đẩy lùi “bà hỏa”.

Taxi truyền thống Singapore đang ngày một “hụt hơi”

Taxi truyền thống Singapore đang ngày một “hụt hơi”

Trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các ứng dụng gọi xe như Grab, số lượng taxi truyền thống ở Singapore đang ngày một ít đi. Điều này gây ra không ít khó khăn với những người không có thói quen sử dụng ứng dụng, nhất là người cao tuổi.

TP.Thủ Đức tiên phong vận dụng NQ98 để kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức PPP

TP.Thủ Đức tiên phong vận dụng NQ98 để kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức PPP

Mới đây TP.Thủ Đức đã tổ chức sự kiện thu hút đầu tư theo hình thức PPP và trao chứng nhận đầu tư cho 6 dự án với tổng mức đầu tư gần 7000 tỷ đồng.