Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Chăn nuôi thiếu quy hoạch, khó xử lý ô nhiễm

Minh Hiếu: Thứ hai 09/06/2025, 20:13 (GMT+7)

Cả nước hiện có hơn 17.000 trang trại và cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, chủ yếu nằm trong khu dân cư, gây ra tình trạng mùi hôi thối và ô nhiễm nguồn nước. Việc chăn nuôi thiếu quy hoạch và hệ thống xử lý chất thải khiến “bài toán” môi trường trở nên nan giải.

Công viên Kim Quy, Đông Anh, Hà Nội được khởi công từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn bỏ hoang vì chưa hoàn thiện. Thường xuyên tập thể dục quanh khu vực, anh Trần Văn Vĩnh, ở xã Tiên Dương cho biết, một số người đã chăn thả tự phát cả nghìn con vịt ở hồ sinh thái công viên:

"Nuôi vịt với số lượng một hai con thì mình không nói, nhưng mà các bác nuôi hàng nghìn con, nên lượng phân vịt sản sinh ra, cám hàng ngày họ đổ cho hàng nghìn con vịt đấy sẽ tích tụ lại, tạo thành ô nhiễm rất nghiêm trọng. Nguồn nước do vịt và bệnh của vịt ở đấy, sau này kể cả muốn xử lý hồ cũng không thể hết được".

Mỗi năm, ngành chăn nuôi thải ra khoảng 61 triệu tấn chất thải rắn và trên 304 triệu m3 nước thải, nhưng chỉ có 20% được xử lý. Hình ảnh ghi nhận gần các trang trại lợn tại xã Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội

Mỗi năm, ngành chăn nuôi thải ra khoảng 61 triệu tấn chất thải rắn và trên 304 triệu m3 nước thải, nhưng chỉ có 20% được xử lý. Hình ảnh ghi nhận gần các trang trại lợn tại xã Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội

Không chỉ hoạt động tự phát mà chăn nuôi tập trung ở nhiều địa phương cũng tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, mỗi năm ngành chăn nuôi thải ra khoảng 61 triệu tấn chất thải rắn và trên 304 triệu m3 nước thải, nhưng chỉ có 20% được xử lý, tái sử dụng.

Như VOV Giao thông từng phản ánh, người dân thôn Nghi Lộc, xã Sơn Công, Ứng Hòa đang hàng ngày sống chung với mùi hôi thối và chất thải từ hàng chục trại lợn. Hay tại xã Bích Hòa, Thanh Oai, dòng nước quanh cơ sở giết mổ gia súc đen kịt, đặc quánh. Và mới nhất là những phản ánh về tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng gần trại lợn ở các huyện Lang Chánh và Thạch Thành, Thanh Hóa.

Sống gần những cơ sở chăn nuôi ô nhiễm thực sự là nỗi ám ảnh của người dân:

"Cứ thối thế này chúng tôi ở khổ lắm! Tối phải đóng cửa chứ không thể mở cửa ra được. Cái trại lợn trên kia ý, nước phân nó ùn ra máng quá đặc."

"Khi có trang trại là mùi nồng nặc, không làm ăn được gì, khách vãng lai đến là đi, các cháu đi học về không ngồi ăn cơm được. Kêu đến chính quyền thì cũng chỉ chờ cơ quan cấp trên đến giải quyết."

Ngoài ô nhiễm nguồn nước và không khí, hoạt động chăn nuôi còn phát thải lượng khí nhà kính rất lớn. Ảnh minh họa - VOV

Ngoài ô nhiễm nguồn nước và không khí, hoạt động chăn nuôi còn phát thải lượng khí nhà kính rất lớn. Ảnh minh họa - VOV

Ngoài ô nhiễm nguồn nước và không khí có thể nhận thấy rõ, hoạt động chăn nuôi còn phát thải lượng khí nhà kính rất lớn. TS. Nguyễn Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam phân tích, khí nhà kính từ hoạt động chăn nuôi bao gồm: khí metan (CH4) - loại khí gây hiệu ứng nhà kính cao gấp 28 lần carbon dioxide (CO2), chủ yếu đến từ quá trình tiêu hóa của động vật nhai lại như trâu, bò, dê, cừu.

Khí nitơ oxit (N2O), chủ yếu phát sinh từ việc quản lý phân bón. Và CO2 phát thải gián tiếp từ các hoạt động chặt phá rừng, lấy đất chăn thả hoặc trồng cây thức ăn cho gia súc, sản xuất, vận chuyển thức ăn chăn nuôi. Đó là còn chưa kể chăn nuôi gia súc lớn đòi hỏi lượng nước khổng lồ cho việc ăn uống, vệ sinh chuồng trại,…

Theo ông Sơn, giải pháp chính để hạn chế tác động môi trường là quy hoạch và quản lý trang trại bền vững:

"Quyết định 1520 về quy hoạch chăn nuôi giai đoạn 2022 - 2030 và tầm nhìn đến 2045, các tỉnh, thành phố đều phải thực hiện. Đó là quy hoạch vị trí trang trại, xử lý trồng cây giúp hấp thụ CO2, lọc không khí. Thứ hai là quản lý chất thải trong chăn nuôi. Thứ ba là cải thiện chế độ dinh dưỡng. Metan trong quá trình sử dụng thức ăn, nước uống chúng ta làm không tốt thì con vật nó thải ra rất nhiều. Thứ tư là thay đổi hành vi tiêu dùng, khuyến khích việc tiêu dùng, tiêu thụ bền vững."

Giải pháp chính để hạn chế tác động môi trường là quy hoạch và quản lý trang trại bền vững. Ảnh minh họa - VOV

Giải pháp chính để hạn chế tác động môi trường là quy hoạch và quản lý trang trại bền vững. Ảnh minh họa - VOV

Cũng theo TS. Nguyễn Ngọc Sơn, nhà nước cần có nhiều chính sách hỗ trợ, nhất là với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, ở vùng khó khăn. Đó là nâng cao nhận thức và năng lực của cả nhà quản lý lẫn người chăn nuôi; hỗ trợ về tài chính, ưu đãi đầu tư; hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao tiến bộ khoa học để người chăn nuôi thực hiện tốt quy trình, từ chọn giống đến nuôi dưỡng, vệ sinh phòng bệnh và xử lý chất thải…

Ngoài ra, cần đưa nội dung bảo vệ môi trường vào chương trình khuyến nông, lồng ghép các mục tiêu môi trường với phát triển khu dân cư./.

Minh Hiếu/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn