Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Chấm dứt bạo lực phụ nữ bằng cách giúp nạn nhân mạnh mẽ trở lại

Hải Hà: Chủ nhật 31/07/2022, 05:45 (GMT+7)

Bạo lực trên cơ sở giới là những hành vi cố ý gây tổn hại hay có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tâm lý và tước đoạt kinh tế đối với người khác dựa trên quan niệm, định kiến về giới.

Tại Việt Nam, cứ 3 phụ nữ trong độ tuổi từ 16-64, có 2 người từng bị bạo lực trên cơ sở giới, gây ra những ảnh hưởng nặng nề về tinh thần cho nạn nhân và làm thiệt hại tới 1,85% GDP của nền kinh tế.

Tuy nhiên, rất ít phụ nữ dám tố cáo, kêu gọi sự giúp đỡ khi bị bạo lực. Cần làm gì để hỗ trợ các nạn nhân, tiếp thêm sức mạnh giúp các nạn nhân đứng lên tự bảo vệ mình khỏi bạo lực?

Đại dịch COVID-19 với những biện pháp phong tỏa, trường học đóng cửa và kinh tế suy thoái khiến số vụ bạo lực có xu hướng tăng mạnh (Ảnh minh họa: Outlook)

Đại dịch COVID-19 với những biện pháp phong tỏa, trường học đóng cửa và kinh tế suy thoái khiến số vụ bạo lực có xu hướng tăng mạnh (Ảnh minh họa: Outlook)

Chị Nguyễn Thị Hồng, ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh ngay từ lúc yêu đã bị bạn trai đánh 2 lần. Nhưng với niềm tin có thể cảm hóa, thay đổi được người yêu, chị Hồng vẫn quyết định làm đám cưới và sinh liền 2 cháu.

Do ở nhà chăm con, phụ thuộc kinh tế vào chồng, chị Hồng thường xuyên bị chồng đánh và bạo lực tinh thần mỗi khi góp ý chồng vì thói chơi cờ bạc. Đỉnh điểm vào ngày 20/9/2021,  vì muốn chấm dứt những ngày tháng bạo lực chị Hồng đã nhảy cầu tự tử nhưng được các đồng chí Cảnh sát giao thông công an tỉnh Quảng Ninh giải cứu.

Câu chuyện của chị Hồng chỉ là 1 ví dụ trong hàng trăm vụ việc phụ nữ bị bạo lực được chia sẻ trên các diễn đàn mạng xã hội hay qua những đường dây nóng của Hội nông dân, các tổ chức xã hội,  trung tâm tư vấn.

Kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy gần 63% phụ nữ đã trải qua ít nhất một trong các hình thức bạo lực về thể chất, bạo lực tình dục, bạo lực tâm lý và hoặc bạo lực kinh tế trong cuộc đời.

Đại dịch covid với những biện pháp phong tỏa, trường học đóng cửa và kinh tế suy thoái khiến số vụ bạo lực có xu hướng tăng mạnh. Bà Hà Thị Quỳnh Anh, Chuyên gia về giới và nhân quyền - Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) cho biết: "Bạo lực trên cơ sở giới là vấn đề đáng báo động, nhưng trong giai đoạn dịch bệnh, số lượng các vụ bạo lực trên cơ sở giới tăng lên đáng kể.

Cuộc gọi đến các đường dây hotline của Chính phủ và các đơn vị xã hội nhận được nhiều cuộc gọi hơn, kêu gọi nhiều sự  hỗ trợ hơn trong đại dịch. Theo báo cáo của chúng tôi số cuộc gọi tăng lên gấp 200 lần trong đại dịch vừa qua".

Không chỉ gia tăng về số lượng các vụ bạo lực, hình thức bạo lực cũng có sự thay đổi. Không ít người đã bị bạo lực trên không gian mạng bằng những bình luận ác ý, xúc phạm, mang tính bắt nạt.

Ảnh minh họa: obsviolence.com

Ảnh minh họa: obsviolence.com

Sau khi nhiều clip về các vụ bạo lực được đưa lên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, các đối tượng thực hiện hành vi bạo lực có xu hướng thực hiện ở những khu vực không có camera, thậm chí, có trường hợp, để không bị người xung quanh phát hiện, có người chống, trước mỗi cú đấm, đá vợ thường hét lên “Anh thương em, Anh vô cùng yêu em”.

Hoạt động truyền thông nâng cao về bình đẳng giới ngày càng phổ biến nhưng tỷ lệ bạo lực giới vẫn xảy ra, lý giải về thực trạng này, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới- Gia đinh- Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) nhận định :

"Hiểu biết của nam giới và nữ giới về bạo lực càng tăng lên, vì thế họ hiểu rằng khi có bạo lực xảy ra có thể phải đi tới pháp luật và đấy là vi phạm luật nên đánh như thế nào phải khéo. Có nghĩa là có sự hiểu về quy định là có rồi nhưng tư tưởng nam quyền đang vẫn còn nặng, bình đẳng giới vẫn đang còn thấp. Do đó còn rất nhiều mưu mô để đối phó với câu chuyện này".

Nhà báo Hoàng Anh Tú, chủ Fanpage tư vấn về hôn nhân, gia đình phân tích, sở dĩ nhiều nạn nhân bị bạo lực giới không lên dám tố cáo là vì họ sợ sau khi tố cáo sẽ được bảo vệ và những trận đòn trở nên nặng nề hơn. Ngoài ra, tâm lí sợ đẩy người chồng, người cha vào con đường lao lí cũng khiến họ cân nhắc.

Một trong những điểm đáng lo ngại khiến tình trạng bạo lực giới vẫn tiếp diễn là nhiều phụ nữ không biết là được quyền bảo vệ nên thường có tâm lý “chấp nhận” bị bạo hành.

"Cô ấy chỉ quan tâm đến việc làm thế nào để chồng cô ấy yêu cô ấy hơn. Tức là cô ấy đã hoàn toàn quên câu chuyện cô ấy đang bị bạo hành.  Cô chấp nhận bị đánh và coi việc bị đánh là chuyện bình thường. Những câu chuyện đó khiến tôi suy nghĩ. Vì rõ ràng nhiều người nhận thức về bảo vệ thân thể mình rất là kém. Họ cho rằng khi đã là vợ của ai đó, họ đã là vật sở hữu", nhà báo Hoàng Anh Tú nói.

Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới như: là nước tiên phong trong khu vực về việc xây dựng chính sách và luật pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt nạn bạo lực đối với phụ nữ và tham gia nhiều cam kết quốc tế về bình đẳng giới.

Bộ Lao đông thương binh và xã hội, Hội Nông dân phối hợp với Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bạo lực trên cơ sở giới.

Trong giai đoạn đại dịch COVID-19, Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã nỗ lực xây dựng đường dây hotline do Hội nông dân vận hành hỗ trợ những người phụ nữ ở vùng nông thôn Việt Nam đang bị bạo lực và xây dựng 3 ngôi nhà Ánh Dương, hay còn gọi là Trung tâm một cửa hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới ở 3 tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng.

Thống kê cho thấy, trong 2 năm qua, các đường dây nóng 18001769 của Ngôi nhà Ánh Dương ở Quảng Ninh, 18001744 ở Thanh Hóa và 024 33335599 tại Đà Nẵng và Tp.HCM đã nhận được hơn 15.300 cuộc gọi trợ giúp.

Phần lớn nạn nhân của bạo lực là phụ nữ chiếm trên 93% trong độ tuổi từ 16-59, tỷ lệ trẻ vị thành niên gọi đến chiếm 10%.

Ước tính, mỗi năm nền kinh tế Việt Nam bị mất khoảng 100.500 tỷ đồng do bạo lực (Ảnh minh họa: UNWomen.org)

Ước tính, mỗi năm nền kinh tế Việt Nam bị mất khoảng 100.500 tỷ đồng do bạo lực (Ảnh minh họa: UNWomen.org)

Tâm lý xấu hổ, lo sợ vì bị bạo hành đã khiến nhiều phụ nữ không dám lên tiếng và phải chịu đựng bạo lực trong thời gian dài, nhiều trường hợp đã tìm đến cái chết để giải thoát khỏi bạo lực.

Thông qua việc tuyên truyền, nâng cao kiến thức của phụ nữ về quyền được đối xử bình đẳng, quyền được bảo vệ và các kỹ năng phòng chống bạo lực sẽ giúp các nạn nhân trở nên mạnh mẽ hơn.

Đây cũng là góc nhìn của kênh VOVGT qua bài bình luận: Mạnh mẽ lên phụ nữ!

Bạo lực trên cơ sở giới là thực trạng đáng báo động ở nước ta và có đến 90% nạn nhân là phụ nữ. Đối tượng bị bạo hành trải dài từ 16 đến 59 tuổi, thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Ngay cả những phụ nữ xinh đẹp, giỏi giang, có vị trí cao trong xã hội, làm chủ kinh tế cũng có thể là nạn nhân của bạo lực. 

Không chỉ bị bạo hành về thể xác, bạo lực về tình dục, nhiều phụ nữ còn bị bạo hành về tinh thần, bị kiểm soát hành vi, kinh tế bởi chồng/ bạn trai gây ra.

Bạo lực giới, đặc biệt là bạo lực tinh thần gây ra những tổn hại trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần của các nạn nhân, làm gia tăng các chi phí liên quan đến y tế, chi phí cơ hội do nạn nhân phải nghỉ làm sau khi bị bạo hành và làm giảm năng suất lao động.

Ước tính, mỗi năm nền kinh tế Việt Nam bị mất khoảng 100.500 tỷ đồng do bạo lực.

Những hành vi bạo lực trong gia đình còn ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần, khả năng học tập và sự phát triển, hình thành nhân cách của trẻ nhỏ.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra, những đứa trẻ đã từng chứng kiến bạo lực hay là nạn nhân của bạo lực có xu hướng sử dụng bạo lực với người yêu, người bạn đời khi lớn lên.

Theo các chuyên gia, căn nguyên của tình trạng bạo lực giới là do sự bất bình đẳng giới vốn đã ăn sâu vào xã hội Việt Nam và sự mất cân bằng quyền lực.

Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp nạn nhân bị bạo lực nhận được lời khuyên từ người thân coi việc bị đánh, chửi mắng khi chồng say rượu là bình thường. Không ít người vợ, người mẹ chấp nhận bị bạo lực giới vì muốn giữ hôn nhân, muốn giữ vỏ bọc gia đình cho con cái.

Hơn 90% phụ nữ từng bị bạo lực không tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào từ các dịch vụ công và một nửa trong số họ chưa bao giờ nói với ai khác về điều đó vì tâm lý “xấu chàng hổ ai”. Nhiều phụ nữ ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa không biết được thông tin để được giúp đỡ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Để ngăn chặn tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, trước hết, người phụ nữ cần nhận thức rõ được quyền của mình trong hôn nhân, sự khác biệt giữa hôn nhân và sự sở hữu. Hôn nhân là sự bình đẳng. Người phụ nữ được quyền tôn trọng và đối xử công bằng, bình đẳng như nam giới.

Điều 18 - Luật Bình đẳng giới quy định: “Vợ chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình; có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ, chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình”.

Vợ, chồng cùng có trách nhiệm trong việc chăm sóc con cái, chia sẻ việc nhà, chăm sóc sức khỏe sinh sản và bàn bạc, đưa ra các quyết định của gia đình.

Bên cạnh đó, phụ nữ cần trang bị những kiến thức, kỹ năng nhận diện các nhóm hành vi bạo lực. Bất kì hành vi đe dọa về thể chất, tình dục, sử dụng quyền lực để kiểm soát về kinh tế, thao túng cảm xúc, tinh thần đều là hành vi bạo lực và cần phải lên án.         

Khi bị bạo lực, nạn nhân cần phải lên tiếng, có thể chia sẻ với người thân, hàng xóm, Hội phụ nữ hoặc kêu gọi sự trợ giúp thông qua các đường dây nóng của Hội nông dân, hoặc liên hệ với cán bộ công an phường, cán bộ xã hội, cơ quan pháp luật tại nơi cư trú.

Trong những trường hợp nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng, nạn nhân liên hệ đến các ngôi nhà tạm lánh để nhận sự trợ giúp.

Để ngăn chặn và chấm dứt tình trạng bạo lực giới, tùy thuộc vào từng điều kiện, hoàn cảnh thực tế, mỗi phụ nữ có sự chuẩn bị cho phù hợp. Đối với nhóm người phụ thuộc về kinh tế, có thể chủ động tìm kiếm việc làm, sinh kế để tăng thu nhập.

Đối với nhóm người đã có sự vững vàng về kinh tế, cần độc lập về tư duy, mạnh dạn vượt qua định kiến của xã hội, để bảo vệ mình khỏi nguy cơ bạo lực.

Các đoàn thể, tổ chức chức xã hội như Hội phụ nữ, cán bộ xã hội ở địa phương cần tăng cường hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các quyền của phụ nữ, kiến thức nhận biết bạo lực và kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với bạo lực giới, xây dựng những cẩm nang về phòng chống bạo lực giới.

Việc giáo dục, tuyên truyền cần được thực hiện sớm ngay trong các trường học, các gia đình cho các trẻ em gái từ sớm.

Song song với đó, cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng ngừa và ứng phó với Bạo lực giới, việc tăng nặng các chế tài xử lý những trường hợp thực hiện hành vi bạo lực, nhân rộng các mô hình hay giúp đỡ các nạn nhân bạo lực giới .

Bình đẳng giới là quyền của con người và phụ nữ có quyền được tôn trọng phẩm giá, được yêu thương và  tự do bày tỏ mong muốn, suy nghĩ của mình.

Việc trao quyền cho phụ nữ, giúp các nạn nhân mạnh mẽ trở lại sẽ góp phần nâng cao sức khỏe, chất lượng sống của mỗi gia đình, nâng cao năng suất lao động của xã hội và thúc đẩy tiềm năng phát triển thế hệ tương lai.

Hải Hà/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Dồn lực thi công cao tốc, bù tiến độ sau nhiều tháng mưa triền miên

Dồn lực thi công cao tốc, bù tiến độ sau nhiều tháng mưa triền miên

Nhiều tháng qua do ảnh hưởng của gió mùa nên thời tết khu vực miền Trung luôn trong tình trạng mưa kéo dài triền miên, khiến cho công tác thi công nền đường tại các dự án cao tốc Bắc – Nam qua khu vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tiến độ bị đe dọa.

Xe giả thương binh và góc nhìn của thương binh thật

Xe giả thương binh và góc nhìn của thương binh thật

Thành phố Hà Nội đang tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải đối với xe ba bánh tự sản xuất, lắp ráp có hành vi chở hàng cồng kềnh, gây mất an toàn giao thông.

Đồng khô cỏ cháy, người Gò Công Đông đào “hầm” chắt chiu từng giọt nước

Đồng khô cỏ cháy, người Gò Công Đông đào “hầm” chắt chiu từng giọt nước

Khoảng 9 giờ sáng, tại ấp 6, người trẻ đã đi làm, chỉ còn thưa thớt người già chờ... nước từ thiện. Một chiếc “hầm” chứa nước mới được người dân thiết kế đào sáng nay. “Hầm” sâu 1 mét, dài 11 mét, rộng 3 mét, đủ chứa hơn 30 khối nước.

Lo ngại giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư vội vàng bán chốt lời

Lo ngại giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư vội vàng bán chốt lời

Từ hôm qua, giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư đã mang vàng đi bán. Nhiều người lo ngại, nếu nắm giữ vàng lâu hơn nữa, trường hợp giá vàng hạ, mức lời sẽ không còn cao.

Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Mới đây, đã có đề xuất nghiên cứu xây dựng 3 tuyến tàu điện không ray chạy trên vành đai 3 và đại lộ Thăng Long để giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của loại phương tiện này.

Thiếu nhân viên y tế học đường bởi chế độ chưa tương xứng

Thiếu nhân viên y tế học đường bởi chế độ chưa tương xứng

Sức khỏe, sự an toàn của học sinh trong môi trường giáo dục luôn là ưu tiên hàng đầu. Thế nhưng hiện nay đang tồn tại một vấn đề cấp bách: tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế học đường, làm tăng nguy cơ xảy ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần và thể chất với học sinh.

Đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn: Cần những giải pháp lâu dài

Đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn: Cần những giải pháp lâu dài

Hạn mặn là vấn đề được dự báo trước, thế nhưng các địa phương vẫn loay hoay trong công tác ứng phó, chủ động nguồn nước ngọt phục vụ cho dân sinh. Điều này đòi hỏi các địa phương cần phải có một kế hoạch lớn, dài hạn để thích ứng với tình trạng hạn hán hàng năm, không để người dân thiếu nước.