Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đối thoại

Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh bị đứt cáp: Ngay tuần này phải trình phương án khắc phục

Hồng Lĩnh - Phan Nhơn: Thứ tư 05/10/2022, 16:01 (GMT+7)

Sau sự cố đứt cáp dự ứng lực ngầm cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, Lãnh đạo UBND TP.HCM giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương tổ chức kiểm tra, xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục sự cố và báo cáo trong thời gian sớm nhất.

PV VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn với ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải về vấn đề này.

PV: Quá trình kiểm tra cho thấy vị trí đứt cáp ngầm có hệ thống cống thoát nước băng ngang qua, nhưng cả chủ đầu tư và nhà thầu thi công đều cho rằng không biết có vị trí cáp ngầm này. Vậy cho đến thời điểm hiện tại, trách nhiệm được xác định thuộc về ai, thưa ông?

Ông Võ Khánh Hưng: Trách nhiệm này thuộc về nhiều bên. Tuy nhiên, về quản lý Nhà nước, Sở giao thông vận tải sẽ theo dõi về vấn đề này. Tuy nhiên, do mặt bằng đang giao do Ban giao thông để thực hiện dự án, trong đó có cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh.

Nên để thực hiện đúng Nghị định 06 về quản lý chất lượng, khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng công trình sẽ có trách nhiệm thực hiện các biện pháp kịp thời.

Đứng ở góc độ quản lý nhà nước, nhìn chung có an toàn hay không, giao thông có được đảm bảo tối thiểu hay không thì Sở Giao thông vận tải phải điều hành.

Lực lượng chức năng tiến hành đặt rào chặn, phong tỏa lối đi chuyển chuyển lên cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh tối 29/9. Ảnh: Nhất Hoàng

Lực lượng chức năng tiến hành đặt rào chặn, phong tỏa lối đi chuyển chuyển lên cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh tối 29/9. Ảnh: Nhất Hoàng

PV: Có thông tin rằng, khi thi công hệ thống thoát nước, đơn vị thi công không được tiếp cận hồ sơ ngầm hoặc hồ sơ thiết kế. Và hồ sơ thiết kế thi công đang bị thất lạc. Ông có thể giải thích rõ hơn vấn đề này không?

Ông Võ Khánh Hưng: Trong thời gian vừa qua, để thực hiện dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh, về phía Sở Giao thông vận tải, cụ thể là Trung tâm quản lý hạ tầng đường bộ đã bàn giao mặt bằng, kể cả cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh cho Ban quản lý dự án.

Và việc tổ chức thực hiện, trong dự án có gói thầu, hạng mục thi công dự án lắp đặt hệ thống thoát nước do Ban quản lý dự án giao thông điều hành.

Về phía Sở giao thông chúng tôi không quản lý, triển khai dự án đó, nên nếu nói có hồ sơ hay không có hồ sơ, hay do việc thi công như thế nào thì hiện nay theo quy định, văn bản của Sở Giao thông vận tải đã báo cáo UBND TP thuộc về Ban giao thông sẽ làm rõ, và phải có báo cáo cho Sở Giao thông vận tải và UBND TP.

PV: Vậy thưa ông, Sở Giao thông vận tải có chốt thời hạn cho Ban Giao thông là bao nhiêu ngày không?

Ông Võ Khánh Hưng: Ngay ngày hôm qua, chúng tôi đã họp để góp ý cho phương án của Ban Giao thông trình ra và chúng tôi đề nghị với Ban giao thông phải sớm hoàn thiện. Ngay cuộc họp ngày hôm qua, 45 ngày vẫn là lâu quá. Chúng tôi đang chờ phương án báo cáo từ Ban Giao thông.

Trong tuần này, Ban giao thông phải trình ra phương án đó. Chúng ta phải xem một cách kỹ lưỡng, nhất là thông số đầu vào. Thứ hai là việc tổ chức giao thông để làm sao không ảnh hưởng - hoặc ảnh hưởng ở mức thấp nhất, có thể chấp nhận được.

Giao thông ùn tắc sau khi cấm xe qua cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: Nhất Hoàng

Giao thông ùn tắc sau khi cấm xe qua cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: Nhất Hoàng

PV: Vậy các phương án khắc phục sự cố đã được đưa ra cụ thể như thế nào?

Ông Võ Khánh Hưng: Ban giao thông đã đưa ra các phương án. Chúng tôi đã nghiêm túc lắng nghe các ban ngành và ý kiến các chuyên gia.

Chúng tôi đồng ý phải khắc phục sự cố, phải sửa chữa, tuy nhiên phương án tối ưu còn phục thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như thông số cập nhật, độ võng, tìm kiếm hồ sơ cũ của cầu Nguyễn Hữu Cảnh và có thể sẽ có một vài phương án, biện pháp thi công phải xem xét thi công kỹ lưỡng.

PV: Sau 20 năm đưa vào khai thác, sự cố có thể làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của cây cầu. Vậy có chăng nên tính đến phương án xây dựng mới thay vì khắc phục, sửa chữa chi phí có thể tốn kém hơn?

Ông Võ Khánh Hưng: Hiện nay, UBND TP đã có quyết định thành lập tổ điều tra sự cố công trình cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh.

Tuy nhiên, để thực hiện việc này sẽ có 2 cách, hoặc tổ này có điều kiện có thể làm luôn. Nhưng cũng có thể tổ này sẽ đánh giá sơ bộ ban đầu và sau đó báo cáo UBND TPHCM thuê một tổ chức để kiểm định, thực hiện việc việc giám định công trình để phục vụ cho việc đánh giá.

Phải xong bước này thì mới biết được việc sửa chữa, đầu tư mới hay thay thế có kinh phí thực hiện là bao nhiêu.

PV: Thưa ông, trong quá trình chờ các phương án khắc phục sự cố và sửa chữa, việc điều hướng giao thông đã được thực hiện như thế nào?

Ông Võ Khánh Hưng: Chúng tôi giao cho Trung tâm hạ tầng giao thông đường bộ và Thanh tra giao thông để theo dõi, cập nhật và giải quyết các hướng giao thông theo quy định. Nếu chưa hợp lý kịp thời điều chỉnh và phổ biến, tuyên truyền đến để người dân biết.

Tuy nhiên, hiện tại, giao thông đã bớt phức tạp và ổn định hơn, do có sự phối hợp của người dân. Việc tổ chức giao thông hiện nay giống như việc tổ chức giao thông khi sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh (trong khoảng thời gian 5 tháng).

Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM

Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM

PV: Qua thực tế ghi nhận, có một đoạn đường ven sông nối từ cầu Sài Gòn đến cầu Thủ Thiêm 1 đi qua hai khu dân cư Vinhomes và Saigon Pearl, có thể thay thế nhánh đi từ cầu Sài Gòn về trung tâm TP, song bị ngăn cách bởi một bức tường khiến cho người dân chỉ có một con đường “độc đạo” theo hướng đường Điện Biên Phủ đổ dồn về trung tâm. Vậy hướng xử lý như thế nào, thưa ông?

Ông Võ Khánh Hưng: Không phải đến khi có sự việc này mới đặt ra, mà trước đây khi tổ chức phân luồng giao thông để sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh đã tính toán phương án này. Nhưng tôi cũng phải công khai thật với báo chí rằng, giữa các ban quản lý khu dân cư chưa có sự đồng thuận để người dân đi vào con đường ven sông mà cụ thể là đập bức tường ngăn cách đó.

Ngày hôm qua, tôi có đặt vấn đề này với đại diện UBND quận Bình Thạnh để có sự chia sẻ và phối hợp, xem xét tuyến đường này, vào giờ cao điểm, nhờ bảo vệ của các Ban quản trị ra hỗ trợ điều tiết giao thông.

PV: Xin cảm ơn ông!

Công trình cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (thuộc dự án đường Lê Thánh Tôn nối dài trước đây) đã được Chủ đầu tư tổ chức thi công hoàn thành, đưa vào khai thác từ năm 2002.

Cây cầu được sửa chữa và kiểm định vào năm 2017, đang chuẩn bị kiểm tra, duy tu, sửa chữa theo kế hoạch.

Mới đây, trong quá trình kiểm tra, khảo sát chuẩn bị duy tu, sửa chữa định kỳ, các đơn vị liên quan phát hiện 4 bó cáp dự ứng lực được chôn sâu 1,8m - 2m thuộc công trình cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh trước đây đã bị đứt. Điều này ảnh hưởng đến kết cấu, khả năng chịu lực của cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh và phải khẩn trương khắc phục.

Hồng Lĩnh - Phan Nhơn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn