Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đối thoại

Cát biển sẽ được sử dụng cho các dự án giao thông trọng điểm từ tháng 4

Hoàng Hà: Thứ tư 17/01/2024, 06:13 (GMT+7)

Theo Bộ GTVT đến nay trong 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 thì có tới 7 dự án đang chậm tiến độ, đặc biệt 2 dự án Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau chậm từ 13-20%, trong khi một số dự án khu vực miền trung chậm từ 1-2%.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến một số dự án chậm tiến độ? Giải pháp sử dụng cát biển có gỡ được nút thắt này cho các dự án khu vực đồng bằng sông Cửu Long? PV VOVGT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Minh, Phó Cục trưởng Cục quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) xung quanh nội dung này.

PV: Xin ông cho biết đâu là nguyên nhân khiến một số dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 chậm tiến độ?

Ông Nguyễn Thế Minh: Về cơ bản các dự án triển khai đang bám đều đang bám vào kế hoạch, tuy nhiên một số dự án vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Nguyên nhân chính ảnh hưởng tới tiến độ triển khai đó là thiếu hụt nguồn vật liệu đắp, đặc biệt là các dự án khu vực ĐBSCL.

Mặc dù Thủ tướng, các phó Thủ tướng, Bộ TNMT, Bộ GTVT rất quyết liệt thường xuyên có văn bản, công điện chỉ đạo, cũng như xuống trực tiếp làm việc với các địa phương để khơi thông nguồn vật liệu cát đắp, tuy nhiên việc triển khai các thủ tục giao mỏ cho nhà thầu chưa đáp ứng được tiến độ theo yêu cầu.

Từ việc thiếu nguồn vật liệu đắp dẫn đến nhà thầu, chủ đầu tư chưa tổ chức triển khai thi công như kỳ vọng, dẫn đến tiến độ một số dự án còn đang chậm so với yêu cầu.

d9eaa59eee0b45551c1a

PV: Mới đây Bộ GTVT đã công bố kết quả thí nghiệm cát biển đáp ứng các yêu cầu đối với vật liệu đắp nền theo quy định; đặc biệt Thủ tướng cũng đã ban hành Công điện yêu cầu sớm dùng cát biển làm vật liệu san lấp ở ĐBSCL. Vậy kế hoạch của Bộ GTVT trong việc sử dụng cát biển cho các dự án cao tốc thế nào?

Ông Nguyễn Thế Minh: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ ngành triển khai thi công thí điểm sử dụng vật liệu cát biển đắp nền đường tại dự án Hậu Giang – Cà Mau.

Kết quả được đánh giá khả quan, các chỉ tiêu của vật liệu cát biển đắp nền đường cơ bản thỏa mãn tiêu chuẩn hiện nay và độ nhiễm mặn cơ bản không ảnh hưởng tới điều kiện môi trường, đặc biệt là các khu vực nhiễm mặn.

Ngoài các nghiên cứu của Bộ GTVT thì Bộ TNMT cũng đã hoàn thành Đề án đánh giá, khoanh vùng các khu vực có thể khai thác cát biển. Bộ TNMT cũng đã bàn giao đề án đó cho tỉnh Sóc Trăng, nơi mà có trữ lượng cát biển rất lớn.

Đề án nghiên cứu của Bộ TNMT hoàn toàn có thể triển khai được các thủ tục khỏa sát mỏ để đưa vào hồ sơ của dự án và triển khai các thủ tục cấp cho nhà thầu, sớm đưa cát biển vào khai thác cho các dự án trong khu vực.

Hiện Bộ GTVT đang chỉ đạo các chủ đầu tư và các nhà thầu sớm bổ sung công tác khảo sát mỏ vật liệu cát biển để đưa vào hồ sơ dự án. Đồng thời phối hợp với địa phương, Bộ TNMT để có hướng dẫn về trình tự, thủ tục giao mỏ cho nhà thầu.

Dự kiến sau mùa gió chướng có thể khai thác được cát biển sử dụng cho công trình, nhanh thì đầu tháng 4 có thể khai thác sẽ đáp ứng được yêu cầu.

7cd146ba0d2fa671ff3e

PV: Theo khảo sát của phóng viên, tại khu vực từ miền Trung nhiều mỏ đã hoàn thành các thủ tục về cấp quyền khai thác nhưng vẫn chưa thể khai thác do còn vướng các thủ tục chuyển nhượng, thỏa thuận đền bù với người dân. Vậy Bộ GTVT sẽ phối hợp với các địa phương để gỡ nút thắt này thế nào?

Ông Nguyễn Thế Minh: Mỏ vật liệu tại khu vực từ Hà Tĩnh vào đến Khánh Hòa, đến nay các địa phương đã vào cuộc rất tích cực, hiện nay đã đưa vào khai thác khoảng 60%, còn lại 40% cũng đã xác định được các mỏ nhưng chưa khai thác được, chủ yếu liên quan đến giá chuyển nhượng người mong muốn cao hơn, dẫn đến việc một số mỏ chưa được bàn giao cho nhà thầu khai thác.

Để xử lý vấn đề này Bộ GTVT đã tham mưu cho Chính phủ có nhiều văn bản, công điện chỉ đạo các địa phương phải đồng hành cùng chủ đầu tư, nhà thầu thỏa thuận với các hộ dân về mức giá chuyển nhượng, sớm đưa các mỏ vào khai thác.

Bộ GTVT đã có nhiều buổi làm việc trực tiếp với các địa phương, tuyên tuyền, vận động người dân để người dân thấy được lợi ích quốc gia, từ đó sớm bàn giao mỏ cho nhà thầu.

Ngoài ra, Thủ tướng chỉ đạo Bộ TNMT tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, rút ngắn trình tự thủ tục cấp mỏ, đặc biệt là mỏ vật liệu xây dựng thông thường và sửa đổi các chính sách liên quan đến đất đai, làm sao thuận lợi nhất trong việc cấp phép, giao mỏ cho nhà thầu thực hiện các dự án quan trọng quốc gia.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hoàng Hà/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn