Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dân sinh

Cao điểm hạn mặn, người dân “đong nước” với giá cao

Kim Loan: Thứ năm 11/04/2024, 14:10 (GMT+7)

Do hạn mặn kéo dài làm mạch nước ngầm và nguồn nước mặt bị nhiễm mặn, một số địa phương ở ĐBSCL đã không còn nước ngọt để sinh hoạt. Những khu vực dân cư ở xa trung tâm xã hoặc ven biển thì buộc lòng phải mua nước ngọt với giá cao gấp 5 lần giá bình quân chung

Dao động từ 30.000 đến 50.000 đồng/m3 là giá bán nước ngọt tại các vùng “tâm điểm” hạn mặn ở ĐBSCL. Nhà máy lọc nước hoạt động kém vì nước mặn xâm lấn, chật vật tìm nước ngọt tại vùng trù phú sông nước bao quanh là tình trạng hiện nay của nhiều hộ dân vùng hạn mặn, thậm chí phải buộc lòng “đong nước” giá cao...

Con rạch cạn nước trên địa bàn huyện Trần Văn Thời ( Cà Mau). Đây là vùng ngọt hóa nhưng hạn đến cũng phải chịu cảnh thiếu nước ngọt. (Ảnh: VOV)

Con rạch cạn nước trên địa bàn huyện Trần Văn Thời ( Cà Mau). Đây là vùng ngọt hóa nhưng hạn đến cũng phải chịu cảnh thiếu nước ngọt. (Ảnh: VOV)

Dưới cái nắng thiêu đốt, hàng loạt con rạch chảy qua địa bàn huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đã trơ đáy. Cà Mau là tỉnh có 3 bên giáp biển và là địa phương duy nhất ở ĐBSCL không có nguồn nước ngọt bổ sung, ngoài “rốn ngọt” Trần Văn Thời cạn nước thì hạn hán khốc liệt cũng khiến nhiều nơi ở U Minh và Thới Bình bị thiếu nước sinh hoạt.

Xã Biển Bạch, huyện Thới Bình có trên 1.800 hộ dân, trong đó gần 1/3 số hộ bị thiếu nước để sử dụng hàng ngày. Vùng này không thể khoan giếng nước ngầm do nước bị phèn và mặn, đa số phải dựa vào nguồn nước mưa trữ lại để xài dần. Nhưng hạn tới, mưa đầu mùa chưa trút xuống, để có nước ngọt, người dân ở đây phải mua từ các ghe chở nước ở vùng trên mang về với giá 40.000 đồng/m3.

Bà Trương Thị Giàu – ngụ ấp Thanh Tùng, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau than thở: Một lu là 40.000 đồng vì chạy vào đây là qua cầu, kênh cạn quá, ghe lại to. Tôi đổi hôm trước 2 phi nước và 2 cái lu là 180.000 đồng. Mỗi lần là 180.000 đồng vậy đó.

Còn tại Bến Tre thì hầu hết các con sông và rạch trên địa bàn đều bị nhiễm mặn với mức độ khác nhau. Nhiều máy lọc RO xử lý nước ở Bến Tre cung cấp cho người dân lượng nước hạn chế nhưng chưa đảm bảo ngọt. Các huyện: Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách… đã dần cạn kiệt nguồn nước trữ trong ao, hồ nên phải mua nước từ các dịch vụ chuyển nước ngọt với giá 30.000-50.000 nghìn đồng/m3.

Ông Nguyễn Phước Hùng – ngụ xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam cho hay: Mỗi ngày tôi chở một chuyến xe nước về tưới kiểng, sinh hoạt. Mỗi chuyến sử dụng được khoảng 3 ngày, một xe nước giá 70.000 đồng, nếu thuê trả thêm khoảng 100.000/xe. Năm nào cũng bị thiếu nước, năm ít, năm nhiều.

Các xe nước miễn phí của các tổ chức từ thiện đến thị xã Gò Công ( Tiền Giang) để cấp nước miễn phí cho các hộ dân tại đây.

Các xe nước miễn phí của các tổ chức từ thiện đến thị xã Gò Công ( Tiền Giang) để cấp nước miễn phí cho các hộ dân tại đây.

Không chỉ có Cà Mau và Bến Tre mà hiện nay, nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL, nhất là khu vực ven biển như Tiền Giang, Sóc Trăng... cũng đang bị hạn, mặn bủa vây, người dân phải chắt chiu từng can nước ngọt để phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Riêng Cà Mau đã có 2.620 hộ gia đình bị thiếu và không chủ động được nguồn nước. Trước mắt, UBND tỉnh Cà Mau đã thống nhất phương án chi 10 tỷ đồng ngân sách tỉnh để đảm bảo nước cho người dân tại 3 huyện Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình. Trong đó, gồm hỗ trợ dân tiền mua bình trữ nước, đầu tư nối dài đường ống cấp nước.

Ông Đỗ Minh Điền - Chi cục phó Chi cục Thuỷ Lợi, Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết: Cà Mau có đưa ra giải pháp trước mắt là tăng cường, khuyến cáo người dân sử dụng tiết kiệm nước, thường xuyên theo dõi mực nước trong kênh, khi thấp đến mức báo động thì báo với chính quyền địa phương để có giải pháp xử lý.

Tại Bến Tre thì địa phương đang huy động máy bơm dã chiến công suất 300.000 m3/ngày tại đập tạm Thành Triệu (Châu Thành), để bơm nước ngọt vào khu vực kênh rạch phục vụ sản xuất và nguồn nước cho nhà máy xử lý phục vụ sinh hoạt. Ngoài ra, địa phương cũng lập các điểm cấp nước ngọt miễn phí cho người dân tại những vùng nhiễm mặn bằng xe bồn.

Ông Trần Hùng, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Cấp nước Bến Tre cho biết: Ngoài tổ bơm của công ty, tổ bơm thủy nông, đơn vị thuê thêm 2 sà lan đặt máy bơm hút nước bơm từ bên này qua bên kia đập thép Thành Triệu. Nói chung nhà máy làm việc hết tốc độ, hết công suất chỉ sợ thiếu nước ngọt.

Quân Khu 9 chở nước từ Cần Thơ về cung ứng cho các hộ dân ở xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

Quân Khu 9 chở nước từ Cần Thơ về cung ứng cho các hộ dân ở xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

Trong bối cảnh hạn hán và xâm nhập mặn gay gắt, ảnh hưởng đến sinh kế và kinh tế của hàng nghìn hộ dân, tại ĐBSCL đã xuất các tổ từ thiện vận chuyển cung cấp nước miễn phí cho các địa phương. Đầu tiên là lực lượng Lữ đoàn Vận tải 659 (Cục Hậu cần Quân khu 9) đã vận chuyển 320 khối nước sạch từ TP Cần Thơ về đến Cà Mau để cấp nước cho người dân xã Biển Bạch, huyện Thới Bình (Cà Mau). Kế đến là Hội Chữ Thập Đỏ tỉnh Vĩnh Long cũng vừa mới hoàn tất chở 70m3 nước ngọt để cung ứng cho huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông (Tiền Giang).

Nổi bật nhất là nhóm “Bếp cơm nghĩa tình Thị xã Gò Công” đã tổ chức nhiều chuyến xe chở nước ngọt đến san sẻ cùng người dân ở địa bàn này.

Anh Võ Hồng Hải – trưởng nhóm từ thiện “Bếp cơm nghĩa tình Thị xã Gò Công” cho biết: Bây giờ bà con còn khó khăn thì mình ráng giúp thôi. Mình thuê xe bồn chở nước từ nhà máy lọc nước đóng chai ở thành phố Tân An về huyện Gò Công Đông. Trung bình một xe 40 khối nước sẽ hỗ trợ cho một xã, một ngày hỗ trợ 80 khối.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam phân tích, ĐBSCL có hệ thống sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt nhưng lại đang thiếu nước ngọt nghiêm trọng. Nguyên nhân là do hạn hán, mặn xâm nhập và phèn. Mặn xâm nhập ngày càng diễn ra gay gắt, lan rộng và kéo dài nên việc xác định độ mặn và thời gian mặn xâm nhập là một vấn đề nan giải để đảm bảo nước cung cấp về cho các nhà máy không bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, cũng xác định cung cấp nước sinh hoạt phải kết hợp với sản xuất: Bây giờ El Nino và biến đổi khí hậu ngày càng lớn. Thời gian mặn không còn là một hai tuần nữa mà năm nay cao điểm là tháng 3, tháng 4 bị mặn. Vì thế nên chăng chúng ta có những giải pháp kết hợp giữa các khu vực. Kết hợp như đào hồ cũng là một vấn đề, nhưng ở đây cũng có vấn đề là đất ĐBSCL có nơi bị nhiễm mặn, phèn.

Vì thế phải tính toán để chất lượng nguồn nước vừa đảm bảo cho nông nghiệp và nước cho sinh hoạt. Tuy nhiên, dùng cho nông nghiệp có thể được, nhưng dùng cho sinh hoạt cũng là vấn đề vì chỉ khoảng 250 mg/l vượt qua là nấu canh khỏi bỏ muối.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 34/CĐ-TTg ngày 8/4/2024 về việc tập trung bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân trong các đợt xâm nhập mặn cao điểm tại ĐBSCL. Thủ tướng yêu cầu tổ chức rà soát các nguồn nước ngọt dự trữ trên địa bàn để có phương án cân đối, điều hòa nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước thực tế tại từng địa bàn.

Hy vọng, trước khi mùa mưa tới, các hộ dân tại “tâm điểm” hạn mặn ở ĐBSCL sẽ sớm được cung ứng nước ngọt miễn phí, bao quát, diện rộng. Hoặc nếu mua thì phải được bán đúng giá thị trường, nhằm giúp người dân thuận bề sinh hoạt, dùng cho sản xuất và kiên nhẫn vượt qua hạn mặn!

 

Kim Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
'Khóa” điểm kẹt xe triền miên ở TP. Thủ Đức

"Khóa” điểm kẹt xe triền miên ở TP. Thủ Đức

Kể từ khi đưa vào sử dụng, tuyến đường Tố Hữu kết nối cầu Ba Son và đại lộ Mai Chí Thọ, thuộc TP. Thủ Đức, TP.HCM thường xuyên rơi vào cảnh ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm khiến người dân vô cùng ngao ngán.

Tháo gỡ vướng mắc trong GPMB, chìa khoá khởi động lại Vành đai 2 TP.HCM

Tháo gỡ vướng mắc trong GPMB, chìa khoá khởi động lại Vành đai 2 TP.HCM

Sau gần 20 năm khởi công nhưng đến nay dự án Đường Vành đai 2 vẫn chưa thể hoàn thành đưa vào sử dụng như kỳ vọng của chính quyền và nhân dân TP.HCM.

Xây nhà ở nông thôn

Xây nhà ở nông thôn

Trong vài chục năm gần đây, bộ mặt của nông thôn, thành thị với những ngôi nhà hao hao giống nhau và lộn xộn như nhau. Các thửa đất mới được chia thành những thửa nhỏ 50 - 70 - 100m2 rồi xây nhà ống.

Tăng cường phòng cháy và chữa cháy trong nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh

Tăng cường phòng cháy và chữa cháy trong nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh

Trên địa bàn Hà Nội, có không ít cơ sở sản xuất kinh doanh kết hợp với nhà ở. Thời điểm cuối năm, nguy cơ cháy nổ tăng cao, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH nhiều địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng chống cháy nổ.

Quyền sở hữu gắn với trách nhiệm quản lý tài sản

Quyền sở hữu gắn với trách nhiệm quản lý tài sản

Tình trạng thanh thiếu niên mượn phương tiện để đua xe, gây nguy hiểm cho xã hội, nhưng những người cho mượn phương tiện lại hoàn toàn “vô can” khiến nhiều đối tượng lợi dụng thời gian qua.

Thị trường hàng hóa nguyên liệu trầm lắng trong ngày nghỉ Lễ Tạ ơn

Thị trường hàng hóa nguyên liệu trầm lắng trong ngày nghỉ Lễ Tạ ơn

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới khá trầm lắng do phần lớn các mặt hàng tạm ngừng giao dịch trong ngày Mỹ nghỉ Lễ Tạ ơn.

Kỷ vật khổng lồ

Kỷ vật khổng lồ

Ở Hà Nội, nhắc đến chiếc đồng hồ công cộng là một trong những biểu tượng của Thủ đô, người ta thường nghĩ ngay đến hình ảnh chiếc đồng hồ trên nóc tòa Bưu điện trung tâm.