Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Căng thẳng gia tăng tại Biển Đỏ, hàng không hưởng lợi

Huy Văn: Thứ bảy 03/02/2024, 09:42 (GMT+7)

Sau đại dịch Covid-19, giá cước vận chuyển container toàn cầu đã có một thời gian dài sụt giảm, nhưng nay lại tăng phi mã trở lại trước diễn biến mới. Theo đó, hàng loạt các vụ tập kích nhắm vào tàu hàng đi qua Biển Đỏ, tuyến vận chuyển quan trọng của ngành vận chuyển toàn cầu, chính là nguyên nhân.

Theo thời báo New York, trong khoảng 2 tháng trở lại đây, hàng loạt các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái từ lực lượng phiến quân Houthi nhắm vào các tàu hàng đi qua Biển Đỏ đã khiến cho các chủ tàu sử dụng kênh đào Suez phải chọn 1 trong 2 lựa chọn vô cùng khó khăn: Mạo hiểm đi qua Biển Đỏ, nếu bị tấn công thì sẽ chịu thiệt hại lớn, phải chi trả phí bảo hiểm cao; hoặc chọn tuyến đường vòng khác quanh Châu Phi, tốn kém nhiều tiền bạc và thời gian hơn.

Ông Jan Hoffman, Quan chức của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết: “Hơn 80% khối lượng hàng hoá quốc tế được vận chuyển bằng đường biển. Tỉ lệ này thậm chí còn cao hơn tại các quốc gia đang phát triển.

Vận tải biển có thể nói là huyết mạch của thương mại toàn cầu. Do đó chúng tôi lo ngại rằng các cuộc tấn công vào Biển Đỏ sẽ làm gia tăng căng thẳng, tăng chi phí thương mại toàn cầu, trầm trọng thêm sự gián đoạn thương mại”.

Ảnh minh hoạ: Reuters

Ảnh minh hoạ: Reuters

Những cuộc tấn công nhằm vào con đường hàng hải vốn vận chuyển 12% lượng hàng hoá thương mại, tiếp nhận 1/3 lượng container toàn cầu mỗi năm hiện đã khiến một số nhà máy ô tô tại Châu Âu tạm đóng cửa, đồng thời làm dấy lên lo ngại về giá tiêu dùng tăng vọt.

Còn với các doanh nghiệp vận tải, căng thẳng Biển Đỏ đã khiến chi phí vận chuyển tăng phi mã. Chỉ số Drewry Wolrd Container, một trong những thước đo tổng hợp về chi phí vận chuyển toàn cầu, hiện đã tăng gấp đôi kể từ cuối năm 2023. Nguyên nhân tới từ việc thiếu container vận chuyển, thời gian vận chuyển tăng thêm 2 tuần do các tàu phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng của Châu Phi thay vì Biển Đỏ.

Ông Jan Hoffman cho biết thêm: “Hiện tác động của những căng thẳng tại Biển Đỏ lên chi phí, giá cước vận chuyển là rất lớn. Giá cước container trung bình từ Thượng Hải đã tăng thêm 500 USD, và đó là mức tăng hàng tuần cao nhất từ trước đến nay. Tính từ tháng 12, giá cước đã tăng thêm 122%. Còn giá cước vận chuyển đi từ Thượng Hải tới Châu Âu hiện đã tăng 256%, tức là tăng gấp 3 lần. Thậm chí giá cước đi đến bờ tây Hoa Kì, vốn không đi qua kênh đào, cũng tăng tới 162%. Chúng ta có thể thấy những căng thẳng tại Biển Đỏ đang có tác động toàn cầu do các tàu hàng buộc phải tìm tuyến đường khác thay thế”.

Việt Nam cũng không nằm ngoài ảnh hưởng từ căng thẳng Biển Đỏ. Nếu như trước đây, giá cước vận chuyển 1 container hàng từ Việt Nam sang Châu Âu khoảng 2.000 USD, thì hiện tại đã tăng lên gần 4.000 USD, khiến nhiều doanh nghiệp chồng chất khó khăn.

Cũng theo phản ánh của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), những ngày đầu tháng 1, giá cước đi Mỹ, EU tăng vọt, gần 3.000 USD một chuyến đến bờ Tây (Mỹ), tức cao hơn 55-60% so với cuối 2023. Tương tự, cước đi bờ Đông (Mỹ) tăng 50-70%, lên 4.100 - 4.500 USD.

Bà Lê Hằng, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) chia sẻ: "Chúng tôi nhận được thông tin từ doanh nghiệp thủy sản cho thấy là trong vòng chưa tới 1 tháng cước vận tải biển đi các tuyến như Canada, Mỹ, EU là đều tăng từ 80%, thậm chí lên tới 300% so với tháng 12 do câu chuyện tại vùng Biển Đỏ. Và các line vận tải họ phải chuyển hướng khiến cho lộ trình dài hơn và thời gian lâu hơn, chi phí tăng lên".

Lo ngại trước cước vận tải biển tăng vọt, mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Cục Hàng hải khẩn trương làm việc với hãng tàu có tuyến vận tải đi Châu Mỹ, Châu Âu để kêu gọi các hãng tàu duy trì tuyến, bổ sung chỗ, vỏ container về Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu...

Tuy nhiên, việc vận tải đường biển bị chậm trễ lại đang thúc đẩy chi phí vận tải hàng không tăng cao khi các chủ hàng cố gắng duy trì dòng chảy hàng hóa sang châu Âu. Nhiều chủ hàng buộc phải sử dụng đường hàng không để tránh chậm trễ do các hãng tàu biển thay đổi hải trình.

Vận tải hàng không đang hưởng lợi từ những căng thẳng tại Biển Đỏ. Ảnh minh hoạ: Getty Images

Vận tải hàng không đang hưởng lợi từ những căng thẳng tại Biển Đỏ. Ảnh minh hoạ: Getty Images

Các công ty cung cấp dịch vụ hậu cần hàng không cho biết, trong tháng 1, nhu cầu về phương thức vận chuyển này tăng cao hơn bình thường 25-30%. Theo Freightos, một công ty dịch vụ thông tin hậu cần, chi phí trung bình để vận chuyển 1 kg hàng hóa bằng hàng không từ Trung Đông đến châu Âu tăng 35% trong tháng trước, lên 2,03 đô la Mỹ.

Theo một số nhà cung cấp dịch vụ hậu cần, khách hàng đang thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến các lựa chọn kết hợp đường biển và hàng không. Theo đó, hàng hóa được vận bằng đường biển đến một trung tâm vận chuyển hàng không lớn, sau đó đưa lên máy bay để đi tiếp.

Kuehne & Nagel, công ty hậu cần có trụ sở tại Thụy Sĩ, cho biết công ty đưa ra phương án đưa hàng hóa đến Dubai bằng đường biển và sau đó sẽ tiếp tục vận chuyển bằng đường hàng không tới châu Âu. Gần đây, một khách hàng của công ty đã vận chuyển lô nông sản thu hoạch ở Kenya đến Dubai bằng đường biển và tiếp tục đưa lên máy bay đến Rotterdam (Rốt tơ đam) (Hà Lan).

Sau khi triển khai, công ty nhận thấy sự quan tâm cao hơn từ nhiều khách hàng đối với phương án vận chuyển này. Đại diện của Kuehne & Nagel cho biết, với hành trình từ các cảng của Trung Quốc đến Bắc Âu hiện mất từ 40-50 ngày, một số khách hàng đang thực sự xem xét các lựa chọn thay thế, bao gồm cả việc vận chuyển bằng máy bay.

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn