Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Cần Thơ: Nhiều bãi tập kết rác bốc mùi, gây mất mỹ quan đô thị

Kim Loan: Thứ bảy 09/03/2024, 17:19 (GMT+7)

Khi di chuyển trong nội ô TP Cần Thơ, người đi đường không khỏi ngao ngán khi nhìn thấy những bãi tập kết rác ngay trên cầu và dưới gầm cầu, nước rác chảy lênh láng, bốc mùi hôi thối, gây mất vẻ mỹ quan đô thị.

Câu chuyện những cây cầu ngập rác ở đô thị không phải là mới, nhưng đã đến lúc Chính quyền thành phố phải có giải pháp xử lý rác thải hợp lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải tạo bộ mặt đô thị. 

Song song với Quốc lộ 1A đoạn qua phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ có một con đường song hành để dành cho xe máy lưu thông. Từ trước Tết nguyên đán đến nay, tại cầu Cái Da trên con đường này được người dân “trưng dụng” làm bãi phơi vỏ dừa. Tuy không ô nhiễm môi trường nhưng bãi phơi đang làm mất vẻ mỹ quan đô thị, trong khi hành lang cầu là nơi đi bộ, vỏ dừa đã chiếm toàn bộ lối đi. Một hộ dân phơi vỏ dừa tại đây cho biết:

"Mình phơi để làm phân tưới cho cây, mẫy chỗ người ta bán nước dừa bỏ vỏ mình tới chở đem về phơi rồi xay ra, do nhà tôi không có sân phơi nên đem lên đây. Bây giờ phơi đó mà người ta đến nhắc nhở thì dọn ngay."

Bãi tập kết rác tại khu vực chân cầu Đầu Sấu (P. Hưng Lợi, Q. Ninh Kiều). Ảnh: Báo Lao động

Bãi tập kết rác tại khu vực chân cầu Đầu Sấu (P. Hưng Lợi, Q. Ninh Kiều). Ảnh: Báo Lao động

Ngoài việc phơi củi, phơi vỏ dừa trên cầu thì giữa trung tâm thành phố cũng còn rất nhiều cây cầu gánh “nỗi gian truân” khi bị sử dụng làm nơi tập kết rác. Gầm cầu Bình Thủy 2 (quận Bình Thủy) là nơi trung chuyển và ép rác trong khoảng 2 năm nay. Người dân gần đó phải sống chung với âm thanh ồn ào và ô nhiễm nghiêm trọng. Mặc dù địa phương khẳng định đây là điểm quy hoạch tạm thời làm nơi tập kết rác và cam kết chỉ đạo đơn vị thu gom xử lý sạch sẽ, không để xảy ra ô nhiễm môi trường nhưng bản chất của rác rất khó để kiểm soát mùi hôi. Anh Cao Minh Trí, sống tại KV7, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy cho biết:

"Giờ chỉ có nước dời đi thôi, cho dù làm cách nào thì bản chất của rác vẫn là hôi thối. Bay qua không khí là mình ngưởi hết. Trước đây đâu có ruồi, bây giờ dọn bữa cơm ra chưa kịp ăn là ruồi xanh bay tứ tung."

Tại trung tâm TP Cần Thơ, những cây cầu “nổi tiếng” tập kết rác phải kể đến là: cầu Quang Trung, cầu Rạch Ngỗng 1, cầu Ninh Kiều, cầu Cái Răng. Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết, rác thải đang là vấn đề nhức nhối tại Cần Thơ hiện nay. Dẫu biết rác là tiêu chí đánh giá sự văn minh, nhưng thời gian qua, thành phố vẫn chưa làm tốt công tác này.

Trước mắt, đối với công tác thu gom, địa phương phải quy định giờ và địa điểm bỏ rác để tránh trường hợp sáng sớm người dân bỏ rác đến chiều mới có xe thu gom, để rác thải tràn lan lề đường cả ngày. Sau công tác nhắn nhở sẽ là xử phạt công dân bỏ rác sai nơi quy định. Về việc vận chuyển, phải có trạm trung chuyển dù tạm thời nhưng cũng phải hợp lý. Không được đậu xe thu gom nhiều cùng lúc, phải xử lí mùi hôi và có tấm lót để không để nước rác chảy làm ô nhiễm mặt đường. Về lâu dài, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết:

"Rác tập kết gần nhà dân đương nhiên người ta không đồng ý. Ở nước ngoài người ta xử lý trạm trung chuyển rác bằng cách đào tầng hầm. Phương án này hao tốn chi phí nhưng tôi nghĩ với thành phố văn minh, hiện đại thì quận Ninh Kiều nên lập đề án này. Các trạm trung chuyển rác nên cho âm ngầm dưới lòng đất, cho xe vào hầm xử lý và đây là cách hợp lý nhất mà trong tương lai Ninh Kiều phải thí điểm."

Theo Sở TN&MT TP Cần Thơ, hiện tổng lượng rác thải hàng ngày của địa phương khoảng 700 tấn. Trong số này, hơn 650 tấn được thu gom, vận chuyển, xử lý tại lò đốt rác. Đa phần những điểm tập kết rác dưới chân cầu tồn tại là do địa phương không có quỹ đất phù hợp để bố trí. Người dân đặt ra ra câu hỏi: vậy, thành phố đến bao giờ mới có quỹ đất phù hợp để bố trí?

Bao giờ thành phố mới sạch đẹp và người dân không còn phải sống chung với ô nhiễm, người tham gia giao thông không còn cảnh châu mày, nhăn mặt mỗi lần đi qua những câu cầu ngập chìm trong rác?  

Kim Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn