Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Chuyện hôm nay

Cái tình của người chấp pháp

Kiều Tuyết: Thứ bảy 07/06/2025, 16:44 (GMT+7)

Một trong những câu chuyện còn để lại dư âm đến cuối tuần, là chuyện người đàn ông bật khóc khi được CSGT hỗ trợ tiền nộp phạt.

Hình ảnh người đàn ông bật khóc khi được CSGT hỗ trợ tiền vi phạm chạy quá tốc độ (Ảnh: Báo Thanh Niên)

Hình ảnh người đàn ông bật khóc khi được CSGT hỗ trợ tiền vi phạm chạy quá tốc độ (Ảnh: Báo Thanh Niên)

Chuyện xảy ra ở TP.HCM.

Theo tin trên báo Thanh niên, người đàn ông quê Long An, vừa xuất viện, không có người nhà đón nên phải tự chạy xe máy về quê, vi phạm tốc độ do nhiểu nhầm biển báo. CSGT sau khi cung cấp đầy đủ bằng chứng khiến người này tâm phục khẩu phục, biết gia cảnh của ông, đã hỗ trợ ông 500 nghìn đồng – vừa bằng số tiền nộp phạt, kèm theo dặn dò kỹ lưỡng để ông đi lại đúng quy định và an toàn.

Chuyện không có gì lớn. Thậm chí, ai đó có thể hồ nghi, cho rằng, chỉ là một cách… “làm màu”. Song, ở góc độ thực thi pháp luật về giao thông, đó là một câu chuyện đáng suy ngẫm.

Trước hết, CSGT đã làm rất đúng quy trình một cách đầy trách nhiệm, cung cấp bằng chứng đầy đủ, thuyết phục, kiên trì giải thích để người vi phạm hiểu rõ và thừa nhận hành vi của mình. Tranh cãi trong quá trình xử lý vi phạm giao thông do bằng chứng không rõ ràng là một trong những khó khăn, bất cập lâu nay của công tác đảm bảo TTATGT, gây khó cho cả lực lượng thực thi công vụ lẫn người dân.

Chỉ một trải nghiệm xử phạt không thỏa đáng, có thể ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào lực lượng chấp pháp, và quyết định thái độ mà họ chấp hành pháp luật sau này.

Với việc đầu tư trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ngày càng hiện đại, CSGT có điều kiện giải quyết dễ dàng hơn những tình huống này. Song khi mà người dân cũng có camera hành trình, khi bằng chứng hai bên có sự vênh nhau, thì người tham gia giao thông vẫn cần được giải thích về trình tự chấp hành quyết định xử phạt, cần được cung cấp thông tin về quyền khởi kiện hành chính nếu không đồng tình với quyết định xử lý đó.

Trên thực tế, điều này không phải lúc nào cũng được thực hiện đầy đủ, với những giao tiếp đủ bình tĩnh, lịch sự của đôi bên, dẫn đến người bị phạt có cảm giác mình đang bị xử ép bởi “vị cảnh sát trước mặt”, chứ không phải đang chấp hành pháp luật của một đất nước, mà vị cảnh sát kia chỉ là đại diện.

Thứ hai, CSGT đã đúng khi không “tha bổng” cho người vi phạm mà chọn cách hỗ trợ ông đóng phạt. Mọi công dân bình đẳng với nhau trước pháp luật, không phân biệt giàu nghèo, địa vị. Vi phạm dù vô tình hay cố ý, người tham gia giao thông đều phải “trả giá” để hiểu được mức độ nguy hiểm của hành vi mà mình gây ra, cũng là một cách rút kinh nghiệm sâu sắc về sau.

Dù rất cảm thông với hoàn cảnh éo le của người đàn ông nọ, nhưng CSGT đã không xóa lỗi, mà hỗ trợ ông tiền phạt. Đó là một xử lý rất hợp lý, hợp tình. Pháp luật vẫn được giữ nghiêm minh, còn người vi phạm tránh được một hoàn cảnh – mà có thể với họ là bi đát.

Biết hoàn cảnh của ông Hà, tổ công tác đã hỗ trợ ông tiền đóng phạt, đồng thời nhắc nhở ông rút kinh nghiệm, di chuyển đúng luật, an toàn (Ảnh: Báo Thanh Niên)

Biết hoàn cảnh của ông Hà, tổ công tác đã hỗ trợ ông tiền đóng phạt, đồng thời nhắc nhở ông rút kinh nghiệm, di chuyển đúng luật, an toàn (Ảnh: Báo Thanh Niên)

Tôi tin, trong giọt nước mắt của người đàn ông khi nhận được 500 nghìn đồng hỗ trợ từ CSGT, không chỉ có sự cảm động, bất ngờ vì cách xử sự của các chiến sỹ, mà còn có sự ân hận, hối lỗi vì đã đẩy mình và cả lực lượng chức năng vào tình huống này.

Ông mệt mỏi do bệnh tật, còn các chiến sỹ CSGT cũng phải làm nhiệm vụ dưới trời nắng nóng, mất nhiều công sức vì trường hợp của ông, lại còn phải bỏ tiền túi để hỗ trợ ông – những đồng tiền mà ông biết rằng, với người chấp pháp thanh liêm, đó là mồ hôi công sức.

Trải nghiệm đó sẽ còn theo ông trong suốt những năm tháng tiếp theo, mỗi khi ông dắt xe ra đường. Trải nghiệm đó sẽ được lan tỏa tới nhiều người quanh ông, qua những câu chuyện đời thường nơi thôn xóm. Và nhiều người sẽ nghĩ khác về lực lượng thực thi công vụ.

Câu chuyện giọt nước mắt của người đàn ông nọ mở ra nhiều gợi ý về nâng cao hiệu quả thực sự của việc xử phạt vi phạm TTATGT, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Trong rất nhiều diễn đàn, hội thảo, đại diện lực lượng CSGT - Bộ Công an luôn khẳng định: xử phạt cũng là một hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT. Nhưng giữa chủ trương và thực tiễn triển khai, điều này không phải khi nào cũng được thực hiện nhất quán, trọn vẹn.

Những trao đổi rất vắn tắt, đôi khi chỉ quy kết lỗi và lập biên bản mà không có giải thích tường tận khiến cho người bị xử phạt có thể không hiểu rõ, không tâm phục, phải ấm ức nộp phạt và lần sau vẫn tái phạm như thường.

Những kết luận và xử phạt lạnh lùng không kèm theo sự lắng nghe, thấu hiểu khiến cho người vi phạm đôi khi cảm thấy pháp luật “tàn nhẫn”, lực lượng thực thi “vô cảm”, dẫn đến những cảm xúc tiêu cực trong họ. Và cảm xúc này, tất nhiên chỉ đưa đến sự chấp hành đối phó ở các lần sau, thậm chí tranh thủ vi phạm bất cứ khi nào có thể. Điều đó phần nào lý giải vì sao, các chế tài xử phạt liên tục tăng, “thuốc” đã rất “đắng”, mà “bệnh” vẫn nhờn.

Ảnh: Báo Thanh Niên

Ảnh: Báo Thanh Niên

Tất nhiên, tình huống giao thông là vô cùng phong phú, phức tạp. CSGT không thể có đủ thời gian lắng nghe từng người. Và yêu cầu của công cuộc hiện đại hóa xử lý vi phạm giao thông là giảm bớt sự tham gia của con người càng nhiều càng tốt.

Song, quá trình ấy còn dài. Sự chuyển biến ý thức của người dân tính bằng thập niên. Chừng nào vẫn cần lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trực tiếp ngoài đường, chừng đó vẫn cần một sự thay đổi về cách tiếp cận.

Ở đó, người xử phạt luôn ý thức rằng, mình là người thừa hành pháp luật, thực hiện quyền lực của nhà nước – chứ không phải quyền uy cá nhân. Ở đó, quá trình xử lý vi phạm luôn được quán triệt là quá trình truyền thông, để người dân biết, hiểu và chấp hành, hợp tác với ngươi thực thi pháp luật, tránh cảm giác “bị đè ra để phạt”.

Ở đó, dù luật pháp là vô tình như nguyên tắc phải thế, nhưng người chấp pháp không vô tình, mà là những con người thực thi pháp luật biết lắng nghe, chia sẻ, biết vận động thuyết phục để động viên ý thức của người dân, để người dân thấy sự cần thiết của các quy định, thấy trách nhiệm của mình với an toàn của cộng đồng, để tự giác chấp hành.

Đó mới là mục tiêu cao nhất của việc xử phạt vi phạm giao thông.

Kiều Tuyết/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Cái kết đắng cho tài xế leo vỉa hè giữa giờ cao điểm

Cái kết đắng cho tài xế leo vỉa hè giữa giờ cao điểm

Những người điều khiển xe máy cố tình leo vỉa hè, bất chấp mức phạt đã tăng cao… Và khi gặp cảnh sát giao thông, thì luồn lách với ý định “thông chốt”.

Chủ đầu tư 'đừng hứa nữa'

Chủ đầu tư "đừng hứa nữa"

Được thông xe vào năm 2023, tuy nhiên, từ đó đến nay, hầm chui trước bến xe Miền Đông mới (thuộc TP. Thủ Đức, TP.HCM) đã nhiều lần ngập sau mưa. Mặc dù chủ đầu tư đã nhiều lần cam kết se khắc phục tình trạng này nhưng chỉ là lời hứa.

Lính Trường Sa và thứ lương thực “xa xỉ” nhất trên đại dương

Lính Trường Sa và thứ lương thực “xa xỉ” nhất trên đại dương

Từ đảo nổi đến đảo chìm trên quần đảo Trường Sa, những vườn rau, chuồng gà là hình ảnh không thể thiếu…

Hàng nghìn điều kiện kinh doanh sắp được cắt giảm

Hàng nghìn điều kiện kinh doanh sắp được cắt giảm

Khoảng 2.700 điều kiện kinh doanh không cần thiết sẽ tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương cắt giảm. Cổng dịch vụ Công cấp tỉnh sẽ đóng giao diện từ ngày 01/7/2025…

Hơn 350.000 tài khoản ngân hàng bị nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, xử lý như thế nào

Hơn 350.000 tài khoản ngân hàng bị nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, xử lý như thế nào

Sau 5 năm triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025, đông đảo người dân cả nước đã dần quen thuộc với việc thực hiện các giao dịch số không có sự xuất hiện của tiền mặt.

Đoàn tàu đặc biệt đưa cán bộ, chiến sĩ về Thủ đô tập luyện diễu binh

Đoàn tàu đặc biệt đưa cán bộ, chiến sĩ về Thủ đô tập luyện diễu binh

Trưa ngày 6/6, Đoàn tàu chở cán bộ, chiến sĩ tham gia làm nhiệm vụ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (nhiệm vụ A80) đã tới ga Hà Nội.

Xử lý xe phục vụ công trình không chấp hành quy định

Xử lý xe phục vụ công trình không chấp hành quy định

Hiện nay trên địa bàn TP.HCM đang triển khai thi công nhiều công trình, dự án trọng điểm nhằm phục vụ phát triển hạ tầng đô thị. Để đảm bảo tiến độ, các ngành chức năng đã cấp phép, cấp phù hiệu cho các phương tiện chuyên chở đất, bùn và nguyên vật liệu phục vụ thi công.