Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Bỏ sổ hộ khẩu giấy: Cần đảm bảo “một cửa” thực chất

Trọng Điển - Minh Thùy - Trúc Thủy: Thứ sáu 10/03/2023, 13:49 (GMT+7)

Từ ngày 1/1, sổ hộ khẩu giấy chính thức hết hạn sử dụng thay bằng hộ khẩu điện tử. Tuy nhiên sau gần 2 tháng thực hiện vẫn còn phát sinh nhiều bất cập, khiến thủ tục hành chính một cửa tưởng nhanh nhưng lại phải lòng vòng “nhiều cửa phụ”.

Mục đích bỏ hộ khẩu giấy nhằm giúp người dân giảm bớt thủ tục hành chính; thế nhưng anh Bùi Đình Lân, TP.Thủ Đức (TPHCM) lại lòng vòng với quy trình xác nhận độc thân, vì đây là thủ tục bắt buộc khi muốn vay ngân hàng, đặt biệt theo phương thức có these chấp tài sản. Để UBND phường cấp được giấy xác nhận độc thân, anh phải sang công an phường để xin giấy xác nhận cư trú mẫu CT07 với thời hạn trong vòng 30 ngày.

Anh Lân chia sẻ: "Là người đi vay theo phương thức thế chấp như mua xe thế chấp xe, mua nhà thế chấp nhà thì bắt buộc ngân hàng phải lấy giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của mình giấy kết hôn hay giấy xác nhận độc thân. Nhà nước đã bỏ hộ khẩu rồi nhưng mà phải xác nhận vài giấy tờ rườm rà lắm".

Từ ngày 1/1, sổ hộ khẩu giấy chính thức hết hạn sử dụng thay bằng hộ khẩu điện tử - Ảnh baochinhphu

Từ ngày 1/1, sổ hộ khẩu giấy chính thức hết hạn sử dụng thay bằng hộ khẩu điện tử - Ảnh baochinhphu

Lý giải về sự bất tiện này, bà Thạch Hồng Chinh, cán bộ Tư pháp Hộ tịch phường Linh Trung, TP.Thủ Đức cho biết: "Bộ phận hộ tịch thì tất cả hồ sơ đều cần hộ khẩu như khai sinh, khai tử, kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân...

Khó khăn khi xác nhận tình trạng hôn nhân, mình vẫn phải thực hiện theo Nghị định 123 yêu cầu người dân phải chứng minh được thời gian cư trú tại phường của mình cũng như những nơi khác, nhưng khi bỏ hộ khẩu thì mình không chứng minh được, do mình chưa được chia sẻ dữ liệu.

Người dân phải liên hệ công an phường xác nhận thời gian cư trú; nếu người dân không hợp tác thì cán bộ hộ tịch bắt buộc phải liên hệ công an phường để xin xác nhận thời gian cư trú của người dân, làm cho hồ sơ của người dân trả có chậm hơn so với trước".

Đó là chuyện đi vay ngân hàng, còn anh Nguyễn Hoàng Tuấn quê gốc tỉnh Tiền Giang, sinh sống và làm việc quận Tân Bình lại khổ về chuyện cho con đi học. Nhà trường yêu cầu hồ sơ nhập học vào lớp 1 bao gồm giấy xác nhận cư trú, anh phải chờ đợi kết quả trả hồ sơ của công an phường sau nhiều ngày, mới hoàn thành thủ tục cho nhà trường: "Tôi đăng ký tạm trú cho con gái đi học mà ra công an địa phường làm rất chậm trễ, đòi photo chứng minh nhân dân, thông tin cư trú, làm vướng mắc nhiều thủ tục pháp lý".

Tương tự, anh Trần Công Nam,TP.Thủ Đức chạy đi chạy lại công an phường nhiều lần vì giấy cư trú này. Anh Nam chia sẻ, dù đã chủ động cập nhật thông tin về đăng ký thực hiện hồ sơ hành chính online qua cổng dịch vụ công, thế nhưng lại rất khó thao tác khi trang cứ liên tục báo nhập sai thông tin. Để tránh mất thời gian, anh đến công an phường để xin xác nhận cư trú, song cán bộ nơi đây thông báo phải chờ vì chưa cập nhật hệ thống.

"Bên chung cư yêu cầu bổ sung tạm trú, tôi nghe nói làm hồ sơ điện tử được bỏ hồ sơ giấy rồi nhưng lên hệ thống online thì không làm được mà ngay hệ thống công cán bộ phường cũng không khai thác được luôn. Nói chung là khó khăn và lâu lắm", anh Nam nói.

Ảnh minh họa kinhtedothi

Ảnh minh họa kinhtedothi

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TPHCM, hiện một số thủ tục hành chính vẫn cần xác nhận thông tin cư trú như: giao dịch ngân hàng, nhà đất, đăng ký điện nước, nhập học, việc làm. Bộ Công an đã hướng dẫn 7  phương thức thay thế hộ khẩu giấy bao gồm căn cước công dân gắn chip, quét mã QRcode, truy cập ứng dụng VNeID, cổng dịch vụ công quốc gia, mã số định danh cá nhân hoặc giấy xác nhận cư trú. Tuy nhiên, hệ thống dữ liệu giữa các cơ quan chưa liên thông hoàn chỉnh, trong khi cán bộ nhà nước và cả người dân còn chưa sử dụng thành thạo các phương tiện điện tử.

"Bộ Công an sử dụng phương thức thay thế hộ khẩu là căn cước công dân gắn chíp thì không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhân các thông tin đã có trên căn cước công dân.

Nhưng các cơ quan tổ chức chưa đồng bộ cơ sở hệ thống dữ liệu và chưa có thiết bị quét mã hoặc thông tin của người dân trên cơ sở dữ liệu chưa đầy đủ, dẫn đến các bộ hộ tịch tại cơ sở khi rà soát các dữ liệu dân cư và thấy không trùng khớp nên buộc phải yêu cầu người dân đi xác nhận cư trú", Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết.

Để hỗ trợ người dân thuận lợi hơn khi giao dịch hành chính, Thiếu tá Nguyễn Đình Thanh, Phó Trưởng Công an xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TP.HCM cho biết: "Đối với lực lượng công an xã đã chỉ đạo bộ phận tổ tiếp dân tiếp nhận hướng dẫn hồ sơ cho công dân để giao dịch hành chính đó được nhanh chóng. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền cho công dân tiếp cận với cổng dịch vụ công quốc gia, góp phần hạn chế thời gian đi lại của người dân".

Nói về những bất cập sau khi bỏ hộ khẩu giấy, Trung tá Vũ Hoàng Đạt, Phó giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) khẳng định: "Theo hướng dẫn của Bộ thông tin và truyền thông, để kết nối dữ liệu cơ sở quốc gia về dân cư, các hệ thống thông tin phải đạt cấp độ 3 trở lên. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều bộ, ngành cần phải đầu tư về công nghệ, đầu tư về hạ tầng, phải khắc phục lỗ hổng đó thì mới đảm bảo kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Chính vì đó là một trong những khó khăn trong việc triển khai, khai thác thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi phục vụ các Bộ ngành thực hiện thủ tục hành chính. Về vấn đề này, Bộ Công an đã phối hợp Bộ thông tin và truyền thông hướng dẫn các bộ, ngành để nâng cấp các hệ thống công nghệ thông tin để đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn về cấp độ thông tin".

Mới đây, văn phòng Chính phủ đã chỉ đạo địa phương cần quán triệt, minh bạch khi thực hiện quy định liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu, tạm trú giấy. Theo đó, rà soát quy định pháp luật liệt kê 48 danh mục thông tư, quyết định cần sửa đổi, trong đó 267 danh mục thủ tục hành chính có yêu cầu nộp, xuất trình hộ khẩu, xác nhận cư trú để bãi bỏ trước ngày 20/3.

Hà Nội yêu cầu cán bộ, công chức không yêu cầu người dân phải xuất trình, nộp sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy khi tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: Thanh Niên

Hà Nội yêu cầu cán bộ, công chức không yêu cầu người dân phải xuất trình, nộp sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy khi tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: Thanh Niên

Câu chuyện người dân “chưa kịp mừng lại lo” khi bỏ hộ giấy vừa qua, đòi hỏi cơ quan quản lý phải thực hiện thực chất hơn nữa, sớm đầu tư, kết nối hạ tầng dữ liệu đồng bộ, để người dân không còn phải ngược xuôi vì thủ tục hành chính.

Về vấn đề này, góc nhìn của VOV Giao thông quabài bình luận: “Bỏ hộ khẩu giấy: Cần đảm bảo “một cửa” thực chất”.

Nguyên nhân của việc nhiều nơi người dân vẫn bị yêu cầu xác nhận nơi cư trú, thậm chí đòi sổ hộ khẩu khi làm các thủ tục hành chính là do tính liên thông, đồng bộ dữ liệu giữa các đơn vị, ngành, địa phương gần như chưa có. Ngay bản thân người viết, đôi khi vào cổng dịch vụ công quốc gia, cổng VneiD theo tài khoản, mật khẩu đã xác lập nhưng nhiều lúc cũng rất khó khăn và báo lỗi liên tục.

Tình trạng này chắc chắn đã xảy ra với nhiều người hiện nay mỗi khi khai báo cũng như làm các thủ tục hành chính.

Riêng với công dân không rành về công nghệ thông tin, chưa cài đặt các app để tự khai báo, các ứng dụng này hoàn toàn xa lạ. Mỗi khi họ tìm đến các cơ quan công quyền, để hỗ trợ, cán bộ công chức khi tiếp nhận sẽ phải làm thay; vừa nhập dữ liệu khai báo giúp người dân vừa xử lý kết quả. Thời gian vì thế sẽ kéo dài gấp hai đến ba lần.

Đó là chưa kể, bản thân công chức viên chức cũng chưa được phép truy cập vào cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia; trong khi hầu hết các xã, phường lại không có thiết bị đọc mã QR cũng như đọc thẻ chíp trên cước công dân nên không đủ cơ sở để chứng thực, xác thực vào thủ tục hành chính cho người dân.

Tình trạng đòi giấy xác nhận cư trú, thậm chí là hộ khẩu giấy vẫn tiếp tục xảy ra. Các thủ tục hành chính của người dân khi làm giấy đăng ký kết hôn, xác nhận độc thân; hay làm thủ tục khai sinh; xin cấp phép điện nước; xác nhận nơi đăng ký thường trú, tạm trú vẫn tiếp tục vướng mắc; nhiều chuyện cười ra nước mắt. Dù hộ khẩu giấy, giấy xác nhận nơi cư trú đã chính thức khai tử.         

Rõ ràng, việc sử dụng chung về dữ liệu dân cư quốc gia; các dịch vụ hành chính công vẫn chưa được sử dụng thông suốt giữa các cơ quan hành chính nhà nước, nhất là cấp cơ sở. Các công cụ lưu trữ, quản lý hồ sơ số của công dân để giúp cán bộ công chức xử lý được mạnh dạn, chắc tay, yên tâm gần như chưa có. Đó là chưa kể, tình trạng ngẽn mạng, không tương thích giữa các phần mềm liên tục xảy ra; khiến thủ tục hành chính của người dân vì thế vẫn bị” quay vòng vòng” và chậm dù đã được điện tử hóa, số hóa một phần.         

Vấn đề mấu chốt ở đây, là sự xác thực, tính chính xác trong môi trường số; sự liên thông thông suốt giữa các bộ, ngành, địa phương về dữ liệu phải sớm được thực hiện. Khi đó, chỉ cần một và thao tác trên máy vi tính hoặc các thiết bị điện thoại thông minh, người tiếp nhận hồ sơ sẽ nắm khá chi tiết về nhân thân của người nộp; để đưa ra các quyết định giải quyết kịp thời. Điều này hiện đã được một số ngành thực hiện khá tốt.

Đơn cử như ngành ngân hàng. Khi các ngân hàng có sự đồng bộ, liên kết, mọi giao dịch của người dân, dù liên quan đến tài khoản, tiền tệ nhưng đều đảm bảo tính chính xác và đảm bảo an toàn, rất ít sai sót. Và khi cần truy xuất, kiểm tra chu trình thực hiện,tổ chức ngân hàng hoặc người sử dụng dịch vụ hoàn toàn có thể tự thao tác trên môi trường điện tử mà không cần phải tới tận nơi, tiếp xúc trực tiếp.

Đây là kinh nghiệm quý để áp dụng vào trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân một khi mỗi công dân đều có mã định danh điện tử và căn cước công dân có gắn chíp, có cấp một số tài khoản suốt đời.

Như vậy, yêu cầu về nâng cấp trang thiết bị, máy móc, đường truyền, chia sẻ dữ liệu để đấu nối sử dụng chung là yêu cầu bắt buộc với mỗi cơ quan nhà nước khi xử lý các thủ tục hành chính cho người dân trong quá trình chuyển đổi số hiện nay. Nếu còn chậm trễ thì việc cố gắng số hóa, giải quyết theo hồ sơ điện tử vẫn chỉ là khẩu hiệu, không thực chất; công việc của người dân và doanh nghiệp còn bị ách tắc.

Một vấn đề nữa là, để xây dựng thành công xã hội số, cũng cần có con người số, công dân số. Mà tiên phong chính là đội ngũ thực thi nhiệm vụ trong các cơ quan quản lý, nhất là chính quyền cơ sở. Đây chính là những người hàng ngày hàng giờ giải quyết công việc của dân; họ phải được tập huấn, nâng cấp các kỹ năng thường xuyên về sử dụng công nghệ thông tin để xử lý cũng như hỗ trợ người dân mỗi khi vào việc.

Cùng với nguồn nhân lực cốt yếu này, cơ quan quản lý cũng cần truyền thông, phổ biến; đưa ra nhiều mô hình, định dạng dễ nhớ, dễ làm để mỗi người dân học và làm theo; giúp mọi công việc liên quan đến đời sống, dân sinh đều được giải quyết trên môi trường số hóa; vừa nhanh chóng, an toàn lại tiết kiệm, hiệu quả thực chất.

Đặc biệt là thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của văn phòng Chính phủ về việc rà soát, sửa đổi, bãi bỏ các quy định pháp luật, thông tư liên quan đến việc bỏ hộ khẩu giấy đúng thời hạn trước ngày 20/3, để không gây phiền hà cho người dân./.

Trọng Điển - Minh Thùy - Trúc Thủy/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Tổ chức lại giao thông đường Minh Khai, gỡ “nút thắt cổ chai”

Tổ chức lại giao thông đường Minh Khai, gỡ “nút thắt cổ chai”

Đã 1 tuần kể từ khi nút giao phố Minh Khai - Ngõ 349 Minh Khai - Lối vào Bệnh viện Vinmec Times City (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) được tổ chức lại giao thông. Hiện tượng ùn ứ, ách tắc, đặc biệt theo hướng từ cầu Vĩnh Tuy hướng vào trung tâm thành phố đã có sự chuyển biến khá tích cực.

Làm luật để “hoãn”

Làm luật để “hoãn”

Khi một quy định được ban hành nhưng không thể thực thi, chúng ta đều biết hậu quả sẽ là sự khinh nhờn luật lệ. Vì thế, việc đưa ra nhiều quy định pháp luật mà không tính toán được khả năng thực thi, chính là cách để làm giảm sự tôn nghiêm của pháp luật.

TP.HCM: Mong thoát cảnh kẹt xe khi Quốc lộ 13 được đầu tư 20.000 tỷ

TP.HCM: Mong thoát cảnh kẹt xe khi Quốc lộ 13 được đầu tư 20.000 tỷ

Quốc lộ 13 đoạn qua địa bàn TP.HCM chỉ dài gần 6km nhưng suốt hai thập kỷ qua chưa thể mở rộng, trong khi đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương hiện đang triển khai thi công mở rộng lên 6 - 8 làn xe.

Người khuyết tật vẫn khó sử dụng xe buýt

Người khuyết tật vẫn khó sử dụng xe buýt

Hà Nội có hơn 100.000 người khuyết tật, nhưng số lượng người khuyết tật trực tiếp tham gia giao thông nói chung và xe buýt nói riêng rất thấp, đặc biệt là những người khuyết tật vận động. Vậy đâu là lí do khiến người khuyết tật ngại hòa nhập cộng đồng?

TP.HCM: Cháy quán bar ở trung tâm Quận 1

TP.HCM: Cháy quán bar ở trung tâm Quận 1

Lửa kèm khói bốc lên từ 1 quán bar trên đường Lý Tự Trọng cách chợ Bến Thành không xa…

Mong chờ một diện mạo mới của du lịch đường sông

Mong chờ một diện mạo mới của du lịch đường sông

Du lịch đường sông đang nổi lên như một loại hình dịch vụ quan trọng của ngành du lịch ĐBSCL khi vùng sở hữu thế mạnh sông nước với 28.000 km đường thủy. Mới đây nhất, cú bắt tay giữa TP.HCM và ĐBSCL đã “phác họa” được 22 tuyến và 4 trung tâm trung chuyển hành khách để phát triển ngành du lịch.

Đập lúa lấy rơm ngày ấy - bây giờ

Đập lúa lấy rơm ngày ấy - bây giờ

Khi nắng phương Nam rọi ấm các cánh đồng Đông Xuân sớm cũng là lúc mùa gặt chớm đến trên đồng. Hình ảnh mái nhà tranh nép mình bên ụ rơm vàng hực, tụi trẻ chơi trò ú tim dưới gốc rơm mềm đã trở thành biểu tượng của một đồng quê yên ả, thanh bình.