Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Bỏ qua “giờ vàng” vì thiếu phương tiện, kỹ năng cấp cứu TNGT

Nguyễn Yên - Kiều Tuyết: Thứ năm 18/08/2022, 13:39 (GMT+7)

Chỉ 5% nạn nhân TNGT được cấp cứu kịp thời, trong khi các quy định về tổ chức và hoạt động cấp cứu TNGT trên đường bộ theo quy định chưa được thực thi; và quãng đường di chuyển từ nơi xảy ra tai nạn tới các cơ sở y tế thường xa, đặc biệt là trên các tuyến cao tốc.

Mặt khác, đội ngũ lái xe đa số chưa có kỹ năng và sự tự tin giải quyết tình huống khẩn cấp khi gặp tai nạn giao thông trên đường. Vậy, làm sao để nâng cao hiệu quả hoạt động cấp cứu TNGT một cách nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả?

Là tài xế thường xuyên di chuyển trên đường nhưng anh Trần Mạnh Đạt, ở Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ, anh và nhiều anh em lái xe hiện chưa có đủ kỹ năng và kinh nghiệm để ứng cứu nạn nhân tai nạn giao thông ngay tại hiện trường: “Có nhiều anh em lái xe dịch vụ hoặc lái xe taxi thì họ được trang bị kỹ năng nhiều hơn, như tôi thì chỉ dựa theo kinh nghiệm mình đã có nên tùy vào tình huống, nhiều lúc gặp người bị tai nạn nặng thì mình không dám sơ cứu mà phải chờ xe cứu thương hoặc lực lượng chuyên ngành đến xử lý”.

Trong khi đó, lực lượng nhân viên tuần đường cũng gặp nhiều khó khăn bởi chưa đủ kỹ năng và thiếu trang thiết bị cần thiết, trong khi phải làm nhiệm vụ phân luồng giao thông khi có tai nạn giao thông xảy ra.

Ông Phạm Trọng Nhi, Giám đốc Công ty Cổ phần công trình giao thông 2 Hà Nội cho biết về điều này: “Lực lượng tuần đường chỉ huấn luyện sơ qua về vấn đề này thôi, không có bông băng trong túi đồ của tuần đường. Khi các vụ tai nạn xảy ra thì lực lượng này chủ yếu tập trung vào phân luồng giao thông là chính và hỗ trợ để gọi cứu thương”.

Các chuyên gia y tế đánh giá, việc sơ, cấp cứu ban đầu cho nạn nhân TNGT hiện còn nhiều hạn chế, chỉ có khoảng 5% nạn nhân TNGT được xe cấp cứu chuyển đến bệnh viện trong “thời gian vàng”. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này mà theo TS. Bác sĩ Phạm Đức Phúc, chuyên gia y tế công cộng, nguyên nhân chính nằm ở việc thiếu kỹ năng và tâm lý sẵn sàng giúp đỡ người bị nạn:

“Về chuyên môn thiếu nhiều kiến thức, kỹ năng về sơ cấp cứu ban đầu, cơ bản nhất mà tốt nhất bây giờ cần đưa sớm vào các chương trình đào tạo cho học sinh và đội ngũ ngành giao thông, cảnh sát giao thông, những lái xe, phụ xe là những người gần nhất, trực tiếp nhất thì cần có kiến thức, kỹ năng. Đây là điều rất cần thiết hiện nay và cần có chương trình đào tạo phù hợp cho từng đối tượng”, Bác sĩ Phạm Đức Phúc cho biết.

2-1208

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tổ chức cấp cứu tai nạn giao thông trên mạng đường bộ cao tốc đến năm 2020. Tuy nhiên, tới nay các trạm cấp cứu trên đường cao tốc theo Đề án vẫn chưa xây dựng được mà chỉ tạm thời sử dụng cơ sở y tế của địa phương dọc tuyến. Mới đây, cử tri TP.HCM đã kiến nghị bổ sung trạm y tế thường trực trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương do tai nạn giao thông xảy ra nhiều nhưng còn gặp nhiều khó khăn do kinh phí xây dựng và nguồn nhân lực cho trạm hoạt động.

Trong tình hình đó, theo TS. Phạm Thành Lâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế GTVT, Bộ GTVT, giải pháp cấp thiết hiện nay là cần tăng cường mạnh mẽ công tác đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng cấp cứu ban đầu đối với các cơ sở y tế địa phương; đồng thời, chú trọng nâng cao kiến thức, kỹ năng tổ chức sơ cứu nạn nhân TNGT trong cộng đồng xã hội để hỗ trợ nạn nhân một cách kịp thời và đúng cách.

“Số lượng người tham gia cấp cứu chưa nhiều so với mật độ lưu thông trên đường, những người học sơ cứu ban đầu với mục tiêu giảm tỷ lệ thương vong và tỷ lệ di chứng. Nếu có kinh phí và điều kiện đào tạo thì đối tượng không cần là tất cả mọi người dân mà tập trung vào đội ngũ lái xe, đưa vào chương trình sát hạch lái xe có chứng chỉ sơ cấp cứu ban đầu; thứ hai là thanh tra giao thông, tuần đường và công an giao thông, thứ ba là những người dân sinh sống gần đường giao thông”, TS. Phạm Thành Lâm cho biết.

TS Khương Kim Tạo - Nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia nhấn mạnh, việc xây dựng hệ thống chăm sóc chấn thương hiệu quả trước khi vào viện sẽ góp phần giảm tỷ lệ người chết và bị thương do TNGT. Tuy nhiên, việc triển khai hệ thống này trong thời gian qua còn chậm chạp. Do đó, cần ưu tiên đào tạo kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ lái xe để họ chủ động phòng ngừa và có thể can thiệp, sơ cứu ngay khi phát hiện sự cố, tai nạn:

“Việc đào tạo sơ cấp cứu thì trước hết lái xe khách và xe con cần phải được đào tạo về sơ cấp cứu cho người ta, để người ta có thể giải quyết nhưng tình huống sơ bộ. Không chỉ người ta cấp cứu cho nạn nhân mà chính người ta chở, mà những lái xe khác khi gặp tai nạn thì người ta xuống hỗ trợ”, TS Khương Kim Tạo nói.

Thực tế, việc cấp cứu TNGT đường bộ trong thời gian qua chủ yếu dựa vào cộng đồng. Trong khi đó, nếu đào tạo được kiến thức cấp cứu cho đội ngũ cộng tác viên, xây dựng trạm sơ cấp cứu dọc các tuyến đường thì mỗi năm có thể giảm 10% số người chết do TNGT. Thêm vào đó, cần sự đầu tư về kinh phí, trang thiết bị để nâng cao năng lực cấp cứu, giúp hạn chế số trường hợp tử vong đáng tiếc.

Chỉ có khoảng 5% nạn nhân TNGT được xe cấp cứu chuyển đến bệnh viện trong “thời gian vàng”. Ảnh: Bà Rịa Vũng Tàu

Chỉ có khoảng 5% nạn nhân TNGT được xe cấp cứu chuyển đến bệnh viện trong “thời gian vàng”. Ảnh: Bà Rịa Vũng Tàu

Như VOV Giao thông đã đề cập, trước tình hình TNGT trên cao tốc diễn biến phức tạp, mới đây cử tri TP.HCM đề xuất lập các trạm y tế cấp cứu TNGT trên cao tốc. Dù có khiến một số người cảm thấy hơi bất ngờ, nhưng số đông đều thấy cần thiết và đồng tình ủng hộ.

Đặc biệt, khi Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 – 2030 đã xác định tầm nhìn “Về 0”, tức là hướng đến mục tiêu không có người chết do tai nạn giao thông đường bộ, đồng thời xác định: Ứng phó sau TNGT” là 1 trong 5 trụ cột của Chiến lược này.

Dưới góc nhìn của VOV Giao thông, đề xuất này là một cơ hội để giải trình và cam kết, cho những Chiến lược, đề án về cấp cứu TNGT trên cao tốc đã được chỉ đạo từ trước đó cả chục năm, chứ không thể đổ tại… ông trời.

Giảm thiểu tiến tới không còn người chết do TNGT là một mục tiêu đầy tính nhân văn, nhưng cũng là thách thức rất lớn với các quốc gia mà năng lực sơ cấp cứu ngoại viện nói chung, cấp cứu TNGT nói riêng còn nhiều hạn chế như hiện nay.

Thực ra, các chính sách về giảm thiểu thương vong sau TNGT đã được  quan tâm từ khá sớm, thể hiện qua Quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 2013 phê duyệt Đề án tổ chức cấp cứu tai nạn giao thông trên mạng đường bộ cao tốc đến năm 2020, với các mục tiêu rất cụ thể cho từng giai đoạn, gắn trách nhiệm cho từng bộ ngành, địa phương.

Các mục tiêu  đặt ra trong đề án như: 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn nơi có mạng đường bộ cao tốc đi qua có năng lực sơ cứu, cấp cứu tai nạn giao thông; Nâng cấp 50% các trạm y tế hiện có trên mạng đường bộ cao tốc; 100% lái xe được cấp mới giấy phép lái xe từ năm 2015 phải có chứng chỉ về đào tạo kỹ năng sơ cứu tai nạn giao thông; 80% lái xe đã được cấp giấy phép lái xe, cán bộ Hội Chữ thập đỏ và tình nguyện viên được đào tạo kỹ năng cấp cứu cơ bản tai nạn giao thông; thành lập 2 trung tâm điều hành cấp cứu TNGT khu vực …là rất lý tưởng, và nếu hoàn thành đúng yêu cầu, thì tỉ lệ thương vong do TNGT trên cao tốc chắc chắn đã giảm được rất sâu.

Nhưng cho đến nay, rất nhiều mục tiêu vẫn đang dừng lại ở đề án. Không hề có báo cáo nào về tiến độ hoàn thành, cũng không giải trình về lý do chưa thể thực hiện.

Trên hơn 2000 km cao tốc đã vận hành, ngoài hệ thống báo hiệu về các nút ra vào và một vài địa điểm như sân golf, khu du lịch, tài xế hầu như không thể tìm thấy biển báo về vị trí có trạm y tế, trạm cấp cứu TNGT hai bên cao tốc, cho đến khi họ gặp vấn đề thì loay hoay tra cứu.

Đã có những bước khởi động về tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu cho đội ngũ tài xế taxi, nhưng chỉ thuần túy mang tính ra quân.

Còn việc đưa nội dung sơ cấp cứu vào chương trình đào tạo lái xe, chỉ thực hiện khi có sự phối hợp của Ủy ban ATGT Quốc gia và hội chữ thập đỏ ở một vài địa phương, nhất thời và ít ỏi.

Cả hạ tầng lẫn con người phục vụ cho công tác sơ cấp cứu TNGT trên cao tốc – đến thời điểm này, đều chưa sẵn sàng, và không có các động thái rõ nét để thúc đẩy cải thiện, trong khi mạng lưới cao tốc đang nỗ lực bứt phá để đạt 5000km vào năm 2030. Đó cũng chính là mốc thời gian mà Chính phủ đã xác định là phải kéo giảm 50% thương vong do TNGT so với hiện tại.

Như vậy, thách thức để đạt mục tiêu về giảm TNGT đang tăng theo cấp số nhân, đòi hỏi phải có các giải pháp quyết liệt để khắc phục.

Đề xuất của người dân TPHCM về bố trí trạm y tế TNGT trên cao tốc là một lời nhắc nhở rất đúng lúc, và là cơ hội để giải trình các nguyên nhân vì sao Đề án cấp cứu TNGT trên mạng đường bộ cao tốc ban hành gần chục năm nay mà không được hoàn thành; và yêu cầu minh bạch các cam kết thực hiện Chiến lược quốc gia về đảm bảo TTATGT đường bộ đến 2030 của từng bộ ngành, từng địa phương, kèm theo biện pháp giám sát về kết quả thực hiện trong từng giai đoạn.

Trên tất cả, tầm nhìn không thương vong cần được quán triệt mạnh hơn đến từng chủ thể trong hoạt động giao thông, để thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn và thiệt hại do TNGT.

Bởi kết quả phân tích TNGT trong nhiều năm liên tiếp đã chỉ ra, hơn 90% nguyên nhân do yếu tố chủ quan, tức là tại con người, chứ không phải tại “trời”. Mà tại con người thì đương nhiên, hoàn toàn có thể giảm, tránh nếu quyết tâm hành động./.

Nguyễn Yên - Kiều Tuyết/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Hiện nay, trong bối cảnh Hà Nội đang đối mặt với tình trạng ùn tắc và ô nhiễm không khí, nhiều người dân có xu hướng chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, trong đó có đường sắt đô thị.

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Sau nhiều năm mong chờ, cầu Tứ Liên dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay. Đây có lẽ là cây cầu được người dân Hà Nội mong mỏi sớm triển khai nhất hiện nay để kết nối thuận lợi từ trung tâm thành phố Hà Nội với huyện Đông Anh và các tỉnh phía Bắc.

Phụ huynh cần cảnh giác với đồ ăn không rõ nguồn gốc ở cổng trường

Phụ huynh cần cảnh giác với đồ ăn không rõ nguồn gốc ở cổng trường

TPHCM vừa phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) 2024 với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, thực hiện từ nay cho đến hết 15/5.

Di dời nhà ven kênh rạch: Cần cơ chế đặc thù, đột phá

Di dời nhà ven kênh rạch: Cần cơ chế đặc thù, đột phá

Kế hoạch di dời nhà trên và ven kênh rạch của TP.HCM được đặt ra từ rất sớm, thế nhưng 20 năm qua, việc thực hiện rất ì ạch, kéo theo nhiều hệ lụy. Điển hình là vụ cháy dãy nhà ven kênh Tàu Hủ vừa qua, là hồi chuông báo động về những bất cập vốn tiềm ẩn với khu nhà ven kênh rạch.

Nghệ sĩ saxophone Kenny G ra mắt MV 'Going Home' quảng bá du lịch Việt Nam

Nghệ sĩ saxophone Kenny G ra mắt MV "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Nghệ sĩ Kenny G ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam giới thiệu các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Giá vé máy bay tăng cao: Người dân đổi hướng du lịch

Giá vé máy bay tăng cao: Người dân đổi hướng du lịch

Chỉ hơn một tuần nữa là đến kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 , nhưng giá vé máy bay nội địa hiện tại không những “đắt đỏ” mà còn “khan hiếm”. Nhiều người thay vì “đu đỉnh” với giá vé thì đã chọn chuyển hướng du lịch.

Ngập giữa mùa khô

Ngập giữa mùa khô

TP.HCM đang trong vào mùa cao điểm nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến hơn 40 độ. Thế nhưng đối với người dân sinh sống tại tuyến đường Trần Xuân Soạn, quận 7 và một số tuyến trũng, thấp những ngày qua lại phải chìm trong biển nước...