Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dân sinh

Bị thu hồi đất với giá 0 đồng, nỗi niềm người dân sống dưới chân gò Đống Thây

Hải Bằng: Thứ tư 21/05/2025, 18:25 (GMT+7)

Ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội, nơi đất chật người đông, giá đất từng mét vuông có thể lên tới cả trăm triệu đồng. Thế nhưng, lại đang tồn tại một nghịch lý: hàng chục hộ dân tại phường Thanh Xuân Trung bị yêu cầu giao lại đất cho nhà nước mà… không được đền bù đồng nào.

Họ là những người dân đang sống ổn định hàng chục năm dưới chân gò Đống thây (Thanh Xuân, Hà Nội). Vậy tại sao một dự án “bảo tồn di tích lịch sử” lại khiến người dân phản ứng dữ dội như vậy?

Tại tổ 14, phường Thanh Xuân Trung, hơn 60 hộ dân đã sống hàng chục năm trong khu vực gần Gò Đống Thây. Họ không sống tạm bợ, đó là những ngôi nhà xây kiên cố, có điện nước, hộ khẩu, đóng thuế đất, thậm chí có sổ đỏ từng phần. Cuộc sống mưu sinh gắn liền với từng mét đất. Có người mở cửa hàng tạp hóa, có nhà cho thuê trọ sinh viên, cũng có hộ bán hàng ăn để kiếm sống qua ngày.

Theo người dân, từ hàng chục năm nay, khu vực gò Đống Thây chỉ là khu vực tồn tại ngôi đình với diện tích chưa đầy 100m2. Đất đai xung quanh đình đã được người dân làm nhà ở và các công trình kiên cố. Thế nhưng, hàng chục hộ dân bất ngờ nghe tin dự án tôn tạo, tu bổ gò Đống Thây được UBND quận Thanh Xuân lập ra với diện tích hơn 15.000 m2 mà không hề lấy ý kiến người dân.

Gò Đống Thây (Thanh Xuân, Hà Nội) sau nhiều năm được người dân tự đóng góp tiền tôn tạo thành khu vực thờ cúng tâm linh của người dân trong khu vực

Gò Đống Thây (Thanh Xuân, Hà Nội) sau nhiều năm được người dân tự đóng góp tiền tôn tạo thành khu vực thờ cúng tâm linh của người dân trong khu vực

Nhiều người dân địa phương cho biết, từ những năm 1970 - 1980, rất nhiều hộ dân đã sinh sống ở khu vực này. Đến năm 1990, di tích gò Đống Thây được công nhận là di tích lịch sử. Trong suốt mấy chục năm qua, cuộc sống của người dân vẫn ổn định, không xảy ra tranh chấp đất đai. Quá trình sử dụng đất, xây dựng các công trình trên đất, các gia đình không bị cơ quan có thẩm quyền nào xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và xây dựng.

Đến năm 1997, UBND TP.Hà Nội ban hành Quyết định số 1185/QĐ-UB giao Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội sử dụng hơn 26.700 m2 đất tại khu vực gò Đống Thây để quản lý và bảo tồn.

Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (trú tại số 9/55 ngõ 472, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân) cho biết: “Tôi thấy đây là dự án rất vô lý. Muốn thực hiện dự án phải lấy ý kiến người dân. Chúng tôi khách quan chưa từng được lấy ý kiến gì cả. Tôi chưa nhìn thấy bất cứ mốc giới nào là di tích lịch sử cả. Không có mốc giới, không có bất cứ thứ gì. Khi chúng tôi tiếp cận dự án thì thấy rất nhiều quyết định cấp đất sai trái với pháp luật, cho nên cần phải làm rõ. Kể cả vai trò là chủ đầu tư của UBND quận Thanh Xuân cũng không có mà chỉ có văn bản là chủ đầu tư.

Đất này được giao cho Ban danh thắng năm 1997 với 26722 m2 và hiện tại chúng tôi được biết là chưa có quyết định thu hồi đất để giao cho Ban danh thắng và giao cho UBND quận Thanh Xuân làm chủ đầu tư. Do đó dự án này phải xem lại toàn bộ tính pháp lý. Tôi thấy dự án này toàn bộ là sai”.

Hầu hết các hộ dân đã ở hàng chục năm trong khu vực dự án tôn tạo gò Đống Thây. Đây đều là các công trình kiên cố và có hợp đồng sử dụng điện nước theo quy định

Hầu hết các hộ dân đã ở hàng chục năm trong khu vực dự án tôn tạo gò Đống Thây. Đây đều là các công trình kiên cố và có hợp đồng sử dụng điện nước theo quy định

Theo người dân, vào những năm 1990, khu vực gò Đống Thây chưa được xây dựng mà chỉ là nhưng ụ đất cao. Đây là khu vực thu hút nhiều thành phần bất hảo, thường xuyên tìm đến để sử dụng ma túy và nhiều tệ nạn xã hội. Người dân trong khu vực đã đóng góp để dọn dẹp, xây dựng lại gò Đống Thây khang trang, sạch đẹp trở thành nơi tâm linh để thờ cúng.

Vào năm 1997 khu vực gò Đống Thây được giao Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội sử dụng hơn 26.700 m2 đất để quản lý và bảo tồn. UBND TP. Hà Nội cũng giao Ban quản lý có trách nhiệm phối hợp với quận Thanh Xuân lập hội đồng giải phóng mặt bằng, đền bù thiệt hại về đất đai, tài sản cho người sử dụng bị thu hồi theo quy định. Tuy nhiên sau đó, việc giải phóng mặt bằng không được cơ quan chức năng tiến hành.

Vào năm 2010, UBND TP. Hà Nội tiếp tục có văn bản giao UBND quận Thanh Xuân làm chủ đầu tư lập và thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo gò Đống Thây. Thế nhưng, điều đáng nói là ở thời điểm này, diện tích đất phục vụ thực hiện dự án chỉ còn lại hơn 15.000 m2. Vậy, gần 12.000 m2 đất được giao cho cá nhân hay tập thể nào sử dụng?

Đặt câu hỏi về việc này, bà Trần Kim Tuyến người dân sinh sống trong khu vực bức xúc: “Gia đình tôi thuộc diện không được bồi thường mà chỉ được hỗ trợ 11 triệu đồng tiền di dời. Đó là điều hết sức phi lý vì chính quyền ở đây tồn tại qua bao thời kỳ, chúng tôi ở đây, dựng cửa dựng nhà, không gặp bất kỳ ngăn cản nào cả, không bị xử lý về trật tự xây dựng. Nhà chúng tôi mọc lên thế này, lắp điện nước là đều giao dịch dân sự, được sự công nhận của chính quyền phường. Thì bây giờ chính quyền lại gạt chúng tôi ra và cho rằng chúng tôi ở sau năm 2014. Bây giờ không thừa nhận chúng tôi thì trách nhiệm của họ ở đâu? họ làm gì trong thời gian qua? Đấy là sự xác nhận tùy tiện và không có căn cứ. Chúng tôi chỉ được biết hồ sơ pháp lý qua họ nói là tôn tạo tu bổ gò Đống Thây.

Chúng tôi chưa bao giờ quan tâm đến phần hỗ trợ hay đền bù vì đó là quyền lợi. Nhưng chúng tôi luôn suy nghĩ về pháp lý của dự án đã minh bạch hay chưa, đúng thẩm quyền hay chưa? Tôi thấy hoang đường, vì gò Đống Thây đã đẹp thế này rồi thì tu bổ làm gì? không hề có dự xuống cấp hay đánh giá của các nhà khoa học nào cả. Theo tìm hiểu của chúng tôi ở điều 32 luật di sản thì phải dựa trên nền cũ, có sự đánh giá của các nhà nghiên cứu nếu có sự xuống cấp nghiêm trọng. Còn đây tu bổ vẫn nguyên, mở rộng diện tích thôi thì tôi thấy không có sự minh bạch ở đây”.

Hàng năm, nhiều gia đình vẫn thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai. Tuy nhiên, họ lại không hề có quyền lợi gì khi bị thu hồi đất để thực hiện dự án tôn tạo lại gò Đống Thây

Hàng năm, nhiều gia đình vẫn thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai. Tuy nhiên, họ lại không hề có quyền lợi gì khi bị thu hồi đất để thực hiện dự án tôn tạo lại gò Đống Thây

Đã sống từ bé tại chân gò Đống Thây, ông Đỗ Hùng Cường (70 tuổi) vô cùng lo lắng trước việc căn nhà của gia đình đang đứng trước nguy cơ bị “mất trắng”. Bởi theo thông báo của UBND quận Thanh Xuân, 61 hộ dân phải bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử gò Đống Thây. Nhưng điều khiến người dân phẫn nộ là mức đền bù được xác định là 0 đồng…

“Đền này do dân chúng tôi tự trông nom, nếu có di tích thì phải có Ban quản lý người ta quản lý từ xưa đến nay nhưng thực tế là không có. Chính vì thế mà người dân chúng tôi phải gìn giữ và tôn tạo để khang tranh như ngày hôm nay. Thế là đúng 1 cái đuổi 61 hộ dân chúng tôi đi, thử nghĩ xem chúng tôi đi đâu về đâu? Làm sai mà dự án này chúng tôi đồng thuận hay không thì cũng phải được đối thoại, được lắng nghe các ban ngành liên quan nói gì, thế thì mới đi đến thống nhất. Chứ bây giờ đùng 1 cái ngày này ngày này cưỡng chế… như tuổi tôi tham gia cách mạng, thương binh mà cuối đời lại phải ra đường, mà con cháu chúng tôi học hành đi đâu về đâu…?” -  ông Đỗ Hùng Cường nói

Việc người dân không chấp nhận bàn giao mặt bằng khiến dự án tu bổ di tích gò Đống Thây gặp vướng mắc nghiêm trọng. Quận Thanh Xuân đã lên kế hoạch cưỡng chế hơn 60 hộ dân trong ngày 21 và 22/5/2025. Thế nhưng, chỉ 2 trong số 61 hộ dân đồng ý giao đất. Các hộ còn lại cương quyết phản đối dự án này.

Thu hồi đất với giá 0 đồng, nhiều người dân đã bày tỏ sự bức xúc và tuyệt vọng khi bị đưa ra khỏi chính căn nhà của họ.

Thu hồi đất với giá 0 đồng, nhiều người dân đã bày tỏ sự bức xúc và tuyệt vọng khi bị đưa ra khỏi chính căn nhà của họ.

Có thể, việc tu bổ di tích gò Đống Thây là hành động đúng đắn về chủ trương, nhằm giữ gìn giá trị lịch sử quý báu của dân tộc. Thế nhưng, chính cách thực hiện dự án này lại đang “gạt” người dân ra khỏi chính căn nhà của họ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng trăm người. Bảo tồn di tích không nên trở thành cái cớ để bỏ quên sinh kế và quyền lợi chính đáng của người dân.

PV VOV Giao thông sẽ tiếp tục làm việc với UBND quận Thanh Xuân và phường Thanh Xuân Trung để giải đáp những thắc mắc của người dân trong vụ việc này. Mời các bạn đón xem trong các bài viết sau!

Hải Bằng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn