Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Bến Tre loay hoay xử lý ô nhiễm từ than thiêu kết

Xuân Quang: Thứ bảy 20/01/2024, 14:30 (GMT+7)

Xã Phong Nẵm, huyện Giồng Trôm được xem là trung tâm tiêu thụ gáo dừa của tỉnh Bến Tre và là nơi tập trung nhiều lò sản xuất than thiêu kết. Tuy nhiên, khí thải trong quá trình sản xuất than không được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

"Buổi trưa xả khói ra là như sương mù."

"Khói bay mù mịt, cây cối xơ xác, rụng lá sạch sẽ. Người với người đứng kế bên mà bị khói làm cho không nhìn ra nhau."

"Người dân ở đây số thì bỏ nhà đi, số thì kêu bán đất để đi nơi khác ở, ở đây chịu không nỗi."

Trên đây là phản ánh của người dân ở xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre khi nói về tình trạng ô nhiễm môi trường không khí do các nhà máy sản xuất than thiêu kết gây ra. Than thiêu kết được sản xuất từ việc đốt gáo dừa trong điều kiện hiếm khí, là nghề góp phần tiêu thụ nguyên liệu từ cây dừa, giải quyết công ăn việc làm cho lao động, góp phần phát triển kinh tế địa phương… nhưng hệ lụy của nó thì vô cùng “khốc liệt”.

Lò đốt xả khói, người dân chỉ còn biết chạy vô nhà đóng kín cửa lại, mở máy quạt thật mạnh để chờ cho khói qua đi mới dám ra ngoài

Lò đốt xả khói, người dân chỉ còn biết chạy vô nhà đóng kín cửa lại, mở máy quạt thật mạnh để chờ cho khói qua đi mới dám ra ngoài

Bà N.T.H (75 tuổi) cho biết, khoảng hơn 10 năm trước, nhu cầu sử dụng than thiêu kết tăng cao cũng là lúc các cơ sở sản xuất ở đây đi vào hoạt động mạnh mẽ nhất. Trong quá trình sản xuất, lò đốt xả khói, người dân chỉ còn biết chạy vô nhà đóng kín cửa lại, mở máy quạt thật mạnh để chờ cho khói qua đi mới dám ra ngoài.

Bà N.T.H – ngụ xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre bức xúc. "Hễ qua mùa gió chướng, khói bay ngược qua sông thì đỡ, gặp mùa gió nam thì từ đây sắp tới là phải chịu đựng cho tới tháng 10, tháng 11. Sáng sớm, trưa, chiều… hễ vắng là xả, ngày nào cũng xả 24/24. Cây cối bị khói than đóng không thể cho trái nổi."

Nhả khói ô nhiễm trong một thời gian dài, hệ lụy của nghề sản xuất than thiêu kết là đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người cao tuổi và trẻ em trong địa phương. Mặc dù một số cơ sở đã thực hiện cải tiến lại hệ thống xử lý khói thải, nhưng kết quả khảo sát và đo mẫu nhanh được Sở TN&MT tỉnh Bến Tre công bố thì hàm lượng CO trong khí thải vẫn còn cao hơn so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp. Bà Huỳnh Thị C - ngụ xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre than thở:

"Nhà có thằng bé nhỏ buộc phải đưa nó vào phòng kín, mở quạt lên. Mình lớn rồi, mình chết cũng không sao nhưng còn mấy đứa nhỏ tội nghiệp nó lắm. Khói mù mịt không thấy đường, đến nỗi, giữa người này với người kia mà khói nó làm cho không thấy được nhau."

Theo Sở TN&MT tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh có tổng cộng 46 cơ sở sản xuất than thiêu kết, nhiều nhất là huyện Giồng Trôm có 41 cơ sở với 395 lò, kế đến là Bình Đại và Châu Thành. Công suất hoạt động trung bình từ 2,5 - 3,5 tấn than/lò/tuần.

Đơn vị này khẳng định, hầu hết các cơ sở đều có hệ thống xử lý khói nhưng đã xuống cấp và không hiệu quả. Một phần do chủ cơ sở không vận hành thường xuyên hệ thống xử lý khí thải.

Than thiêu kết góp phần tiêu thụ nguyên liệu từ cây dừa nhưng hệ lụy của nó thì vô cùng “khốc liệt”

Than thiêu kết góp phần tiêu thụ nguyên liệu từ cây dừa nhưng hệ lụy của nó thì vô cùng “khốc liệt”

Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu tất cả các cơ sở phải thay đổi công nghệ sản xuất, nếu không xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật thì buộc phải chuyển đổi nghề nghiệp hoặc di dời đến khu vực phù hợp để hoạt động.

Ông Trịnh Minh Khôi – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bến Tre cho biết: "Sở Khoa học và Công nghệ đang tìm kiếm công nghệ xử lý khói thải để nhân rộng. Sắp tới địa phương sẽ kêu gọi đầu tư nhà máy sản xuất lớn, hiện đại, đảm bảo môi trường, sản xuất sạch, giảm dần các cơ sở sản xuất theo kiểu thủ công không đảm bảo môi trường. Mình sẽ vận động các chủ cở sở này dần dần chuyển sang ngành nghề khác và tăng cường kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường trong sản xuất than thiêu kết."

Ngành chức năng của tỉnh Bến Tre vẫn đang loay hoay trong việc tìm ra biện pháp giải quyết ô nhiễm môi trường trong khi hằng ngày vẫn có hàng trăm ống khói vươn cao nhả khói vào không khí. Còn người dân thì vẫn phải sống chung với ô nhiễm ngày một trầm trọng mà không biết khi nào mới kết thúc…

Xuân Quang/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn